Nga lại giang tay cứu Tổng thống Assad?
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga hôm qua (23/10) đã lên tiếng chỉ trích kịch liệt kết quả của cuộc họp giữa 11 nước còn được gọi là Bạn bè của Syria. Theo đó, các nước này tiếp tục kêu gọi thay đổi chính quyền ở Syria – điều mà Nga tin là sẽ làm phương hại đến kế hoạch tổ chức hội nghị hòa bình Geneva 2 vào tháng 11 tới.
Cuộc họp của nhóm Bạn bè của Syria ở thủ đô London
Trong tuyên bố cuối cùng được phát đi tại hội nghị Bạn bè của Syria ở thủ đô London hôm 22/10, các cường quốc phương Tây và các nước Ả-rập đã “một lần nữa đưa ra mục tiêu thay đổi chính quyền ở Damascus như là một nhiệm vụ trọng tâm, xác định Liên minh Quốc gia Syria là đại diện hợp pháp duy nhất cho nhân dân Syria đồng thời lên tiếng đe dọa sẽ sử dụng &’mọi sự lựa chọn’ để gây sức ép với những người vi phạm &’quyết định ở London’”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga – ông Alexander Lukashevich cho biết trong một tuyên bố.
Phản ứng trước diễn biến trên, Bộ Ngoại giao Nga đã đưa ra một tuyên bố trên website của cơ quan này, trong đó chỉ trích: “Những phát biểu tại hội nghị ở London thực ra chỉ là lời đe dọa quay trở lại kịch bản dùng vũ lực với Syria và lời đe dọa này đã không được che đậy một cách khéo léo. Đây là điều không thể chấp nhận được”.
Ngoại trưởng của 11 quốc gia phương Tây và Ả-rập đã tụ họp tại hội nghị Bạn bè của Syria để thảo luận về các bước chuẩn bị cho hội nghị hòa bình Geneva 2 được tiến hành nhằm đưa các phe nhóm đối lập và chính quyền Syria ngồi lại với nhau, tìm kiếm một giải pháp cho cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài gần 3 năm qua ở đất nước Trung Đông.
Hồi tuần trước, một đại diện của chính phủ Syria đã nói với cánh phóng viên ở thủ đô Moscow rằng, hội nghị Geneva 2 sẽ diễn ra vào ngày 23/11. Thông tin này sau đó cũng được xác nhận bởi người đứng đầu Liên đoàn Ả-rập. Tuy nhiên, cả Liên Hợp Quốc cùng với Nga và Mỹ bác bỏ việc họ đã ấn định được một ngày giờ chính xác diễn ra hội nghị hòa bình sắp tới. Chỉ có Liên Hợp Quốc có thẩm quyền ấn định ngày diễn ra hội nghị Geneva 2. Trong lúc này, các phe nhóm đối lập Syria còn chưa đưa ra quyết định về việc có tham gia vào nỗ lực nói trên của quốc tế hay không.
Tiếp tục đề cập đến vấn đề Syria, phát ngôn Lukashevich đã chỉ trích thêm rằng: “các đối tác phương Tây của chúng ta vẫn đang cố gắng một cách vô ích để bảo đảm sự tham gia của phe đối lập Syria tại hội nghị quốc tế do Nga, Mỹ đề xuất dưới cái ô của Liên minh Quốc gia Syria”.
“Người ta có ấn tượng rằng, &’văn bản được đưa ra tại cuộc họp ở London’ là để khích động Damascus nhằm tìm cách khiến hội nghị Geneva 2 thất bại và sau đó quay sang đổ lỗi cho chính quyền Syria về việc này”, tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga đã cáo buộc một cách gay gắt như vậy.
Moscow tin rằng, cuộc họp của các thành phần “cốt lõi” trong nhóm Bạn bè của Syria đã tìm cách thay đổi tất cả những điều khoản chính mà các nước đạt được trong thỏa thuận ở Geneva lần thứ nhất diễn ra hồi tháng 6 năm ngoái và bóp méo mọi sự sắp xếp được đưa ra cho hội nghị Geneva 2 sắp tới.
“Trước khi cuộc họp ở London diễn ra, họ đã nói rằng các cuộc thảo luận sẽ chỉ dựa trên cơ sở của thỏa thuận Geneva 1. Tuy nhiên, họ đã đi quá xa khỏi khuôn khổ thỏa thuận đó khi tìm cách thay đổi nội dung của nó theo mong muốn, nguyện vọng chính trị của phe đối lập cứng rắn Syria”, ông Lukashevich cho biết.
Video đang HOT
Trong khi đó, tại cuộc họp với các nước phương Tây và Ả-rập, người đứng đầu Liên minh Quốc gia Syria – ông Ahmed Jarba vẫn khăng khăng nói rằng, phe đối lập Syria sẽ bị mất uy tín nếu nhượng bộ trước sức ép quốc tế để đến Geneva mà không đạt được mục tiêu lật đổ Tổng thống Assad.
Với những diễn biến trên, người ta chẳng có mấy hy vọng về một hội nghị hòa bình thành công ở Geneva sắp tới. Có thể nói, “ánh sáng vẫn chưa xuất hiện cuối đường hầm” trong cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và đẫm máu ở đất nước Syria dù nó đã kéo dài suốt gần 3 năm qua và cướp đi sinh mạng của hơn 100.000 người.
Mỹ cảnh báo Assad không được tái tranh cử
Trong một diễn biến khác liên quan đến ông Assad, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry mới đây cũng đã lên tiếng cảnh báo, bất kỳ nỗ lực nào của Nhà lãnh đạo Syria Bashar al-Assad trong việc tham gia tái tranh cử nhiệm kỳ mới đều khiến cuộc nội chiến ở đất nước này bị kéo dài thêm.
“Nếu ông ấy nghĩ rằng ông ấy có thể giải quyết vấn đề bằng việc tham gia tái tranh cử thì tôi có thể nói với ông ấy rằng, tôi nghĩ chắc chắn là cuộc chiến này sẽ kéo dài cho đến chừng nào ông ấy còn ở đó”, Ngoại trưởng Kerry cho biết sau cuộc gặp với các quan chức của Liên đoàn Ả-rập ở thủ đô Paris hồi đầu tuần.
Trước đó, hôm 21/10, Tổng thống Bashar al-Assad đã có một buổi trả lời phỏng vấn truyền hình đầy tự tin và thách thức, trong đó Nhà lãnh đạo Syria tuyên bố không có bất cản trở nào trên con đường tái tranh cử của ông trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm sau.
Tổng thống Assad còn kêu gọi đặc phái viên của Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Ả-rập về Syria -ông Lakhdar Brahimi rằng, ông này chỉ nên quan tâm thực hiện nhiệm vụ của mình chứ đừng quan tâm đến việc ông có tiếp tục tái tranh cử hay không. Theo lời ông Assad, ông Brahimi đã “cố gắng thuyết phục tôi không tham gia tái tranh cử trong cuộc bầu cử vào năm tới và tôi đã trả lời ông ấy rằng, đó là công việc nội bộ”.
Dường như phương Tây lại tái khởi động nỗ lực tìm mọi cách lật đổ chính quyền của Tổng thống Assad nhưng các bước đi của họ đang vấp phải sự phản đối quyết liệt của Nga và sự thách thức của chính Nhà lãnh đạo Syria. Trong khi đó, ở phía bên mình, phương Tây cũng đang phải đối mặt với sự bất mãn, tức giận của phe nổi dậy bởi lực lượng này cho rằng các cường quốc do Mỹ dẫn đầu chỉ là “những kẻ nói dối”.
Kiệt Linh – (tổng hợp)
Theo_VnMedia
Assad "tạt một gáo nước lạnh vào" phương Tây
Tổng thống Bashar al-Assad hôm qua (21/10) đã có một buổi trả lời phỏng vấn truyền hình đầy tự tin và thách thức, trong đó Nhà lãnh đạo Syria tuyên bố không có bất cản trở nào trên con đường tái tranh cử của ông trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm sau.
Tổng thống Assad.
Trái ngược với những thông tin đã đưa ra trước đó, ông Assad khẳng định chưa có một ngày giờ chính xác nào được ấn định cho một hội nghị hòa bình ở Geneva nhằm tìm lối thoát cho cuộc nội chiến ở đất nước ông. Ông này cũng bày tỏ sự hoài nghi về việc liệu hội nghị Geneva sắp tới có thể thành công nếu nó được tiến hành.
Trong khi các nước phương Tây và Ả-rập đang hy vọng hội nghị hòa bình ở Geneva có thể khởi động một tiến trình chính trị trong đó chứng kiến sự ra đi của Tổng thống Assad thì Nhà lãnh đạo này đã một lần nữa "dội một gáo nước lạnh" vào hy vọng nói trên khi ám chỉ rằng ông không hề có ý định từ chức. Thách thức hơn, ông Assad còn đề cập đến việc tái tranh cử nhiệm kỳ mới trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm sau.
"Theo cách đánh giá của cá nhân, tôi không nhìn thấy bất kỳ cản trở nào trên con đường tái tranh cử nhiệm kỳ mới của mình trong cuộc bầu cử vào năm sau", Nhà lãnh đạo Assad đã nói như vậy trên đài truyền hình Al Mayadeen của Syria khi được hỏi về việc liệu ông có nghĩ là thích hợp để tổ chức một cuộc bầu cử như dự kiến vào năm 2014.
Tổng thống Assad còn kêu gọi đặc phái viên của Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Ả-rập về Syria -ông Lakhdar Brahimi rằng, ông này chỉ nên quan tâm thực hiện nhiệm vụ của mình chứ đừng quan tâm đến việc ông có tiếp tục tái tranh cử hay không. Theo lời ông Assad, ông Brahimi đã "cố gắng thuyết phục tôi không tham gia tái tranh cử trong cuộc bầu cử vào năm tới và tôi đã trả lời ông ấy rằng, đó là công việc nội bộ".
Ông Brahimi hiện đang có chuyến công du khu vực để tập hợp sự ủng hộ cho việc tiến hành một hội nghị hòa bình ở Geneva dự kiến diễn ra vào cuối tháng 11 tới. Chuyến công du này sẽ có điểm dừng chân cuối cùng ở Syria.
Sau cuộc gặp với đặc phái viên Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Ả-rập về Syria - ông Lakhdar Brahimi, Tổng thư ký Liên đoàn Ả-rập - ông Nabil Elaraby trước đó hồi cuối tuần đã thông báo rằng, hội nghị hòa bình sắp tới, còn được gọi là Geneva 2, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 23/11. Tuy nhiên, ngay sau đó, ông Brahimi lên tiếng khẳng định, chưa có ngày giờ chính xác nào được ấn định.
Không có nhân tố thành công trong hội nghị Geneva II
Tự tin và đầy thách thức trong suốt cuộc phỏng vấn kéo dài 2 giờ đồng hồ, Tổng thống Assad cho biết: "Cho đến thời điểm này, chưa có ngày giờ diễn ra hội nghị hòa bình... và các nhân tố hiện nay chẳng có ích gì cho việc tiến hành hội nghị đó".
Nhà lãnh đạo Syria cho rằng, chẳng có nhân tố thành công nào cho hội nghị hòa bình Geneva II đồng thời bày tỏ sự hoài nghi về sự tham gia của phe nổi dậy Syria. Ông Assad đặt câu hỏi, các phe nhóm nổi dậy sẽ đại diện cho ai với ảnh hưởng và uy tín thực sự hiện nay của họ. "Nhiều vấn đề xung quanh hội nghị này vẫn còn chưa được giải quyết", ông nói.
"Phe nhóm nổi dậy nào sẽ tham gia hội nghị hòa bình. Mối quan hệ thực sự giữa họ với nhân dân Syria là gì? Họ đại diện cho người dân Syria hay là cho những nước tạo ra họ?", Tổng thống Assad đặt ra một loạt câu hỏi trong bối cảnh liên minh đối lập lưu vong bên ngoài đang bị chìm trong sự mất đoàn kết và còn chưa quyết định được có tham gia hội nghị Geneva II hay không.
Ông Assad tuyên bố, Syria không có vấn đề gì trong việc tham gia hội nghị hòa bình được tổ chức nhằm đưa các phe nhóm đối lập và chính phủ ngồi lại với nhau với mục đích tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng kéo dài gần 2 năm qua ở đất nước này.
Theo lời Nhà lãnh đạo Syria, "nếu nguồn hỗ trợ tài chính và vũ khí cho phe nổi dậy bị chặt đứt thì sẽ không có khó khăn gì trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng". Ông Assad cho rằng, đất nước ông đã trải qua nhiều giai đoạn khác nhau và hiện tại đang ở giai đoạn đấu tranh chống lại lực lượng khủng bố Al-Qaeda và các chi nhánh con của nó.
Ông Assad tin rằng, các phe nhóm nổi dậy được mời tham gia hội nghị hòa bình Geneva II thực chất là đại diện cho các cường quốc bên ngoài chứ không phải cho người dân Syria. Ông này cũng không quên chỉ trích thẳng thừng Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả-rập Xê-út, Mỹ cũng như Tổ chức Anh em Hồi giáo Syria - nhóm mà ông Assad miêu tả là một tổ chức khủng bố, về việc đã hậu thuẫn cho phe nổi dậy chống lại chính quyền của ông.
Qatar là nước đầu tiên ủng hộ các tay súng vũ trang Syria bằng tiền trong khi Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp sự trợ giúp về hậu cần và Ả-rập Xê-út theo sau hai nước kia, Tổng thống Assad nói. Về phần Jordan, theo ông Assad, nước này đã ủng hộ cho phe nổi dậy ngay từ những ngày đầu của cuộc khủng hoảng như bắt đầu giảm dần sự giúp đỡ từ cách đây gần một năm.
Ả-rập Xê-út là nước bị Tổng thống Assad chỉ trích mạnh mẽ nhất. Theo Nhà lãnh đạo Syria, Ả-rập Xê-út "đã trung thành, tận tụy trong việc thực hiện các chính sách của Mỹ bằng cách công khai ủng hộ các phe nhóm có vũ trang ở Syria bằng tiền, vũ khí và các phương tiện chính trị, truyền thông".
Chĩa mũi "tấn công" vào Tổ chức Anh em Hồi giáo, ông Assad cho rằng, nhóm này ngày càng trở nên "khủng bố hơn".
Damascus cũng cáo buộc các quốc gia Vùng Vịnh đứng đằng sau cuộc nổi dậy ở đất nước Syria nhưng Tổng thống Assad không chỉ đích danh tên các nước này trong cuộc trả lời phỏng vấn ngày hôm qua
Tuy vậy, ông Assad cũng thừa nhận, các vấn đề nội tại trong nước đã mở cánh cửa cho các cường quốc khu vực và quốc tế can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở Syria.
Kiệt Linh - (tổng hợp)
Theo_VnMedia
Tình hình Syria: Chốt hội nghị hòa bình trong tiếng bom Đánh bom liều chết tại thành phố Hama, miền trung Syria hôm 20/10 khiến ít nhất 30 người thiệt mạng, hàng chục người bị thương trong bối cảnh Hội nghị Hòa bình tại Geneva, Thụy Sĩ gần kề. Bom rền Hãng thông tấn Syria SANA ngày 20/10 cho biết một kẻ đánh bom liều chết đã lái chiếc xe chứa đầy thuốc nổ...