Nga bác bỏ khả năng tấn công Ukraine
Trong tuyên bố mới nhất ngày 11/2, Bộ Ngoại giao Nga bác bỏ khả năng tấn công Ukraine, song khẳng định nước này có thể có hành động “quân sự kỹ thuật” trong trường hợp những yêu cầu của Nga không được đáp ứng.
Binh sĩ Nga tham gia cuộc tập trận tại vùng Volgograd, miền Nam nước này. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Nga đang chờ đợi sự đảm bảo bằng văn bản từ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương ( NATO) rằng tổ chức này rút sự hiện diện ở Đông Âu, cũng như không kết nạp Ukraine làm thành viên.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ Moskva muốn có câu trả lời riêng rẽ của từng nước đối với yêu cầu của Nga mà không phải câu trả lời “tập thể” giống như “trách nhiệm chung”. Nga cho rằng câu trả lời tập thể là “biểu hiện của sự không tôn trọng và bất lịch sự”.
Nga đưa ra tuyên bố trên, sau khi Cố vân An ninh Nhà Trắng Jake Sullivan trong phát biểu ngày 11/2 tại Washington cảnh báo Nga có thể mở cuộc tiến công bất cứ lúc nào tại Ukraine.
Trong khi đó, cùng ngày, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Valery Gerasimov. Theo người phát ngôn Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Đại tá Dave Buter, tại cuộc điện đàm, hai bên đã thảo luận về một số vấn đề quan ngại về an ninh, và theo thông lệ, hai bên nhất trí sẽ giữ kín thông tin cụ thể cuộc điện đàm.
Trong diễn biến liên quan, hãng tin AFP dẫn tuyên bố mới nhất ngày 11/2 của Mỹ cho biết nước này chuẩn bị đưa thêm 3.000 binh sĩ tới Ba Lan để trấn an các nước đồng minh trong liên minh quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương trước những lo ngại nguy cơ xảy ra xung đột giữa Moskva và Kiev. Theo một quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Mỹ, số binh sĩ được triển khai dự kiến có mặt tại Ba Lan trong tuần tới. Theo đó, số binh sĩ này sẽ gia nhập lực lượng cùng với khoảng 2.000 lính dù khác được công bố triển khai hôm 2/2.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố hối thúc công dân của nước này tại Ukraine trong 24 đến 48 giờ tới nhanh chóng rời khỏi quốc gia châu Âu này. Tuyên bố đăng tải trên trang web Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ người dân Mỹ không nên tới Ukraine ở thời điểm hiện tại và công dân Mỹ hiện đang có mặt tại Ukraine ngay lập tức rời khỏi nước này bằng các phương tiện cá nhân hay dịch vụ thương mại.
Một số nước như Anh, Australia, New Zealand, Israel,… cũng đã khuyến cáo công dân nước mình không nên tới Ukaine tại thời điểm hiện nay.
Video đang HOT
Theo kế hoạch, trong ngày 12/2, Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden sẽ có cuộc điện đàm theo sáng kiến của phía Mỹ. Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov xác nhận thông tin trên, cho biết phía Mỹ đã đề nghị về một cuộc điện đàm với Tổng thống Putin vào tối 12/2 theo giờ Moskva. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cũng đã thông báo về cuộc điện đàm dự kiến giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Cuộc điện đàm gần đây nhất giữa các Tổng thống Nga và Mỹ diễn ra vào cuối năm ngoái. Trước đó, ngày 7/12/2021, hai Tổng thống cũng có cuộc đàm phán thông qua cầu truyền hình. Cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa các ông Putin và Biden với tư cách là lãnh đạo quốc gia diễn ra tại Geneva, Thụy Sỹ, vào tháng 6/2021.
Cuộc tập trận rầm rộ của Nga khiến phương Tây lo ngại
Phương Tây cáo buộc Nga chuẩn bị cho cuộc xung đột với Ukraine khi tiến hành cuộc tập trận chung kéo dài 10 ngày với Belarus.
Ảnh vệ tinh cho thấy binh sĩ và các đơn vị hậu cần gần Yelsk, Belarus, sát biên giới Ukraine (Ảnh: AP).
Nga và Belarus đã tiến hành cuộc tập trận chung kéo dài 10 ngày, bắt đầu từ hôm nay 10/2. Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga Valery Gerasimov đã đến Belarus hôm 9/2 để giám sát cuộc tập trận.
Nga đã điều tới 30.000 quân, 2 tiểu đoàn tên lửa đất đối không S-400 và nhiều máy bay chiến đấu đến Belarus để tham gia cuộc tập trận chung với quân đội nước này. Hình ảnh vệ tinh cho thấy phần lớn khí tài quân sự đã được chuyển đến các địa điểm gần biên giới với Ukraine.
Cuộc tập trận không chỉ diễn ra ở khu vực gần biên giới Ukraine, mà còn gần biên giới Ba Lan và Lithuania, 2 nước thành viên của NATO. Trước cuộc tập trận, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng Nga và Belarus đang phải đối mặt với những mối đe dọa "nguy hiểm chưa từng có".
Mặc dù Nga thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận chung với Belarus, nhưng ông Peskov nói rằng cuộc tập trận lần này "có thể diễn ra với quy mô lớn hơn trước đây" để đáp trả sức ép từ NATO. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng khoảng 30.000 quân Nga được triển khai tới Belarus và là đợt triển khai "lực lượng quân sự lớn nhất ở đây kể từ Chiến tranh Lạnh".
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong tuần này rằng, quân đội Nga sẽ rời Belarus khi cuộc tập trận kết thúc vào ngày 20/2. Tuy vậy, cuộc tập trận này cho thấy sự ủng hộ của chính quyền Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đối với chính quyền Nga trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây leo thang.
Bản đồ khu vực Nga-Ukraine-Belarus (Ảnh: FT).
Các cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh căng thẳng tại khu vực biên giới Nga - Ukraine vẫn chưa hạ nhiệt. Phương Tây cáo buộc Nga triển khai 100.000 quân tới biên giới Ukraine và nghi ngờ Moscow có động thái quân sự với nước láng giềng. Tuy nhiên, Điện Kremlin đã nhiều lần bác bỏ kế hoạch tấn công Ukraine.
Artyom Shraibman, nhà phân tích chính trị Belarus, cho rằng Tổng thống Lukashenko sẵn sàng hỗ trợ Nga "vì bất kỳ mục đích nào" mà Moscow cần, như cho phép Nga sử dụng cơ sở quân sự, căn cứ không quân, thậm chí hệ thống phòng không của Belarus.
"Chúng tôi rất cảnh giác với mọi động thái mà Nga đang thực hiện. Thực tế cho thấy, sự dịch chuyển lực lượng Nga vào Belarus rõ ràng mang lại cho người Nga một hướng tiếp cận khác nếu họ quyết định thực hiện thêm hành động quân sự chống lại Ukraine", một quan chức Mỹ nhận định.
Phương Tây cho rằng Nga đang triển khai lực lượng áp sát Ukraine từ mọi hướng, bao gồm Belarus. Biên giới của Belarus chỉ cách thủ đô Kiev của Ukraine khoảng 210 km và phương Tây lo ngại cuộc tập trận chung sẽ tạo ra "mặt trận" mới cho cuộc xung đột tiềm tàng Nga-Ukraine. Ngoài ra, phương Tây còn lo ngại mối đe dọa từ phía nam, nơi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014, và từ phía đông, nơi Nga bị cáo buộc hỗ trợ lực lượng ly khai chống chính quyền Ukraine và tập trung quân gần biên giới.
Thông điệp của Nga
Xe tăng Nga khai hỏa trong cuộc tập trận (Ảnh: AP).
Trong các chuyến thăm tới Moscow và Kiev trong tuần này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đồng ý không leo thang căng thẳng với Ukraine, mặc dù Điện Kremlin từ chối xác nhận tuyên bố này. Tuy nhiên, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas hôm 9/2 cho biết "không có dấu hiệu giảm leo thang" căng thẳng từ Nga.
Tổng thống Lukashenko, một đồng minh của Nga, từng tuyên bố cuộc tập trận chung với Nga là cần thiết trong bối cảnh NATO hiện diện quân sự tại Đông Âu và các nước Baltic, cũng như việc Ukraine triển khai quân ở biên giới với Belarus để đề phòng cuộc khủng hoảng nhập cư lan sang quốc gia này.
"Tại sao chúng tôi và Nga lại bị chỉ trích vì tổ chức các cuộc diễn tập, tập trận... trong khi các bạn còn từ rất xa đến đây?", ông Lukashenko nói, đồng thời nhấn mạnh việc các nước phương Tây đã đóng gần 30.000 quân gần biên giới Belarus.
Bất chấp sức ép và sự cô lập của Mỹ và phương Tây, Tổng thống Lukashenko vẫn tăng cường quan hệ với Nga. Ông cũng công khai ủng hộ Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price hồi tháng trước cảnh báo nếu "Belarus cho phép lãnh thổ của mình được sử dụng cho một cuộc động binh vào Ukraine, nước này sẽ phải đối mặt với phản ứng nhanh chóng và dứt khoát từ Mỹ cũng như các đồng minh và đối tác của Washington".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cũng gọi quyết định của Tổng thống Belarus khi cho phép số lượng lớn quân đội Nga hiện diện trên lãnh thổ của mình là hành động "xâm phạm chủ quyền của Belarus". Đáp lại, một quan chức cấp cao của Belarus nói rằng ông thấy phản ứng của Mỹ là "hài hước".
Mikhail Barabanov, chuyên gia quốc phòng tại Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ có trụ sở tại Moscow, cho biết Nga hiện chưa tập trung đủ lực lượng gần Ukraine để tiến hành một chiến dịch quân sự quy mô lớn, mặc dù các cuộc tập trận có thể cho phép Moscow thiết lập sự hiện diện quân sự thường xuyên ở Belarus.
"Cuộc tập trận là phản ứng từ phía Nga đối với việc tập hợp lực lượng của NATO ở Ba Lan và Lithuania", ông Barabanov nói.
Nga và Belarus khẳng định các cuộc tập trận giữa 2 nước mang tính phòng thủ nhằm bảo vệ biên giới chung khỏi sự can thiệp từ bên ngoài. Người phát ngôn Điện Kremlin cho biết các lực lượng Nga sẽ quay trở lại căn cứ sau khi tập trận tại Belarus kết thúc. Tuy nhiên, Tổng thống Lukashenko đã nói với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu vào tuần trước rằng Belarus muốn thành lập các trung tâm huấn luyện chung mới cho các hệ thống phòng không tiên tiến như một phần của việc tăng cường an ninh dọc biên giới với Ukraine.
Yahor Lebiadok, nhà phân tích quân sự độc lập tại Minsk, cho biết Nga có thể để lại thiết bị quân sự ở Belarus gần biên giới Ukraine và cuộc tập trận có thể nhằm gây áp lực buộc phương Tây phải nhượng bộ hơn là mở đầu cho một cuộc tấn công vào Ukraine.
Thời tiết bất thường có thể chi phối khủng hoảng Nga - Ukraine Thời tiết có thể là yếu tố quan trọng nếu xảy ra bất cứ cuộc xung đột quân sự nào giữa Nga và Ukraine. Nga được cho là đã triển khai hơn 100.000 binh sĩ và khí tài đến sát biên giới Ukraine (Ảnh: AP). Giữa lúc biên giới Nga - Ukraine căng thẳng, giới chức Ukraine và thậm chí cả các tướng...