Nga lần đầu công bố thiệt hại trong chiến dịch quân sự tại Ukraine
Gần 500 binh sĩ Nga thiệt mạng, trong khi khoảng 1.600 quân nhân bị thương sau một tuần kể từ khi Nga khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Một xe quân sự Nga bị phá hủy ở Kharkov, Ukraine (Ảnh: AFP).
Bộ Quốc phòng Nga ngày 2/3 lần đầu tiên công bố số liệu về thiệt hại trong chiến dịch tấn công quân sự Ukraine. Cụ thể, 498 binh sĩ Nga đã thiệt mạng, 1.597 quân nhân bị thương với các mức độ khác nhau.
Bộ Quốc phòng Nga bác bỏ thông tin cho rằng thiệt hại của lực lượng Nga “không đếm xuể”. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cũng bác bỏ thông tin Nga sử dụng lính nghĩa vụ và học viên quân sự cho chiến dịch.
Con số thương vong mà Nga đưa ra thấp hơn nhiều so với con số mà giới chức Ukraine và phương Tây công bố rằng khoảng 6.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng.
Về thiệt hại của Ukraine, quân đội Nga ước tính, ít nhất 2.870 binh sĩ thiệt mạng, hơn 3.700 quân nhân bị thương và khoảng 572 quân nhân bị bắt giữ. Ông Konashenkov cho biết, lực lượng của Nga đã giành quyền kiểm soát các thành phố Krasny Liman, Torskoye, Kremnenaya, Varvarovka và Borovenki ở Ukraine. Nga cũng đã mở một hành lang nhân đạo ở Tây Nam Kharkov – thành phố lớn thứ hai của Ukraine. Trong khi đó, lực lượng ly khai vùng Donetsk, miền Đông Ukraine, đã bao vây thành phố cảng Mariupol ở ven biển Azov.
Video đang HOT
Nga khởi động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine hôm 24/2 không lâu sau khi công nhận độc lập cho hai vùng ly khai ở Donbass, miền Đông Ukraine. Moscow tuyên bố, chiến dịch này nhằm “phi quân sự hóa Ukraine” và bảo vệ người dân vùng ly khai Donbass. Nga cũng khẳng định, trong chiến dịch này, Moscow chỉ tấn công vào các mục tiêu quân sự ở Ukraine. Giới chức Mỹ cáo buộc, Nga đã sử dụng khoảng 450 tên lửa để tấn công các mục tiêu ở Ukraine trong một tuần qua.
Đánh giá về thiệt hại của các bên, hai quan chức cấp cao của Mỹ thạo nguồn tin tình báo cho biết, Nga mất khoảng 3-5% nguồn lực gồm xe tăng, máy bay, pháo và các khí tài quân sự khác. Mức độ thiệt hại này ở phía Ukraine ước tính khoảng 10%.
Giới chức Mỹ và phương Tây nhấn mạnh, tỷ lệ này có thể thay đổi do các bên tiếp tục gánh tổn thất khi cuộc chiến chưa có dấu hiệu lắng xuống và hai bên tiếp tục tăng viện. Tuy nhiên, đánh giá này cho thấy, mặc dù Ukraine đang cho thấy khả năng kháng cự tốt hơn so với dự đoán ban đầu, nhưng nguồn lực của Ukraine vẫn kém xa của Nga. Theo các nguồn thạo tin, Moscow dựa chủ yếu vào các vũ khí hiện đại như tên lửa hành trình tấn công chính xác, trong khi đó Ukraine phụ thuộc lớn vào nguồn viện trợ tên lửa phòng không vác vai Javelin do phương Tây cung cấp.
Mỹ và các nước phương Tây tin rằng, Nga đang thay đổi chiến thuật ở Ukraine sau khi kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh” ban đầu thất bại. Nga được cho là đã tăng cường lực lượng nhằm bao vây, cô lập các thành phố chiến lược của Ukraine như thủ đô Kiev, Kharkov, Kherson trong bối cảnh hai bên chuẩn bị bước vào vòng đàm phán thứ hai sau vòng đàm phán đầu tiên không đạt được nhiều tiến triển.
Thổ Nhĩ Kỳ tung động thái có thể gây bất lợi cho Nga
Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO, tuyên bố cấm tàu chiến di chuyển qua 2 eo biển chiến lược Bosphorus và Dardanelles, động thái có thể sẽ gây bất lợi cho chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu (Ảnh: Diyadinnet).
Al Jazeera đưa tin, Thổ Nhĩ Kỳ đã ban hành lệnh cấm tàu chiến đi qua 2 eo biển Bosphorus và Dardanelles, trong bối cảnh chiến sự giữa Nga và Ukraine đang diễn ra căng thẳng.
Động thái của Ankara được công bố hôm 28/2, sau khi Ukraine yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ kích hoạt hiệp ước 90 năm để ngăn tàu chiến Nga đi từ Địa Trung Hải vào Biển Đen.
Bosphorus và Dardanelles kết nối biển Aegean, Marmara và Biển Đen. Từ Biển Đen, tàu chiến Nga được xem đã thực hiện các hành động quân sự nhằm vào Ukraine từ hôm 24/2, ngày Moscow công bố chiến dịch đặc biệt nhằm vào nước láng giềng.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu phát biểu rằng, Ankara quyết định kích hoạt Công ước Montreux và cảnh báo tất cả các nước giáp Biển Đen và không giáp Biển Đen không cho tàu chiến đi qua các tuyến đường thủy của Thổ Nhĩ Kỳ.
Hiệp ước ký năm 1936 cho phép Thổ Nhĩ Kỳ quyền cấm các tàu chiến sử dụng eo biển Dardanelles và Bosporus trong thời chiến, hoặc khi Ankara bị đe dọa.
Hiện chưa rõ tác động từ quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ảnh hưởng tới tình hình chiến sự ra sao. Ít nhất 6 tàu chiến Nga và một tàu ngầm đã đi qua 2 eo biển của Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian qua.
Hai eo biển Bosphorus và Dardanelles được xem là cửa ngõ để tàu Nga di chuyển từ Địa Trung Hải vào Biển Đen (Đồ họa: Al Jazeera).
Theo Reuters, động thái này sẽ có thể hạn chế tàu chiến Nga di chuyển vào khu vực Biển Đen và có thể làm ảnh hưởng tới kế hoạch tác chiến của quân đội Nga.
Trước đó, Ukraine cáo buộc Nga hôm 25/2 đã phóng tên lửa hành trình Kalibr từ Biển Đen vào các thành phố Sumy, Poltava và Mariupol.
Thông báo của ông Cavusoglu đến sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, chính phủ của ông sẽ áp dụng Công ước Montreux để ngăn cuộc khủng hoảng leo thang. Ông Erdogan nhấn mạnh rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không cắt quan hệ với cả Nga hay Ukraine.
Là một thành viên của NATO, Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian đã tìm cách cân bằng giữa quan hệ với phương Tây và Nga. Dù các nước NATO đã trừng phạt Nga, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có nhiều yếu tố phải cân nhắc, vì bất cứ động thái nào đi quá xa cũng có thể ảnh hưởng tới ngành năng lượng vốn phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga, cũng như thương mại và du lịch trong lúc kinh tế của Ankara cũng đang gặp khó khăn.
Trước khi tuyên bố áp Công ước Montreux, Thổ Nhĩ Kỳ từ chối mô tả tình hình ở Ukraine là "cuộc chiến". Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua đã thừa nhận tình hình hiện tại là "thời chiến". "Đó không phải chỉ là một vài vụ không kích, tình hình ở Ukraine hiện nay đã chính thức là chiến sự", Ngoại trưởng Cavusoglu cho biết.
Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine Thổ Nhĩ Kỳ muốn làm trung gian một lệnh ngừng bắn giữa Nga và Ukraine, đồng thời tìm cách duy trì cả mối quan hệ kinh tế với Ukraine cũng như quan hệ kinh tế và chính trị với Nga. Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh Mỹ (ISW), Thổ Nhĩ Kỳ ngày 26/2 đã tiếp tục kêu gọi Nga chấm dứt chiến dịch...