Nga EU: Gia tăng hiềm khích
Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu Jean-Claude Juncker đã kêu gọi thành lập lực lượng quân đội riêng của EU nhằm tăng cường an ninh cho khối này.
Lời kêu gọi đưa ra trong bối cảnh EU cũng như Mỹ đang bế tắc trong việc tháo gỡ “mớ bòng bong” Ukraine. Song thực tế, lời kêu gọi này lại cho thấy mâu thuẫn đang lớn dần lên trong nội tại của EU, cũng như gia tăng các mối hiềm khích với Nga.
Mối quan hệ Nga – EU đang đứng trước nguy cơ căng thẳng mới (Ảnh: RIA)
Trả lời phỏng vấn tờ báo Đức Welt am Sonntag, ông Juncker cho biết, việc thành lập một lực lượng quân đội chung của Liên minh Châu Âu sẽ giúp khối này tránh được những đe dọa an ninh từ phía Nga, đồng thời có thể tự xây dựng một chính sách an ninh và đối ngoại chung một cách có hiệu quả. Ông Juncker cũng bác bỏ quan điểm cho rằng, việc thành lập lực lượng quân sự chung của EU sẽ trở thành thách thức đối với Khối liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tuy nhiên, ý tưởng của ông Juncker đã không nhận được sự đồng tình của một số thành viên trong Liên minh Châu Âu, đặc biệt trong đó có Anh. Anh cho rằng, đây là một ý tưởng “không có triển vọng” và nước Anh chưa có ý định tham gia vào liên minh quân sự này. Nhiều thành viên của Đảng đối lập tại nước Anh còn cho rằng, việc tạo ra một lực lượng quân đội chung của Liên minh Châu Âu sẽ là một “bi kịch” đối với khu vực cũng như đe dọa đến chủ quyền của mỗi một thành viên của khối này.
Những quan điểm trái ngược nhau về ý tưởng mà ông Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu đưa ra lại một lần nữa cho thấy những mâu thuẫn nội tại vẫn đang lớn dần lên trong khối này. Trước đó, tại cuộc họp của ngoại trưởng Liên minh Châu Âu diễn ra cuối tuần trước ở Latvia, EU đã cho thế giới thấy sự chia rẽ sâu sắc trong việc gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Nga liên quan đến vấn đề Ukraine. Nếu ý tưởng lực lượng quân đội chung được triển khai, nhiều thành viên của EU e ngại “hố ngăn cắt” trong quan hệ Nga – EU chắc chắn sẽ được khoét sâu hơn, làm tổn hại đến nhiều nền kinh tế trong Liên minh Châu Âu, vốn phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
Video đang HOT
Ông Jonathan Steele, chuyên gia về các vấn đề quốc tế của tạp chí Người bảo vệ (Anh) cho rằng, EU cần cẩn trọng khi đưa ra các ý tưởng nhằm làm tổn hại tới quan hệ với Nga: “Hiện các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga cũng có những tác động ngược với một số nền kinh tế yếu trong EU. Nhiều nước như Đức, Pháp, Xlovakia.. vẫn đang e ngại khi quan hệ Nga – EU đang ngày càng xấu đi. Chính vì thế, Châu Âu cần phải cẩn trọng khi tiếp tục làm cho mối quan hệ này xấu hơn”.
Và những lo ngại này là tất yếu. Hãng tin Tass của Nga sáng nay (9/3), dẫn lời Ủy viên Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Nga, ông Franz Klintsevich bình luận về ý tưởng thành lập đội quân chung của châu Âu, cho biết một đội quân như vậy không giúp EU thực thi các chính sách đối ngoại và an ninh chung, mà chỉ có thể đóng vai trò khiêu khích. Và Nga sẽ không để cho các liên minh quân sự, dù của NATO hay bất cứ khối nào đe dọa đến an ninh của nước Nga.
Trong một động thái mới nhất, EU đã gia hạn các biện pháp trừng phạt đối với Nga thêm 6 tháng nữa. Đây được cho là dấu hiệu khá cứng rắn của EU đối với Nga. Các nhà phân tích cho rằng, việc tiếp tục các biện pháp trừng phạt và gây hấn với Nga vào thời điểm này thì bên thiệt hại lớn nhất không ai khác ngoài EU./.
Theo Châu Anh/VOV- Trung tâm Tin
Điều gì đẩy các nước "Mùa xuân Arập" tiến gần tới Nga
Tổng thống Mỹ Barack Obama dường như đang bồn chồn vì vấn đề Trung Đông, bởi hầu hết những quốc gia đã trải qua cái gọi là "Mùa xuân Arập" hiện đang dần rời xa Mỹ để tìm kiếm sự giúp đỡ từ Nga, hãng tin Rianovosti đã đưa ra nhận định về hiện tượng này.
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi (ngoài cùng bên phải) đón Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) tại sân bay quốc tế Cairo hôm 9/2 (Ảnh: AFP/TTXVN)
Vào tháng 2, nhiều quan chức cấp cao từ Thủ tướng Libya cho tới lãnh đạo một số đảng của Yemen đã có những chuyến công du tới Moskva. Chuyến thăm ngày 10/2 của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Ai Cập được các nhà phân tích đánh giá là một trong những sự kiện ngoại giao quan trọng nhất trong năm của hai nước.
Mỹ chỉ giúp đỡ khi thấy cần thiết
Sau khi NATO can thiệp dẫn đến cuộc lật đổ ông Muammar Gadhafi trong cuộc nội chiến năm 2011, hiện trạng Libya đã bị chia rẽ dẫn đến cuộc xung đột năm 2014.
Thủ tướng Libya Abdullah al-Thani đã trả lời phỏng vấn Rianovosti hôm 24/2: "Mỹ và Anh hỗ trợ các nhóm quân sự tuy nhiên lại từ chối cung cấp vũ khí cho quân đội Libya".
Hiện tại chính phủ Libya đang đề nghị Nga hỗ trợ để chống lại lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, các phần tử thánh chiến... Ông Al-Thani trong cuộc họp tại trung tâm báo chí Rossiya Segodnya ở Moskva hôm 5/2 nói rằng Libya hy vọng có thể hợp tác quân sự với Nga cả về mặt cung cấp vũ khí và đào tạo.
Libya đã bị phá huỷ hầu hết các cơ sở hạ tầng trong nội chiến và trong quá trình tái thiết nước này không thể trang trải được các công nghệ tiên tiến đắt đỏ của phương Tây nên buộc phải chấp nhận các khoản nợ từ IMF và Ngân hàng thế giới (WB), vốn được cho có nhiều liên kết và ảnh hưởng chính trị. Do vậy sự lựa chọn khác chính là Nga, nước luôn sẵn sàng có các hợp đồng hào phóng với mức giá rẻ hơn.
Ông Al-Thani chia sẻ với Rianovosti: "Chúng tôi có kế hoạch lớn cho sản xuất điện và xây dựng đường ray. Chúng tôi đã liên lạc với các công ty Nga và luôn chào đón sự trở lại của các doanh nghiệp Nga đến Libya bởi họ rất đáng tin tưởng và hòan thành công việc với chất lượng tốt".
Trong khi đó, vào tháng 2 vừa qua Nga và Ai Cập đã cùng thống nhất về kế hoạch Moskva hỗ trợ xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Cairo.
Bài học từ những cuộc biểu tình năm 2011
Để ngăn ngừa khủng hoảng lương thực, một trong những nguyên nhân dẫn đến các cuộc biểu tình năm 2011(xuất phát điểm của Mùa xuân Arập) Ai Cập đã tìm đến Nga để nhờ hỗ trợ xây dựng cơ sở lưu trữ giúp nước này "bảo quản" 80% lượng ngũ cốc cần thiết để dự phòng khi có biến động.
Còn tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, cả Ai Cập và Libya đều muốn được Nga lên tiếng hỗ trợ chứ không phải là Mỹ. Libya đã đề nghị Nga giúp kết thúc lệnh cấm vận vũ khí trong khi Ai Cập đang cần sự phối hợp của Nga để tìm giải pháp cho phép can thiệp quân sự nhằm chống lại ảnh hưởng của các phần tử thánh chiến sau khi lực lượng IS tại Libya sát hại 21 người Ai Cập theo Cơ đốc giáo.
Vào ngày 25/2, một nhóm chính trị gia Yemen đã tới Moskva theo lời mời của Duma quốc gia Nga. Hiện Yemen đang cần Nga giúp đỡ trong việc khai thác dầu.
Trong khi đó, theo Rianovosti đánh giá, Syria (nơi Mỹ đã quyết định hỗ trợ và đào tạo lực lượng nổi dậy chống chính phủ) cũng có thể sẽ gặp phải tình trạng như Libya. Trong trường hợp chính phủ nước này bị lật đổ thì Mỹ cũng không nhúng tay quá sâu vào bộ máy chính quyền của nước này, ngoài việc phá hủy mối quan hệ kinh tế với Nga và Iran.
Theo H.Linh/Rianovosti/baotintuc.vn
Bản lĩnh của Tổng thống Putin giữa vòng vây chính trị, kinh tế Kinh tế xuống dốc, một chính trị gia Đảng đối lập bị ám sát, Mỹ và phương Tây đe dọa trừng phạt mạnh tay, liệu ông Putin có đứng vững trước gió lớn? Trong khi cuộc chiến ở Ukraine vẫn còn âm ỉ, phương Tây vẫn luôn đổ trách nhiệm và đe dọa áp đặt các lệnh trừng phạt mới lên Nga, thì...