Nga điều lực lượng trợ giúp Kazakhstan: Mỹ và Trung Quốc phản ứng trái chiều
Trong cuộc trao đổi với đồng người Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nói rằng Bắc Kinh ủng hộ Nga hỗ trợ Kazakhstan trong khuôn khổ hợp tác CSTO nhằm dẹp tan lực lượng khủng bố, bạo lực.
Xe quân sự của Nga đậu tại sân bay Ivanovo (Nga) chờ lên máy bay vận chuyển sang Kazakhstan ngày 6/1. Ảnh: AFP
Thông tin trên do tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa ra ngày 11/1. “Trung Quốc và Nga, với vai trò là thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và là láng giềng hữu nghị với các nước Trung Á, sẽ không bao giờ cho phép bất ổn hay chiến tranh nổ ra tại khu vực”, ông Vương Nghị bày tỏ quan điểm trong cuộc trao đổi với Ngoại trưởng Lavrov.
Ngoại trưởng Vương Nghị cũng cho rằng Trung Quốc và Nga cần tăng cường điều phối và hợp tác, chống lại can thiệp của các thế lực bên ngoài vào công việc nội bộ của các quốc gia ở Trung Á; cùng nhau ngăn chặn “cách mạng sắc màu” và diệt trừ “ba kẻ thù” nguy hiểm là chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa ly khai và chủ nghĩa cực đoan.
Trước đó, theo đề nghị của chính quyền Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev, Nga đã điều hàng nghìn binh sĩ sang Kazakhstan làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình trong khuôn khổ của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO). Về phần mình, Bắc Kinh tuyên bố sẽ phối hợp với Kazakhstan thúc đẩy hợp tác an ninh.
Phát biểu của Ngoại trưởng Trung Quốc được đưa ra tại thời điểm Washington đặt câu hỏi về việc Nga triển khai lực lượng quân sự tới Kazakhstan trong khuôn khổ CSTO, cùng với đó là tiến trình đàm phán Nga-Mỹ về bảo đảm an ninh diễn ra tại Geneva nhằm xử lý bất đồng liên quan đến tình hình Ukraine.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo Kazakhstan sẽ gặp khó khăn để yêu cầu Nga rút quân sau khi dập tắt bạo loạn và lập lại trật tự. “Tôi cho rằng cơ quan chức năng và chính phủ Kazakhstan chắc chắn đủ năng lực giải quyết các cuộc biểu tình một cách phù hợp nhằm tôn trọng quyền của người biểu tình trong khi duy trì luật pháp và trật tự, do đó không rõ tại sao họ cảm thấy cần bên ngoài hỗ trợ”, ông Blinken phát biểu tại cuộc họp báo ngày 7/1.
Video đang HOT
Tình hình tại Kazakhstan dần ổn định trở lại. Ngày 11/1, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đã đề cử ông Alikhan Smailov làm thủ tướng nước này. Hạ viện Kazakhstan ngay sau đó đã nhóm họp và nhanh chóng bỏ phiếu thông qua đề cử ông Smailov làm tân thủ tướng.
Cùng ngày, phát biểu tại cuộc họp trực tuyến của chính phủ và quốc hội, Tổng thống Tokayev cho biết CSTO đã hoàn tất nhiệm vụ thành công và sẽ bắt đầu rút quân khỏi Kazakhstan trong hai ngày tới. Theo Tổng thống Tokayev, thời gian tối đa CSTO hoàn tất việc rút binh sĩ khỏi quốc gia Trung Á này là 10 ngày.
Biểu tình bạo loạn đã leo thang ở nhiều khu vực của Kazakhstan để phản đối tình trạng tăng giá nhiên liệu. Bất ổn an ninh đã buộc Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại nhiều tỉnh, thành lớn của đất nước, trong đó có tỉnh Mangistau, thành phố Almaty và thủ đô Nur-Sultan.
Trước tình hình bạo lực leo thang – mà nguyên nhân được cho là do các phần tử khủng bố đứng đằng sau, Tổng thống Tokayev tối 5/1 đã phải đề nghị sự hỗ trợ của các quốc gia thành viên CSTO. Nhà lãnh đạo Kazakhstan cho rằng các nhóm khủng bố hoạt động ở nước này đã được đào tạo ở nước ngoài và do đó có thể coi là khủng bố quốc tế.
Bất ổn ở Kazakhstan gây rủi ro lớn cho thị trường năng lượng thế giới
Kazakhstan là nước xuất khẩu urani lớn nhất thế giới và nằm trong số những nước sản xuất dầu và than đá hàng đầu.
Biểu tình bạo lực ở Kazakhstan gây tâm lý lo lắng trên các thị trường năng lượng.
Người biểu tình tập trung tại thành phố Almaty, Kazakhstan ngày 5/1/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo hãng tin DW, sau nhiều năm ổn định, Kazakhstan bất ngờ chìm trong các cuộc biểu tình bạo lực tồi tệ nhất trong 30 năm qua. Biểu tình do giá nhiên liệu tăng cao đã khiến Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev ban bố tình trạng khẩn cấp và yêu cầu quân đội từ Nga và các đồng minh hỗ trợ.
Các nhà đầu tư lo lắng bất ổn xã hội và chính trị có thể làm suy yếu danh tiếng của Kazakhstan - một điểm đến đầu tư đáng tin cậy.
Nhà kinh tế Timothy Ash, một chuyên gia về khu vực, nhận định nhìn chung lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên sẽ không bị ảnh hưởng và chưa thấy gián đoạn lớn với quá trình sản xuất năng lượng và nguyên liệu thô.
Tuy nhiên, theo ông, vấn đề là sau khi Chính phủ Kazakhstan dập tắt các cuộc biểu tình bạo lực, liệu các chính phủ phương Tây có tung ra các biện pháp trừng phạt như với Belarus hay không. Ông Ash nói: "Tôi đoán phương Tây cũng có thể áp dụng một cách tiếp cận thực dụng hơn do tầm quan trọng của Kazakhstan đối với chuỗi cung ứng toàn cầu".
Kazakhstan sản xuất hơn 40% urani trên thế giới, nguyên liệu chính cho các lò phản ứng hạt nhân, khiến nước này đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi toàn cầu về giảm dần sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Kazatomprom, nhà sản xuất urani lớn nhất thế giới tại Kazakhstan, cho biết tình hình hỗn loạn không ảnh hưởng đến sản xuất hoặc xuất khẩu cho đến nay. Tuy nhiên, giá urani giao ngay đã tăng mạnh vào tuần trước trong bối cảnh lo ngại rằng bất ổn có thể dẫn đến gián đoạn lớn trong sản xuất.
Ông Jonathan Hinze, Chủ tịch công ty tư vấn thị trường nhiên liệu hạt nhân UxC cho biết: "Tác động của việc giảm nguồn cung từ Kazakhstan sẽ được cảm nhận rõ ràng trên toàn cầu. Tuy nhiên, thị trường nhiên liệu hạt nhân có đặc điểm là thời gian sản xuất rất dài, do đó, các cơ sở sản xuất hạt nhân đều nắm giữ các đường ống quan trọng cũng như hàng dự trữ chiến lược, giúp bảo vệ trước bất kỳ tình trạng gián đoạn nguồn cung nào trong thời gian gần".
Cameco, một nhà sản xuất urani lớn của Canada và là đối tác liên doanh của Kazatomprom, cảnh báo rằng gián đoạn ở Kazakhstan có thể là chất xúc tác quan trọng trong thị trường urani.
Kazakhstan, quốc gia đáp ứng 20% nhu cầu urani hàng năm của châu Âu, đã trở thành nhân tố quan trọng trên thị trường urani nhờ chi phí sản xuất thấp. Dù vậy, giá urani đã tăng trở lại trong vài năm qua khi các quốc gia đặt cược vào năng lượng hạt nhân để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Ông Hinze nhận định: "Các vấn đề gần đây ở Kazakhstan chắc chắn có thể tạo ra động lực lớn cho các nhà sản xuất bên ngoài Kazakhstan khi tìm cách đa dạng hóa để tránh phụ thuộc quá mức đối với urani của Kazakhstan".
Là một thành viên của OPEC và là nhà sản xuất dầu lớn nhất ở Trung Á, Kazakhstan khai thác khoảng 1,6 triệu thùng dầu mỗi ngày. Hầu hết nhiên liệu hóa thạch mà Kazakhstan sản xuất được xuất khẩu. Nước này có trữ lượng dầu cao thứ 12 trên thế giới: khoảng 30 tỷ thùng dầu thô.
Cảnh sát chống bạo động tuần tra trên đường phố Almaty, Kazakhstan nhằm ngăn những người biểu tình quá khích, ngày 5/1/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Kazakhstan cũng nằm trong số các nhà cung cấp than hàng đầu, sản xuất 108 triệu tấn vào năm 2018. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, năm 2018, Kazakhstan là nước xuất khẩu than và dầu thô lớn thứ 9 thế giới và đứng thứ 12 về khí đốt tự nhiên. Khoảng 80% lượng dầu xuất khẩu hàng năm của Kazakhstan được chuyển sang Liên minh châu Âu.
Lĩnh vực hydrocacbon đã thu hút khoảng 60% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Kazakhstan kể từ năm 1991 và chiếm hơn một nửa doanh thu xuất khẩu của nước này. Các tập đoàn dầu khí toàn cầu như ExxonMobil, Chevron, Eni và TotalEnergies đã đầu tư hàng tỷ đô la trong những năm qua, giúp thúc đẩy tăng trưởng dầu khí của nước này.
Các cuộc biểu tình hiện tại vẫn chưa ảnh hưởng đến sản lượng tại ba mỏ dầu lớn nhất của Kazakhstan là Tengiz do tập đoàn do Chevron điều hành, Kashagan và Karachaganak thuộc sở hữu của Shell.
Ông Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA, cho rằng tình trạng bất ổn đang xảy ra vào thời điểm OPEC đang chật vật đạt hạn ngạch, vốn đang gây áp lực lên giá dầu. Nếu lại xảy ra gián đoạn, giá dầu có thể tăng lên trên mức đỉnh của tháng 10/2021 và tùy thuộc vào mức độ gián đoạn, giá dầu đạt mức ba con số có thể không còn xa nữa.
Kazakhstan công bố số người bị bắt, thiệt hại từ cuộc bạo lực đẫm máu Giới chức Kazakhstan hôm nay 9.1 cho hay hơn 5.000 người bị bắt trong cuộc bạo lực đẫm máu làm rung chuyển quốc gia Trung Á trong tuần qua. Quân nhân chặn một con đường ở thành phố Almaty, Kazakhstan ngày 7.1. Ảnh AFP Báo chí Kazakhstan dẫn số liệu từ Bộ Nội vụ nước này cho hay có tổng cộng 5.000 người...