Nga chế tạo “Xe tăng bay” không cần đường băng
Trang mạng chính thức của Bộ Quốc phòng LB Nga mới đây đã cho đăng tải những thông tin liên quan tới Học thuyết mới về máy bay cường kích trong tương lai của nước này. Theo đó, Nga sẽ tập trung chế tạo những chiến đấu cơ được gọi là “ xe tăng bay” với công nghệ tàng hình tối tân.
Loại máy bay mới này sẽ có các đặc tính tàng hình hiện đại, được trang bị các hệ thống radar mới cùng các tổ hợp thông tin, thiết bị dẫn đường và chỉ thị mục tiêu tiên tiến.
Loại máy bay xuất hiện trong học thuyết mới cũng sẽ được tích hợp các loại vũ khí chiến thuật mới và đặc biệt là khả năng cất hạ cánh không cần đường băng.
Máy bay cường kích Su-25SM của Không quân Nga
Dự kiến, những mẫu thiết kế đầu tiên của loại máy bay cường kích này sẽ ra mắt vào năm 2020. Đến năm 2025, nó sẽ thay thế hoàn toàn các máy bay cường kích Su-25SM hiện đang có trong trang bị của Không quân Nga.
Video đang HOT
Giới chuyên gia đánh giá, kế hoạch này tỏ ra rất hấp dẫn. Tuy nhiên, khả năng hiện thực hoá không cao như mong đợi khi nhớ lại một sự kiện tương tự cách đây vài năm.
Đến năm 2025, Nga sẽ thay thế toàn bộ Su-25 bằng loại cường kích mới được gọi là “ Xe tăng bay”
Cách đây 6 năm, Tư lệnh Không quân Nga từng tuyên bố kế hoạch chế tạo các phiên bản máy bay tàng hình thế hệ 5 “một động cơ”. Khi đó, nhiều thông tin cũng cho rằng loại máy bay tàng hình mới này sẽ được trang bị hệ thống điện tử tương tự như mẫu máy bay tàng hình cơ sở.
Tuy nhiên, ngay cả giới chuyên gia cũng không hiểu “ý tứ” của vị tư lệnh này. Vậy là, sau khi vị tướng Tư lệnh Không quân Nga về hưu, không ai còn nhớ tới loại máy bay tàng hình thế hệ 5 “một động cơ” nữa.
Còn với học thuyết mới của Không quân Nga, 12 năm để thực hiện kế hoạch trên là không hề ngắn. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ nằm ở việc thiết kế và sản xuất ra loại máy bay mới. Các trở ngại cần tính đến gồm:
Thứ nhất, công nghệ không ngừng phát triển. Như vậy, đến khi Nga hoàn thành dự án này thì những chiếc máy bay mới sẽ không thực sự là “hiện đại” nữa.
Thứ hai, trong thời gian trên, sẽ có nhiều biến động về giới lãnh đạo. Có thể, Không quân Nga lại thay đổi ưu tiên. Thường thì các học thuyết mới là do đội ngũ lãnh đạo cao cấp đề xuất và ủng hộ việc thực hiện. Nên cùng với sự ra đi của họ, thì học thuyết đó cũng biến mất và một học thuyết mới với ưu tiên mới lại ra đời thay thế.
Chiến đấu cơ đa năng tàng hình thế hệ 5 T-50 PAK FA của Nga
Tuy nhiên, các chuyên gia Nga cho rằng Không quân nga không những cần các chiến đấu cơ thế hệ 5 mà thậm chí là cả thế hệ 6. Việc chế tạo các máy bay đa năng sẽ tốn kém và phức tạp hơn.
Vì vậy, kế hoạch chế tạo một mẫu cường kích tàng hình thế hệ 5 là ý tưởng không tồi và khả thi. Loại vũ khí mới này sẽ góp phần đáng kể nâng cao sức mạnh chiến đấu của Không quân Nga.
Các giải pháp cơ bản có thể tìm thấy ở loại cường kích MiG-AT hiện nay. Loại máy bay huấn luyện này có một phiên bản sử dụng làm cường kích hạng nhẹ, mẫu MiG-ATB.
Máy bay MiG-AT của Không quân Nga
Tuy nhiên, thông tin về tính năng kỹ chiến thuật của MiG-ATB hầu như không được tiết lộ. Hiện có hai phiên bản huấn luyện của loại máy bay này là MiG-ATR (dùng cho Không quân Nga) và MiG-ATF (xuất khẩu).
Hai mẫu máy bay huấn luyện này được trang bị hệ thống radar đa năng, có khả năng mang theo vũ khí có điều khiển và không điều khiển để tiêu diệt các mục tiêu mặt đất, mặt nước và trên không. Ngoài ra, MiG-AT còn được trang bị hệ thống điện tử thế hệ 4 .
MiG-AT dài 12,01 m, có trọng lượng cất cánh tối đa là 8.150 kg. Tốc độ tối đa đạt 850km/h với trần bay 14.000 m. Tuy nhiên, phiên bản chiến đấu có thể còn nhiều thay đổi.
Theo Phunutoday