Nga biên chế tàu khu trục mới cho Hạm đội Biển Đen
Tàu khu trục thuộc lớp Project 11356 đầu tiên của Nga – Đô đốc Grigorovich sẽ gia nhập biên chế Hạm đội Biển Đen vào năm 2014. Thông tin trên vừa được Phó Đô đốc Alexander Fedotenkov đưa ra hôm qua (29/4).
Ông Fedotenkov cho biết: “Tàu khu trục Project 11356 mới nhất – Đô đốc Grigorovich sẽ được “trình làng” trong năm 2013 và gia nhập Hạm đội Biển Đen trong năm 2014″.
Xưởng đóng tàu Yantar có trụ sở ở Kaliningrad sẽ phát triển tổng cộng 6 tàu khu trục lớp Project 11356 để bàn giao cho Bộ Quốc phòng trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến 2016 giữa hai bên.
Con tàu đầu tiên thuộc sê-ri tàu này – Đô đốc Grigorovich đã được hạ thủy hồi tháng 12/2010, tàu thứ hai – Đô đốc Essen được hạ thủy hồi tháng 7/2011 và chiếc thứ 3 – Đô đốc Makarov được hạ thủy vào tháng 2/2012.
Tàu khu trục thuộc Đề án 11356 có lượng choán nước 3850 tấn, được thiết kế cho các nhiệm vụ chống tàu ngầm và các tàu chiến bề mặt cả khi chiến đấu độc lập lẫn làm một tàu hộ tống. Tàu cũng được vũ trang hệ thống vũ khí phòng không.
Video đang HOT
Tàu thuộc lớp này được trang bị một bệ phóng 8 nòng sử dụng cho loại tên lửa đất đối đất và tên lửa chống tàu Kalibr và Klub, 1 súng chính 100-mm và các hệ thống phòng không Kashtan, các hệ thống tên lửa phòng không phóng thẳng Shtil, 2 ống phóng ngư lôi, một hệ thống tên lửa chống ngầm và một trực thăng Ka-31, một trực thăng Ka-28.
Được biết, Hải quân Ấn Độ đã tiếp nhận hai tàu khu trục thuộc lớp Talwar được thiết kế dựa trên Đề án 11356 vào tháng 4 và 11 năm ngoái.
Theo xahoi
Indonesia "tăm tia" thủy phi cơ trinh sát độc đáo M-50 Aron
Chính phủ Indonesia có kế hoạch sẽ mua một số thủy phi cơ Aron M-50 do Hàn Quốc sản xuất cho quân đội nước này, để phục vụ các mục đích trinh sát hàng hải và tìm kiếm cứu nạn.
Ngày 05-4, chiếc thủy phi cơ được đưa sang Indonesia để chào hàng, đã thực hiện chuyến bay trình diễn những khả năng cất cánh, hạ cánh và di chuyển độc đáo trên mặt biển tại cảng Paddle thuộc Căn cứ hải quân Frog, trên Vịnh Jakarta, Indonesia.
Thủy phi cơ Aron M-50, được thiết kế cho các nhiệm vụ bảo vệ và an ninh hàng hải và có thể hoạt động được cả trong điều kiện thời tiết xấu, được cho là phù hợp với điều kiện biển đảo của Indonesia.
Tổng thanh tra Bộ Quốc phòng Indonesia, Phó Đô đốc Sumartono, cho biết trong buổi trình diễn rằng, thủy phi cơ này được cho là lý tưởng trong thực hiện các nhiệm vụ tìm kiếm và cứu nạn trên biển, nhưng về mục đích quân sự thì cần phải phát triển và trang bị thêm các hệ thống vũ khí hoặc chuyển giao công nghệ cho Indonesia vì ở Indonesia vẫn thiếu các trang bị quân sự này.
Tổng giám đốc Công ty Aron Flying Ship, Cho Hyun-wook, cho biết đây là sản phẩm đầu tiên trên thế giới có thể vận hành được cả ở dưới nước và trên không với tốc độ cao nhưng vẫn duy trì được sự ổn định và vững chắc của máy bay.
Theo ông, thủy phi cơ này có thể di chuyển với tốc độ 100 km/giờ trên mặt nước và 220 km/giờ khi bay trên không, với tầm hoạt động tới 800km. Máy bay được trang bị động cơ 250 mã lực, rất tiết kiệm nhiên liệu và có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, với giá thành chỉ 5 triệu USD mỗi chiếc.
"Thủy phi cơ Aron chỉ cần chạy trên mặt nước 200 - 400m là có thể cất cánh và có thể vượt qua các con sóng biển cao tới 2m", ông Cho Hyun-wook cho biết.
Một lợi thế nữa là máy bay khó bị radar phát hiện do bay ở tầm thấp tối đa 150m trên mặt biển. Thân máy bay được làm bằng chất liệu sợi carbon hoặc kevlar tổng hợp và được phủ một lớp chống can nhiễu.
Thủy phi cơ Aron M-50 có trọng lượng khoảng 1,7 tấn, chiều dài 10m, sải cánh 12m, cao 3m. Phiên bản đặc biệt M-50 chỉ chở được 4 người, không bao gồm 2 phi công. Trong khi các phiên bản khác, như M-80 có thể chở được 8 người, và M-200 và MK-80 có thể chở được 20 người.
Thành viên Ủy ban Hạ viện Indonesia Susaningtyas Kertopati cho biết, loại thủy phi cơ này thích hợp với nhiệm vụ duy trì an ninh hàng hải, đặc biệt là ngăn chặn nạn đánh bắt cá bất hợp pháp tại các vùng biển của Indonesia. Máy bay có thể là một lựa chọn thay thế cho các trang bị quân sự khác như máy bay trực thăng. Ông đã đề nghị chính phủ cân nhắc đề xuất này, vì máy bay có giá cả tương đối hợp lý. Theo ông, máy bay có thể được triển khai tại các khu vực như quần đảo Riau hoặc các quần đảo ở Thái Bình Dương của Indonesia.
Theo ANTD
Tìm hiểu nhóm tác chiến tàu sân bay khủng của Mỹ đến biển Đông Ngày 01-4, nhóm tác chiến tàu sân bay USS John C. Stennis đã cập cảng Changi, bắt đầu thăm Singapore theo kế hoạch trước khi trở về nước. Đây là chuyến thăm cảng đầu tiên của nhóm tác chiến tàu sân bay này kể từ khi đi vào vùng đảm trách của Hạm đội 7 hôm 26-3, sau 5 tháng hoạt động trong...