Nga điểm mặt nghi phạm bắn chết phi công
Nga chỉ đích danh người bị nghi sát hại phi công nước này sau vụ máy bay Su-24bị bắn hạ cuối tháng 11, đồng thời nêu 3 điều kiện để khôi phục quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.
Alparslan Celik, người bị cáo buộc sát hại phi công Nga – Ảnh: Fars News
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Hurriyet Daily News đăng hôm qua 15.12, Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrey Karlov tuyên bố một công dân Thổ Nhĩ Kỳ tên Alparslan Celik đã bắn chết phi công Oleg Peshkov ngày 24.11.
Khi đó, ông Peshkov đang nhảy dù khỏi chiếc Su-24 bị tiêm kích Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ do cáo buộc vi phạm không phận, dẫn đến căng thẳng dâng cao chưa từng có giữa 2 nước. “Chính Alparslan Celik đã ra tay với phi công của chúng tôi. Hắn đứng trước máy quay để khoe chiến tích và còn trưng ra một phần chiếc dù của ông Peshkov”, Đại sứ Karlov nói.
Theo truyền thông Nga, Celik là con trai của một cựu Thị trưởng TP.Keban, thuộc tỉnh Elazig, miền đông Thổ Nhĩ Kỳ. Hơn nữa, người này thuộc nhóm vũ trang Sói xám theo đường lối dân tộc chủ nghĩa cực đoan bị cho là có quan hệ với đảng cầm quyền của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.
Ankara chưa bình luận về các thông tin trên.
Cũng trong cuộc phỏng vấn, Đại sứ Karlov đưa ra 3 điều kiện để Nga khôi phục quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Trước hết, chính quyền Ankara phải xin lỗi về hành động bắn hạ máy bay. Hai là phải truy lùng và trừng phạt những kẻ chịu trách nhiệm. Điều kiện cuối cùng là Thổ Nhĩ Kỳ phải bồi thường cho Nga. “Nếu các điều kiện của chúng tôi không được đáp ứng, những tuyên bố khác của Thổ Nhĩ Kỳ đều chẳng đem lại lợi ích gì”, ông nhấn mạnh.
Video đang HOT
Đến nay, giới lãnh đạo cấp cao của Ankara vẫn tỏ ra kiên quyết không chịu xin lỗi và khẳng định bắn hạ Su-24 là hành động bảo vệ chủ quyền.
Căng thẳng Nga – Thổ Nhĩ Kỳ cũng được cho là một trong những nội dung thảo luận giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ John Kerry tại Moscow ngày 15.12, vì đây là nhân tố rất quan trọng trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) lẫn quá trình tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Syria. AFP dẫn lời ông Kerry cho biết Washington mong muốn đạt được “tiến bộ thực sự” trong việc thu hẹp khác biệt với Moscow liên quan đến cách thức chấm dứt xung đột tại Syria. Mỹ đang dựa vào Nga để lôi kéo Tổng thống Syria Bashar Al-Assad vào bàn đàm phán, còn Ả Rập Xê Út đang tập hợp một liên minh nhằm thay mặt phe nổi dậy tiến hành thương thảo. Đang có hy vọng rằng nếu các bên ở Syria đồng ý ngừng bắn, Nga và liên minh do phương Tây dẫn đầu có thể tập trung đối phó IS.
Trùng Quang
Theo Thanhnien
Những dữ liệu gây ngờ vực trong vụ bắn hạ Su-24 Nga
Những tình tiết đằng sau vụ việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga tiếp tục trở thành đề tài gây tranh cãi.
Su-24 Nga bốc cháy sau khi dính tên lửa từ chiến đấu cơ F-16 Thổ Nhĩ Kỳ hôm 24/11. Ảnh: Anadolu Agency
Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định họ đã cảnh báo 10 lần trong vòng 5 phút đối với chiến đấu cơ Su-24 Nga vì máy bay này vi phạm không phận. Trong khi đó, Nga phản bác rằng phi cơ của họ bị bắn hạ trên lãnh thổ Syria bởi tên lửa Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau khi phân tích sự việc, nhà vật lý thiên văn Tom van Doorsslaere và Giovanni Lapenta cho hay những thông tin mà cả hai nước công bố đều tồn tại những sai sót nhất định. Hai chuyên gia này tự nhận là những người đầu tiên áp dụng các nguyên tắc vật lý để đánh giá sự cố, theo Fox News.
Bằng cách kiểm tra vận tốc và độ cao của máy bay tại thời điểm bị tấn công, hai nhà khoa học từ Đại học Katholieke ở Leuven, Bỉ, kết luận máy bay có đi vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ nhưng trong khoảng thời gian ngắn hơn nhiều so với những gì Ankara cáo buộc. Hai ông cho hay chiến đấu cơ Nga chỉ hiện diện trong không phận Thổ Nhĩ Kỳ 7,5 giây chứ không phải 17 giây như thông tin trước đó.
Doorsslaere và Lapenta nghi ngờ cả việc Thổ Nhĩ Kỳ nói đã cảnh báo máy bay Nga 10 lần trong vòng 5 phút.
"Làm sao Thổ Nhĩ Kỳ có thể đoán trước được rằng máy bay Nga sẽ xâm phạm không phận nước này? Máy bay phản lực quân sự rất cơ động. Trên lý thuyết, chiến đấu cơ Nga hoàn toàn có thể quay đầu vào phút cuối để tránh đi vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ", hai ông viết trên trang blog cá nhân. Chính vì thế, tuyên bố của Ankara rất đáng ngờ ngay từ lúc nó được đưa ra.
Bản đồ do Thổ Nhĩ Kỳ công bố được cho là ghi lại đường bay của chiếc Su-24. Ảnh: CNN
Hai ông đồng thời cũng đặt ra những thắc mắc liên quan đến quỹ đạo rơi của máy bay Nga lúc trúng tên lửa. Theo một bản đồ do Moscow cung cấp, dường như chiếc Su-24 đã ngoặt 90 độ ngay sau khi bị bắn. Và điều này là không thể, hai ông quả quyết.
"Đây là một sự vô lý xét trên phương diện khoa học. Hướng bay của phi cơ chỉ có thể thay đổi nếu có một lực tác động lên nó. Động lực từ quả tên lửa và vụ nổ nhỏ hơn đà của máy bay rất nhiều lần. Vì vậy, chúng chỉ có thể tạo ra rất ít thay đổi về phương hướng của máy bay sau va chạm", hai ông viết. "Một cú đổi hướng 90 độ chỉ có thể được tao ra bởi một vật thể nặng hơn hoặc có tốc độ nhanh hơn máy bay gấp nhiều lần".
Nhưng Lapenta lưu ý rằng nhận định trên vẫn còn "gây tranh cãi". Hai ông nhận được khá nhiều góp ý, bình luận của các cựu phi công. Họ cho rằng máy bay vẫn có khả năng chuyển hướng đột ngột nhưng cũng không thể giống như những gì mà Nga phác họa trên bản đồ.
Những phát hiện của hai nhà khoa học cho thấy những phát ngôn của cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều có những lỗ hổng nhất định. Song, chúng không thể góp phần giải quyết tình trạng căng thẳng đang ngày một leo thang giữa hai quốc gia.
"Chúng ta được nghe câu chuyện do cả truyền thông Nga và Thổ Nhĩ Kỳ kể. Các bản tin Nga thì nói Thổ Nhĩ Kỳ sai, các bản tin Thổ Nhĩ Kỳ lại nói Nga sai, nhưng chúng tôi nói cả hai bên đều có những điểm không khả thi", ông Lapenta nhấn mạnh.
Bản đồ do Nga công bố cho thấy Su-24 chưa vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: BI
Vũ Hoàng
Theo VNE
Tính cách giống nhau khiến xung đột Putin và Erdogan gia tăng Sự giống nhau về tính cách của hai tổng thống có thể sẽ khiến căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trở nên khó đoán và khó dàn xếp hơn. Ông Putin (trái) và ông Erdogan trong một cuộc gặp hồi năm ngoái. Ảnh: NYTimes Kể từ ngày 24/11, nước Nga có kẻ thù số một mới. Đó là Recep Tayyip Erdogan,...