Nga “đè” Trung Quốc, thống trị thị trường nhập khẩu vũ khí Venezuela
Nga đang chiếm tới 64,28% thị trường NKVK Venezuela với kim ngạch 4,754 tỷ USD, bỏ xa TQ đứng ở vị trí thứ 3, chỉ với 681 triệu USD/9,28%.
Theo thông tin của Mạng thông tin tổng hợp CNQP Nga (Russian Military-Industrial Complex), Tổng thống Venezuela Maduro gần đây đã tuyên bố, chuẩn bị mua một lô vũ khí và trang thiết bị loại mới của Nga và Trung Quốc, tăng cường tiềm lực quân sự của nước nhà.
Do đó, ông đã có buổi trò chuyện với Tổng thống Putin và Tập Cận Bình về việc mua sắm vũ khí, các Ủy ban có liên quan sẽ nhanh chóng triển khai công việc để hoàn tất nhiệm vụ mua vũ khí công nghệ tiên tiến nhất cho Venezuela.
Theo số liệu của Trung tâm Phân tích thương mại vũ khí thế giới (TSAMTO) của Nga, Moscow và Bắc Kinh đã, đang và sẽ luôn là đối tác quan trọng của Caracat trong việc nhập khẩu vũ khí.
Từ giữa năm 2005 đến 2012, trong cơ cấu nhập khẩu thiết bị quân sự và vũ khí của Venezuela, Nga đã chiếm vị trí hàng đầu trên thị trường vũ khí Venezuela, bỏ xa các đối thủ cạnh tranh.
Lực lượng không quân Venezuela biên chế nhiều máy bay chiến đấu kiểu Nga
Video đang HOT
Theo thống kê của Nga, trong 8 năm từ năm 2005 dến 2012, Venezuela đã nhập khẩu thiết bị quân sự và vũ khí từ 11 quốc gia, tổng kim ngạch nhập khẩu quân sự đạt 7,334 tỷ USD, tổng kim ngạch các đơn đặt hàng nhập khẩu vũ khí trong cùng kỳ là 8,562 tỷ USD.
Trong bảng xếp hạng các nước lớn mà Venezuela nhập khẩu vũ khí, Nga giữ vị trí đầu bảng với 4,754 tỷ USD, chiếm 64,28%, tổng kim ngạch đơn hàng đã xác định trong cùng kỳ là 5,511 tỷ USD, chiếm 64,36%.
Tây Ban Nha đứng ở vị trí thứ 2, với 1,55 tỷ USD, chiếm 21,1%, tổng kim ngạch đơn hàng cùng kỳ là 1,6 tỷ USD, chiếm 18,7%. Còn Trung Quốc đứng ở vị trí thứ 3, với 681 triệu USD, chiếm 9,28%, tổng kim ngạch đơn hàng là 1,178 tỷ USD, chiếm 13,76%.
Xếp hạng tiếp theo là Đức (122 triệu USD), Cu Ba (69 triệu USD), Anh (46 triệu USD), Iran (42 triệu USD), Pháp (25 triệu USD), Israel (20 triệu USD), Hà Lan (15 triệu USD) và Áo (10 triệu USD).
Hệ thống phòng không S-125 Pechora-2M được Venezuela mua của Nga
Theo đánh giá của các chuyên gia Nga, dựa trên đơn hàng hiện có, xu hướng và kế hoạch mua sắm trực tiếp đã được công bố (tính đến giữa năm 2013), tổng kim ngạch nhập khẩu thiết bị vũ khí của Venezuela trong giai đoạn 2013 – 2016 sẽ là 4,867 tỷ USD, thấp hơn so với 5,074 tỷ USD so với 4 năm từ 2009-2012, cao hơn so với 2,259 tỷ USD của giai đoạn 2005-2008.
Trên bảng xếp hạng các nước lớn mà Venezuela nhập khẩu vũ khí, dự tính Nga vẫn chiếm vị trí dẫn đầu, với tổng kim ngạch dự tính là 3,257 USD, chiếm 66,9%, cao hơn so với 2,618 tỷ USD của 4 năm từ 2009-2012 và 2,136 USD của giai đoạn 2005-2008.
Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là toàn bộ vũ khí dự kiến sẽ cung ứng trước năm 2016, mà Moscow và Caracat vẫn còn đang tiếp tục đàm phán một loạt các dự án nhập khẩu vũ khí, kim ngạch cung ứng thực tế có thể sẽ cao hơn một chút.
Dự tính Trung Quốc sẽ vượt qua Tây Ban Nha, chiếm vị trí thứ hai, với tổng kim ngạch là 797 triệu USD, chiếm 16,37%. Tây Ban Nha sẽ lui về vị trí thứ ba, với 350 triệu USD, chiếm 7,2%. Xếp vị trí tiếp theo dự tính sẽ là Pháp (230 triệu USD), Đức (120 triệu USD) và Cu Ba (95 triệu USD).
Xe tăng T-72B trong biên chế lục quân Venezuela
Trong giai đoạn 2005-2009, Tập đoàn xuất khẩu vũ khí quốc doanh Rosoboronexport của Nga đã ký kết hơn 30 hợp đồng cung cấp vũ khí cho Venezuela, trị giá 4 tỷ USD, bao gồm máy bay chiến đấu Su-30MK2, MiG-29, trực thăng chiến đấu, và hơn 100.000 vũ khí hạng nhẹ, chủ yếu là súng trường tấn công AK-103 và giấy phép sản xuất số vũ khí này tại Venezuela.
Năm 2010, Venezuela cũng đã được Nga cung cấp cho một khoản vay trị giá 2,2 tỷ USD để mua một lô vũ khí lớn của Nga cho lục quân nước này, bao gồm 92 xe tăng chiến đấu chủ lực T-72M1M, khoảng 240 xe chiến đấu bộ binh BMP-3 và xe bọc thép chở quân BTR-80, và nhiều hệ thống pháo.
Venezuela cũng đã nhận được các hệ thống phòng không của Nga như Antey-2500, Pechora-2M, Buk và Igla, các hệ thống tên lửa đa nòng Grad và Smerch, nhiều loại xe bọc thép và pháo.
Trong giai đoạn từ năm 2012 đến hết năm 2015, Venezuela dự kiến sẽ vươn lên trở thành nước nhập khẩu vũ khí Nga lớn thứ 2 (sau Ấn Độ), với doanh số 3,2 tỷ USD.
Máy bay huấn luyện K-8 Trung Quốc trong biên chế không quân Venezuela
Trong khi đó, lực lượng lính thủy đánh bộ Venezuela sắp tới sẽ tiếp nhận một số xe thiết giáp và vũ khí do Trung Quốc sản xuất. Quá trình giao hàng được thực hiện theo hợp đồng ký kết giữa Bộ Quốc phòng Venezuela và Tổng công ty công nghiệp phương bắc của Trung Quốc (NORINCO).
Đáng chú ý trong hợp đồng trị giá khoảng 500 triệu USD lần này là xe chiến đấu đổ bộ VN18, xe tăng lội nước VN16, xe vận tải VN1, rocket phóng loạt, pháo cối tự hành… Hợp đồng cung cấp lô lớn vũ khí này được công bố trên trang web của tổ chức Venezuela FAV Club. Tuy nhiên, số lượng và điều kiện giao hàng không được tiết lộ.
Venezuela cũng đang ưu tiên Trung Quốc hơn trong việc chọn lựa vũ khí để ký hợp đồng, bất chấp những rủi ro về chất lượng có thể xảy đến. Giới chuyên gia về quốc phòng nhận định nguyên nhân là do vũ khí của Trung Quốc được chào bán giá rẻ, điều nay cũng khiến các chuyên gia quân sự của nước này cảm thấy bất an với hệ thống quốc phòng của mình.
Theo Đất Việt