Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ không đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Idlib
Nhóm họp tại Tehran ngày 7/9, Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã thông qua một loạt các giải pháp tập trung vào tình hình ở tỉnh Idlib, Syria – thành trì cuối cùng của các nhóm phiến quân.
Trong tuyên bố chung, 3 quốc gia tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhau cho đến khi những kẻ khủng bố bị loại bỏ hoàn toàn và tình hình tại Syria được ổn định trở lại. Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh, việc trục xuất các chiến binh ra khỏi Idlib là “nhiệm vụ chính ở giai đoạn này”. Moskva, Tehran và Ankara thống nhất tiếp tục nỗ lực bảo vệ dân thường và cải thiện tình hình nhân đạo tại Syria.
Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan họp bàn về Syria tại Tehran ngày 7/9. Ảnh TASS
Vì một hòa bình ổn định
Trong tuyên bố chung nêu rõ, không có một giải pháp quân sự cụ thể nào cho cuộc khủng hoảng tại Syria, mà nó sẽ được giải quyết “thông qua những đàm phán chính trị và ngoại giao”.
Lãnh đạo ba nước nhấn mạnh về một cam kết vững chắc cho chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Cộng hòa Ả rập Syria, theo mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hơp Quốc. Do đó, “không cho phép bất cứ hành động nào làm suy yếu những nguyên tắc này”. Ngoài ra, các bên bày tỏ sự sẵn sàng phản đối mạnh mẽ chủ nghĩa ly khai nhằm phá hoại tính toàn vẹn của Syria.
Trong cam kết tại cuộc gặp, nhà lãnh đạo ba nước nhấn mạnh tạo điều kiện cần thiết cho sự trở về an toàn cho những người tị nạn. Về vấn đề này, các nhà lãnh đạo đã chỉ ra sự cần thiết trong phối hợp giữa các bên liên quan, bao gồm văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn và các tổ chức quốc tế chuyên ngành khác. Các tổng thống cũng đồng ý xem xét phương án mở ra một hội nghị quốc tế về người tị nạn Syria và những người di tản trong nội quốc.
Bên cạnh đó, các tổng thống tái khẳng định quyết tâm thúc đẩy hợp tác tích cực về chính trị, phù hợp với các Nghị quyết của Đại hội đối thoại quốc gia về Syria tại Sochi và Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Tại hội nghị, Tổng thống Nga Putin tuyên bố Nga có đầy đủ bằng chứng thuyết phục về việc các chiến binh đang chuẩn bị những hành động khiêu khích với kịch bản “vũ khí hóa học”, nhằm vin cớ, đưa ra lý do chính đáng để liên minh phương Tây tấn công chính quyền Syria.
“Với cái cớ bảo vệ dân thường thì hành động khiêu khích này không thể chấp nhận được” – Tổng thống Putin nhấn mạnh.
Video đang HOT
Loại bỏ những kẻ khủng bố ra khỏi Idlib
Chủ đề trọng tâm của cuộc hội đàm là thảo luận về tình hình ở Idlib – thành trì cuối cùng của các phiến quân. Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh, loại bỏ hoàn toàn những kẻ khủng bố tại Syria là ưu tiên hàng đầu của cả Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.
“Phía Tây Nam của Syria đã được giải phóng thành công cùng với sự hậu thuẫn của quân đội Nga. Nhiệm vụ hàng đầu trong giai đoạn này là xóa bỏ các phiến quân ra khỏi Idlib. Sự hiện diện của những kẻ khủng bố đang đe dọa trực tiếp đến dân thường và nền hòa bình của Syria” – Tổng thống Putin nói.
Nhà lãnh đạo Nga cho biết thêm, các bên luôn nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa giải, và hi vọng sẽ được lắng nghe. Đại diện của các tổ chức khủng bố theo đó cũng sớm hạ vũ khí.
Tổng thống Putin cũng đặc biệt lưu ý về việc bảo đảm an toàn cho người dân ở Idlib khi triển khai tấn công, bởi với diện tích rộng, khu vực này rất đông cư dân sinh sống.
Còn Tổng thống Iran Hassan Rouhani lại đề cập tới vấn đề “không kém phần quan trọng” – việc quân đội Mỹ phải chắc chắn rút khỏi lãnh thổ Syria, trên bờ phía Đông của sông Euphrates, nơi Mỹ ủng hộ Lực lượng dân chủ Syria.
Vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ
Tại cuộc gặp, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đề nghị duy trì ngừng bắn ở Idlib. Theo ông, mọi “hành động sai lầm” trong khu vực này có thể dẫn đến sự gián đoạn của tiến trình chính trị ở Syria. Không chỉ vậy, ông Erdogan bày tỏ sự lo ngại chiến dịch quân sự sẽ dẫn đến khủng hoảng nhân đạo và người tị nạn sẽ tràn qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
“Dòng người tị nạn từ Idlib ngày càng tăng và tiến sát tới biên giới của chúng tôi. Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp nhận 3,5 triệu người tị nạn từ Syria, trong khi dân số tỉnh Idlib hơn 3 triệu người. Chúng tôi không thể tiếp nhận thêm nữa” – Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ phân tích và kêu gọi một lệnh ngừng bắn.
Tuy nhiên, quan điểm này của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã vấp phải sự phản đối của lãnh đạo Nga và Iran. Cả Putin và Rouhani đều cho rằng, cuộc chiến chống khủng bố là yếu tố quyết định trong sứ mệnh lập lại hòa bình và ổn định cho quốc gia Trung Đông.
Tăng viện trợ cho Syria
Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Liên Hợp Quốc tăng viện trợ cho Syria. Tuyên bố chung được thông qua tại hội nghị tái khẳng định quyết tâm của 3 nước trong nỗ lực chung bảo vệ dân thường và cải thiện tình hình nhân đạo bằng cách tiếp cận các nguồn viện trợ nhanh chóng, an toàn cho người dân Syria.
Tổng thống Nga Putin đề nghị xây dựng chương trình quốc tế về sự hồi sinh của Syria. Ông cho rằng, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực cải thiện tình hình nhân đạo ở Syria, bao gồm khôi phục nền kinh tế, cơ sở hạ tầng, giải quyết các vấn đề xã hội, đảm bảo tiếp nhận đầy đủ và không phân biệt đối xử với những người tị nạn trở về nước.
Lãnh đạo Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ thống nhất cuộc họp ba bên bàn về vấn đề Syria sẽ được tổ chức lần thứ 4 tại Nga. Trước đó, hội nghị lần thứ nhất đã được nhóm họp tại Sochi vào tháng 11/2017, lần thứ 2 tại Ankara – tháng 4/2018.
Mỹ Nga
Theo baonghean/TASS
Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ không đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Idlib
Tổng thống Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 7/9 đã không đạt được một thỏa thuận về lệnh ngừng bắn nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công của quân đội Syria vào thành trì cuối cùng của phiến quân ở Idlib.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (Ảnh: Reuters)
Theo Reuters, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm qua đã nhóm họp ở Iran để thảo luận giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay ở Syria.
Ba nhà lãnh đạo đã nhất trí trong một tuyên bố chung sau hội nghị rằng, cuộc khủng hoảng ở Syria không thể giải quyết bằng giải pháp quân sự mà chỉ có thể bằng một tiến trình đàm phán chính trị.
Tuyên bố chung cũng kêu gọi Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế đẩy mạnh hỗ trợ nhân đạo cho Syria và giúp tái thiết quốc gia này, tạo điều kiện an toàn để những người tị nạn trở về.
Tuy nhiên, Tổng thống Putin và Tổng thống Rouhani đã bác bỏ lời kêu gọi của người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan về một lệnh ngừng bắn ở Syria.
Tổng thống Putin cho rằng, một lệnh ngừng bắn sẽ vô nghĩa bởi vì nó không ràng buộc đối với các nhóm Hồi giáo cực đoan có vũ trang bị coi là khủng bố. "Thực tế không có đại diện nào của phe đối lập ở đây, tại bàn đàm phán này. Hơn nữa, không có bất cứ đại diện nào của Jabhat al-Nusra, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hay quân đội chính phủ Syria. Tôi nghĩ, về cơ bản Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra quan điểm đúng đắn. Nhưng tôi không thể chắc chắn rằng những phần tử khủng bố Jabhat al-Nusra hay IS sẽ ngừng bắn hay ngừng sử dụng thiết bị không người lái mang theo bom".
Tổng thống Rouhani cho rằng, chính phủ Syria cần phải giành lại quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ.
Về phần mình, Tổng thống Erdogan nói rằng, Thổ Nhĩ Kỳ không thể tiếp nhận thêm người tị nạn nếu một cuộc tổng tấn công vào Idlib xảy ra. Kể từ năm 2011 đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp nhận 3,5 triệu người tị nạn từ Syria.
"Cho dù bất cứ lý do nào, một cuộc tấn công (vào Idlib) sẽ kéo theo thảm kịch. Hàng triệu người sẽ chạy qua biên giới Thổ Nhì Kỳ bởi không còn nơi nào để đi. Thổ Nhì Kỳ đã tiếp nhận quá nhiều người tị nạn", ông Erdogan nói.
Hội nghị 3 bên giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran về cuộc khủng hoảng ở Syria diễn ra trong bối cảnh quân đội Syria được cho là chuẩn bị tấn công quy mô lớn để giành lại quyền kiểm soát Idlib. Mỹ đã lên tiếng phản đối kế hoạch tấn công này vì nó có thể khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng.
Trong khi đó Nga cho rằng, Mỹ và các đồng minh đang lên kế hoạch không kích vào Syria nhằm cản trở cuộc tiến công vào Idlib của quân đội Syria.
Minh Phương
Tổng hợp
Theo Dantri
Người Syria nháo nhào tháo chạy trước khi Idlib "vỡ trận" Hàng trăm dân thường Syria vội vàng chạy khỏi Idlib vì lo sợ viễn cảnh chiến sự trong khi Tổng thống Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ họp bàn quyết định số phận của pháo đài cuối cùng nằm dưới sự kiểm soát của phiến quân ở Syria. Các lực lượng của chính phủ Syria và đồng minh của họ đã tập trung...