Nga ‘không thể’ cản lính tình nguyện sang Ukraine
Thư ký Hội đồng an ninh Nga, ông Nikolai Patrusev cho rằng không thể ngăn việc người Nga đến miền đông Ukraine tình nguyện tham chiến vì những người này chiến đấu bằng “cảm xúc” khi nhìn thấy “tội ác” tại đây, theo AFP.
Nga phủ nhận việc gửi quân sang Ukraine và cho rằng những người Nga tình nguyện chiến đấu ở miền đông Ukraine chỉ hành động “theo cảm xúc” – Ảnh: AFP
“Chúng tôi không kêu gọi mọi người đến (Ukraine). Nhưng thực sự chúng tôi không thể ngăn chặn việc này…”, AFP ngày 22.6 dẫn lời ông Patrusev trong một cuộc phỏng vấn trên báo Kommersant (Nga).
Cũng theo ông Patrusev, những người Nga tình nguyện đến Ukraine vì họ đã nghe về những “tội ác” xảy ra nơi đây, đồng thời khẳng định những gì xảy ra ở Ukraine đều do Mỹ “giật dây”.
Cùng ngày 22.6, Bộ trưởng Ngoại giao các nước Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp và chính thức quyết định gia hạn các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga thêm 6 tháng, tới ngày 31.1.2016.
Video đang HOT
Các nước phương Tây cáo buộc Nga đã gửi quân đến hai vùng Luhansk và Donetsk chiến đấu cùng lực lượng nổi dậy chống chính phủ Ukraine, trong khi Nga luôn bác bỏ điều này, cho rằng người Nga xuất hiện tại Ukraine đều là quân tình nguyện.
Tổng thống Nga Vladimir Putin miêu tả cuộc khủng hoảng ở Ukraine là sản phẩm của sự xúi giục và bảo trợ từ Mỹ. Ông Patrushev nói trong cuộc phỏng vấn rằng mục tiêu thực sự của Mỹ là tiêu diệt nước Nga. “Họ không quan tâm những gì sẽ xảy ra ở Ukraine, họ chỉ cần gây áp lực với Nga, vì vậy đó là những gì mà Mỹ đang làm. Điều họ rất muốn là Nga sẽ không tồn tại như một quốc gia”, ông Patrusev nói.
Trước đó, ông Putin cũng đã đáp trả Canada về việc Thủ tướng nước này, ông Stephen Harper liên tục chỉ trích ông. Tổng thống Nga cho rằng ông Harper chỉ là người hành động theo ý kiến của Mỹ, nước luôn muốn cô lập Nga.
Ông Petrusev bên cạnh đó nói rằng thực chất EU cũng chỉ làm theo sự xúi giục của Mỹ. Ông cáo buộc châu Âu đã “bí mật công nhận việc bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga”, nhưng sau đó lại thay đổi chỉ vì nghe lời Mỹ.
Cuộc sáp nhập Crimea năm 2014 được xem là một trong những điểm khởi đầu cho mối quan hệ không tốt giữa Nga với EU. Cả Mỹ và EU không công nhận sự sáp nhập này.
Nhật Đăng
Theo Thanhnien
EU gia hạn trừng phạt kinh tế, Nga tuyên bố trả đũa
Nga có thể sẽ tiếp tục cấm nhập khẩu thực phẩm để trả đũa phương Tây sau quyết định kéo dài lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào Nga, theo Reuters ngày 23.6.
Nga có thể sẽ gia hạn lệnh cấm nhập khẩu nông sản để trả đũa lệnh trừng phạt của EU - Ảnh: AFP
Các Bộ trưởng Ngoại giao EU ngày 22.6 nhóm họp và chính thức quyết định gia hạn các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga thêm 6 tháng, tới ngày 31.1.2016. Quyết định này, theo phía EU, nhằm tiếp tục duy trì sức ép đối với Nga để góp phần giải quyết cuộc xung đột tại miền đông Ukraine, khi các nước phương Tây luôn cho rằng Nga có trách nhiệm trong cuộc khủng hoảng đó.
Phía Nga lập tức lên tiếng chỉ trích quyết định của EU, đồng thời chính phủ Nga cũng đã chuẩn bị phương án để tiếp tục kéo dài lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm từ các nước phương Tây, động thái mà các quan chức khẳng định liên quan trực tiếp tới quyết định mới đây của EU, theo Reuters.
Bà Natalya Timakova, phát ngôn viên của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, ngày 22.6 cho biết chính phủ đã chuẩn bị và đệ trình tổng thống Nga kế hoạch gia hạn lệnh cấm nhập khẩu nông sản của phương Tây.
EU áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào các ngành năng lượng, quốc phòng cũng như tài chính của Nga từ tháng 7.2014 với thời hạn một năm. Các lệnh trừng phạt này cùng một số yếu tố khác như giá dầu giảm đã khiến nền kinh tế Nga rơi vào khủng hoảng.
Để đáp trả, tháng 8.2014, Nga đã cấm nhập khẩu các mặt hàng như trái cây, rau quả, thịt, cá, sữa từ các nước EU, Mỹ, Úc, Canada và Na Uy trong vòng một năm.
Quan hệ giữa Nga với các nước EU trở nên căng thẳng sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ của mình, tiếp đó là những cáo buộc xung quanh cuộc khủng hoảng ở miền đông Ukraine. Ccác lệnh trừng phạt và trả đũa giữa Nga và các nước phương Tây không những làm kinh tế Nga lao đao mà còn tác động không nhỏ tới chính những nước áp đặt lệnh trừng phạt.
Ngọc Mai
Theo Thanhnien
Cựu tổng thống Ukraine biết ơn Putin đã cứu mạng Cựu tổng thống Viktor Yanukovych bày tỏ sự biết ơn Tổng thống Nga Vladimir Putin vì đã điều lực lượng cứu tính mạng ông, khi Ukraine rơi vào khủng hoảng hồi đầu năm ngoái. Ông Yanukovych trong cuộc phỏng vấn với BBC Newsnight. Ảnh: BBC Yanukovych cho biết Putin đã ra lệnh cho các lực lượng đặc biệt đưa ông sang Nga vào...