Nga dùng chiêu ‘bên miệng hố chiến tranh’ với phương Tây
Các chuyên gia Nga nhận định Nga đang dùng chiến lược “bên miệng hố chiến tranh” với phương Tây, tiến hành hàng loạt những cuộc tập trận rầm rộ nhằm gửi thông điệp đến phương Tây: hãy giữ khoảng cách và đừng nhúng tay quá nhiều vào tình hình Ukraine, trong khi Moscow chuẩn bị lực lượng sẵn sàng chiến đấu nếu xảy ra chiến tranh.
Các chiến đấu cơ của Nga – Ảnh: Reuters
Kể từ khi xung đột miền đông Ukraine bắt đầu vào tháng 4.2014, Nga tiến hành hàng loạt những cuộc tập trận và mới đây là hàng loạt những cuộc tập trận quy mô lớn khắp nước này với sự tham gia của hàng chục ngàn binh sĩ và tất cả đơn vị của quân đội.
Chiến lược bên miệng hố chiến tranh
Lý giải về động thái này, nhà phân tích quân sự Nga Pavel Felgenhauer, người nắm được nhiều nguồn tin trong quân đội Nga, nhận định Nga đang theo đuổi một chiến lược hai hướng: “tống tiền hạt nhân” nhằm gây áp lực buộc phương Tây phải nhượng bộ giữa lúc phương Tây áp dụng hàng loạt biện pháp trừng phạt Nga với cáo buộc Moscow viện trợ phe ly khai miền đông Ukraine, trong khi đảm bảo lực lượng vũ trang nước này sẵn sàng trước bất kỳ những cuộc đối đầu quân sự toàn diện, theo AFP ngày 20.3.
“Đây chính là chiến lược bên miệng hố chiến tranh. Đây là sự chuẩn bị cho nguy cơ xung đột hạt nhân, cho một cuộc chiến lớn với châu Âu và cho cuộc chiến hạt nhân với Mỹ”, ông Felgenhauer nói với AFP.
Ông Felgenhauer dẫn lại tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong phim tài liệu nói về Crimea sáp nhập Nga phát sóng trên truyền hình quốc gia Nga ngày 15.3 để lý giải “tống tiền hạt nhân”. Trong phim tài liệu này, Tổng thống Putin nói Nga sẵn sàng đặt lực lượng hạt nhân nước này vào tình trạng báo động trong quá trình sáp nhập Crimea cách đây một năm.
“Ông Putin nói về vũ khí nhưng thật ra không ai sợ chúng tôi”, nhà báo Nga Yulia Latynina có viết trong một bài xã luận trên tờNovaya Gazeta (Nga). Bà Latynina cho rằng phát biểu của ông Putin kể trên là nhằm cảnh báo phương Tây không nên làm leo thang tình hình Ukraine.
Chiến lược của Nga đã gặt hái được thành công phần nào. Washington mặc dù gửi binh sĩ đến huấn luyện quân đội Ukraine vào tháng tới, nhưng không dám cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine, theo nhận định của AFP.
Video đang HOT
Nga luôn bác bỏ cáo buộc của Mỹ và phương Tây, khẳng định Moscow không viện trợ cho phe ly khai miền đông Ukraine và mục tiêu duy nhất của những cuộc tập trận là nhằm đảm bảo lực lượng vũ trang Nga sẵn sàng tham chiến.
Tuy nhiên, Liên minh châu Âu (EU) và NATO lại “bất an” trước động thái này của Nga nên đã tăng cường tập trận, đưa thêm khí tài quân sự đến các nước đông Âu, những nước láng giềng với Nga. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker hôm 8.3 còn lên tiếng kêu gọi thành lập một đội quân của riêng EU nhằm đối phó “sự gây hấn của Nga”.
Bình luận về những động thái của NATO, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov từng nói: “Chúng tôi không giống như một số quốc gia vênh váo khoe mẻ lực lượng bằng cách điều động binh lính, khí tài quân sự của họ đến các lãnh thổ nước ngoài”.
Khu trục hạm Bystry của Nga – Ảnh: Reuters
Các chỉ huy quân đội Mỹ “ngưỡng mộ” quân đội Nga
Tất cả các đơn vị quân đội Nga được điều động tham gia những cuộc tập trận khắp nước này, từ lính nhảy dù cho đến không quân và hải quân, theo AFP. Tổng thống Putin đã ra lệnh đặt Hạm đội Phương Bắc trong tình trạng báo động mức cao nhất vào ngày 16.3.
Nga còn gửi máy bay ném bom hạt nhân đến Crimea và đưa tên lửa Iskander có thể mang đầu đạn hạt nhân đến vùng Kaliningrad, giáp với Ba Lan và Lithuania (hai nước thành viên EU) trong tuần này. Tổng thống Lithuania Dalia Grybauskaite cho biết những tên lửa của Nga “có thể đánh trúng phân nửa trong tổng số các thủ đô của những nước châu Âu, có thể bắn trúng thủ đô Berlin của Đức”.
Vào ngày 20.3, Nga bắt đầu tập trận ở Kuril, quần đảo tranh chấp với Nhật Bản ở Thái Bình Dương. Các vị chỉ huy quân đội Mỹ đã bày tỏ sự ngưỡng mộ của họ trước khả năng triển khai binh sĩ rất nhanh của Nga, theo AFP.
“Tôi theo dõi sát sao những cuộc tập trận của Nga… Tôi quan tâm về việc họ có thể điều động 30.000 lính và 1.000 đến một địa điểm rất nhanh. Điều này thật ấn tượng”, trung tướng Frederick “Ben” Hodges, chỉ huy lực lượng Mỹ tại châu Âu, nói với các phóng viên.
Theo AFP, nhiều nhà phân tích nhận định Nga không đủ nguồn lực tài chính đương đầu xung đột với phương Tây giữa lúc nền kinh tế khủng hoảng vì những biện pháp trừng phạt của phương Tây. Nhưng ông Yevgeny Buzhinsky, chuyên gia quân sự thuộc Trung tâm PIR (chuyên về giải trừ vũ khí hạt nhân ở Nga) bác bỏ nhận định này.
“Không thể nhìn vào chiến tranh theo quan điểm kinh doanh, nhất là ở Nga”, ông Buzhinsky, mang hàm trung tướng của quân đội Nga và nghỉ hưu vào năm 2009, cho hay. Nga có một lịch sử lâu đời về khả năng huy động tất cả nguồn lực cho chiến tranh, theo ông Buzhinsky.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Phát hiện 4 miệng hố khổng lồ bí ẩn ở Nga
Bốn miệng hố khổng lồ mới vừa được phát hiện bởi các nhà khoa học ở bán đảo Yamal, Siberia, Nga.
Một trong bốn miệng hố khổng lồ mới được phát hiện, được đặt tên B1, cho thấy dấu hiệu của một vụ phun trào khí khổng lồ.
Bốn miệng hố khổng lồ, bí ẩn mới xuất hiện trong lớp băng vĩnh cửu ở Siberia, miền bắc Nga làm dấy lên lo ngại về tác động xấu của sự nóng lên toàn cầu.
Các nhà khoa học phát hiện các miệng hố mới, cùng với hàng chục miệng hố khác nhỏ hơn ở cùng khu vực phát hiện ba miệng núi lửa khổng lồ bí ẩn trên bán đảo Yamal hồi năm ngoái. Các miệng núi lửa khổng lồ này được cho là hình thành bởi sự phun trào của khí methane khỏi lớp băng vĩnh cửu, làm tăng nhiệt độ khiến cho đất đóng băng tan chảy.
Miệng hố khổng lồ này được đặt tên B3, được phát hiện gần khu vực Antipayuta ở bán đảo Yamal.
Các nhà khoa học lo ngại sự xuất hiện của các hố thiên thạch có thể trở nên phổ biến hơn vì biến đổi khí hậu và cảnh báo rằng khu vực này sẽ phải đối mặt với một thảm họa tự nhiên.
Một trong bốn miệng hố khổng lồ mới phát hiện được bao quanh bởi ít nhất 20 miệng hố nhỏ hơn, nằm cách một nhà máy sản xuất khí đốt lớn vài mét. Các chuyên gia dự đoán có thể có tới hơn 30 miệng hố đang chờ đợi để được khám phá.
Bản đồ này cho thấy vị trí các miệng hố mới phát hiện (chấm đỏ) cùng với các miệng hố khổng lồ được phát hiện trước đó (chấm đen)
Miệng hố B1 được phát hiện cách Bovanenkovo 30km.
Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn còn rất bối rối, chưa thể biết chính xác quá trình tạo ra các hố thiên thạch. Theo các nhà khoa học Mỹ, lượng khí methane lớn được thải vào khí quyển Siberia có thể có liên quan tới những miệng hố lớn xuất hiện một cách bí ẩn ở Nga.
Trước đây tại Nga, có tổng cộng 3 miệng hố khổng lồ được phát hiện. Hố đầu tiên có chiều rộng 80m, được tìm thấy cách thành phố Moskva khoảng 2.900km về phía đông, trên một lớp băng vĩnh cửu thuộc bán đảo Yamal (tên của khu vực này dịch ra có nghĩa là "nơi tận cùng của thế giới").
Một hố khác với đường kính 15m cũng được tìm thấy ở Yamal, vùng đất đóng băng vĩnh cửu thuộc khu vực miền bắc nước Nga, cách mỏ khí đốt Bovanenkovo khoảng 40km. Miệng hố thứ 3 có đường kính 4m, được phát hiện cách bán đảo Taymyr hàng trăm cây số về phía đông.
Theo NTD