Nga cảnh báo phạt Google liên quan đến các thông tin sai lệch
Ngày 22/6, Cơ quan giám sát thông tin Nga (Roscomnadzor) cho biết tập đoàn Google đang lần thứ hai đối mặt với mức phạt từ 5-10% doanh thu khi tiếp tục không xóa các nội dung bị cấm, bao gồm thông tin sai lệch trên YouTube liên quan tới các sự kiện tại Ukraine.
Biểu tượng Google trên một màn hình điện thoại. Ảnh: AFP/TTXVN
Tháng trước, nhà chức trách Nga đã tịch thu hơn 7,7 tỷ ruble (143 triệu USD) từ Google, số tiền mà hãng được yêu cầu phải thanh toán vào cuối năm ngoái. Đây là lần đầu tiên Nga trích lại tiền phạt từ doanh thu hằng năm của công ty.
Trong thông báo, Roscomnadzor nhấn mạnh trang chia sẻ video YouTube đã cố tình tăng cường tuyên truyền thông tin sai lệch về tiến độ của chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại miền Đông Ukraine, ảnh hưởng đến uy tín của các lực lượng vũ trang Liên bang Nga. Cơ quan này nêu rõ việc tái phạm sẽ dẫn tới án phạt tương đương 5-10% doanh thu hằng năm của Google tại Nga. Con số chính xác sẽ được quyết định tại tòa.
Video đang HOT
Hiện Google chưa đưa ra bình luận gì trước thông tin trên.
Vào ngày 21/4 vừa qua, Tòa án quận Tagansky ở Moskva, LB Nga thông báo đã phạt hãng công nghệ Google 11 triệu ruble (137.763 USD) vì không xóa những nội dung mà Moskva cho là thông tin “giả” về cuộc xung đột ở Ukraine và những video trên YouTube do các nhóm cực hữu của Ukraine đăng tải.
Trước đó, Nga cũng đã yêu cầu Google ngừng phát tán những thông tin mà Moskva cho là đe dọa công dân Nga trên YouTube. Nga cũng đã chặn dịch vụ tổng hợp tin tức của Google vào tháng 3 vừa qua khi cho rằng hãng công nghệ này cho phép người dùng truy cập những thông tin giả mạo về chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine. Tổng thống Vladimir Putin ngày 4/3 đã ký ban hành luật áp dụng các án phạt tù lên đến 15 năm đối với đối tượng đăng tải tin tức sai lệch về quân đội Nga.
EU siết chặt quy định chống thông tin sai lệch
Các mạng xã hội Google, Facebook, Twitter và các công ty công nghệ khác sẽ phải có biện pháp chống deepfake và các tài khoản giả mạo trên nền tảng của mình, nếu không có thể bị phạt nặng theo một bộ quy tắc hành nghề mới cập nhật của Liên minh châu Âu (EU).
Biểu tượng Facebook trên màn hình điện thoại di động tại in Arlington, Virginia, Mỹ, ngày 7/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Các nguồn tin EU cho biết Ủy ban châu Âu sẽ công bố bộ quy tắc cập nhật chống thông tin sai lệch vào ngày 16/6.
Deepfake là các sản phẩm công nghệ giả mạo siêu thực dưới dạng âm thanh, hình ảnh hoặc video được tạo ra bằng kỹ thuật máy tính. Phương thức này đã gây báo động trên toàn thế giới, đặc biệt khi được sử dụng trong bối cảnh chính trị.
EU áp dụng bộ quy tắc tự nguyện vào năm 2018. Giờ đây, bộ quy tắc này sẽ trở thành một cơ chế chia sẻ trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý và các bên ký bộ quy tắc.
Bộ quy tắc cập nhật sẽ nêu rõ thêm các ví dụ về các hành vi đánh lừa như deepfake và tài khoản giả mạo mà các bên ký phải xử lý. Bộ quy tắc cập nhật cũng sẽ liên kết với các quy định nghiêm ngặt mới của EU trong khuôn khổ Luật dịch vụ kỹ thuật số đã được các nước thành viên EU nhất trí đầu năm nay, trong đó có mục chống thông tin sai lệch.
Trên thực tế, điều đó có nghĩa là các công ty không thực hiện đúng nghĩa vụ theo bộ quy tắc có thể đối mặt với mức phạt lên tới 6% doanh thu toàn cầu của công ty.
Theo ông Thierry Breton, quan chức phụ trách chống thông tin sai lệch của EU, trong những năm qua, các mạng xã hội nổi tiếng đã cho phép các chiến lược truyền bá thông tin sai lệch và gây bất ổn lan tràn mà không bị kiểm soát, thậm chí còn kiểm tiền từ việc này.
Ông nhấn mạnh không thể tiếp tục để cho thông tin sai lệch là một nguồn thu nhập. Biện pháp ngăn chặn tốt nhất là cắt nguồn tài trợ thông tin sai lệch một cách triệt để. Theo đó, các nền tảng mạng xã hội không được tiếp tục nhận dù chỉ 1 euro từ việc lan truyền thông tin sai lệch.
Nga phạt Wikimedia đăng nội dung không xác thực về cuộc xung đột tại Ukraine Theo phóng viên TTXVN tại Nga, ngày 26/4, Tòa án số 422 quận Tagansky ở thủ đô Moskva đã tuyên phạt tổ chức phi lợi nhuận Wikimedia số tiền 3 triệu ruble (tương đương 38.000 USD) vì đã đăng tải 7 bài báo trên trang Wikipedia với nội dung không đáng tin cậy về chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền Đông...