Nga không nên kỳ vọng vào “vành đai kinh tế” với Trung Quốc
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong cuộc gặp tại Moskva hồi đầu tháng 5 vừa qua đã thỏa thuận sẽ kết nối dự án Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc với Liên minh Kinh tế Á – Âu (EEU).
Nói cách khác, lãnh đạo hai nước dự kiến thành lập một không gian kinh tế chung nối giữa Nga và Trung Quốc với các nước láng giềng của hai nước này.
Tổng thống Putin (phải) và Chủ tịch Tập Cận Bình tại lễ ký các thỏa thuận hợp tác song phương hôm 8/5. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tuy nhiên giới phân tích hiện còn nhiều tranh cãi xung quanh khả năng hiện thực hóa ý tưởng này và những lợi ích thực tế mà Nga có thể nhận được. Dự án “Một vành đai, một con đường” về bản chất là một dự án mang tính toàn cầu. Dự án này bao trùm 60% dân số thế giới, với năng lực sản xuất ra 30% tổng GDP toàn cầu.
Trên thực địa, Con đường tơ lụa mới kết nối các huyết mạch giao thông đường bộ, trên biển, các tuyến giao thương then chốt và giúp gắn kết sản xuất cũng như tiềm năng con người ở khắp các châu lục, từ đại lục địa Á – Âu đến Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương.
Giới chuyên gia Trung Quốc khẳng định, Nga sẽ được lợi nếu tham gia vào tiến trình thương mại đầy tham vọng này của Trung Quốc bởi giữa Moskva và Bắc Kinh đang có mối quan hệ hết sức nồng ấm, hai quốc gia đều là Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, có sự phối hợp chặt chẽ ở các diễn đàn song phương, đa phương, quốc tế và khu vực như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ( SCO) và nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới ( BRICS), đồng thời cấu trúc hai nền kinh tế có tính bổ khuyết cho nhau.
Trong trường hợp Nga tham gia vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông và vận tải với Trung Quốc thì không chỉ được lợi từ việc làm địa bàn trung chuyển hàng hóa Trung Quốc xuất sang châu Âu, mà còn có điều kiện tiếp cận các thị trường khác ở châu Á, nơi sự hiện diện của Nga còn rất khiêm tốn như Campuchia, Thái Lan, Malaysia.
Video đang HOT
Trong khi đó, với cái nhìn thận trọng hơn, giới chuyên gia Nga lại chỉ ra rằng Nga sẽ không được lợi như mong muốn bởi kim ngạch thương mại song phương hiện mất cân đối theo hướng bất lợi cho Nga và rất không tương xứng với tiềm năng và quy mô của hai nền kinh tế Nga – Trung.
Theo số liệu thống kê năm 2012, kim ngạch thương mại Trung – Nga chỉ đạt 88 tỷ USD, trong khi kim ngạch Trung – Mỹ là 500 tỷ USD, Trung Quốc – Liên minh châu Âu (EU) là 546 tỷ USD và Trung – Nhật là 320 tỷ USD. Bên cạnh đó, kim ngạch thương mại Nga – Trung chủ yếu dựa trên sự tham gia của các tập đoàn nhà nước, mà mô hình hợp tác này đang ngày càng kém phù hợp với nền kinh tế thị trường của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Phó Giám đốc Viện kinh tế thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga Svetlana Glinkina cho rằng Nga không nên quá kỳ vọng vào các lợi ích có thể thu được khi tham gia vào các liên kết kinh tế với Trung Quốc. Lẽ dĩ nhiên khi quan hệ với phương Tây gặp vấn đề thì Nga sẽ chuyển hướng sang phía Đông, song Bắc Kinh luôn tiến hành chính sách khôn ngoan trong việc đa dạng hóa các nguồn cung hàng hóa cho nước này và tranh thủ tối đa các diễn biến bất thường trên thị trường để có được mức giá có lợi nhất.
Con đường tơ lụa mới là dự án lớn và được tính toán dựa trên những mục tiêu hết sức cụ thể. Để thực hiện dự án này, Trung Quốc dự định chi 21.000 tỷ USD, trong đó 8.000 tỷ USD được huy động từ khối doanh nghiệp tư nhân. Xuất phát từ nguyên tắc quyền lực thuộc về người có tiền thì trong trường hợp này một nước Nga đang thiếu hụt nguồn lực tài chính rõ ràng không có chỗ đứng tốt đẹp trong cuộc phân chia miếng bánh lợi nhuận từ Con đường tơ lụa mới.
Giới chuyên gia cho rằng xét về tổng quan Nga có thể để tuột lợi thế về tay Trung Quốc nếu trở thành một mắt xích của Con đường tơ lụa mới. Vì vậy, thay vì đi theo tiến trình liên kết này, Nga có thể tăng cường quan hệ với các nước ASEAN để nâng cao trao đổi thương mại với khu vực tăng trưởng tiềm năng này.
Theo Cao Cường (theo báo chí Nga)
baotintuc.vn
Quan hệ Nga - phương Tây từ góc nhìn của Hội nghị G7
Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) diễn ra tại Đức trong hai ngày 7-8/6 đã kết thúc với những quyết định không mấy bất ngờ...
... Khi các nhà lãnh đạo G7 đồng thuận chưa dỡ bỏ những biện pháp cấm vận Nga và cảnh báo sẽ gia tăng trừng phạt nếu Moskva tiếp tục là tác nhân gây căng thẳng ở miền Đông Ukraine.
Các đại diện cấp cao tại Hội nghị G7 mở rộng. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tuy nhiên, điều khiến dư luận quốc tế khá bất ngờ lại đến sau đó hai ngày, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố trước báo chí trong chuyến thăm Italy, rằng "G7 chỉ là một câu lạc bộ theo sở thích và Nga không có quan hệ gì với nhóm này". Tuy phát biểu như vậy, song ông Putin cũng bày tỏ "sẵn sàng củng cố quan hệ song phương với các thành viên của G7".
Có thể thấy đây là lần thứ hai hội nghị thượng đỉnh của G7 diễn ra không có Tổng thống Nga Vladimir Putin. Lần trước, liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine, các nước thành viên đã tẩy chay Hội nghị G8, dự định do Nga tổ chức tại Sochi. Sự vắng mặt của nhà lãnh đạo Nga không ngăn cản việc ông trở thành "nhân vật chính" của hội nghị năm nay.
Lần đầu tiên kể từ khi Liên Xô sụp đổ, nguyên thủ các cường quốc phương Tây đã đặc biệt tập trung vào kế hoạch đối đầu với Moskva. Vắng bóng Nga, G7 đang dần chuyển sang vai trò mới, từ một tổ chức thiên về giải quyết các vấn đề kinh tế và phát triển toàn cầu, thành một tổ chức chính trị "phi hợp pháp", một cơ chế với nhiệm vụ tự đặt ra là bảo vệ hệ tư tưởng và những giá trị của thế giới phương Tây.
Song dường như G7 cũng đang nhận ra tình thế đối đầu với Nga chỉ đưa mối quan hệ giữa Nga và phương Tây vào ngõ cụt, mà không bên nào được lợi. Gần một năm qua, các biện pháp trừng phạt của phương Tây gây tác động tiêu cực đến Nga chừng nào thì chính các nước phương Tây cũng chịu bất lợi chừng đó.
Thậm chí, giới chức Mỹ mới đây phải thừa nhận rằng sự trừng phạt của phương Tây đã không làm cho nước Nga suy yếu. Ngược lại, Nga đã bỏ qua việc chạy theo G7, để chú tâm phát triển các mối quan hệ quốc tế khác thực tế hơn, hiệu quả hơn, trong đó nổi bật là chiến lược "xoay trục sang châu Á" với "người bạn chiến lược" Trung Quốc, các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới BRICS và các nước khác trong khuôn khổ Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEC)...
Trả lời phỏng vấn báo Đức Deutsche Wirtschafts Nachrichten (DWN) tuần qua, ông Folker Hellmeyer, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Đức Bremer Landesbank, cũng nhận định rằng: "trục Nga - Trung Quốc - BRICS gần như chắc chắn sẽ đánh bại sự bá quyền về kinh tế của Mỹ", và các nước châu Âu không phải là ngoại lệ.
Nếu như sản lượng kinh tế của Nhóm các nước BRICS gồm Brazil, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi những năm 1990 chỉ chiếm 25% tổng sản lượng toàn cầu, thì nay đã được nâng lên thành 56%. Với 85% tổng dân số thế giới, các nước BRICS kiểm soát khoảng 70% dự trữ ngoại tệ thế giới. Họ phát triển với mức trung bình 4 - 5%/năm.
Trong khi các nước EU đang bị lôi kéo vào cuộc đối đầu (với Nga) do Mỹ gây ra, thì các nước BRICS lại đang khẩn trương xúc tiến một dự án phát triển lớn nhất lịch sử hiện đại, bao gồm việc xây dựng cơ sở hạ tầng của Liên minh Á - Âu từ Moskva tới Vladivostok, Nam Trung Quốc và Ấn Độ.
Rõ ràng Liên minh châu Âu (EU) càng theo đuổi chính sách cô lập Nga, thì họ sẽ càng phải trả giá cao. Vốn có quan hệ kinh tế mật thiết với Nga, EU đang hứng chịu những con số thiệt hại vật chất không thể thống kê. Và sẽ không thể định lượng những thiệt hại trong tương lai nếu EU còn theo đuổi các chính sách cứng rắn với Nga, chỉ có một điều chắc chắn là nó khá lớn, và người "phải trá giá" cuối cùng, không ai khác chính là người dân EU.
Và nếu như Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay kết thúc với một thông điệp gửi tới Nga rằng họ sẽ không gỡ bỏ cấm vận chừng nào cuộc khủng hoảng Ukraine chưa được giải quyết triệt để, thì chắc chắn họ cũng nên chuẩn bị nội lực để đối đầu với Nga, bởi các động thái kinh tế chính trị của Nga suốt một năm qua cho thấy Nga có đủ dự trữ để có thể chịu được cấm vận, và châu Âu không thể chịu đựng được lâu hơn họ.
Có thể thấy dù từng thành viên của G7 nhận rõ những thiệt hại mà họ cũng như Nga đang phải gánh chịu liên quan lệnh trừng phạt chống Nga, dù Thủ tướng Đức Angela Merkel có ngậm ngùi về một chiếc ghế bỏ trống tại hội nghị thượng đỉnh năm nay, dù ông Putin có khẳng định "Nga không có quan hệ gì với G7", thì điều không khó nhận thấy chính việc người dân Nga, người dân EU và cộng đồng quốc tế đang chịu thiệt hại bởi mối quan hệ lạnh nhạt giữa Nga và châu Âu.
Thật khó để dự đoán về tương lai mối quan hệ Nga - phương Tây lúc này, song thế giới có quyền hy vọng mọi mâu thuẫn sẽ sớm được tháo gỡ, để các cường quốc hàng đầu thế giới có điều kiện chung tay giải quyết các vấn đề chung của cả nhân loại.
Theo Quế Anh (P/v TTXVN tại LB Nga)
baotintuc.vn
Thủ tướng Medvedev cảm ơn các nước trừng phạt Nga Theo Thủ tướng Dmitry Medvedev, lệnh trừng phạt từ phương Tây khuyến khích nước Nga hoạt động giao thương tích cực hơn với các đối tác châu Á và khối BRICS - khu vực chiếm 60% GDP toàn cầu. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cảm ơn các nước áp đặt lệnh trừng phạt Nga - Ảnh: AFP Theo Russia Today, Thủ tướng Nga...