Nga chuẩn bị kiện vụ Mistral, Pháp cuống quýt hợp đồng Rafale
Ngày 161, Moscow tuyên bố chuẩn bị hồ sơ kiện vụ Mistral nếu Paris không giao tàu, trong khi đó Pháp cũng đang cuống cuồng tìm cách cứu thương vụ Rafale.
Nếu trả lời không thỏa đáng, Nga sẽ kiện Pháp
Ngày 16-1, Bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã nêu thời hạn nộp đơn đòi bồi thường về Mistral, trong trường hợp Pháp phá vỡ hợp đồng không chịu bàn giao tàu. Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nga cho rằng, các bên tham gia hợp đồng phải có trách nhiệm thực hiện đúng mọi điều khoản.
Theo tin của Hãng thông tấn Nga TASS, Bộ trưởng Quốc phòng Nga tuyên bố, trong vòng sáu tháng Moscow có thể nộp đơn khởi kiện Paris vì không bàn giao các tàu sân bay trực thăng Mistral. “Nếu hợp đồng không được thực hiện, tất nhiên, sẽ có đơn khiếu nại ở tòa án” – ông Shoigu cho biết.
Bộ trưởng Shoigu nhắc rằng, vào tháng 1-2015 phía Nga đã yêu cầu Pháp chính thức giải thích bằng văn bản lý do không giao hàng. Sau đó, nếu lí do không thỏa đáng sẽ đến lượt chuẩn bị hồ sơ kiện tụng. Bước này, theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga, mất khoảng 3-6 tháng – RIA Novosti đưa tin.
Trước đấy, một nguồn tin trong Bộ Quốc phòng thông báo rằng, hợp đồng với Pháp có thể bị phá vỡ nếu tàu sân bay trực thăng đầu tiên là Vladivostok không được bàn giao trước cuối tháng này khi thời gian quy định trong ba tháng chấm dứt. Mặc dù cũng nguồn ti cho biết còn khả năng tìm kiếm thỏa hiệp.
Được biết, vào ngày 13-1, một quan chức của Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật Quân sự Liên bang thuộc Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố là Moscow đã gửi công hàm chính thức tới Paris, yêu cầu giải thích bằng văn bản chứ không chấp nhận những “tuyên bố suông” về việc nước này trì hoãn bàn giao tàu Mistral.
Video đang HOT
Nguồn tin khẳng định, để giải quyết vấn đề này, cho dù đưa vụ việc lên Tòa án Quốc tế hoặc cho Pháp thêm thời gian, Nga cần có một văn bản giải trình về tình hình hiện tại. Nga sẽ không chấp nhận sự chỉ đạo từ lời tuyên bố miệng của một số chính trị gia, dù cho đó là Tổng thống Pháp hay là bất cứ ai.
Hợp đồng cung cấp hai tàu chở máy bay trực thăng đã được ký kết giữa tập đoàn Pháp DCNS và tập đoàn Nga “Rosoboronexport” hồi năm 2011. Giá thành hợp đồng là 1,2 tỷ euro, tương đương 1,66 tỷ USD. Hợp đồng cũng kèm theo điều khoản mở là Nga có thể đặt mua thêm 2 tàu nữa.
Gói thầu mua sắm Rafale của Ấn Độ cũng bị ảnh hưởng bởi hợp đồng mua sắm tàu sân bay Mistral Nga-Pháp
Chiếc tàu chở trực thăng đầu tiên là “Vladivostok” cần phải được bàn giao cho Nga trong năm 2014, còn chiếc thứ hai mang tên “Sevastopol” dự kiến sẽ bàn giao vào năm 2015.
Tiếp theo, vào ngày 15-1, Đại diện của Bộ Quốc phòng Nga cũng đã ra tuyên bố: Chính quyền sẽ ra quyết định về thương vụ tàu sân bay Mistral với Pháp vào tháng 2-2015. Nga sẽ đợi đến tháng 2-2015 để chờ Pháp trả lời và sẽ ra quyết định tùy theo diễn biến tình hình.
Trước đây, Moscow cũng đã tuyên bố cho Paris thêm thời gian để cân nhắc thiệt hơn nếu thương vụ này đổ bể, bởi còn một điều khoản hợp đồng cho phép thời gian trễ giao hàng là 120 ngày, kể từ ngày ấn định bàn giao là 14-11-2014. Sau thời gian đó, Pháp mới phải chịu phạt vì không thực hiện đúng hợp đồng.
Với đề nghị mới nhất của Bộ quốc phòng Nga, đây là lần đầu tiên 2 bên có những văn bản chính thức trao đổi về vấn đề này.
Pháp cuống quýt cứu vãn thương vụ Rafale
Ngày 15-1, Hãng tin Anh Reuters đưa tin, một phái đoàn Pháp sẽ tới Ấn Độ trong tháng này nhằm cứu vãn thỏa thuận cung cấp 126 máy bay tiêm kích Rafale cho Không quân Ấn Độ, nhen nhóm hy vọng cứu vãn một hộp đồng quốc phòng lớn nhất trong lịch sử.
Hợp đồng được hai bên thương thảo từ năm 2012 đến nay nhưng vẫn chưa đạt thành hiệp định bởi những vướng mắc về vấn đề giá cả, chuyển giao công nghệ và việc lắp ráp loại máy bay này tại Ấn Độ, đang đe dọa phá vỡ một trong những thương vụ quốc phòng lớn nhất thế giới.
Rafale đã đánh bại hàng loạt loại chiến đấu cơ lừng danh trên thế giới của Nga, châu Âu, Thụy Điển, Mỹ… như MiG-35, Typhoon, Jas 39 Gripen, F/A-18 Super Hornet, F-16IN để giành được gói thầu 126 chiếc máy bay chiến đấu đa năng hạng trung của Ấn Độ. Trong đó, 18 chiếc được chế tạo tại Pháp và 108 chiếc còn lại sẽ được sản xuất ở Ấn Độ.
Giới chức quốc phòng Ấn Độ cho biết nước này yêu cầu tập đoàn Hàng không Dassault của Pháp phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trong việc sản xuất chiến đấu cơ Rafale tại một cơ sở do New Delhi quản lý tại Bangalore đúng như đề xuất mời thầu năm 2012.
Ấn Độ đang cần những máy bay chiến đấu hiện đại để thay thế hàng trăm chiếc MiG-21Bis đã quá già lão
Trong khi đó, phía Pháp cho hay sẽ giúp Công ty Hàng không HAL của Ấn Độ theo sát được lộ trình giao hàng, nhưng không đảm bảo việc bảo hành sản xuất máy bay này tại một cơ sở mà họ không quản lý hoặc không có sự kiểm soát của chuyên gia chính hãng.
Tin cho biết một phái đoàn “quyền lực” của Pháp, được trao thẩm quyền tự đưa ra những quyết định về các vấn đề then chốt, dự kiến sẽ tới Ấn Độ để thương thảo với giới chức New Delhi. Tuy nhiên, hiện Dassault và Bộ Quốc phòng Pháp chưa đưa ra bình luận gì về thông tin này.
Các chuyên gia quân sự nhận định thỏa thuận này có thể tiêu tốn của Ấn Độ 20 tỷ USD, gấp đôi so với con số ước tính ban đầu là vào khoảng 10 tỷ USD. Nếu hợp đồng này được ấn định, giá của một chiếc Rafale đã lên tới khoảng 124 triệu USD/chiếc, thuộc loại đắt nhất trong số các chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 trên thế giới.
Trong khi với Pháp, thương vụ này sẽ là một cú hích quan trọng với ngành công nghiệp quốc phòng nội địa, trong bối cảnh suốt từ khi ra mắt đến nay, đã 14 năm qua, chiến đấu cơ Rafale vẫn chưa bán được bất cứ một chiếc nào, trong khi sản phẩm Mirage-2000 cũng của Dassault đã bán được rất nhiều.
Theo điều kiện hồ sơ dự thầu, 18 chiến đấu cơ đầu tiên sẽ chế tạo ở Pháp, hơn trăm chiếc còn lại được sản xuất tại Ấn Độ, do Tập đoàn chế tạo hàng không quốc gia Hindustan Aeronautics Limited (HAL) lắp ráp. Đây cũng là một khúc mắc lớn bởi Dassault không chịu bảo hành cho số máy bay này.
Được biết, thương vụ này vừa qua cũng bị cho là chịu ảnh hưởng tiêu cực từ hợp đồng mua sắm tàu đổ bộ trực thăng lớp Mistral giữa Nga và Pháp. Paris đã không chịu bàn giao tàu theo đúng hợp đồng vào ngày 14-11-2014 vừa qua do bởi một lí do chính trị không liên quan đến các điều khảo quy định.
Pháp viện cớ Nga có dính líu đến cuộc khủng hoảng chính trị và nội chiến ở Ukraine nên ra điều kiện khi nào tình hình Ukraine tốt lên hoặc Nga có những động thái tích cực hơn mới chịu bàn giao tàu. Bởi vậy, người Ấn Độ sợ rằng, hợp đồng của mình cũng có thể gặp tình trạng tương tự nếu có bất trắc xảy ra.
Theo NTD