Nga đang tìm cách “hất cẳng” Mỹ khỏi Thái Lan?
Lãnh đạo Nga và Thái Lan đang dồn dập tiến hành các cuộc thăm viếng lẫn nhau, nhằm nâng cao quan hệ hợp tác song phương về kinh tế và quân sự.
Nga và Thái Lan “đang tìm đến nhau”
Moscow và Bangkok đang “tìm đến nhau”, sau khi quan hệ giữa Bangkok với Washington và phương Tây xấu đi nhanh chóng, sau cuộc đảo chính quân sự tháng 5/2014. Các quan chức Thái Lan đang tìm kiếm các thỏa thuận an ninh với Moscow trong bối cảnh quan hệ căng thẳng với Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwan cho biết Bangkok đang xem xét khả năng mua một số máy bay quân sự, tàu ngầm và các thiết bị quốc phòng khác của Moscow.
Vào 2 ngày 16-17 tháng 4, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan, tướng Pravit Vongsuvan đến thăm Nga.
Với tư cách là người đứng đầu cơ quan quân sự của đất nước mình, ông sẽ tham gia Hội nghị Moscow lần thứ IV về an ninh quốc tế. Còn trên cương vị Phó Thủ tướng, ông sẽ hội đàm với các nhà lãnh đạo Nga về nội dung mở rộng hợp tác giữa hai nước, bao gồm cả trong lĩnh vực quân sự.
Những cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng Thái Lan nối tiếp ngay sau chuyến công du của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đến Vương quốc này đã hướng đến những khu vực khác của nền kinh tế, đối tượng thảo luận sẽ là gia tăng trong xuất khẩu đến Nga các mặt hàng như cao su tự nhiên và gạo của Thái Lan.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho biết, Nga luôn sẵn sàng đàm phán về hợp tác kinh tế và quân sự “nếu đối tác mong muốn”, đồng thời ông cũng khẳng định rằng Nga không cố gắng chống lại ảnh hưởng của Mỹ ở Thái Lan và các nước khác trong khu vực.
Video đang HOT
Trả lời phỏng vấn của Chủ tịch Tập đoàn Nation Multimedia, ông Medvedev nói rằng mỗi quốc gia đều có sự độc lập trong việc xây dựng chính sách đối ngoại. Moscow không can thiệp vào Mỹ thì Washington cũng không nên làm điều đó với Nga.
Ông Medvedev cho rằng, cuộc đảo chính quân sự ở Bangkok không ảnh hưởng gì đến quan hệ Nga-Thái bởi tất cả các quốc gia có chủ quyền đều phải giải quyết công việc nội bộ riêng họ và Nga tôn trọng điều đó. Nga cũng mong muốn đạt được một thỏa thuận tự do thương mại với Thái Lan.
Nga đã bán cho Thái Lan 2 chiếc trực thăng Mi-17V5
Tất cả những cuộc gặp đều hàm chứa phong phú các nội dung cụ thể, là minh chứng sự chuyển hướng của Liên bang Nga về phía Đông – như nhận xét của bà Elena Fomicheva chuyên viên nghiên cứu Thái Lan thuộc Viện phương Đông (Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga).
Hoa Kỳ lo lắng sự hiện diện của Nga ở Thái Lan
“Các nước Đông và Đông Nam Á đều quan tâm đến việc phát triển quan hệ với Nga, trong bối cảnh họ phải chịu sức ép của Hoa Kỳ. Trong lịch sử Thái Lan, đây là lần thứ ba, khi vào thời điểm khó khăn của quốc gia, ban lãnh đạo đất nước này đã hướng tới Nga.
Từng có tình huống như vậy vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, khi đế chế Nga dành sự hỗ trợ ngoại giao và chính trị cho Xiêm La (nay là Thái Lan) trong cuộc đấu tranh chống lại sự bành trướng của người Pháp ở Đông Dương.
Đã từng có sự giúp đỡ của Nga đối với Thái Lan trong thời gian Thế chiến II, khi đất nước này ở tình thế khá khó khăn, phức tạp và đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô.
Rồi bây giờ, khi cảm thấy áp lực từ phía Mỹ, mà chính phủ quân sự ở Thái Lan xem như động thái can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước (cắt viện trợ quân sự, không bổ nhiệm đại sứ), thì Bangkok hào hứng quay sang Nga.
Tất nhiên, người Mỹ coi Thái Lan là một đồng minh chính trong khu vực Đông Nam Á, là đối tác chung tiến hành cuộc tập trận lớn nhất “Rắn hổ mang vàng” (Cobra Gold), cố duy trì vị thế nhà cung cấp vũ khí cơ bản, nên Hoa Kỳ đương nhiên không hài lòng trước xu thế này”.
Các chuyên viên cho rằng, thái độ không hài lòng và lo ngại về triển vọng củng cố liên hệ Nga-Thái Lan cũng đã thể hiện ở thực tế là sau 6 tháng, cuối cùng Hoa Kỳ đã bổ nhiệm Đại sứ của nước mình tại Bangkok.
Sự chậm trễ trong việc bổ nhiệm tân đại sứ cũng như cắt giảm viện trợ quân sự cho Thái Lan, là biểu hiện sự bất mãn của Washington đối với cuộc đảo chính quân sự trong nước này, lật đổ Chính phủ của bà Yingluck Shinawatra.
Nga đang chào hàng Thái Lan tàu ngầm diezen-điện lớp Kilo
Nhưng lợi ích địa chính trị một lần nữa vượt lên trên những luận lý về trách nhiệm “bảo vệ nền dân chủ”. Hoa Kỳ rõ ràng không yên tâm khi Liên bang Nga chuyển hướng về phía Đông, bởi vậy Washington đã phải “xuống thang” trong quan hệ với Bangkok.
Nga-Thái tăng cường hợp tác quốc phòng
Ông Igor Korotchenko, lãnh đạo Trung tâm Phân tích thương mại vũ khí thế giới nhận định, trước hết nói về khả năng Thái Lan mua các máy bay trực thăng Mi-17 do Nga chế tạo hay tàu ngầm thông thường tiên tiến nhất thế giới lớp Kilo mà NATO đã phải đặt cho biệt danh là “Hố đen dưới đáy đại dương”.
Mẫu máy bay trực thăng Mi-17 chắc chắn, đáng tin cậy, đã thể hiện tính năng tốt ở khắp mọi nơi. Không ngẫu nhiên mà tất cả các nước từ châu Âu, châu Á, châu Phi đều mua máy bay trực thăng này, kể cả người Mỹ cũng mua để chuyển giao trang bị cho quân đội Afghanistan.
Hiện nay, Nga đã có thỏa thuận với Vương quốc Thái Lan để bán cho đất nước này 2 máy bay trực thăng đa năng Mi-17V5. Giá thành của giao kèo là khoảng 40 triệu USD và Nga sẵn sàng cung cấp cho Thái Lan thêm 3 chiếc nữa.
Hồi năm ngoái, Thái Lan cũng đã mua của Nga 3 máy bay phản lực Sukhoi Superjet 100 phiên bản VIP, bao hàm dự trù cung cấp cả phụ tùng thay thế và dịch vụ bảo dưỡng, tức là hàm lượng cao nhất trong hợp tác kỹ thuật.
Vừa qua, Công ty xuất nhập khẩu quốc phòng Rosoboronexport đã chính thức chào hàng tàu ngầm Kilo 636 cho Hải quân Hoàng gia Thái Lan, giúp Hải quân nước này có thêm một lựa chọn mới trong chương trình tái trang bị lại lực lượng tàu ngầm của mình.
Các tàu ngầm diesel-điện lớp Kilo của Nga được đánh giá lớp tàu ngầm thông thường tốt nhất thế giới hiện nay sẽ phải cạnh tranh với tàu ngầm diesel-điện S-26T của Trung Quốc, cùng với các loại tàu ngầm tấn công khác đến từ các công ty hàng hải của Thụy Điển, Đức, Hàn Quốc và Pháp.
Lực lượng tàu ngầm của Hải quân Hoàng gia Thái Lan đã ngưng hoạt động hơn 60 năm nay kể từ năm 1951, và chính phủ nước này đang muốn tái trang bị lại lực lượng tàu ngầm của mình thông qua kế hoạch tài khóa của năm 2015 với số lượng tàu ngầm từ 2-3 chiếc.
Theo Đất Việt