Nga – Iran kề vai sát cánh trong xử lý khủng hoảng Syria
Cả Nga và Iran đều đang cho thấy dấu hiệu chấp thuận sự ra đi của Tổng thống Syria nếu thực sự đây là giải pháp chính trị có thể đem lại hòa bình cho quốc gia này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Lãnh tụ Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei tháng trước gặp mặt tại Tehran. Ảnh: Reuters
Dù vẫn công khai thể hiện lập trường ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Nga gần đây bắt đầu đưa ra những biểu hiện cho thấy họ không phản đối việc ông Assad rời văn phòng tổng thống nếu đó là một phần trong tiến trình hòa bình ở Syria, Reuters dẫn lời một số nhà ngoại giao cho biết.
Iran trong khi đó tuyên bố có “quan điểm thống nhất” với Nga đối với vấn đề Syria. Đây được xem như dấu hiệu cho thấy quan điểm kiên quyết phản đối việc Tổng thống Assad ra đi của nước này cũng đang dần được điều chỉnh theo chiều hướng bớt quyết liệt hơn trước.
Theo một quan chức Iran am hiểu vấn đề, quyết định đẩy mạnh phối hợp với Moscow của Tehran được đưa ra hồi tháng trước sau cuộc gặp mặt giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Lãnh tụ Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei.
Giống như Nga, Iran cũng công khai thể hiện lập trường cho rằng việc ông Assad đi hay ở chỉ nên được quyết định thông qua một cuộc bầu cử chính thức.
“Điều chúng tôi đồng thuận đó là Iran và Nga sẽ theo đuổi cùng một chính sách có lợi cho cả Tehran, Moscow cũng như Damascus”, quan chức cấp cao Iran nói. “Chính người Syria phải quyết định số phận của mình. Nhưng trước tiên sự ổn định cần được lập lại”.
Video đang HOT
“Nếu người Syria muốn Assad ra đi, khi đó, ông ấy buộc phải đi”, ông này nhấn mạnh. “Nếu ông ấy không thể phụng sự đất nước và người dân của mình thì một người kế nhiệm có khả năng hơn nên làm điều đó”.
Một quan chức Iran khác cũng khẳng định Tehran và Moscow đang “có chung tiếng nói” về vấn đề Syria và số phận ông Assad. “Cuộc gặp giữa ông Putin với lãnh tụ Khamenei rất thành công. Giờ đây, Iran và Nga có cùng quan điểm về Assad”, ông này nói.
Việc Tổng thống Assad đi hay ở hiện là điểm bất đồng lớn nhất giữa các cường quốc khi bàn thảo về tiến trình chính trị dẫn tới hòa bình ở Syria.
Giới quan chức Mỹ và châu Âu cho rằng ông Assad đã đánh mất tín nhiệm bởi các hành vi đàn áp và lạm dụng quyền lực, vì thế không đủ tư cách tham gia bất kỳ cuộc bầu cử nào. Còn lãnh đạo một số quốc gia phương Tây khác, Thổ Nhĩ Kỳ và Arab Sabdi lại miễn cưỡng chấp thuận việc để ông Assad nắm quyền lực ở vào giai đoạn chuyển đổi.
Trong một cuộc họp nhằm thảo luận về lộ trình hòa bình cho Syria diễn ra hôm 18/12, có sự tham gia của 17 nước, bao gồm, Mỹ, Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Arab Saudi, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho hay vẫn còn “những khác biệt sâu sắc” về số phận của ông Assad.
Làm sao để đưa ra một bản thỏa thuận ngừng bắn và lên kế hoạch tổ chức những phiên đối thoại giữa phe đối lập Syria và chính quyền nhằm hợp nhất các lực lượng vào một mối đồng thời hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) là trọng tâm của cuộc thảo luận.
Sau cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin, Lãnh tụ Tối cao Iran Khamenei đã công khai lên tiếng chỉ trích Mỹ, lên án chính sách mà Washington thực thi ở Trung Đông không khác gì một mối đe dọa với cả Moscow và Tehran. Ông cũng kêu gọi Nga và Iran nỗ lực để làm khăng khít hơn mối quan hệ song phương.
Nga và Iran đang can thiệp quân sự vào Syria nhằm hỗ trợ chính quyền Tổng thống Assad đối phó với các lực lượng chống chính phủ trong cuộc nội chiến kéo dài 5 năm, đã cướp đi sinh mạng của 250.000 người tại quốc gia Trung Đông này. Hai quốc gia từng là đối thủ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh nay đều có lợi ích trong việc củng cố mối quan hệ mới dựa trên sự không tin tưởng phương Tây và mong muốn cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ ở Trung Đông.
Trong hai phiên họp cấp bộ trưởng đầu tiên về xung đột Syria tổ chức ở Vienna, Áo, Iran đã miễn cưỡng ký vào một bản lộ trình được xây dựng dựa trên cái gọi là Thông cáo Geneva được đưa ra từ tháng 6/2012.
Thông cáo Geneva kêu gọi thực hiện quá trình chuyển đổi chính trị ở Syria. Tehran chưa bao giờ chính thức chấp thuận điều này bởi nó đồng nghĩa với sự chấm dứt của chính quyền Assad, theo Reuters.
Các nhà ngoại giao phương Tây nhận định Iran sẽ phải tiến gần hơn về phía Nga và rời bỏ hoàn toàn Tổng thống Assad nếu đó là giải pháp ngoại giao hữu hiệu để kết thúc cuộc chiến ở Syria.
Mỹ, châu Âu và các nước Arab vùng Vịnh kiên quyết cho rằng ông Assad phải từ chức và không nên tham gia vào bất cứ cuộc bầu cử nào trong tương lai.
Theo một quan chức phương Tây, điều quan trọng đối với Nga và Iran lúc này là tìm ra chính xác cách để từ bỏ chính quyền Assad. Thạm chí khi người Iran bắt đầu chấp nhận khả năng Tổng thống Assad phải rời ghế, mục tiêu này vẫn rất khó đạt được.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Ngoại trưởng John Kerry: Mỹ không muốn đối đầu với Nga
"Chúng tôi không tìm kiếm sự đối đầu. Chúng tôi muốn Nga và Mỹ kết nối nhau bằng một mối quan hệ bình thường", Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói với truyền thông Nga ngày 19.12.
Ngoại trưởng Kerry nói Mỹ không tìm kiếm sự đối đầu với Nga - Ảnh: AFP
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Tin tức ngày thứ bảy của Nga ngày 19.12, ông Kerry nói: "Chúng tôi muốn thấy một nước Nga vững mạnh và hùng cường, có thể đóng góp vào việc giải quyết các tranh chấp trên vũ đài chính trị thế giới, bởi vì hiện nay hai nước chúng ta đang phải đối diện với quá nhiều thách thức chung".
Ông Kerry cũng cho biết, nhờ những nỗ lực của phía Nga và cá nhân ngoại trưởng Sergei Lavrov, quá trình giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Theo Sự thật Komsomol ngày 19.12, trong lần trả lời phỏng vấn này, Ngoại trưởng Mỹ tái khẳng định Washington không tìm mọi cách để thay đổi chế độ của Tổng thống Bashar al Assad và không can thiệp vào công việc nội bộ của Syria.
"Sẽ là điều vô cùng quan trọng khi người dân Nga hiểu được lập trường, quan điểm của nước Mỹ. Chúng tôi không cố gắng tìm cách thay đổi các chế độ cầm quyền. Chúng tôi không tham gia vào các cuộc cách mạng màu. Chúng tôi không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Mục tiêu của chúng tôi chỉ là mong muốn hòa bình cho thế giới", ông Kerry phát biểu.
Gần đây, Ngoại trưởng Mỹ có nói rằng Mỹ và Anh không áp đặt các điều kiện buộc Tổng thống Syria phải từ chức, tuy nhiên Mỹ nhận thấy rằng vấn đề này cần được thảo luận tại các cuộc đàm phán với sự tham gia của tất cả các bên.
Tổng thống Assad gần đây đã nói rằng ông sẽ rời khỏi chức vụ của mình chỉ theo ý nguyện của người dân chứ không theo yêu cầu của chính Washington hay Liên Hiệp Quốc.
Phạm Bá Thủy
Theo Thanhnien
Tổng thống Syria tuyên bố không từ chức Theo lời Tổng thống Syria, Bashar al Assad, việc ông từ chức chỉ khiến các cuộc xung đột kéo dài thêm mà thôi. Tổng thống Assad tuyên bố ông từ chức chỉ khiến cuộc xung đột kéo dài - Ảnh: Reuters "Phương Tây mong muốn có được cái gọi là giải pháp chính trị nhằm dẫn đến sự thay đổi chính quyền ở...