Nga bác nghị quyết của LHQ về Crimea
Nga vừa phủ quyết một nghị quyết của Liên Hợp Quốc về cuộc trưng cầu dân ý ở nước cộng hòa Crimea của Ukraine, trong khi Trung Quốc bỏ phiếu trắng.
Một người dân Crimea cầm lá cờ của nước cộng hòa tự trị này tại quảng trường Lenin ở thủ phủ Simfer0pol hôm 15/3. Ảnh: AFP.
Bản dự thảo nghị quyết, có nội dung khẳng định cuộc trưng cầu dân ý về việc Crimea sáp nhập vào Nga là vô giá trị, đã nhận được 13 phiếu thuận từ 15 thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA). Nga là thành viên thường trực duy nhất sử dụng quyền phủ quyết, AFP đưa tin.
“Ai cũng biết rằng Nga sẽ bỏ phiếu chống lại dự thảo nghị quyết đó”, đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin nói ngay trước cuộc bỏ phiếu của HĐBA. Ông cho biết thêm rằng Moscow sẽ tôn trọng sự lựa chọn của người dân Crimea.
“Chúng tôi không thể chấp nhận luận điệu cơ bản của nó (bản dự thảo nghị quyết), đó là tuyên bố rằng cuộc trưng cầu dân ý ngày 16/3, dịp mà những người dân của nước cộng hòa Crimea nên quyết định tương lai của họ, là không hợp pháp”, RTdẫn lời ông Churkin lý giải quyết định phủ quyết của Moscow.
“Quan điểm của những người soạn bản dự thảo nghị quyết đi ngược lại với một trong những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đó là nguyên tắc quyền bình đẳng và tự quyết của người dân đã được nêu rõ trong Điều 1 của Hiến chương Liên Hợp Quốc”, đại sứ Nga cho hay.
Tuy nhiên, Trung Quốc, nước thường ủng hộ Nga tại Hội đồng Bảo an, đặc biệt trong những lần bỏ phiếu về vấn đề Syria, đã bỏ phiếu trắng. Các nhà ngoại giao phương Tây coi đây là kết quả có lợi cho những người phản đối cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea.
Liu Jieyi, đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, cho rằng việc thông qua một nghị quyết liên quan đến Ukraine vào lúc này sẽ chỉ gây nên đối đầu và làm tình hình thêm phức tạp.
Video đang HOT
Đại sứ Mỹ, Samantha Power thì bày tỏ sự thất vọng trước việc Nga phủ quyết bản dự thảo nghị quyết. “Đây là một khoảnh khắc buồn và sẽ còn được nhớ tới”, bà Power nói tại phiên họp khẩn cấp lần thứ bảy của HĐBA về Ukraine kể từ khi cuộc khủng hoảng ở nước này bắt đầu.
Cuộc họp hôm qua được diễn ra theo yêu cầu của Mỹ và bản nghị quyết được dự thảo bởi Washington. Hôm nay, người dân Crimea sẽ tham gia cuộc trưng cầu dân ý về việc có sáp nhập vào Nga hay không, một động thái có thể khiến căng thẳng gia tăng giữa Moscow với Kiev, Washington và Liên minh châu Âu.
Hà Giang
Theo VNE
Hội đồng Bảo an họp bàn dự thảo nghị quyết về Syria
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã bắt đầu thảo luận về một nghị quyết loại trừ vũ khí hóa học của Syria sau khi Nga và Mỹ đã nhất trí được về nội dung bản dự thảo.
Dự kiến trong ngày hôm nay Hội đồng Bảo an sẽ bỏ phiếu về nghị quyết đối với Syria
Việc bỏ phiếu thông qua nghị quyết này có thể diễn ra trong ngày hôm nay (27/9) với sự tham gia của toàn bộ 15 thành viên Hội đồng Bảo an, các nhà ngoại giao tại Liên Hợp Quốc ở New York cho biết.
Sự đồng thuận trên đã giúp chấm dứt 2 năm rưỡi Liên Hợp Quốc bế tắc về vấn đề Syria. Đây được xem như một bước đi then chốt trong một kế hoạch được Mỹ và Nga làm trung gian hồi đầu tháng này, theo đó Syria đồng ý công bố kho vũ khí hóa học và tiêu hủy chúng trước giữa năm 2014.
Trước đó Nga và Trung Quốc đã 3 lần phủ quyết các nghị quyết chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad mà phương Tây đề xuất tại Hội đồng Bảo an.
"Có tính ràng buộc và thực thi"
Theo hãng tin BBC, Hội đồng Bảo an đã bắt đầu bản thảo vào khoảng 0 giờ GMT ngày hôm nay.
Trước cuộc họp, Mátxcơva và Washington từng bất đồng về câu chữ của bản dự thảo. Mỹ - với sự hậu thuẫn của Pháp và Anh - đã hối thúc đưa ra một nghị quyết có đe dọa sử dụng hành động quân sự. Nga lại phản đối đề xuất này. Nhưng trong ngày thứ Năm, các bên đã đạt được sự đồng thuận.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, bà Samantha Power chia sẻ trên trang Twitter: "Thỏa thuận đã đạt được với Nga về Nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc buộc Syria có nghĩa vụ pháp lý phải từ bỏ vũ khí hóa học họ đã sử dụng với dân thường. Sẽ trình toàn Hội đồng Bảo An tối nay".
Bà cho biết thêm rằng, bản dự thảo "khẳng định rằng việc Syria sử dụng vũ khí hóa học là mối đe dọa với hòa bình và an ninh quốc tế, và tạo ra một quy tắc mới chống lại việc sử dụng vũ khí hóa học".
Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc Mark Lyall Grant cũng miêu tả bản dự thảo là "có tính ràng buộc và thực thi".
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov xác nhận các bên đã đạt được sự đồng thuận.
Mặc dù bản dự thảo tham chiếu theo Chương 7 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, cho phép sử dụng hành động quân sự, sẽ cần có thêm một nghị quyết nữa được thông qua trước khi việc này được thực thi.
Bản dự thảo cũng khẳng định những người có trách nhiệm trong việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria "nên bị buộc trách nhiệm". Tuy nhiên không có nội dung nào đề cập đến việc những người này sẽ bị đưa ra xét xử tại Tòa hình sự quốc tế, một sự điều chỉnh giảm nhẹ đáng kể so với dự thảo trước.
Dù vậy một quan chức cấp cao của Bộ ngoại giao Mỹ vẫn miêu tả bản dự thảo là một "bước đột phá". Vị quan chức giấu tên này khẳng định dự thảo nghị quyết "nêu hoàn toàn rõ ràng rằng nếu chính quyền Assad không tuân thủ họ sẽ phải nhận hậu quả".
Sau đó các quan chức Mỹ và Nga cho biết bản dự thảo nghị quyết có thể được thông qua trong tối nay.
Kể từ sau vụ tấn công khí độc tại ngoại ô Damascus hôm 21/8, Mỹ đã đe dọa tấn công quân sự Syria.
Một báo cáo của Liên Hợp Quốc khẳng định khí độc thần kinh sarin đã được sử dụng nhưng không chỉ rõ ai phải chịu trách nhiệm.
Pháp, Mỹ, Anh thì quả quyết chỉ có chính quyền Syria mới có khả năng sử dụng loại vũ khí này. Trong khi đó Nga khẳng định có bằng chứng rõ ràng đây là hành động khiêu khích của phe đối lập.
Thanh Tùng
Theo BBC
Mỹ tố Nga "bắt cóc" Hội đồng Bảo an Mỹ tuyên bố từ bỏ nỗ lực thuyết phục Hội đồng Bảo an LHQ thông qua biện pháp trừng phạt Syria vì hội đồng này đã bị Nga "bắt cóc". Ngày 5/9, Mỹ tuyên bố họ từ bỏ nỗ lực hợp tác với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về vấn đề Syria sau khi cáo buộc Nga "bắt" hội đồng này...