‘Nga không thể thực hiện thỏa thuận Minsk vì không tham gia xung đột’
Nga không thể thực hiện thỏa thuận Minsk về cuộc khủng hoảng ở Ukraine vì Nga không phải là một bên trong cuộc xung đột này, tờ Sputnik ngày 13.2 dẫn lời người phát ngôn điện Kremlin.
Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov – Ảnh: AFP
Trả lời phỏng vấn hãng tin RIA Novosti ngày 13.2, người phát ngôn điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, cho biết Nga là quốc gia được các bên trong cuộc xung đột mời và là nước đã kêu gọi các bên trong cuộc xung đột ký kết một loạt các biện pháp để thực hiện thỏa thuận Minsk.
Ông Peskov nói rằng Nga không phải là một trong các bên phải thực hiện những biện pháp này mà chỉ là nước bảo đảm, đứng ra kêu gọi, nên rõ ràng Nga không cần có bất kỳ hành động nào để thực hiện thỏa thuận. “Chúng tôi không cần làm điều đó, đơn giản vì Nga không phải một bên trong cuộc xung đột này”, Sputnik dẫn lời ông Peskov.
Người phát ngôn điện Kremlin cũng khẳng định Moscow hi vọng tất cả những điểm được đưa ra trong thỏa thuận Minsk về giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine đều được thực hiện đầy đủ.
Tuyên bố của ông Peskov đưa ra một ngày sau khi lãnh đạo 4 nước Nga, Đức, Pháp và Ukraine có cuộc đàm phán hòa bình kéo dài hơn 16 tiếng đồng hồ tại thủ đô Minsk của Belarus nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Video đang HOT
Lãnh đạo Nga, Đức, Pháp, Ukraine tham gia đàm phán Minsk về khủng hoảng Ukraine – Ảnh: Reuters
Kết thúc đàm phán, có hai thỏa thuận đã được ký kết. Một thỏa thuận do nhóm tiếp xúc gồm đại diện của Nga, Ukraine, hai chính quyền ly khai Donetsk và Luhansk cùng với Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu ký kết. Thỏa thuận này đã đưa ra một số biện pháp nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở miền đông Ukraine, trong đó có lệnh ngừng bắn vào ngày 15.2 và thiết lập vùng đệm giữa hai bên thông qua việc rút vũ khí hạng nặng và trao đổi tù binh.
Văn bản thứ hai là tuyên bố chung về việc hỗ trợ các biện pháp mà nhóm tiếp xúc đã nhất trí thông qua. Tuyên bố này do lãnh đạo 4 bên tham gia đàm phán tại Minsk gồm Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Pháp Hollande, Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Ukraine Poroshenko ký kết, theo Sputnik.
Cũng đề cập đến vai trò của Nga, lãnh đạo Hội đồng châu Âu và một số nước như Anh, Pháp, Đức đã tuyên bố sẽ tăng các biện pháp trừng phạt Nga nếu thỏa thuận Minsk vừa đạt được bị phá vỡ và không được thực hiện đầy đủ.
Các nước Tây Âu cáo buộc Nga hỗ trợ phe ly khai trong cuộc xung đột ở miền đông Ukraine, nhưng Nga luôn bác bỏ mọi cáo buộc này, đồng thời cho rằng việc các nước đổ lỗi cho Nga là vô lý.
Ngọc Mai
Theo Thanhnien
Điều gì đang chờ đợi sau lệnh ngừng bắn ở Ukraine?
Sau 16 giờ đàm phán căng thẳng và kết quả là một thỏa thuận ngừng bắn từ ngày 15/2, cuộc họp của "Bộ tứ Normandy" đã đem đến những tia hy vọng mới cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Chờ đợi lệnh ngừng bắn
Cho tới khi lệnh ngừng bắn "ngay lập tức và toàn diện" có hiệu lực từ đúng 0h ngày 15/2 (giờ địa phương), giao tranh giữa quân chính phủ Kiev và lực lượng ly khai miền Đông vẫn có khả năng tiếp diễn.
Dưới các điều khoản của lệnh ngừng bắn, giới tuyến đình chiến được giữ nguyên như đã thỏa thuận từ hồi tháng 9/2014. Hai bên xung đột có thể "tận dụng" khoảng thời gian còn lại để tiếp tục giành thêm lãnh thổ. Có khả năng, thị trấn chiến lược Debaltseve sẽ tiếp tục ở trong thế giằng co do lực lượng ly khai tại đây đã bị quân đội Ukraine bao vây trong nhiều ngày qua.
Một em bé trên chuyến xe rời khỏi thị trấn Debaltseve ngày 3/2 sau khi xung đột và pháo kích tại đây diễn biến nghiêm trọng hơn
Rút vũ khí hạng nặng
Theo thỏa thuận, hai bên sẽ rút toàn bộ vũ khí hạng nặng trong ngày 16/2 và sẽ kéo dài khoảng 14 ngày. Cả hai bên rút toàn bộ vũ khí hạng nặng ở khoảng cách đều nhau tối thiểu là 50 km từ đường giới tuyến (quân đội Ukraine rút theo đường giới tuyến hiện nay, lực lượng ly khai theo đường giới tuyến cũ hẹp hơn từ ngày 19/9/2014).
Các đơn vị vũ trang nước ngoài, khí tài, cũng như lính đánh thuê sẽ buộc rời khỏi lãnh thổ Ukraine. Giải giáp tất cả các nhóm vũ trang bất hợp pháp. Bên cạnh đó, toàn bộ con tin, tù nhân bị bắt giữ sẽ được trả tự do trong vòng 5 ngày kể từ ngày rút vũ khí.
Một phạm vi rộng lớn hơn - 70 km hoặc 140km - làkhoảng cách cần thiết đối với một số loại vũ khí hoạt động tầm xa. Tổ chức OSCE có trách nhiệm trợ giúp và giám sát hoạt động của hai bên.
Bầu cử địa phương
Nếu lệnh rút vũ khí hạng nặng thành công, hai thành phố miền Đông Donetsk và Lugansk sẽ lên kế hoạch tổ chức bầu cử ngay sau đó. Sự thay đổi trong hiến pháp Ukraine về vấn đề phi tập trung hóa quyền lực có khả năng sẽ biến kế hoạch này trở thành hiện thực, với vùng lãnh thổ tự trị rộng lớn hơn.
Phát biểu sau cuộc đàm phán, hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức cho biết lệnh ngừng bắn các bên đạt được chưa phải giải pháp tốt nhất nhưng vẫn còn tốt hơn là không có tiến triển nào. Những điều khoản tốt hơn còn phải trông đợi vào những cuộc thương thuyết sau này.
Chủ tịch Ủy ban quốc tế của Duma Quốc gia Alexey Pushkov đã chia sẻ trên tài khoản Twitter cá nhân rằng: "Các cuộc đàm phán tại Minsk đã đạt được mục tiêu. Hiện mọi chuyện chỉ còn là việc thực thi thỏa thuận. Mấu chốt vấn đề nằm ở quá trình triển khai".
Theo Hoàng Trang
baotintuc.vn
Đàm phán tại Minsk thảo luận chi tiết thỏa thuận mới Hãng tin RIA Novosti của Nga ngày 12/2 dẫn nguồn tin từ phái đoàn Đức cho biết cuộc đàm phán cấp cao theo thể thức "Bộ Tứ Normandie" (gồm Nga, Ukraine, Đức, Pháp) ở Cung Độc lập của thủ đô Minsk (Belarus) đã chuyển sang thảo luận chi tiết kỹ thuật thỏa thuận mới, có thể được ký kết tại hội nghị thượng...