Nga bắt đầu dừng cấp khí đốt, nguồn cung LNG có giúp châu Âu thoát sức ép?
Rất khó để châu Âu tiếp cận các chuyến hàng khí hóa lỏng LNG trong ngắn hạn và nếu có mức chi phí cũng sẽ bị đội lên nhiều so với khí đốt nhập khẩu từ Nga.
LNG xuất khẩu được vận chuyển bằng các tàu chuyên dụng. Ảnh: Alamy
Ngày 26/4, tập đoàn Gazprom (Nga) đã gửi thông báo tới các công ty khí đốt thuộc sở hữu nhà nước tại Bulgaria và Ba Lan, cảnh báo việc sẽ ngừng vận chuyển khí đốt tới hai nước này trong vòng 24 giờ. Đây là lần đầu tiên Nga ngừng cấp khí đốt với một quốc gia tại châu Âu kể từ khi nổ ra xung đột tại Ukraine. Khoảng 50% khí đốt tiêu thụ ở Ba Lan là do Nga cung ứng, tỉ lệ này với Bulgaria là 90%.
Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đã khơi lại những đồn đoán lâu nay về tương lai của năng lượng châu Âu, đặc biệt là nguồn cung khí đốt, mặt hàng chiếm tỷ trọng 25% trong tổng tiêu thụ năng lượng tại châu lục. Năm 2019, 40% khí đốt của châu Âu là do Nga cung ứng.
Phương Tây cho đến thời điểm này vẫn không dám đi quá xa trong áp hạn chế đối với xuất khẩu khí đốt của Nga, dù Đức ra quyết định đóng băng vô thời hạn tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) để phản đối Nga can thiệp ở Ukraine. Câu hỏi đặt ra là: Điều gì sẽ xảy ra nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin ra quyết định ngừng cấp khí đốt cho phương Tây?
Một lựa chọn thay thế khí đốt Nga là khí hóa lỏng (LNG) – mặt hàng thường được vận chuyển bằng đường biển thông qua các tàu chuyên dụng. Nhưng LNG nhập khẩu có thể thay thế khí đốt Nga ở mức độ nào là điều vẫn còn đang để ngỏ.
LNG không phải là nguồn cung mới, khi châu Âu đã sử dụng loại nhiên liệu này. LNG chiếm khoảng 25% tổng nhập khẩu khí đốt tự nhiên của châu lục. Điểm nghẽn nằm ở khả năng tăng tiếp nhận và xử lý LNG của của châu Âu. Để đưa LNG vào sử dụng, đầu tiên các hãng vận hành sẽ khai thác khí thiên nhiên từ các mỏ ở biển khơi, dẫn vào đất liền và làm lạnh ở nhiệt độ âm 162 độ C. Quá trình này sẽ tạo ra khí LNG ở dạng lỏng và được chứa trong các thùng có dung tích lớn.
Sau đó LNG được chuyển đến bồn chứa, hoặc bơm lên tàu thủy để vận chuyển đến thị trường tiêu thụ. Đối với xuất khẩu, LNG được chuyên trở bằng tàu chuyên dụng, lưu trữ trong các bồn chứa với cấu tạo đặc biệt gồm lớp vỏ kép phân cách nhau bởi một lớp vật liệu cách nhiệt để giữ nhiệt độ trong khoang chứa luôn là âm 162 độ C. Nước nhập khẩu sẽ phải xây dựng các trạm đầu mối (LNG terminals) ngay tại các bến cảng. LNG tại đây sẽ được tái hóa khí, kết hợp với hệ thống đường ống dẫn khí tới các khách hàng tiêu thụ.
Video đang HOT
Các khoản đầu tư quy mô lớn trong khâu tái hóa khí khiến châu Âu rơi vào tình cảnh dư thừa công suất thiết kế. Năm ngoái, các trạm đầu mối LNG chỉ vận hành ở mức 45% công suất – theo dữ liệu của Energy Intelligence. Hơn thế, phân bố các trạm cũng không đồng đều, hợp lý. Đức không có một trạm nào, trong khi Tây Ban Nha chiếm 25% tổng công suất trạm tiếp nhận LNG, nhưng hạ tầng đường dẫn lại gần như bị cô lập với phần còn lại của châu Âu.
Vấn đề cấp bách tiếp theo là nguồn cung ứng LNG sẵn có. Mỹ, Australia và Qatar là ba nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu LNG. Cả ba đều có nguồn trữ lượng dư thừa, nhưng mức xuất khẩu đã đạt tối đa hoặc gần hết công suất. Muốn mở rộng năng lực khai thác, chiết xuất, xuất khẩu LNG cần nhiều thời gian cùng mức đầu tư lớn. Vì thế hy vọng tốt nhất đối với châu Âu trong ngắn hạn chính là việc tiếp cận các chuyến tàu LNG trước đó đã được xếp lịch sang khu vực khác.
Đến đây châu Âu cũng gặp phải rào cản mới đến từ châu Á. Nhu cầu nhập khẩu LNG tại nhiều nước châu Á tăng vọt. Đơn cử, nhập khẩu mặt hàng này của Trung Quốc tăng 82% từ năm 2017 tới 2020. Riêng trong năm 2021, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nước nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới.
Khoảng 70% LNG được giao dịch trên toàn cầu là theo các hợp đồng dài hạn từ 10 năm trở lên. Trong trường hợp này, châu Âu có thể chỉ biết trông đợi vào các hợp đồng ngắn hạn và hoặc hợp đồng giao ngay. Trong quá khứ, châu Âu có lợi thế đối trong tiếp cận các hợp đồng dạng này, khi khí đốt và các mặt hàng nhiên liệu giảm giá sâu, khiến các kho chứa chất đầy, ưu thế thuộc về người mua. Nhưng nay điều đó không còn, châu Âu rơi vào tình thế dễ bị tổn thương, do lệ thuộc vào biến động thị trường.
EU lên kế hoạch dự phòng cho kịch bản Nga cắt nguồn cung khí đốt
Châu Âu đang rà soát cách thức bảo vệ người tiêu dùng trước nguy cơ một cuộc khủng hoảng năng lượng tiềm tàng đến từ bước leo thang quân sự ở Ukraine.
Nga là nhà cung ứng khí đốt lớn nhất cho EU. Ảnh: Bloomberg
Trao đổi với tờ Financial Times (FT), giới chức ngoại giao cho biết Liên minh châu Âu (EU) đang thảo luận về các biện pháp dự phòng để ứng phó với nguy cơ giá khí đốt tăng vọt, nguy cơ khủng hoảng di cư và tấn công mạng có thể nổ ra nếu Nga đẩy mạnh can dự ở Ukraine.
Ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch khẩn cấp của EU là xử lý điểm nghẽn liên quan đến khả năng Moskva giảm cung ứng khí đốt, trong bối cảnh Nga hiện là nhà cung cấp lớn nhất của EU, chiếm đến 43% lượng khí đốt nhập khẩu của khối.
Trả lời phỏng vấn tờ FT cuối tuần trước, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết EU cần sẵn sàng cho bất cứ kịch bản nào của Nga ở Ukraine, mà một phần quan trọng phải tìm kiếm nguồn cung năng lượng thay thế.
EC đang rà soát cách thức có thể can thiệp tạm thời để làm suy yếu mối liên hệ cùng pha giữa giá khí đốt cao kỉ lục với giá bán buôn điện trong EU trong trường hợp nổ ra một cuộc khủng hoảng khí đốt - một giải pháp mà giới chức EU mới chỉ vài tháng trước đây đã lên tiếng bác bỏ giữa thời điểm giá bán điện tăng vọt.
Giá năng lượng tại châu Âu đã tăng lên ngưỡng kỉ lục từ thời điểm cuối năm 2021, chủ yếu xuất phát từ lo sợ Nga sẽ hạn chế, đóng nguồn cung ứng khí đốt trong trường hợp nổ ra một cuộc xung đột quy mô ở Ukaine. Kế hoạch hành động khẩn cấp về năng lượng dự kiến được đệ trình tới lãnh đạo các nước EU trong tháng tới. Nhưng nếu tình hình diễn biến phức tạp, EU có thể sẽ triệu tập kỳ hội nghị thượng đỉnh đặc biệt để thảo luận, thông qua biện pháp ứng phó.
Giới chức EU cho biết biện pháp ngắn hạn mà khối có thể triển khai là tìm kiếm bảo đảm nguồn cung khí hóa lỏng (LNG) từ các nước xuất khẩu lớn. EU gần đây đã mở các chiến dịch ngoại giao nhằm tiếp cận các nhà sản xuất LNG hàng đầu thế giới như Mỹ, Azerbaijan hay Qatar nhằm có được nguồn cung năng lượng bổ sung. Ưu tiên của EU hiện nay là tìm ra cách thức thiết lập thị trường năng lượng theo hướng bền vững, hoạt động theo cách tối ưu nhất.
Ủy viên cấp cao phụ trách vấn đề năng lượng của EU, bà Kadri Simson, ngày 4/2 đã có chuyến thăm tới Baku. Trong thảo luận, giới lãnh đạo Azerbaijan khẳng định sẵn sàng ủng hộ, hỗ trợ EU trong trường hợp xảy ra đứt gãy nguồn cung khí đốt. Bà Simson ngày 7/2 cũng có các cuộc trao đổi trong tuần này với giới chức hữu quan của Mỹ về khả năng cung cấp LNG cho EU.
Cuộc chiến giữa EU với Gazprom
Gazprom là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của EU. Thực tế này xuất phát từ việc luật pháp Nga quy định chỉ Gazprom là đầu mối được phép vận hành các tuyến đường ống xuất khẩu khí đốt. Tập đoàn này đã duy trì địa vị nhà cung ứng khí số một tại EU trong nhiều thập kỉ qua, chiếm 43% lượng khí đốt nhập khẩu của khối.
Nhưng trong nội bộ EU, thị phần khí đốt Nga lại có sự khác biệt giữa từng quốc gia thành viên. Trong 10 năm qua, EU rất nỗ lực trong thiết lập một thị trường khí đốt tương đối thống nhất trong khối, khi đề ra những quy định luật mà theo đó buộc Gazprom chỉ cấp khí đốt tới các khu vực biên giới ngoài và từ đây các thành viên trong EU có thể trao đổi với nhau.
Đơn cử, Đức là khách hàng lớn nhất của Nga, với 55% lượng khí đốt nhập khẩu là từ Gazprom. Đức có thể mua khí của Nga, rồi sau đó bán lại cho Ba Lan hoặc Ukraine. Nhưng với Gazprom, ông lớn khí đốt của Nga lại ưu tiên ký kết các hợp đồng trực tiếp với người mua, để qua đó tăng tính lệ thuộc của nước nhập khẩu.
Cơ sở cất trữ khí đốt của Gazprom đặt tại Rehden thuộc bang Hạ Saxony, Đức. Ảnh: DW
"Xuất hiện một hình thức cạnh tranh giữa các nhà làm luật của châu Âu, những người đang tìm cách tạo dựng một thị trường khí đốt có mức giá thống nhất, với Gazprom, một đơn vị muốn tìm cách thiết lập mức giá xuất khẩu khác nhau với từng nước châu Âu", Georg Zachmann, chuyên gia của hãng tư vấn Bruegel có trụ sở ở Brussels, Bỉ, nhận định.
Gazprom khẳng định rằng họ đã tôn trọng tất cả các cam kết cung cấp dài hạn. Nhưng Zachmann cho rằng công ty thực sự đang cung cấp ít khí đốt hơn cho thị trường với các hợp đồng ngắn hạn. Theo chuyên gia này, thị trường ngắn hạn ngày càng trở nên quan trọng trong những năm gần đây vì có nỗ lực để trở nên ít phụ thuộc hơn vào Gazprom về lâu dài.
Gazprom có cổ phần trong các nhà cung cấp năng lượng địa phương và khu vực ở hầu hết các quốc gia EU. Ví dụ, ở Đức, công ty con Astora sở hữu cơ sở dự trữ khí đốt dưới lòng đất lớn nhất ở Tây Âu. Tọa lạc tại Rehden ở bang Hạ Saxony, cơ sở này hoạt động như một vùng đệm khi có những biến động về cung và cầu.
Chủ tịch EC Von der Leyen cho rằng Gazprom đang hành xử theo cách kỳ lạ, khi không tăng lượng cung khí đốt cho châu Âu giữa thời điểm được giá vì nhu cầu nhập khẩu cao. Việc Gazprom là công ty thuộc sở hữu nhà nước tại Nga cũng gây ra một số quan ngại về mức độ tin cậy trong tách bạch giữa hoạt động kinh tế và những tính toán chính trị.
EU hiện đang xem xét việc xây dựng các nguồn dự trữ như vậy và đóng vai trò là một bên mua chung khí đốt thay vì đơn lẻ như trước đây. Nhưng đây cũng là chiến lược mà Gazprom đang tìm cách ngăn chặn, thông qua việc thu hút các nước thành viên riêng lẻ trong EU. Hungary vừa ký hợp đồng độc quyền với Gazprom và sẽ nhận được những ưu đãi về giá.
Cảnh báo châu Âu lâm vào suy thoái nếu Nga 'ngắt van' khí đốt Tổng thống Nga Vladimir Putin từng cảnh báo sẽ ngưng cung cấp khí đốt cho châu Âu nếu "các quốc gia thù địch" - trong đó bao gồm tất cả các thành viên thuộc Liên minh châu Âu (EU) không thanh toán hợp đồng mua khí đốt bằng đồng rúp. Nhiều nước EU phụ thuộc nhiều vào nguồn cung khí đốt của Nga....