Nga cấm xuất khẩu xăng dầu trong vòng 6 tháng
Thủ tướng LB Nga, ông Mikhail Mishustin ngày 26/2 đã phê chuẩn lệnh cấm xuất khẩu xăng trong vòng 6 tháng, bắt đầu từ ngày 1/3/2024.
Quang cảnh nhà máy lọc dầu của Tập đoàn Gazprom ở ngoại ô Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN
Các nguồn thạo tin cho biết quyết định này được đưa ra nhằm tăng hạn mức bán dầu diesel trên sàn giao dịch lên 16%. Lệnh cấm xuất khẩu tạm thời không áp dụng đối với khối lượng cung cấp đã thỏa thuận cho các nước thuộc Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU), Mông Cổ, Uzbekistan, Abkhazia và Nam Ossetia.
Phó Thủ tướng Alexander Novak đã đề nghị Thủ tướng tạm thời cấm xuất khẩu xăng dầu. Trong bức thư ngày 21/2, ông Novak lưu ý rằng mùa nhu cầu nhiên liệu tăng cao sẽ sớm bắt đầu trên thị trường nội địa, gắn liền với giai đoạn canh tác mùa xuân, sửa chữa theo lịch trình tại các nhà máy lọc dầu, cũng như kỳ nghỉ hè. Ông Novak viết: “Để giải quyết nhu cầu cao điểm đối với các sản phẩm xăng dầu, cần thực hiện các biện pháp giúp ổn định giá trên thị trường sản phẩm xăng dầu trong nước”.
Giá trên sàn giao dịch đối với xăng AI-92 và AI-95, cũng như nhiên liệu diesel mùa hè, đã tăng 8-23% kể từ đầu năm, trong khi ở phân khúc bán buôn, tốc độ tăng giá xăng thấp hơn – 1,6 -6% và giá dầu diesel rẻ hơn Giá bán lẻ xăng AI-92 và AI-95 đã giảm lần lượt 2 và 1 kopecks mỗi lít, theo đó, giá dầu diesel mùa hè giảm 0,1%, tương đương 7 kopecks/lít trong khi giá mùa đông vẫn ở mức tương tự (1 ruble = 100 kopecks).
Trong bối cảnh như vậy, các biện pháp ứng phó hiệu quả sẽ là tăng hạn mức giao dịch sản phẩm dầu mỏ trên sàn giao dịch và áp dụng lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu, ông Novak nói.
Chính phủ Nga đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu năm ngoái. Tháng 9/2023, Nội các LB Nga đã áp dụng lệnh cấm xuất khẩu tạm thời xăng và dầu diesel do giá bán buôn tăng mạnh. Biện pháp này đã được dỡ bỏ vào tháng 11. Bộ Năng lượng sau đó thông báo rằng trong hai tháng, thị trường trong nước đã hình thành tình trạng dư thừa nhiên liệu và giá bán buôn xăng trên sàn giao dịch đã giảm đáng kể.
Nga kỳ vọng AI sẽ tăng GDP thêm 6%
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Thủ tướng LB Nga Mikhail Mishustin cho biết việc triển khai công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tại Nga cho đến năm 2030 sẽ tăng quy mô nền kinh tế của nước này thêm 6%, tương đương 10.000 tỷ ruble (gần 110 tỷ USD).
Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin. Ảnh: AFP/TTXVN
Thủ tướng Mishustin cho biết AI đang được ứng dụng sâu rộng nhất trong kinh tế và quản lý nhà nước tại Nga. Trong 2 năm kể từ khi Nga xây dựng và triển khai dự án liên bang "Trí tuệ nhân tạo" thuộc dự án quốc gia "Nền kinh tế số" từ năm 2021, tỷ lệ trung bình sử dụng AI trong hai lĩnh vực này đã tăng 1,5 lần.
Người đứng đầu Chính phủ Nga cũng cho biết 3 ưu tiên chính để phát triển công nghệ thông tin tại Nga gồm triển khai các dự án liên quan đến chủ quyền công nghệ, còn gọi là siêu dự án; tăng cường đội ngũ kỹ sư và triển khai công nghệ số.
Theo dự báo của Chính phủ, cho tới năm 2030 thị trường các giải pháp AI trực tiếp (các phần mềm sử dụng AI) trong nước sẽ tăng gấp 5 lần lên 69 tỷ ruble, trong đó năm 2026 ước đạt 25 tỷ ruble (hơn 274 triệu USD). Con số này của năm 2022 là 12 tỷ ruble (131,5 triệu USD).
Theo chỉ thị của Tổng thống Vladimir Putin, ứng dụng AI sẽ trở thành yêu cầu bắt buộc đối với những công ty nào muốn nhận được tài trợ từ ngân sách liên bang. Dự kiến trong năm 2024, Nga sẽ áp dụng thử nghiệm đối với các công ty có doanh thu năm trên 800 triệu ruble, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y tế và vận tải.
Từ nay đến ngày 15/4 tới, các Bộ Phát triển kinh tế, Kinh tế số, Tài chính, sẽ phải đệ trình danh mục các chỉ số cho dự án quốc gia "Nền kinh tế dữ liệu" về phát triển AI.
Nga đề xuất cơ chế thanh toán chung trong Liên minh Kinh tế Á - Âu Ngày 24/8, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin thông báo nước này đề xuất phát triển một cơ chế thanh toán chung của Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) dựa trên đồng nội tệ của các nước thành viên, qua đó góp phần tăng cường an ninh cho việc thanh toán và sự ổn định của nền kinh tế các nước. Thủ...