Nga chưa hề có ý định dừng lại tại Syria?
Giới phân tích cho rằng Nga chưa hề có ý định dừng lại tại Syria
Nga triển khai trực thăng tấn công tại Syria
Ngày 21/3, Công ty phân tích tình báo Stratfor (Mỹ) cho biết, Nga đang tiếp tục tăng cường hoạt động tại căn cứ không quân ở ngoại ô Latakia.
Theo Stratfor, tính đến trưa 17/3 (theo giờ địa phương), hơn 1/4 nhóm không quân Nga ở căn cứ Bassel al Assad (tỉnh Latakia) đã rút đi. 3 chiến đấu cơ Su-34 và 1 máy bay vận tải Tu-154 là những chiếc đầu tiên rời nước này.
Tuy nhiên theo các bức ảnh vệ tinh, Moskva đang mở rộng cơ sở hạ tầng căn cứ nêu trên và triển khai lực lượng bổ sung ở đó trong mấy ngày này, đáng kể đến là các trực thăng tấn công Mi-28 và Ka-52.
Nga triển khai trực thăng tấn công Mi-28 và Ka-52 dến Syria. Ảnh: immortaltoday.com
Những trực thăng này có nhiều công dụng; ngoài khả năng bảo vệ cơ sở, chúng có thể tiến hành hoạt động tìm kiếm và cứu hộ, yểm trợ bộ binh trực tiếp từ trên không.
Trong tuyên bố của mình, Stratfor lưu ý Nga chưa rút các máy bay Su-30 và Su-35 ra khỏi lãnh thổ Syria.
Ngoài ra, Công ty phân tích tình báo Mỹ cũng dẫn các hình ảnh chụp cảng Tartus, theo đó không thấy bất cứ sự chuyển dịch thiết bị quân sự đáng kể nào của Nga khỏi Syria.
Trước đó, khi tuyên bố rút quân khỏi Damascus từ ngày 15/3, điện Kremlin đã khẳng định sẽ để lại các hệ thống phòng không ở Syria như tổ hợp tên lửa phòng không S-400 tại căn cứ không quân Bassel al Assad ở Latakia.
Video đang HOT
Với những bằng chứng đã được nêu ra, Stratfor cho Nga đang muốn tiếp tục tích cực hỗ trợ hoạt động của lực lượng chính phủ Syria trên bộ. Thêm vào đó, Nga có thể đã chuyển giao một phần các thiết bị này cho các đồng minh ở Syria.
Nga chưa có ý định dừng lại tại Syria?
Quyết định rút quân khỏi Syria từ ngày 15/3 của Tổng thống Putin đã khiến Mỹ cũng như các nước không khỏi bất ngờ. Tuy nhiên đó chỉ là cảm xúc ban đầu. Ngay sau đó, giới phân tích đã chỉ rõ rằng, đây chỉ là tuyên bố mang tính chiến thuật của ông chủ điện Kremlin. Dường như Moskva chưa bao giờ có ý định dừng lại trong cuộc chiến chống IS tại Syria.
Những diễn biến trên chiến trường Syria đang dần lật tẩy tham vọng và toan tính mới của Nga tại quốc gia Trung Đông này.
Còn nhớ, hôm 14/3, Tổng thống Putin đã tuyên bố Moskva sẽ rút quân về nước từ ngày 15/3 sau khi đạt các mục tiêu ở Syria. Tuy nhiên Nga vẫn duy trì 2 tiểu đoàn ở Syria, với tổng cộng 800 lính để bảo vệ 2 căn cứ quân cảng Tartus và căn cứ không quân Hmeymim ở Latakia của Syria.
Ngoài ra, cũng có 200 nhân sự là lực lượng phi chiến đấu và hỗ trợ khác. Moskva khẳng định tiếp tục thực hiện các chuyến bay do thám và lực lượng cố vấn cho quân đội Syria cũng sẽ được duy trì.
Không lâu sau đó, Tướng Gerasimov, Tổng tham mưu trưởng quân Nga tuyên bố rằng các chiến dịch quân sự của nước này nhằm chống lại tổ chức khủng bố IS ở Damascus sẽ vẫn được tiếp tục ngay cả khi quân đội nước này rút bớt quân về nước.
Hình ảnh tại căn cứ của Nga tại Latakia Ảnh: STRATFOR
“Chúng tôi (Nga) hiểu thấu người dân Syria đang rất quan ngại khi Nga rút quân bị về nước nhưng quân đội Nga sẽ không dừng các chiến dịch quân sự chống lại khủng bố IS ở Syria”, Tổng tham mưu trưởng quân Nga khẳng định.
Đúng như tuyên bố của Tướng Gerasimov, những ngày sau khi rút quân ra khỏi Syria, trên chiến trường, không quân Nga vẫn không ngừng tấn công vào các vị trí của phiến quân IS, thậm chí mức độ còn dày đặc hơn.
Ngày 19/3, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết các máy bay chiến đấu của Nga đã tiến hành hàng chục vụ không kích ở trong và xung quanh thành phố cổ Palmyra của Syria.
Theo SOHR tổng cộng có khoảng 70 vụ không kích đã được tiến hành song chưa có thông tin về thương vong.
Cùng ngày, Nguồn tin của quân đội Syria cho biết, ít nhất 18 phần tử phiến quân thuộc tổ chức khủng bố IS tại thành phố chiến lược Palmyra đã mất mạng trong các cuộc oanh kích của máy bay chiến đấu Nga.
Bên cạnh 1 trạm thông tin liên lạc, nhiều ổ đề kháng, máy bay Nga cũng đã phá hủy 3 xe tải gắn súng máy phòng không của các phần tử khủng bố.
Trong một diễn biến có liên quan, tại phân khu hành chính Homs, không quân Nga cũng oanh kích tiêu diệt một trạm thông tin liên lạc quan trọng của tổ chức khủng bố IS.
Tại các thành phố chiến lược là Quraytayn và Palmyra, không quân Nga cũng phát động nhiều cuộc không kích nhằm vào lực lượng khủng bố để hỗ trợ các cánh quân của chính quyền Tổng thống Assad khi họ tiến đánh, giải phóng các thành phố nào.
Trước đó, ngày 18/3, phát ngôn viên Bộ quốc phòng Nga- Trung tướng Sergei Rudskoi đã lên tiếng khẳng định, các chiến đấu cơ của nước này vẫn đang không kích IS tại Syria khoảng 20-25 đợt/ngày.
Theo_Báo Đất Việt
Năm căn cứ và ba lợi ích Mỹ-Philippines
Báo Philippines Star đưa tin tại Đối thoại Chiến lược an ninh song phương thường niên Mỹ-Philippines lần thứ sáu tại Washington ngày 18-3 (giờ địa phương), hai bên đã nhất trí năm địa điểm Mỹ có thể đưa quân và khí tài luân phiên đến Philippines trong tám địa điểm phía Philippines đề nghị Mỹ sử dụng.
Phó trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Amy Searight giải thích vấn đề trên được thực hiện theo Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng nâng cao kéo dài 10 năm. Thỏa thuận được Mỹ và Philippines ký kết hồi tháng 4-2014 nhưng chỉ mới có hiệu lực hồi tháng 1-2016 sau khi Tòa án Tối cao Philippines phán quyết thỏa thuận được chính phủ ban hành đúng hiến pháp.
Bà Amy Searight đánh giá năm nay là năm then chốt trong quan hệ Mỹ-Philippines. Bà cho biết tháng 4 tới Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter sẽ đến Philippines để xúc tiến thực hiện Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng nâng cao.
Bà nói Lầu Năm Góc đã trình Quốc hội đề nghị chuẩn chi 50 triệu USD để củng cố an ninh hàng hải ở Đông Nam Á, trong đó sẽ dành phần lớn kinh phí cho Philippines.
Tạp chí The Diplomat (Nhật) dẫn nguồn từ Bộ Ngoại giao Mỹ xác định năm căn cứ Mỹ sử dụng ở Philippines gồm các căn cứ không quân Antonio Bautista, Basa, Lumbia, Mactan-Benito Ebuen và căn cứ Magsaysay.
The Diplomat dẫn lời Đại sứ Mỹ tại Philippines Phillip Goldberg đánh giá "đây là vấn đề rất quan trọng" vì nhiều lý do:
Về chiến lược, liên minh Mỹ-Philippines từ lâu bị đánh giá là chưa xứng tầm thì nay đã phát triển một bước trước khi Tổng thống Aquino kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 6 và bảy tháng sau đến Tổng thống Obama. Mối quan hệ hai bên được nâng lên đến mức chưa từng thấy kể từ khi quân đội Mỹ rút khỏi hai căn cứ Subic và Clark ở Philippines cách đây hơn 20 năm.
Về quốc phòng, việc thực hiện Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng nâng cao sẽ thúc đẩy lợi ích an ninh của hai bên và củng cố hợp tác chung. Washington sẽ đưa thêm quân, tàu chiến và máy bay đến Philippines trong chiến lược tái cân bằng.
Đối với Philippines, đồng minh Mỹ sẽ có khả năng củng cố năng lực của quân đội Philippines. Mục đích nhằm phát triển khả năng mà các nhà hoạch định quốc phòng gọi là "đáp trả tối thiểu đáng tin cậy" đối với các mối đe dọa, đặc biệt là đối với thái độ hung hăng của Trung Quốc ở biển Đông. Ngoài ra, việc thực hiện thỏa thuận nêu trên sẽ giúp hai bên mở rộng các lĩnh vực huấn luyện và hợp đồng tác chiến.
Cuối cùng, nhiều căn cứ Mỹ sắp đưa quân tới mang ý nghĩa chiến lược rất quan trọng. Ví dụ: Căn cứ không quân Antonio Bautista ở đảo Palawan rất gần với biển Đông. Căn cứ không quân Mactan-Benito Ebuen trên đảo Mactan ở Cebu vốn là trung tâm cứu trợ sau bão Haiyan hồi tháng 11-2013 (hơn 6.000 người chết).
PH.QUỲNH
Theo_PLO
Hồi kết cuộc tập trận thế kỷ Các nhân viên kỹ thuật của Nga tại căn cứ không quân Hmeymin ở Syria bắt đầu chuẩn bị cho các chuyến bay tầm xa tới những căn cứ không quân ở Nga; binh sĩ Nga cũng đang khẩn trương chuyển trang thiết bị quân sự và vật dụng lên máy bay... Nga sẽ rút phần lớn lực lượng quân đội khỏi Syria...