Nga đề xuất gói nâng cấp PT-76B cho Việt Nam
Tập đoàn Chế tạo máy đặc chủng và luyện kim Nga vừa đưa ra đề xuất gói nâng cấp xe lội nước PT-76 cho khách hàng, trong đó có Việt Nam.
Trong biên chế của lực lượng tăng thiết giáp Việt Nam có một số lượng lớn (khoảng 450) các xe tăng lội nước của Liên Xô và các nước khác thuộc khối XHCN phát triển trong những năm 1949-1951, PT-76 sau này còn có thế hệ 2 là PT-76B năm 1958.
Kíp lái 3 người, hỏa lực chính gồm pháo 76,2 mm, súng máy đồng trục 7,62 mm. Có thể tăng cường súng phòng không 12,7 mm. Xe có vỏ giáp khá mỏng, khoảng 20 mm mũi xe và tháp pháo nên khả năng bảo vệ yếu trước các loại đạn xuyên giáp hoặc đạn chống tăng.
PT-76 được tiết kế chủ yếu để hỗ trợ bộ binh tại những nơi có địa hình lầy lội, nhiều sông ngòi vùng nhiệt đới. Xe PT-76 được biên chế cho các lực lượng hải quân đánh bộ tham gia các chiến dịch đổ bộ từ các tàu đổ bộ lên bờ biển, hải đảo, thực hiện nhiệm vụ yểm trợ và chi viện hỏa lực, tiêu diệt các xe tăng thiết giáp của đối phương.
Do đó xe có khả năng lội nước tốt, nhưng chỉ có vỏ giáp mỏng (đảm bảo khả năng bơi), trọng lượng 14 tấn. Với động cơ 240 mã lực, xe có tốc độ trên đường đất là 44km/h, lội nước tốc độ 10,2 km/h. Ở Việt Nam, xe tăng PT-76 đã tham gia nhiều chiến dịch như chiến dịch đường 9 Nam Lào, chiến dịch An Lộc và hiệp đồng binh chủng trong nhiều chiến dịch lớn.
Xe chiến đấu PT-76B Việt Nam diễn tập.
Mặc dù đã có thời gian phục vụ rất lâu, xe tăng PT-76 đến nay vẫn là lực lượng đột phá tuyến phòng ngự bờ biển của hải quân đánh bộ trong các chiến dịch đổ bộ đường biển, vượt qua địa hình phức tạp ven bờ và mở hành lang tấn công cho bộ binh.
Trong tác chiến hiện đại, PT-76 có những điểm yếu quan trọng cần khắc phục. Đó là hỏa lực yếu, tốc độ pháo bắn chậm (6-8 phát/phút), không có khả năng phòng không, không có hệ thống ổn định pháo – kính ngắm do đó để bắn chính xác xe phải dừng ngắm. Tốc độ cơ động chậm cả trên mặt nước và trên bộ.
Tập đoàn Chế tạo máy đặc chủng và luyện kim Nga đã đưa ra thiết kế đề xuất hiện đại hóa xe tăng lội nước PT-76. Tăng được lắp đặt pháo tốc độ bắn cao, tên lửa có điều khiển và hệ thống kính ngắm chống bắn tỉa, hệ thống điều khiển hỏa lực mới. Đề xuất này có thể tăng cường thời gian phục vụ của PT-76 thêm nhiều năm nữa. Xe PT-76 chỉ giữ lại thân xe, khung gầm và hệ thống chuyển động.
Phương án hiện đại hóa PT – 76 nhằm tăng cường tối đa sức mạnh hỏa lực của xe tăng. Các nhà thiết kế đã đề xuất là thay thế hoàn toàn tháp pháo và vũ khí trang bị.
Tháp pháo được thiết kế theo mô hình mới, lắp pháo tự động 57 mm, 4 ống phóng tên lửa chống tăng có điều khiển Cornet; súng máy hạng nặng Kord 12,7 mm; súng phóng lựu tự động AG-30; hệ thống điều khiển hỏa lực tầm xa tự động hóa cao và thiết bị quang điện tử tìm kiếm phát hiện mục tiêu.
Video đang HOT
Pháo tự động 57-mm S-60 và hệ thống nạp đạn tự động được phát triển bởi Viện Nghiên cứu Burevestniksch sử dụng hai loại đạn tiêu chuẩn là đạn nổ phá mảnh vạch đường và đạn xuyên giáp với tốc độ bắn 120 phát/phút.
Đạn xuyên giáp trên tầm bắn 1120 m có khả năng xuyên thép 100 mm. Pháo tự động sử dụng đạn phòng không đặc chủng có thể diệt các mục tiêu ở tầm xa đến 6 km. Pháo bắn phát một, loạt ngắn 2-3 viên và liên thanh đến 30 viên đạn. Hệ thống nạp đạn tự động có trong trống đạn 20 viên đạn các loại. Cơ số đạn là 70 viên đạn xuyên giáp và nổ phá. Súng máy 7,62 mm đồng trục với pháo tự động 57 mm có cơ số đạn là 2000 viên,
Hệ thống điều khiển hỏa lực bao gồm kính ngắm quang video Liga-S ổn định tầm hướng, có các kênh quang học, hồng ngoại và đo xa laser, thiết bị đo xa laser còn được sử dụng để dẫn đường cho tên lửa chống tăng Cornet, kênh ngắm song song kính ngắm súng máy phòng không 1P67.
Kính ngắm có khả năng phát hiện và tiêu diệt mục tiêu trong mọi điều kiện thời tiết, chống nhiễu chiến trường và nhiễu địa hình. Hệ thống điều kiển hỏa lực có thiết bị tự động bám mục tiêu quang ảnh nhiệt dẫn đường cho tên lửa chống tăng Cornet.
Hệ thống kính quang học cho phép phát hiện các thiết bị kính ngắm và quan sát quang học của đối phương và tấn công tiêu diệt. Đây là một ưu thế mà PT-76 trong tương lai nhằm lực lượng bắn tỉa và chống tăng của đối phương.
Hiệu quả bắn của tổ hợp pháo 57 và hệ thống điều khiển hỏa lực: xe tăng là 1000m, xe thiết giáp 2500 m, các mục tiêu khác bao gồm cả trực thăng chiến đấu là 4000 m. Tầm bắn hiệu quả của tổ hợp tên lửa chống tăng Cornet 5000m. Khả năng xuyên giáp tốt hơn trước rất nhiều. Tập đoàn Muromteplovoz Nga cũng đưa ra một phương án khác dành cho các xe tăng PT-76 của hải quân đánh bộ trong các tình huống yểm trợ hỏa lực bộ binh khi đổ bộ từ hướng biến, đánh chiếm bàn đạp đầu cầu và phòng không tầm gần.
Mục đích chủ yếu của giải pháp cũng nhằm tăng cường sức mạnh hỏa lực của xe trong đổ bộ đường biển. Tháp pháo và pháo tăng 76-mm, súng máy đồng trục 7,62mm được thay thế bằng pháo tự động 30 mm 2A42 và trung liên 7,62mm PKTM, súng phóng lựu tự động 30 mm AG-17.
Hệ thống pháo tự động và súng máy đồng trục được lắp hệ thống ổn định tầm hướng. Xe PT-76 trở thành xe yểm trợ hỏa lực mạnh đổ bộ đường biển. Để tăng cường khả năng diệt tăng, xe được lắp thêm 2 – 4 ống phóng tên lửa chống tăng Cornet. Hệ thống hỏa lực được trang bị kính ngắm ngày đêm TKN-4GA trên tất cả các góc bắn tầm và hướng.
Trong tình huống chiến đấu, xe có thể được lắp các tấm giáp chắn đạn nổ lõm, phía sườn xe và phía sau được lắp các lưới chắn đạn phóng lựu chống tăng, xe cũng được trang bị hệ thống phóng đạn khói azot.
Để thay thế các động cơ diesel đã lỗi thời và tăng cường khả năng cơ động, trên xe tăng PT-76 được lắp động cơ thế hệ mới 420 mã lực và lắp đặt hệ thống ly hợp bánh răng hành tinh của xe BMD-3. Xe có thể chạy trên đường với tốc độ 60 km/h, bơi nước với vận tốc 14 km/h.
Ngoài những gói nâng cấp do Nga cung cấp, phương án hiện đại hóa của Israel cũng được coi là sự lựa chọn tốt cho xe PT-76B của Việt Nam. Gói nâng cấp mà Israel cung cấp được định danh là PT-71 do Nimda Group Ltd thực hiện, tập trung chủ yếu vào việc hiện đại hóa hệ thống hỏa lực cũng như động cơ.
Theo đó, PT-76B sẽ được trang bị pháo mới 90mm Cockerill của Bỉ kèm hệ thống điều khiển hỏa lực mới, laser đo xa, thiết bị ngắm đêm và hỏa lực phụ súng máy mới. Bên cạnh đó, động cơ V6 240 mã lực sẽ được thay bằng động cơ Detroit Diesel 6V71T 300 mã lực.
Theo Đất Việt
Soi xe tăng bơi K63-85 của Hải quân Đánh bộ Việt Nam
Ngoài PT-76 huyền thoại, Hải quân Đánh bộ Việt Nam còn được trang bị các xe tăng bơi K63-85 do Trung Quốc sản xuất.
Hải quân Đánh bộ Việt Nam (HQĐB) là một trong những lực lượng quan trọng của hải quân có nhiệm vụ bảo vệ các đảo, đá hoặc tấn công, đổ bộ bằng đường biển lên đất liền hoặc lên các đảo bị nước ngoài chiếm đóng. Với nhiệm vụ này, HQĐB được trang bị nhiều loại vũ khí hạng nặng, hiện đại, gồm cả các xe tăng. Trang bị chủ yếu sẵn sàng chiến đấu của HQĐB Việt Nam thường gồm xe tăng bơi PT-76 do Liên Xô sản xuất.
Bên cạnh đó, Hải quân Đánh bộ Việt Nam còn có các xe tăng bơi K63-85 được Trung Quốc sản xuất theo mẫu PT-76 nhưng có cải tiến. Ảnh: Xe tăng bơi K63-85 của QĐND Việt Nam diễn tập ở Phú Quốc.
K63-85 là định danh của Việt Nam dành cho xe tăng Type 63 (Type = Kiểu) được Trung Quốc viện trợ trong giai đoạn 1970-1971. Xe tăng K63-85 xuất trận lần đầu trong cuộc tổng tiến công 1972 và sau này tiếp tục được bộ đội tăng thiết giáp sử dụng trong giai đoạn cuối kháng chiến chống Mỹ cũng như trong chiến tranh biên giới Tây Nam. Ảnh: Đại liên 12,7mm của K63-85 đang nã đạn dữ dội trong chiến dịch tấn công năm 1972.
Xe tăng K63-85 do Tổng công ty Công nghiệp phương Bắc (NORINCO) sản xuất theo mẫu PT-76 Liên Xô từ đầu nhũng năm 1960, nhưng có một số cải tiến. Đây được xem là một trong những mẫu xe tăng hạng nhẹ thành công nhất của Trung Quốc, khi xuất khẩu được vài trăm chiếc tới chừng 10 quốc gia. Ảnh: xe tăng K63-85 (bên trái) trên đường phố Sài Gòn, ngày 30/4/1975.
Có thể nhận ra dễ dàng, xe tăng K63-85 dùng kiểu tháp pháo hình quả trứng, dùng pháo chính 85mm lớn hơn loại của PT-76 (dùng nòng 76,2mm). Ảnh: Xe tăng K63-85 của quân giải phóng được người dân Sài Gòn chào đón nồng nhiệt.
Trong ảnh là một chiếc xe tăng bơi K63-85 lăn bánh qua cổng Dinh Độc Lập trong ngày chiến thắng 30/4.
Hiện nay xe tăng bơi K63-85 vẫn nằm trong biên chế Lục quân và Hải quân Đánh bộ Việt Nam. Ảnh: Đồng chí Tổng tham mưu trưởng Đỗ Bá Tỵ thăm kho bảo quản xe tăng K63-85. Ảnh: Báo QĐND
Xe tăng bơi K63-85 nặng 19,83 tấn, dài 8,44m, rộng 3,2m, cao 3,1m (với đại liên phòng không), thân bọc thép thường với độ dày từ 10-14mm - cho phép chống được đạn súng máy, mảnh bom, pháo. Kíp lái có 4 người thay vì chỉ 3 như của PT-76.
Trong khi PT-76 trang bị pháo 76,2mm thì K63-85 sử dụng pháo chính rãnh xoắn K62-85TC cỡ 85mm có uy lực mạnh hơn. Với đạn chống tăng HEAT, pháo 85mm của K63-85 có thể xuyên giáp dày 495mm ở cự ly bắn 1.000m, trong khi với đạn APFSDS-T thì độ xuyên là 360mm ở cự ly 1.000m. Pháo có tầm bắn lớn nhất là 12,2km, tốc độ bắn 8 viên/phút. Tuy nhiên, pháo 85mm nghèo nàn hệ thống điều khiển hỏa lực, thiếu khí tài ổn định bắn khi hành tiến, thiếu kính ngắm ban đêm khiến độ chính xác nghèo.
Nhờ trọng lượng nhỏ, kiểu dáng như một chiếc thuyền, K63-85 có khả năng bơi không kém PT-76, tốc độ đến 12km/h. Ảnh: Xe tăng bơi K63-85 diễn tập bơi gần bờ.
Theo_Kiến Thức