Nga khai quật hài cốt sa hoàng Nicholas II sau gần 100 năm
Người Nga đã lật lại cái chết của sa hoàng Nicholas II và gia đình, khai quật hài cốt của họ sau gần 100 năm vụ ám sát cả 7 thành viên gia đình sa hoàng.
Toàn bộ 7 thành viên gia đình Sa hoàng Nicholas II bị giết chết vào năm 1918, một năm sau khi ông buộc phải thoái vị – Ảnh: AFP
Các nhà điều tra Nga hôm 23.9 cho biết đã lấy mẫu cần thiết từ hài cốt của Nicholas II – sa hoàng cuối cùng của nước Nga – hoàng hậu Tsarina Alexandra cũng như từ bộ đồng phục dính đầy máu của Alexander II – ông của sa hoàng Nicholas đã bị giết chết vào năm 1881.
Cuộc điều tra về vụ ám sát toàn bộ thành viên gia đình Sa hoàng, gồm 2 vợ chồng, 4 con gái, một con trai của họ, thêm 4 nhân viên hoàng gia đã khép lại vào năm 1998, sau khi các cuộc giám nghiệm ADN chứng thực các hài cốt trong một ngôi mộ tập thể ở Urals (Nga) được khai quật hồi năm 1991 là gia đình Sa hoàng.
Tuy nhiên, kết luận này không làm giáo hội Chính thống Nga thỏa mãn hoàn toàn, bởi hài cốt của 2 người, một con gái và một con trai của Sa hoàng đến năm 2007 mới được phát hiện ở một địa điểm khác tại Urals. Ủy ban điều tra – cơ quan thuộc nhà nước Nga – cho biết cuộc khai quật lần này là để xác nhận lại đó thực sự có phải là hài cốt của 2 người con kể trên hay không, BBC đưa tin.
Video đang HOT
Tượng sa hoàng Nicholas II – Ảnh: AFP
Hiện hài cốt của Sa hoàng, vợ và 3 con gái được chôn trong nhà thờ chính tòa ở St. Petersburg (Nga), còn hài cốt của 2 người con kể trên đang do Cục Lưu trữ nhà nước Nga quản lý. Nếu cuộc điều tra lần này xác nhận đó chính xác là hài cốt của 2 người con Sa hoàng Nicholas II, 2 hài cốt này sẽ được đưa vào nhà thờ “đoàn tụ” với gia đình.
Được biết, một thành viên của đảng Bolshevik đã bắn chết gia đình sa hoàng khi họ đang xếp hàng để chụp hình tại một căn hầm ở Yekaterinburg (Nga) hồi năm 1918.
Kiều Oanh
Theo Thanhnien
Quân đội Mỹ sẽ khai quật hài cốt lính Mỹ trong vụ Trân Châu cảng
Các tiến bộ về công nghệ pháp y sẽ cho phép nhận diện hàng trăm bộ hài cốt lính Mỹ chết trận được chôn dưới mộ vô danh.
Lầu Năm Góc thông báo, lần đầu tiên phòng thí nghiệm Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ phân tích 388 bộ hài cốt chưa được nhận diện bằng các kỹ thuật pháp y, bao gồm kiểm tra ADN.
Cảnh vụ tấn công Trân Châu cảng. (Ảnh: hear-us-now)
Quan chức quốc phòng Mỹ hôm 14/4 cho hay, quân đội Mỹ lên kế hoạch khai quật hài cốt quân nhân Mỹ tử trận trong vụ Nhật Bản tấn công Trân Châu cảng năm 1941. Việc khai quật và giám định sẽ tập trung vào các thủy thủ và lính thủy quân lục chiến trên tàu USS Oklahoma - những người chưa bao giờ được nhận diện.
Cuộc tấn công bất ngờ hơn 7 thập kỷ về trước đã lôi kéo nước Mỹ bước vào Thế chiến thứ 2.
Trong vụ này, ngư lôi Nhật Bản đã đánh chìm con tàu Mỹ, làm chết 429 thủy thủ và lính thủy đánh bộ.
Di cốt của đa số thành viên của con tàu đã không thể nhận diện được và cuối cùng đã được an táng ở Nghĩa trang Tưởng niệm Quốc gia Mỹ ở Honolulu, Thái Bình Dương.
Theo quyết định của Lầu Năm Góc, hài cốt của 388 thành viên thủy thủ đoàn trên tàu Oklahoma sẽ được khai quật ra khỏi nghĩa trang và đưa tới một phòng thí nghiệm của Bộ Quốc phòng Mỹ ở Hawaii.
Một nơi người Mỹ tưởng niệm vụ Trân Châu cảng. (Ảnh: Getty)
Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work phát biểu trong 1 bản ghi nhớ: "Các tiến bộ gần đây trong khoa học và công nghệ pháp y cũng như hỗ trợ của thân nhân các tử sĩ trong việc cung cấp thông tin phả hệ đã giúp hiện thực hóa việc nhận diện từng cá nhân tử sĩ đã an nghỉ từ lâu dưới các nấm mộ vô danh".
Những quân nhân nào được xác định rõ danh tính sẽ được an táng lại với nghi lễ quân đội đầy đủ.
Thứ trưởng Work cũng đã thông qua chính sách mới mở đường cho việc khai quật hài cốt các quân nhân Mỹ chưa được nhận diện tại các nghĩa trang quân đội khác.
Các chuyên gia của Lầu Năm Góc sẽ thu thập các mẫu từ gia đình tử sĩ và so sánh với mẫu ADN lấy từ hài cốt cũng như y bạ và hồ sơ về răng người chết./.
Theo Trung Hiếu/VOV.VN/theo Guardian