Nga cân nhắc sử dụng tiền điện tử trong giao dịch quốc tế
Ngày 31/5, Phó Thống đốc thứ nhất Ngân hàng trung ương Nga, bà Ksenia Yudaeva, cho biết ngân hàng này có thể cho phép sử dụng tiền điện tử trong các giao dịch quốc tế, dù giao dịch bằng tiền điện tử tại Nga tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Đồng xu ruble của Nga (phía trên) và đồng đôla Mỹ (dưới) tại thủ đô Moskva (Nga). Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, phát biểu với báo giới, bà Yudaeva cho biết Ngân hàng trung ương Nga không phản đối việc sử dụng tiền điện tử trong các giao dịch quốc tế và cơ sở hạ tầng tài chính quốc tế. Tuy nhiên, bà lưu ý Ngân hàng trung ương Nga vẫn duy trì quan điểm rằng việc sử dụng tiền điện tử trong nước, đặc biệt là trong hệ thống tài chính của Nga, có thể gây ra rủi ro.
Hồi tháng 4 vừa qua, Bộ Tài chính Nga đã đưa ra dự thảo luật quy định về thị trường tiền điện tử, theo đó cho phép các cá nhân và pháp nhân thực hiện các giao dịch bằng tiền kỹ thuật số. Tuy nhiên, tất cả các giao dịch bằng tiền kỹ thuật số phải tuân thủ nghiêm ngặt các chính sách chống rửa tiền và chống tài trợ cho khủng bố. Bộ Tài chính Nga cũng không loại trừ sự tham gia của những người không cư trú ở Nga vào thị trường tiền tệ kỹ thuật số nước này.
Tháng 1/2021, Luật khung về tài sản kỹ thuật số và tiền điện tử tại Nga chính thức có hiệu lực, cho phép người dân đầu tư và lưu trữ. Những lệnh cấm với hầu hết tất cả các giao dịch bằng tiền điện tử vốn được Ngân hàng trung ương Nga đề xuất trước đây đều bị bác bỏ.
Theo nhà cung cấp dịch vụ thanh toán bằng tiền điện tử TripleA của Singapore, hiện có hơn 17 triệu người Nga sở hữu tiền điện tử, và 60% trong số họ ở độ tuổi từ 25-44. Dữ liệu của Đại học Cambridge (Anh), năm 2021, Nga đứng thứ ba trên thế giới về khai thác tiền điện tử, chỉ sau Mỹ và Kazakhstan.
Mỹ gia tăng các biện pháp trừng phạt tài chính nhằm vào Nga
Từ 04h01 giờ GMT ngày 25/5, tức 11h01 cùng ngày (giờ Hà Nội), Nga sẽ không được hưởng cơ chế miễn trừ, trong đó cho phép nước này được thanh toán nợ nước ngoài bằng đồng đôla sở hữu trong nước.
Đồng xu ruble của Nga (phía trên) và đồng đôla Mỹ (dưới) tại thủ đô Moskva (Nga). Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ Tài chính Mỹ đã công bố quyết định trên tại thời điểm chỉ còn 2 ngày nữa tới đợt trả nước nước ngoài tiếp theo của Nga. Trong đợt trả nợ này, Nga sẽ phải thanh toán 100 triệu euro tiền lãi cho 2 loại trái phiếu: 1 loại trái phiếu thanh toán bằng đồng USD, euro, bảng Anh hoặc đồng franc của Thụy Sĩ (Nga chỉ có thể lựa chọn 1 trong 4 loại) và 1 loại trái phiếu thanh toán bằng đồng ruble.
Đây được xem là biện pháp của Mỹ nhằm gia tăng trừng phạt đối với Moskva liên quan đến xung đột tại Ukraine. Bởi trên thực tế, các biện pháp trừng phạt của các nước phương Tây nhằm vào Nga đã khiến nước này bị cô lập trong hệ thống tài chính quốc tế và điều này đã khiến Nga không thể tiếp cận lượng USD trong các tài khoản của Nga nằm ở các ngân hàng Mỹ để trả nợ.
Trong khi đó, Chính phủ Nga vẫn luôn tìm cách thanh toán nợ bằng đồng nội tệ, song nhiều loại trái phiếu không chấp nhận thanh toán bằng đồng ruble.
Hiện Nga chưa đưa ra bất cứ bình luận nào trước thông tin trên. Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters và nhật báo Wall Street, Bộ Tài chính Nga đã trả nợ sớm để tránh vỡ nợ.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, nợ nước ngoài của Nga hiện vào khoảng 4.500 đến 4.700 tỷ ruble (tương đương 60 tỷ USD), chiếm 20% tổng nợ công. Dự kiến, trong năm 2022, Nga còn 13 đợt trả nợ nước ngoài.
Nga lần đầu tiên trả nợ trái phiếu bằng đồng ruble Bộ Tài chính Nga ngày 6/4 ra thông báo cho biết đã lần đầu tiên thực hiện nghĩa vụ tài chính bằng đồng ruble đối với trái phiếu châu Âu (Eurobond) có chủ quyền "Russia-2022" và "Russia-2042" cho các chủ sở hữu nước ngoài với số tiền 649,2 triệu USD, do ngân hàng đại lý nước ngoài từ chối thực hiện lệnh bằng...