Nga khẳng định không xâm lược Ukraine
Nga đã đảm bảo với Mỹ rằng nước này không xâm lược Ukraine, Lầu Năm Góc ngày 28/4 cho biết sau cuộc điện đàm giữa bộ trưởng quốc phòng hai nước.
Bộ trưởng quốc phòng Nga, Mỹ trong một cuộc gặp hồi tháng 10/2013.
“Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã điện đàm với người đồng cấp Nga Sergei Shoigu. Ông Shoigu đã nhắc lại lời đảm bảo rằng các lực lượng Nga sẽ không xâm lược Ukraine”, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Chuẩn đô đốc John Kirby cho biết trong một tuyên bố.
Theo ông Kirby, lãnh đạo quốc phòng hai nước đã thảo luận một loạt các vấn đề liên quan tới Ukraine, và ông Hagel đã yêu cầu giải thích về các ý định của Nga tại miền đông Ukraine.
Bộ trưởng Hagel đã hối thúc Nga chấm dứt “sự ảnh hưởng nhằm làm mất ổn định bên trong Ukraine và cảnh báo rằng nếu còn tiếp tục gây hấn, Nga sẽ bị cô lập thêm và chịu thêm các sức ép kinh tế và ngoại giao”, ông Kirby nói.
Người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng đề nghị Nga trợ giúp để đảm bảo việc phóng thích quan sát viên của Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) hiện đang bị bắt giữ ở phía đông Ukraine.
Video đang HOT
7 quan sát viên của OSCE đã bị những người biểu tình thân Nga bắt giữ hôm 25/4 tại thành phố Slaviansk. Phe biểu tình muốn trao đổi sự tự do của họ với việc phóng thích những người hiện đang bị giới chức Ukraine bắt giữ.
Trong khi đó, Nga cho biết, trong cuộc điện đàm với ông Hagel, Bộ trưởng quốc phòng Shoigu đã kêu gọi Mỹ giảm giọng điệu hiếu chiến về cuộc khủng hoảng Ukraine.
Cuộc điện đàm trên diễn ra sau khi Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với 7 quan chức chính phủ Nga và 17 công ty Nga nhằm đáp trả cái mà Nhà Trắng gọi là “sự can thiệp bất hợp pháp liên tục và các hành động khiêu khích của Mátxcơva tại Ukraine”.
Trong một diễn biến có liên quan, Ngoại trưởng Anh William Hague ngày 28/4 cho biết ông sẽ tới thăm Ukraine, Gruzia và Moldova vào tuần tới để bày tỏ sự ủng hộ với Kiev và các chính phủ thân châu Âu khác.
Theo Dantri
Phương Tây chật vật đối phó với Nga
Dù rất lo ngại sẽ xảy ra "một cuộc xâm chiếm" ở miền Đông Ukraine, song đến nay NATO vẫn bất lực trước việc làm thế nào để ngăn chặn "gấu" Nga.
NATO cung cấp ảnh chụp các máy bay Su-27/30 và Su-24 của Nga ở căn cứ quân sự vùng Buturlinovka
Trong hai ngày qua, NATO liên tục cung cấp các bức ảnh kèm theo các lời tố cáo nói rằng Nga đang điều hàng chục nghìn binh sĩ đến sát biên giới Ukraine để chuẩn bị cho một cuộc "xâm chiếm" ở miền Đông nước này. Dù rất lo lại, nhưng cái chính là các nước phương Tây không đưa ra được bất cứ đối sách nào ngăn chặn hành động can thiệp, nếu có, của Nga nhằm vào Ukraine.
Đầu tiên, do Ukraine không phải là một thành viên của NATO nên việc viện đến giải pháp quân sự hoàn toàn bị loại trừ. Trong bối cảnh đó, chỉ có các biện pháp trừng phạt và cô lập là những phương sách tốt nhất và có lẽ cũng là con đường duy nhất để gây sức ép với Nga. Theo các chuyên gia châu Âu, về lâu dài, việc gia tăng áp lực lên giới nhà giàu và các nhân vật quyền lực thân cận với Tổng thống Vladimir Putin sẽ buộc nhà lãnh đạo Nga phải tìm hướng tiếp cận hòa giải hơn cho cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay.
Nhưng cách làm này vừa mất nhiều thời gian, vừa có mặt trái khiến phương Tây không khỏi quan ngại. Một số quốc gia thành viên NATO và Liên minh châu Âu (EU) cho rằng thời gian cô lập càng dài, nước Nga sẽ càng dâng cao tinh thần dân tộc chủ nghĩa và tìm được phương cách tự xoay sở. Khi đó, Tổng thống Putin sẽ càng có thêm quyết tâm để thực thi các chính sách bảo vệ lợi ích của dân tộc mình.
Trong khi đó, điểm cốt yếu nhất hiện nay là quyết tâm của Nga trong việc giành lại ảnh hưởng ở không gian hậu Xô Viết luôn mạnh hơn nhiều so với nỗ lực của Mỹ và châu Âu trong việc ngăn chặn hành động này. Cụ thể, trong khi Nga ngày càng thâm nhập sâu hơn vào các nước thuộc không gian ảnh hưởng của mình (cả về quân sự, chính trị, ngoại giao và kinh tế) thì Mỹ và châu Âu lại luôn thờ ơ với những lời kêu gọi giúp đỡ khi các nước gặp khó khăn. Sự bám rễ của Nga ăn sâu tới mức nước này có thế dễ dàng khuấy động bất ổn ở bất cứ đâu và nếu cầu có thể tạo lập ngay các điều kiện cho việc tiến hành can dự.
"Những gì chúng ta đang nhìn thấy là một cuộc chiến tranh mới và là một phần của chiến lược đã được trù tính", chuyên gia Chris Donnelly nói. Ông Donnelly là cựu cố vấn cấp cao của NATO về Nga và hiện là Giám đốc Viện nghệ thuật quản lý ở thủ đô London, Anh.
Trong bản thông điệp đặc biệt đọc ngày 18/3 sau khi sáp nhập Crimea, Tổng thống Putin cũng đã nói rõ nước Nga sẵn sàng sử dụng vũ lực để bảo vệ các lợi ích của các cộng đồng thiểu số nói tiếng Nga. Theo thống kê, trên thế giới hiện có khoảng 25 triệu người gốc Nga (chủ yếu ở Ukraine, Kazakhstan, Gruzia, Moldova, các nước Trung Á, Baltic) và khoảng 10 triệu người nói tiếng Nga (ở Ukraine, Belarus và một số nước khác). Vì vậy, cần phải hiểu đúng tinh thần tuyên bố của ông Putin rằng nước Nga sẵn sàng đối đầu với bất kỳ thế lực nào nếu như được cộng đồng người Nga hay người nói tiếng Nga ở nước ngoài lên tiếng cầu viện "gấu mẹ vĩ đại".
Đối lập với quyết tâm mạnh mẽ của Nga, rất ít quốc gia phương Tây có đủ khả năng và quyết tâm để chặn đường. Các cuộc chiến tại Transdniestria ở Moldova, hay Nam Ossetia và Abkhazia ở Gruzia cũng đã chứng minh điều đó. Thực tế cho thấy Nga không chỉ mạnh hơn về tiềm lực quân sự, mà còn ở cả ý chí và quyết tâm bảo vệ lợi ích dân tộc của mình. Chỉ có duy nhất một lằn ranh đỏ mà nước Nga sẽ phải tính toán cẩn trọng trong cuộc đối đầu với phương Tây là không được đụng đến các nước thành viên NATO, dù đó là các quốc gia vùng Baltic. NATO không ít lần khẳng định động đến các nước này có nghĩa Nga sẽ nhấn nút khởi động chiến tranh tổng lực với liên minh quân sự lớn nhất thế giới và Mỹ, đối thủ nặng ký bên kia bờ Đại Tây Dương.
Phương Tây thực chất có thể làm gì?
Một số chuyên gia cho rằng, đối sách mạnh mẽ nhất của phương Tây đối với Nga hiện nay là cứ mỗi khi Nga sáp nhập thêm một vùng đất vào lãnh thổ liên bang thì lại có thêm một hoặc một vài quốc gia khác nằm gần quỹ đạo của Nga ngả sang phương Tây. Nhưng để làm được điều đó, phương Tây sẽ phải có các hỗ trợ kinh tế thường xuyên và phải quan tâm nhiều hơn đến việc kết nạp các nước thuộc không gian hậu Xô Viết gia nhập EU, thậm chí NATO. Xây dựng các chiến lược kinh tế và năng lượng với Trung Á cũng là những bước đi cần tính đến.
Tuy nhiên, việc kéo các nước này ra khỏi sự ảnh hưởng của Nga phụ thuộc rất lớn vào việc Mỹ và châu Âu có tạo được tâm lý ổn định và an toàn cho chính phủ các nước. Với một Ukraine chìm sâu trong khủng hoảng và vòng cung ảnh hưởng của Nga đang ngày càng lan rộng, chiến lược này xem ra cũng chỉ là ảo tưởng huyễn hoặc, chí ít trong bối cảnh hiện nay.
Một đề xuất khác được đưa ra là các nước phương Tây sẽ đưa quân tới đồn trú ở các nước Đông Âu, đặc biệt là 3 nước vùng Baltic, và những nước có ý định sẽ liên kết với châu Âu. Cách làm này vô cùng nguy hiểm vì sẽ phá vỡ thỏa thuận và chạm đến lằn ranh mà Mátxcơva đã vạch ra trước đó. Đó là NATO và EU không được phép mở rộng biên giới tới sát đường biên của Nga.
Vì vậy, nếu xét tổng thể, "vũ khí" tốt nhất hiện nay của phương Tây vẫn là gây áp lực kinh tế và ngoại giao với Nga, cho dù hiệu quả thực sự của phương pháp này có thể không được như phương Tây mong đợi.
Đức Vũ
Theo Dantri
Nga cảnh báo lính đánh thuê Mỹ tập hợp ở đông nam Ukraine Bộ Ngoại giao Nga đã cảnh báo động thái tăng cường lực lượng Ukraine và lính đánh thuê Mỹ ở đông nam Ukraine, kêu gọi Kiev ngay lập tức ngừng hoạt động chuẩn bị quân sự, nếu không Ukraine sẽ rơi vào nội chiến. Người biểu tình dựng hàng rào phong tỏa tòa nhà văn phòng hội đồng khu vực Donetsk ở thành...