Nga bác dự thảo nghị quyết mới của LHQ về Syria
Theo AFP, ngày 9/3, Nga đã phản đối bản dự thảo nghị quyết mới của Liên hợp quốc do Mỹ đề xuất về cuộc khủng hoảng Syria là không công bằng vì nó không bao hàm lời kêu gọi cả chính phủ và phe đối lập tại quốc gia Trung Đông này cùng chấm dứt bạo lực.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov. (Nguồn: AP)
Hãng tin Interfax dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov nói: “Chúng tôi không thể tán thành bản dự thảo nghị quyết với hình thức được đưa ra ngày hôm nay. Nội dung bản dự thảo nghị quyết đang được thảo luận này là không cân bằng. Khúc mắc chính ở chỗ văn kiện này thiếu lời kêu gọi tất cả các bên tại Syria cùng thực hiện những bước đi thiết thực hướng tới ngừng bắn.”
Ngoại trưởng Gatilov cho hay Mátxcơva nhận được thông tin rằng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có ý định đưa bản dự thảo nghị quyết trên ra bỏ phiếu trong cuộc họp ngày 12/3 tới.
Ông Gatilov nhấn mạnh: “Không thể chấp nhận được việc áp đặt thời hạn chót để thông qua một văn kiện nào đó. Thời gian không phải là yếu tố quan trọng nhất. Điều quan trọng là phải tìm kiếm một bản dự thảo thực tế, không mơ hồ và hướng tới một giải pháp bền vững.”
Theo AFP, dự thảo nghị quyết mới nói trên “yêu cầu” Chính phủ Syria “ngay lập tức” chấm dứt bạo lực và “kêu gọi” phe đối lập nước này “kiềm chế bạo lực.”
Trước đó, Nga và Trung Quốc đã phủ quyết hai bản dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về cuộc khủng hoảng Syria./.
Theo TTXVN
Nga đề nghị sửa đổi dự thảo nghị quyết về Syria
Ngày 15/2, Nga đã chính thức đề nghị sửa đổi một số điểm trong dự thảo nghị quyết về Syria, một ngày trước khi văn kiện này được đưa ra thông qua tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Binh sỹ chính phủ kiểm soát an ninh tại một đường phố ở quận Harasta, gần Damascus, Syria ngày 15/2. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Giới chức ngoại giao Nga cho biết một trong những điểm Mátxcơva muốn sửa đổi có liên quan đến điều khoản yêu cầu Tổng thống Syria Basa An Assad phải chuyển giao quyền lực cho cấp phó. Nga khẳng định phản đối mọi sự thay đổi chế độ tại Syria do sức ép từ bên ngoài.Điểm cần sửa đổi thứ hai là phải gắn kế hoạch rút quân đội Syria về các doanh trại với việc ngừng chiến dịch tấn công của các nhóm vũ trang tại Syria.
Nga mong muốn dự thảo nghị quyết về Syria phải đề cập rõ vai trò của phe đối lập trong việc kích động làn sóng bạo loạn kéo dài 11 tháng qua tại quốc gia Trung Đông này; đồng thời yêu cầu phe đối lập tại Syria phải tự tách khỏi các nhóm vũ trang có liên quan đến các hoạt động bạo lực cũng như không được cáo buộc chính phủ Syria đàn áp dân thường.
Liên đoàn Arập (AL) - với vai trò là tổ chức chịu trách nhiệm chính về dự thảo nghị quyết Syria tại Đại hội đồng Liên hợp quốc - đã lập tức bác bỏ những đề xuất sửa đổi của Nga.
Theo kế hoạch, ngày 16/2, Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ tiến hành bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết lên án việc trấn áp biểu tình ở Syria. Dự thảo này có nội dung tương tự như văn kiện đã bị Nga và Trung Quốc dùng quyền phủ quyết bác bỏ tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hôm 4/2.
Trong một diễn biến khác, cùng ngày 15/2, Mỹ và phe đối lập tại Syria đã lên tiếng phản đối kế hoạch tiến hành trưng cầu dân ý về dự thảo hiến pháp mới của chính quyền Tổng thống Assad.
Phát biểu trước báo giới tại thủ đô Washingto, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cho rằng đây là hành động "nực cười" vì những cam kết cải cách này đã không được chính phủ Syria đưa ra ngay từ khi mới nổ ra các cuộc biểu tình hòa bình.
Người đứng đầu Tổ chức Điều phối Quốc gia vì Thay đổi Dân chủ Syria (NCB), ông Hasan Abdul-Azim, cũng tuyên bố phe đối lập sẽ không tham gia trưng cầu dân ý và cuộc bầu cử sắp tới.
Theo ông Azim, hiện tại phe đối lập đặt ưu tiên vào việc kết thúc tình trạng bạo lực và buộc chính phủ thả những người đang bị giam giữ.
Ngày 15/2, Tổng thống Assad đã ký sắc lệnh ấn định ngày 26/2 là thời điểm tiến hành trưng cầu dân ý về dự thảo hiến pháp mới. Dự thảo do Ủy ban gồm 29 thành viên biên soạn, gồm 157 điều khoản và chia làm 6 phần.
Dự thảo quy định hệ thống chính trị tại Syria sẽ dựa trên nền tảng bầu cử, thay vì tôn giáo, bộ tộc hay bè phái. Dự thảo cũng quy định rõ thời hạn nhiệm kỳ tổng thống là 7 năm và tổng thống không được tại nhiệm quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp.
Ngoài ra, dự thảo hiến pháp mới cũng xóa bỏ Điều 8, vốn xác định vai trò của đảng Baath cầm quyền trong nửa thế kỷ qua.
Dự kiến Syria sẽ tiến hành bầu cử Quốc hội trong vòng 90 ngày sau khi hiến pháp mới được phê chuẩn.
Liên quan đến hoạt động của các phái bộ ngoại giao tại Syria, ngày 15/2, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sĩ Didier Burkhalter cho biết nước này đã quyết định đóng cửa Đại sứ quán tại Syria và yêu cầu các công dân của mình rời khỏi Syria "càng nhanh càng tốt."
Theo Ngoại trưởng Burkhalter, Đại sứ quán của Thụy Sĩ sẽ được chính thức đóng cửa trong vài ngày tới. Thụy Sĩ là nước thứ hai sau Mỹ quyết định đóng cửa đại sứ quán tại Syria./.
Theo TTXVN
Liên hợp quốc viết lại dự thảo nghị quyết về Syria Ngày 29/1, các nước phương Tây và Ảrập đã bắt tay vào việc sửa đổi dự thảo nghị quyết về Syria sau khi bản thảo cũ bị cả Nga và Trung Quốc bác bỏ. Động thái này diễn ra ngay sau khi Liên đoàn Ảrập quyết định ngừng sứ mệnh giám sát tại Syria. Bạo loạn bùng phát mạnh trở lại ở ngoại...