Nga lên tiếng về vụ bị EU đòi bồi thường 290 tỉ euro
Thông tin cho rằng Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu Nga bồi thường 290 tỉ euro là không chính xác. Đây là tuyên bố được Bộ Phát triển Kinh tế Nga đưa ra ngày 26/12.
Trụ sở Tổ chức Thương mại Thế giới ( WTO) tại Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: AFP/TTXVN
“Thông tin nói rằng EU yêu cầu Nga trả khoản tiền 290 tỉ euro trong vụ tranh chấp là không đúng. Yêu cầu của EU chỉ dừng lại ở việc đòi Nga hủy hoặc điều chỉnh một số biện pháp thương mại mà EU cho là vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Phía EU ước tính nguồn cung thị trường của Nga là 290 tỉ euro, chứ không phải đây là số tiền thiệt hại của EU”, thông cáo của Bộ Phát triển kinh tế Nga nêu rõ.
Theo bộ này, quy định của WTO không có điều khoản chi trả bồi thường kiểu như vậy. Trong các cuộc tham vấn trước đó với EU, phía Nga đã đưa ra những giải thích rõ ràng, chi tiết về việc Nga tuân thủ các biện pháp theo đúng các cam kết với WTO. Nga sẽ tiếp tục bảo vệ các quy định mua sắm của mình phù hợp với tiến trình pháp lý.
Trước đó, một số tổ hợp truyền thông của Nga đăng tải thông tin EU đệ đơn kiện tới WTO, đòi Nga bồi thường khoản tiền lên đến 290 tỉ euro vì các chính sách thay thế hàng nhập khẩu, có dấu hiệu “phân biệt đối xử” đối với hàng hóa châu Âu. EU cáo buộc Nga trong một thời gian dài đã đưa ra các biện pháp khiến các doanh nghiệp châu Âu gặp bất lợi khi buôn bán với các doanh nghiệp nhà nước của Nga và các tổ chức khác, cụ thể là hệ thống mua sắm của Nga.
Đơn khởi kiện của EU đăng trên trang web chính thức của WTO nêu rõ trị giá đấu thầu của các doanh nghiệp nhà nước Nga trong năm 2019 khoảng 23.500 tỷ rouble (khoảng 290 tỷ EUR), tương đương khoảng 20% GDP của Nga. EU kêu gọi Nga dỡ bỏ các hạn chế hoặc điều chỉnh cho phù hợp với các quy định của WTO nhưng Moskva cho rằng các biện pháp này phù hợp với các nghĩa vụ của mình trong khuôn khổ WTO.
Nhóm thành viên WTO đạt thỏa thuận 'lịch sử' về thương mại dịch vụ
Ngày 2/12, một nhóm 67 quốc gia, bao gồm Mỹ, Trung Quốc và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), đã đạt được một thỏa thuận tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về tạo thuận lợi cho thương mại trong lĩnh vực dịch vụ.
Trụ sở Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) tại Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: AFP/TTXVN
Các nước trên, vốn chỉ chiếm hơn 1/3 tổng số thành viên WTO nhưng chiếm tới 90% thương mại dịch vụ toàn cầu, đã ký kết thỏa thuận trên sau 4 năm đàm phán. Tổng Giám đốc WTO, ông Ngozi Okonjo-Iweala đã ca ngợi thỏa thuận này có ý nghĩa "lịch sử", ước tính sẽ làm giảm các chi phí liên quan đến thương mại dịch vụ tới 150 tỷ USD mỗi năm.
Trong một tuyên bố, Mỹ đã ca ngợi thỏa thuận trên, nói rằng điều này sẽ "cải thiện tính minh bạch và công bằng của các quy trình xin phép cung cấp dịch vụ của các chuyên gia và công ty trong nhiều lĩnh vực".
Trưởng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) Katherine Tai nhấn mạnh sáng kiến này là cuộc đàm phán thành công đầu tiên trong nhiều năm của WTO trong lĩnh vực dịch vụ và cho thấy cách các thành viên WTO có thể thực hiện các bước đi thực tế và hợp lý để giải quyết các vấn đề thương mại được xác định rõ ràng.
Trên trang Twitter, Ủy viên Thương mại EU Valdis Dombrovskis cũng ca ngợi thỏa thuận mang ý nghĩa "đột phá" này, cho rằng sẽ giúp giảm tệ quan liêu trong lĩnh vực thương mại dịch vụ.
Trong bối cảnh WTO trong một thời gian dài không ký kết được các thỏa thuận thương mại đa phương giữa tất cả 164 thành viên, nhóm các quốc gia với quy mô nhỏ hơn dần chuyển sang các cuộc đàm phán đa phương có chọn lọc.
WTO: Giao thương toàn cầu đang chậm lại Giao thương toàn cầu đang chậm lại sau khi phục hồi mạnh cú sốc ban đầu của dịch COVID-19 trong bối cảnh gián đoạn sản xuất, cùng sự sụt giảm của nguồn cung và nhu cầu nhập khẩu ảnh hưởng đến tăng trưởng. Đây là kết luận được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đưa ra ngày 15/11. Vận chuyển hàng hóa...