Nga bác bỏ bằng chứng chống Syria của Mỹ
Ngoại trưởng Nga đã thẳng thừng tuyên bố các bằng chứng mà Mỹ đưa ra chống lại Syria đều là những lời nói suông không đáng tin cậy.
Ngày 2/9, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã lên tiếng bác bỏ những bằng chứng do Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đưa ra về việc chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học và tuyên bố Mỹ quá thiếu những cơ sở pháp lý cho việc hợp tác quốc tế và tấn công quân sự chống lại chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad.
Trong một bài phát biểu tại Viện Quan hệ Quốc tế Moscow, ông Lavrov nói: “Họ đã đưa ra những bằng chứng không chứa đựng bất cứ thông tin nào vững chắc, không địa điểm, không tên, cũng như không có những mẫu vật do các chuyên gia thu thập.”
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov
Tuyên bố của ông Lavrov ám chỉ rằng Nga sẽ tiếp tục ngăn chặn không cho Hội đồng Bảo an cho phép can thiệp quân sự chống lại chính phủ Syria, ngay cả khi Quốc hội Mỹ đồng ý cho Tổng thống Obama phát động cuộc tấn công này.
Trước đây ông Lavrov đã có mối quan hệ hợp tác khá tốt đẹp với Ngoại trưởng Mỹ Kerry, khác hẳn với người tiền nhiệm Hillary Clinton. Tuy nhiên trong những tuần gần đây, mối quan hệ Kerry-Lavrov đã nhanh chóng xuống dốc, đặc biệt là sau khi ông Obama hủy cuộc gặp theo kế hoạch với Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Moscow.
Hôm thứ Hai, ông Lavrov tuyên bố: “Những gì mà Mỹ cũng như Anh và Pháp đưa ra trước kia và gần đây không hề thuyết phục được chúng tôi một chút nào. Không hề có số liệu thực tế mà chỉ là những lời nói suông về &’những gì chúng tôi biết chắc chắn’.”
Ông Lavrov (trái) và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry
“Nhưng khi được yêu cầu đưa ra bằng chứng chi tiết hơn, họ lại nói rằng tất cả đều là thông tin mật nên không thể trưng ra. Điều đó có nghĩa là họ không hề có những dữ liệu thực tế để thúc đẩy hợp tác quốc tế”, ông Lavrov nói.
Ông Lavrov cũng chĩa mũi dùi thẳng vào ông Kerry: “Khi chúng tôi cùng thảo luận vấn đề này gần đây, thật lạ là người đồng nghiệp John Kerry quý hóa của tôi lại nói rằng Mỹ đã đưa ra những bằng chứng không thể chối cãi được cho Nga về việc chế độ Assad sử dụng vũ khí hóa học, rồi sau đó tuyên bố rằng phía Nga từ chối không chịu thừa nhận sự thật.”
Sau đó, trong một buổi họp báo ở Moscow, ông Lavrov cho biết Nga sẽ yêu cầu Mỹ tuân thủ các thỏa thuận quốc tế và không được tấn công Syria mà không thông qua Hội đồng Bảo an. Ông nói: “Nếu ai đó tìm cách biến việc vi phạm luật pháp quốc tế thành một thông lệ thì chúng ta sẽ tạo ra một thế giới hỗn loạn.”
Theo khampha
Video đang HOT
Vũ khí hóa học, nỗi ám ảnh lịch sử (P3)
Sức hủy diệt kinh hoàng của vũ khí hóa học đối với con người dưới góc nhìn của một chuyên gia về vũ khí hóa học Mỹ.
Mỹ và các quốc gia đồng minh đang cân nhắc biện pháp đáp trả vụ tấn công mà họ cho là bằng vũ khí hóa học của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad ở ngoại ô thủ đô Damascus hồi tuần trước. Trong khi đó, các thanh sát viên Liên Hợp Quốc cũng đang có mặt ở Syria để thu thập các bằng chứng về vụ tấn công khiến hàng trăm người chết này.
Cách đây một năm, Tổng thống Barack Obama đã tuyên bố rằng việc chế độ của ông Assad sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ vi phạm "giới hạn đỏ" và Mỹ sẽ có biện pháp can thiệp quân sự chống lại hành động này.
Tuy nhiên điều gì khiến các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học trở nên khủng khiếp hơn các cuộc tấn công quân sự thông thường vốn vẫn diễn ra hàng ngày ở Syria từ khi bắt đầu cuộc nội chiến cách đây hơn 2 năm? Và tại sao việc xác định bản chất chính xác của cuộc tấn công hồi tuần trước, trong đó có việc xác định chất độc hóa học đã được sử dụng trong cuộc tấn công này lại khó khăn đến vậy?
Kênh National Geographic của Mỹ đã có cuộc phỏng vấn với chuyên gia về vũ khí hóa học Alexander Garza về vấn đề này. Ông Garza là một bác sĩ và là cựu Thứ trưởng Y tế kiêm Trưởng phòng Y tế Bộ An ninh Nội địa Mỹ. Hiện ông là giáo sư giảng dạy môn dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng và Công bằng Xã hội thuộc Đại học Saint Louis, Mỹ.
Chuyên gia về vũ khí hóa học Alexander Garza
PV: Trong một cuộc chiến khiến hơn 100.000 người thiệt mạng, điều gì khiến một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học vượt qua "giới hạn đỏ"?
Ông Garza: Lý do là gần như toàn bộ thế giới đều đi đến thống rằng không được sử dụng vũ khí hóa học trong chiến tranh. Tôi cho rằng ngày nay chúng ta đều chấp nhận những cách thức thông thường để tiến hành chiến tranh, đó chính là đạn và bom.
Tuy nhiên như chúng ta đã thấy trong lịch sử, vũ khí hóa học và thứ vũ khí vô nhân đạo, một phương thức giết người vô cùng khủng khiếp, và đó là lý do gần như toàn thể nhân loại đặt nó ra ngoài vòng pháp luật.
Một lý do nữa là vũ khí hóa học giết người một cách bừa bãi, không giống như bom và đạn. Vũ khí hóa học cướp đi sinh mạng của tất cả mọi người trong bất cứ môi trường nào mà nó được triển khai. Đó là lý do tại sao chúng ta thấy nhiều nạn nhân là trẻ em như vậy trong các bức hình về vụ tấn công ở Syria.
Các nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công
PV: Điều gì khiến vụ tấn công này khác biệt với những vụ tấn công bằng vũ khí hóa học khác mà người ta tố cáo là do chính phủ Syria gây ra trong vòng một năm qua?
Vụ tấn công này có quy mô lớn hơn rất nhiều, và chứng cứ về việc sử dụng vũ khí hóa học cũng rõ ràng hơn. Các vụ việc được cho là sử dụng vũ khí hóa học trước đây ở Syria đều không rõ ràng và bị tố cáo rộng rãi như vụ tấn công này. Những vụ việc trước có ít nạn nhân hơn nhiều, chúng xảy ra trong những khu vực không rộng lớn và các bên cũng tranh cãi quyết liệt về việc vũ khí hóa học có được sử dụng hay không.
Tuy chính quyền Mỹ và một số quốc gia khác đều xác nhận rằng vũ khí hóa học đã được sử dụng trong các vụ tấn công này nhưng chúng ở quy mô quá nhỏ lẻ và không gây ra phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế như vụ tấn công này.
PV: Loại vũ khí hóa học nào bị nghi ngờ đã được sử dụng trong vụ tấn công này, và triệu chứng của những người bị trúng độc như thế nào?
Hầu hết những bằng chứng có được cho thấy loại vũ khí hóa học được sử dụng trong vụ tấn công này là chất độc thần kinh, đặc biệt là sarin. Syria sở hữu chương trình vũ khí hóa học khá nổi tiếng, và dựa trên các bản tin và hình ảnh trên các phương tiện truyền thông cũng như triệu chứng của các nạn nhân thì khí độc sarin là thủ phạm đáng nghi ngờ nhất.
Chất độc thần kinh như sarin sẽ ảnh hưởng đến khả năng truyền dẫn tín hiệu của hệ thống thần kinh tới các bộ phận của cơ thể bằng cách ngăn chặn các enzyme mà cơ thể sử dụng để phân giải các chất dẫn truyền thần kinh. Hậu quả là cơ thể bị kích thích quá độ, và cuối cùng sẽ ngưng hoạt động vì cơ thể không thể thực hiện được các chức năng bình thường.
Một nạn nhân bị nhiễm chất độc thần kinh
Triệu chứng trúng chất độc thần kinh là việc sản sinh loại enzyme này của cơ thể sẽ bị hạn chế. Bệnh nhân có thể bị co đồng tử và có triệu chứng khó nhìn hoặc bị chảy nước mũi, đây là hậu quả của việc chất dẫn truyền thần kinh bị ngăn chặn. Nạn nhân có thể bị co giật, và cuối cùng bị chết ngạt vì không thể thực hiện hô hấp bình thường.
PV: Có cách nào để điều trị khi bị những triệu chứng này không?
Cách chữa trị tốt nhất là phòng ngừa. Tuy nhiên khi bị trúng độc, có vài loại thuốc có tên là atropine và paralidoxime có thể chống lại tác động của chất độc hóa học.
Phương pháp chữa trị quan trọng không kém là khử độc cho nạn nhân. Bạn có thể dùng nước và có thể pha thêm chút xà phòng để tăng độ kiềm nhằm ngăn chặn tác dụng của hóa chất. Khi bị nhiễm độc nặng như trong vụ tấn công trên, phương pháp chữa trị phụ thuộc rất lớn vào thời gian, và cần phải cho nạn nhân uống thuốc giải độc càng nhanh càng tốt và khử độc càng nhiều càng tốt.
Rủi thay ở những nơi như Syria người ta không có nhiều thuốc giải độc cũng như kiến thức về các quy trình giải độc. Thế nên chất độc vẫn tiếp tục bám trên da và quần áo của nạn nhân.
Các chất độc hóa học này rất dễ bay hơi và nó có thể ảnh hưởng đến những người xung quanh đang tìm cách chăm sóc nạn nhân. Thế nên nếu có thông tin rằng có những người bị nhiễm độc nhưng không có mặt ở gần địa điểm xảy ra vụ tấn công thì có thể họ đã bị nhiễm từ da và quần áo của các nạn nhân khác.
PV: Các thanh sát viên Liên Hợp Quốc đang tìm kiếm gì ở Syria?
Các chuyên gia này nhiều khả năng sẽ xem xét các địa điểm xảy ra vụ tấn công và phỏng vấn các nạn nhân, các y bác sĩ và người dân xung quanh khu vực. Họ cũng sẽ thu thập các mẫu vật và đưa về phòng thí nghiệm.
Một thanh sát viên Liên Hợp Quốc thu thập mẫu vật tại hiện trường
Chất độc hóa học phân giải rất nhanh và biến mất vào môi trường xung quanh, tuy nhiên các điều tra viên vẫn có thể phát hiện dấu tích của chúng trong máu, nước tiểu, xác súc vật và đất đai. Việc phát hiện được các dấu tích cụ thể này sẽ là bằng chứng thuyết phục về việc vũ khí hóa học đã được sử dụng, vì nơi xuất phát duy nhất của các hóa chất này chỉ có thể là một cuộc tấn công bằng khí độc sarin.
Các thanh sát viên có thể phải mất hàng tuần mới đưa ra được câu trả lời chính xác. Trong một số trường hợp, nhiều nạn nhân được cho là bị phơi nhiễm lại không có chất độc trong máu (như trong vụ tấn công bằng khí sarin trong tàu điện ngầm ở Tokyo), tuy nhiên trong một số trường hợp chất độc này vẫn tồn tại. Không có gì thực sự tuyệt đối trong y khoa, thế nên các điều tra viên sẽ phải lấy rất nhiều mẫu vật, và họ sẽ phải tiến hành rất nhiều công việc.
PV: Vụ tấn công bằng vũ khí hóa học này khác như thế nào với vụ tấn công hóa học của Saddam Hussein nhắm vào người Kurd và Iran vào năm 1988?
Dĩ nhiên là vụ tấn công này có rất nhiều điểm tương đồng với vụ tấn công hóa học ở Halabja trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq. Nếu nhìn vào cảnh tượng của hai vụ tấn công này bạn sẽ thấy rằng chúng hầu như không có gì khác biệt.
PV: Với hậu quả khủng khiếp như vậy, và với nguy cơ thu hút sự chú ý của cồng đồng quốc tế lớn như thế, tại sao người ta vẫn sử dụng vũ khí hóa học?
Thật khó để chỉ ra logic trong hành động này khi họ biết rõ rằng cả thế giới đang dõi theo họ. Chúng ta chỉ có thể suy diễn về những gì diễn ra trong đầu óc của những người chịu trách nhiệm về vụ tấn công này. Tuy nhiên điều gì thúc đẩy người ta sử dụng loại vũ khí này?
Vũ khí hóa học có sức hủy diệt rất kinh hoàng
Khi Mỹ phát động chiến dịch Tự do Iraq, các quan chức quân sự đã lo ngại rằng khi bị dồn vào chân tường, Saddam Hussein sẽ sử dụng vũ khí hóa học như một giải pháp cuối cùng, nhưng rất may là điều đó đã không xảy ra.
Tuy nhiên từ những gì mà chúng ta quan sát thấy ở Syria, có vẻ như vũ khí hóa học không phải là một giải pháp cuối cùng. Những gì chúng ta thấy ở Syria cùng lắm chỉ là sự bế tắc, trong khi quân đội của ông Assad lại đang ở thế tiến công. Người ra lệnh phát động cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học ắt hẳn phải là một kẻ rất hung bạo, đặc biệt là trong khu dân cư đông đúc không thể phân biệt được đối phương với dân thường vô tội như vậy.
Theo khampha
Tổng thống Syria thách thức Mỹ và phương Tây Tổng thống Assad đã thách Mỹ và phương Tây đưa ra bất cứ bằng chứng nào về cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học. Tổng thống Syria Bashar al-Assad vừa lên tiếng thách thức phương Tây đưa ra dù là "một mẩu chứng cứ" chứng tỏ rằng quân đội của ông đã sử dụng vũ khí hóa học. Ông Assad cũng tuyên...