Nga đề cao vai trò chiến lược của khu vực châu Á-Thái Bình Dương
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 4/9 đã đề cao việc tăng cường mối quan hệ với các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương có ý nghĩa chiến lược quan trọng với Nga.
Tổng thống Putin (Ảnh: TASS)
Phát biểu trong phiên họp toàn thể Diễn đàn kinh tế phương Đông (EEF) tại thành phố Vladivostok, Tổng thống Putin khẳng định: “Ngày nay, chúng ta có thể thấy tương lai của miền Viễn Đông sẽ là một trong những trung tâm phát triển kinh tế và xã hội của Nga. Đây sẽ là trung tâm cần phải có sự phối hợp hiệu quả với tốc độ phát triển nhanh chóng của khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.
“Tôi tin chắc rằng, bất chấp những khó khăn hiện tại, khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn là đầu tầu cho nền kinh tế thế giới và là thị trường hàng hóa và dịch vụ quan trọng. Tăng cường quan hệ với các quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương có ý nghĩa chiến lược với Nga”.
Tổng thống Putin cho rằng Nga, quốc gia có nguồn tài nguyên thiên nhiên lớn, đủ khả năng bảo đảm nhu cầu cho phát triển của các quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ông nhấn mạnh rằng ý tưởng xây dựng “cầu nối năng lượng” là một trong những nhiệm vụ chiến lược giữa Nga và các quốc gia trong khu vực thời gian tới.
Cũng trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Putin đề xuất chính sách mở rộng tự do các cảng biển ở nhiều thành phố của Nga tại khu vực Viễn Đông. Theo ông, hạ tầng cơ sở và phát triển kinh tế sẽ là những ưu tiên hàng đầu cho khu vực này trong thời gian tới.
Video đang HOT
Người đứng đầu chính phủ Nga cũng đề nghị chính quyền địa phương tại khu vực Viễn Đông cần có thêm chính sách tạo điều kiện không chỉ cho các doanh nghiệp trong nước mà còn cả nước ngoài.
Ngoài ra, Tổng thống Putin cũng tái khẳng định chính phủ Nga đủ khả năng duy trì ổn định của nền kinh tế thông qua “một loạt các biện pháp”. Ông cũng hối thúc các tập đoàn và công ty Nga, đặc biệt là trong lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt, cần phải tiếp tục tăng cường khả năng cạnh tranh và mở rộng tới những thị trường mới.
Theo Tổng thống Putin, tập đoàn dầu mỏ Rosneft của Nga có kế hoạch đầu tư 19 tỷ USD vào nhiều dự án ở vùng Viễn Đông trong thời gian tới, trong đó có 7,4 tỷ USD sẽ được chính phủ Nga sử dụng để hiện đại hóa và mở rộng hệ thống giao thông trong khu vực.
Ngọc Anh
Tổng hợp
Theo Dantri
Quân đội Úc sẽ đóng vai trò lớn hơn tại châu Á-Thái Bình Dương
Bộ trưởng Quốc phòng Úc Kevin Andrews cho biết lực lượng quốc phòng nước này sẽ đóng vai trò tích cực hơn tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, trong bối cảnh có những lo ngại về việc Trung Quốc có thể quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Úc Kevin Andrews
Phát biểu tại Học viện Nghiên cứu Quốc phòng Ấn Độ nhân chuyến thăm quốc gia Nam Á ngày 2/9, ông Andrews cho hay sách trắng quốc phòng Úc công bố tới đây dự kiến nêu rõ rằng lực lượng quốc phòng nước này sẽ đóng vai trò lớn hơn nữa nhằm duy trì an ninh trong khu vực, bảo vệ lợi ích của Úc, trong một nỗ lực nhằm duy trì trật tự thế giới dựa trên việc tuân thủ luật pháp quốc tế.
"Tranh chấp lãnh thổ tiếp tục gia tăng rủi ro cho toàn khu vực, nhất là tại Biển Đông. Úc không đứng về phía nào nhưng quan ngại về việc Trung Quốc tăng cường bồi đắp các đảo nhân tạo trên quy mô lớn, khiến gia tăng căng thẳng tại khu vực. Chúng tôi thực sự lấy làm lo ngại về khả năng quân sự hóa các đảo tại Biển Đông."
"Lực lượng quốc phòng Úc (ADF) sẽ phải luôn trong tư thế sẵn sàng để đối phó với những bất ổn tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi gắn với những lợi ích cốt lõi của Úc," ông Andrews nhấn mạnh.
Theo ông Andrews, một mình Úc không thể đạt được những mục tiêu về quốc phòng và an ninh. Việc duy trì trật tự ổn định thông qua các cuộc đàm phán, hợp tác song và đa phương ngày càng trở lên quan trọng, nhất là hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực, trong đó có Ấn Độ, một cường quốc đang lên tại châu Á.
ADF sẽ tăng cường các cam kết quốc tế nhằm giảm thiểu những rủi ro xung đột quân sự, tăng sự gắn kết và sự tương tác giữa các đối tác chủ chốt nhằm đối phó với những thách thức quốc tế. Úc và Ấn Độ đang có kế hoạch cho cuộc tập trận chung vào cuối tháng này.
Theo ông Andrews, Mỹ vẫn sẽ là cường quốc thế giới cho đến năm 2035, trong khi cả Trung Quốc và Mỹ vẫn đóng vai trò cốt lõi tại khu vực.
"Trung Quốc và Mỹ đều có lợi ích cốt lõi trong việc duy trì an ninh và ổn định tại khu vực Châu Á-Thái Bình Đường, ít nhất là các lợi ích về kinh tế", ông Andrews nói.
Đến năm 2030, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ có 21 trong tổng số 25 tuyến vận tải huyết mạch trên biển và trên không của cả thế giới, với khoảng 2/3 lượng dầu và 1/3 lượng hàng hóa toàn cầu được chuyên chở qua đây.
Úc và Nhật đang lên kế hoạch tập trận chung tần Ấn Độ trong tháng này.
Vũ Duy
Theo Dantri/The Australia
Vấn đề Biển Đông: Mỹ còn quá rụt rè trước Trung Quốc? Ngày 21/8, Bộ Quốc phòng Mỹ đã xác định quyết tâm chống lại việc Trung Quốc quân sự hóa vùng Biển Đông, đe dọa tự do hàng không và hàng hải trong khu vực. Tài liệu với tên gọi "Chiến lược an ninh hàng hải ở châu Á-Thái Bình Dương" nhìn chung được đánh giá là tích cực vì làm rõ thêm lập...