Nga “không thể tha thứ” cáo buộc của Anh nhằm vào Tổng thống Putin
Điện Kremlin tuyên bố việc Anh cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như có liên quan tới vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang là hành động “gây sốc và không thể tha thứ”.
Tổng thống Vladimir Putin (Ảnh: Getty)
“Chúng tôi đã nhiều lần ra tuyên bố ở các cấp khác nhau rằng Nga không có bất kỳ liên quan gì tới vụ việc này. Bất kỳ sự đề cập nào tới tổng thống của chúng tôi (liên quan tới vụ cựu điệp viên Skripal) đều là sự vi phạm gây sốc và không thể tha thứ đối với các quy tắc hành xử ngoại giao”, RT dẫn lời Thư ký báo chí Điện Kremlin Dmitry Peskov nói ngày 16/3.
Tuyên bố trên của Điện Kremlin được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Anh Boris Johnson nói rằng cựu đại tá tình báo Nga Sergei Skripal bị đầu độc ở Anh có khả năng cao là do lệnh của Tổng thống Putin.
“Chúng tôi cho rằng nhiều khả năng đó là quyết định của Tổng thống Putin chỉ đạo việc sử dụng chất độc thần kinh trên đường phố Anh, trên đường phố châu Âu lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai”, Ngoại trưởng Johnson nói với các phóng viên.
Tuy nhiên ông Johnson khẳng định Anh không chống lại người Nga và sẽ cũng không có hiện tượng bài Nga sau những chuyện đã xảy ra.
Thư ký báo chí Điện Kremlin nhấn mạnh tuyên bố của người đứng đầu Bộ Ngoại giao Anh là một “sai lầm ngoại giao”, đồng thời cho biết Nga vẫn đang cảm thấy khó hiểu với cách hành xử của giới chức Anh liên quan tới cuộc khủng hoảng Skripal.
“Thành thực mà nói, trong quan hệ quốc tế chúng tôi chưa bao giờ gặp phải cách hành xử ở cấp nhà nước mà những lời cáo buộc rất nghiêm trọng được đưa ra nhằm vào một quốc gia khác, cụ thể trong trường hợp này là đất nước chúng tôi, với những lời lẽ như “rõ ràng”, “nhiều khả năng”,… Cách tiếp cận như vậy không chỉ đi ngược lại luật pháp quốc tế mà còn trái với nhận thức chung”, ông Peskov nói thêm.
Thư ký báo chí Điện Kremlin tin tưởng rằng “không sớm thì muộn phía Anh cũng sẽ phải trình ra bằng chứng cụ thể (về sự liên quan của Nga tới vụ Skripal), ít nhất là cho các đối tác của Anh (như Pháp, Đức, Mỹ) – những nước tuyên bố đứng phía về Anh trong vụ việc này”. Trước đó, Nga đã yêu cầu Anh cung cấp các tài liệu cũng như mẫu chất độc nghi được sử dụng để mưu sát cựu điệp viên Nga, song London không đáp ứng đề nghị này của Moscow.
Hai cha con cựu điệp viên Nga Sergei Skripal (Ảnh: ABC News)
Cựu đại tá tình báo Nga Sergei Skripal và con gái Yulia vẫn đang ở trong tình trạng nguy kịch sau khi được phát hiện bất tỉnh nhân sự trên ghế băng bên ngoài trung tâm mua sắm ở thành phố Salisbury, Anh hồi đầu tháng 3. Giới chức Anh xác định loại chất hóa học từ thời Liên Xô có tên Novichok chính là chất độc thần kinh dùng để hạ độc cha con ông Skripal. Thủ tướng Anh Theresa May đã đổ lỗi cho Nga đứng sau vụ việc này.
Đại sứ Nga tại Anh Alexander Yakovenko cho biết Anh đã cố tình giấu nhẹm các thông tin chi tiết liên quan tới vụ Skripal trong khi vẫn một mực đổ lỗi cho Nga.
Video đang HOT
“Phía Anh liên tục giấu báo cáo y tế (về sức khỏe của cha con ông Skripal) cho chúng tôi. Chúng tôi không được tiếp cận với các bệnh nhân và chúng tôi cũng không có cơ hội nói chuyện với các bác sĩ. Thậm chí không có ai công bố ảnh (của cha con ông Skripal). Họ có thể vẫn đang sống, hoặc có thể không còn sống, hoặc có thể không có chuyện gì xảy ra với họ”, Đại sứ Yakovenko nói.
Sau cáo buộc của Thủ tướng May, Anh đã trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga và áp dụng hàng loạt biện pháp trừng phạt Nga. Trong khi đó, Moscow cũng tuyên bố sẽ sớm có các hành động đáp trả.
Ông Sergei Skripal, 66 tuổi, từng là phục vụ trong Cơ quan tình báo quân đội Nga (GRU), bị bắt vào năm 2004 và kết án 13 năm tù vì tội hoạt động gián điệp cho Anh. Ông Skripal sau đó được phóng thích và được phép tị nạn ở Anh sau cuộc trao đổi gián điệp lớn nhất trong lịch sử giữa Nga và Mỹ vào năm 2010.
Thành Đạt
Tổng hợp
Theo Dantri
Điều ít biết về cựu điệp viên hai mang Nga nghi bị hạ độc ở Anh
Nhiều nghi vấn đã được đặt ra liên quan tới vụ cựu điệp viên Nga, người từng bị cáo buộc tuồn tin mật cho tình báo Anh, bất ngờ gặp nạn do hợp chất lạ ở Anh trong tuần này.
Sergei Skripal từng bị tòa án Nga kết tội năm 2006. (Ảnh: TASS)
Sergei Skripal, 66 tuổi, là đại tá nghỉ hưu của quân đội Nga. Năm 2004, ông bị bắt ở gần nhà và bị kết tội 2 năm sau đó. Năm 2006, Skripal nhận mức án 13 năm tù tại Nga với cáo buộc làm gián điệp cho Anh. Các công tố viên Nga nói rằng Sergei Skripal đã được Cơ quan Tình báo mật của Anh (MI6) trả 100.000 USD để đổi lấy các thông tin mật. Cơ quan An ninh Nga (FSB) cho biết các thông tin do Skripal tuồn cho MI6 chứa cả những bí mật quốc gia của Nga.
Trước đó, Sergei Skripal từng công tác trong lực lượng tình báo quân đội Nga (GRU) cho tới năm 1999 và được thăng hàm đại tá. Sau đó, ông làm việc cho văn phòng Bộ Ngoại giao Nga ở thủ đô Moscow tới năm 2003 trước khi bắt đầu công việc kinh doanh riêng. Trong thời gian phục vụ cho GRU, Skripal từng nhận được sự đánh giá cao.
FSB cáo buộc tình báo Anh chiêu mộ Sergei Skripal từ năm 1995 và thuyết phục ông này tuồn tin mật ra nước ngoài ngay trong thời gian phục vụ cho quân đội Nga. Theo nhật báo Izvestiya, các thông tin do Skripal cung cấp đã tiết lộ vài chục điệp viên ngầm của Nga ở nước ngoài. Sau khi tung tích bị lộ, các điệp viên FSB bị lọt vào tầm ngắm và bị hàng loạt quốc gia châu Âu trục xuất về nước. Theo FSB, ngay cả khi nghỉ hưu vào năm 1999, Đại tá Skripal vẫn tiếp tục tuồn bí mật nhà nước ra bên ngoài.
Trao đổi điệp viên
Sergei Skripal từng có nhiều năm công tác trong ngành tình báo Nga (Ảnh: TASS)
Skripal đã nhận tội trong phiên xét xử trước tòa, tuy nhiên truyền thông Nga cho rằng mức án 13 năm tù giam đối với người đàn ông này là quá nhẹ nếu tính đến những "thiệt hại nặng nề" mà ông đã gây ra cho lực lượng tình báo Nga.
Vào tháng 7/2010, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã ra quyết định ân xá cho Sergei Skripal và ông là một trong 4 điệp viên được Nga trả tự do để đổi lấy 10 điệp viên do Moscow cài cắm ở Mỹ. Ngoài Skripal, 3 điệp viên được thả đều đang chịu án tù ở Nga.
Sau cuộc trao đổi điệp viên giống thời chiến tranh Lạnh tại sân bay Vienna của Áo, Sergei Skripal và một điệp viên khác của Nga được đưa sang Anh theo diện trao đổi qua lại và được các sĩ quan của MI5 cùng MI6 thẩm vấn. Skripal sau đó lập lý lịch mới, được cấp nhà và tiền trợ cấp.
Rời khỏi Nga, vợ chồng Skripal tìm mua một căn nhà ở vùng Salisbury thuộc thành phố Wiltshire, Anh. Những người bạn của gia đình Skripal nói rằng ông chọn Wiltshire vì tin rằng đây nơi có thể sống yên ổn với tỷ lệ tội phạm thấp. Sau một năm mua nhà, vợ ông, bà Liudmila, qua đời vì bệnh ung thư hồi năm 2012. Hai năm sau đó, anh trai của Skripal cũng qua đời ở Nga.
Năm ngoái, con trai Alexander 43 tuổi của Skripal thiệt mạng khi đang đi nghỉ cùng bạn gái ở thành phố St. Petersburg. Alexander đã được đưa tới bệnh viện trong tình trạng suy gan. Các thành viên trong gia đình Skripal đặt ra nhiều nghi vấn và cho rằng có những điều bí ẩn đằng sau những cái chết bất thường này.
Nghi vấn đầu độc
Con gái Yulia của ông Skripal (Ảnh: AP)
Ngày 4/3, cảnh sát Anh cho biết một người đàn ông và một phụ nữ 33 tuổi đã được phát hiện bất tỉnh nhân sự tại một trung tâm mua sắm ở thành phố Salibury sau khi tiếp xúc với chất lạ. Cả hai vẫn đang được điều trị trong bệnh viện trong tình trạng nguy kịch. Đó là Sergei Skripal và con gái của ông.
Cảnh sát Anh cho biết cha con Skripal đã bị đầu độc bằng chất độc thần kinh - loại chất hóa học cực mạnh có thể làm tê liệt hoạt động của các cơ quan trên cơ thể người. Thậm chí, các sĩ quan cảnh sát có mặt tại hiện trường cũng bị ảnh hưởng và đang được điều trị trong bệnh viện. Các nhà điều tra và thám tử Anh tin rằng Skripal và con gái ông là mục tiêu của một vụ ám sát có chủ ý.
Hàng trăm sĩ quan cảnh sát đang vào cuộc để tìm hiểu nguyên nhân vụ việc. Họ đã xem lại các camera an ninh từ trung tâm thành phố và cả tòa nhà nơi phát hiện vụ việc. Một người đàn ông và một phụ nữ khả nghi đã được nhìn thấy xuất hiện gần chiếc ghế băng nơi hai cha con Skripal được phát hiện nằm bất tỉnh bên ngoài khu mua sắm.
Hình ảnh từ camera an ninh cho thấy người phụ nữ tóc vàng cầm một chiếc túi màu đỏ cỡ lớn, trong khi người đàn ông có dáng vẻ gầy hơn Skripal. Cả hai được phát hiện vào thời điểm cha con ông Skripal bất tỉnh.
Một vấn đề đang được các nhà điều tra đặt ra là chất độc thần kinh dùng để đầu độc cha con cựu đại tá Nga được lấy từ đâu. Các chuyên gia về chất hóa học nói rằng nếu không được huấn luyện, một người gần như không thể tự chế tạo được chất độc thần kinh. Họ bác bỏ nhận định cho rằng một người nghiệp dư cũng có thể tạo ra chất độc hóa học từ những nguyên liệu tìm mua trên mạng.
"Làm được điều này cần có chuyên môn và cần một nơi đặc biệt để chế tạo, nếu không sẽ tự giết chết chính mình. Dù chỉ cần một lượng nhỏ nhưng bạn cũng không thể tự chế tạo chúng trong bếp", một chuyên gia cho biết.
Cuộc sống ở Anh
Skripal xuất hiện tại một siêu thị ở Anh trước khi nghi bị đầu độc. (Ảnh: ITN)
Trước khi gặp sự cố, ông Skripal sống trong một căn nhà hiện đại ở khu dân cư yên tĩnh tại Salisbury. Những người hàng xóm chỉ biết ông là một quan chức chính phủ nghỉ hưu và cho rằng ông tham gia các dự án mua bán bất động sản ở nước ngoài.
Sau khi vợ mất, Skripal trông cậy nhiều hơn vào con gái Yulia - người chăm sóc ông chu đáo. Vài tuần trước đây, Skripal đã nhờ người lau dọn giúp ông chuẩn bị phòng cho con gái vì cô sắp tới thăm ông.
"Ông ấy là một người đáng mến, thân thiện và tốt bụng. Tôi rất sốc khi biết ông ấy đang nằm trong bệnh viện... Tôi biết ông ấy từng làm cho quân đội Nga vì chúng tôi từng nói chuyện với nhau một chút. Nhưng ông ấy chưa bao giờ nói cho tôi biết ông ấy là điệp viên. Ông ấy là người tốt. Ông ấy cũng có bạn bè và yêu âm nhạc. Ông ấy cũng thỉnh thoảng nói chuyện với hàng xóm", người dọn dẹp cho Skripal cho biết.
Ebru Ozturk, 41 tuổi, cho biết Skripal thường đến cửa hàng của bà mua hàng một tuần một lần.
"Tôi nghĩ ông ấy làm nhiều công việc kinh doanh. Ông ấy biết nhiều thứ tiếng, và ông ấy cư xử rất văn minh. Tôi nghĩ ông ấy từng đi nhiều quốc gia. Ông ấy mua rất nhiều xổ số. Ông ấy rất lịch sự, và thỉnh thoảng thấy đi cùng con gái. Bất kể khi nào tôi thấy ông ấy, ông ấy đều hạnh phúc", Ebru cho biết.
Cựu đại tá Skripal được cho là vẫn giữ liên lạc với một nhóm các điệp viên Anh và thành viên của câu lạc bộ xã hội đường sắt Salisbury. Khoảng hai tuần trước, ông đã gọi điện cho mẹ của mình trong lúc bà đang ốm yếu.
Skripal được cho là luôn tỏ ra lạc quan dù gia đình ông tiết lộ sau vụ trao đổi điệp viên năm 2010, ông luôn cảnh giác vì cho rằng các đặc vụ Nga vẫn đang theo dõi ông. Gia đình của Skripal vẫn luôn tin ông không phải là gián điệp hai mang làm việc cho MI6. Họ khẳng định Skripal là một người yêu nước và những cáo buộc nhằm vào ông là chuyện bịa đặt.
Thành Đạt
Theo Dantri
Vụ điệp viên bị đầu độc thổi bùng nguy cơ chiến tranh Anh, Nga Nỗi sợ hãi về một cuộc chiến tranh thế giới thứ 3 đang bùng lên sau khi Nga phản ứng mạnh trước lời đe dọa "hành động" của Thủ tướng Anh Theresa May sau vụ một cựu điệp viên Nga và con gái ông này bị đầu độc trên đất Anh. Anh và Nga có nguy cơ chiến tranh vì vụ điệp viên...