NFS: Most Wanted – Siêu phẩm trở lại?
Vừa qua trong bản kế hoạch phát sóng E3 của Twitch.TV – trang chuyên cung cấp stream của các sự kiện có liên quan đến game đã có sự xuất hiện khá bất ngờ của một cái tên đó là Need for Speed: Most Wanted. Trước đây EA cũng đã tuyên bố rằng một tựa game đua xe đa nền đang được phát triển, tuy nhiên hầu hết đều cho rằng sẽ là một phiên bản mới hoặc Hot Pursuit 2 chứ không ai nghĩ tới Most Wanted.
Most Wanted 2005 là một phiên bản cực kì thành công của dòng NFS.
Sau đây xin phép nhắc lại một số thông tin cho những ai chưa từng biết đến tựa game này: cái tên Need for Speed: Most Wanted đã từng được đặt cho một phiên bản được phát hành vào năm 2005 có nội dung xoay quanh những cuộc đua xe đường phố tốc độ và đầy mạo hiểm. Từ một kẻ vô danh bạn sẽ lần lượt đánh bại 15 tên trùm sừng sỏ nhất của thành phố để trở thành “đại ca” của giới đua xe.
Song hành với những cuộc đua gay cấn là những trường đoạn mà người chơi bị cảnh sát rượt đuổi rất hồi hộp và phấn khích, dựa vào mức độ tai tiếng của bạn mà số lượng cũng như AI của cảnh sát sẽ tăng cao đòi hỏi một kĩ năng điều khiển thuần thục cũng như nhìn map để có thể thoát thân. Vào thời điểm ra mắt Most Wanted đã là một cú “hit” lớn của EA, và cũng là phiên bản NFS có chất lượng “đỉnh” cuối cùng mà EA từng phát hành (Các phiên bản sau này như Undercover, The Run, Hot Pursuit chỉ đạt mức khá, còn Shift đã chuyển hướng sang thể loại mô phỏng).
Cảnh rượt đuổi cuối cùng trong game.
Video đang HOT
Chính vì thành công trong quá khứ như vậy nên cái tên Most Wanted được EA mang đến E3 lần này đang khiến cho các fan cảm thấy tò mò, liệu chỉ là sự trùng hợp trong cách đặt tên hay là reboot của phiên bản 2005 ? Hiện tại vẫn chưa có tuyên bố chính thức nào được đưa ra, và theo kế hoạch thì những thông tin về tựa game này sẽ được công bố trong buổi họp báo trước thềm E3 của hãng vào ngày 4/6 tới đây.
Theo Game Thủ
F1 2011 - Đốt cháy đường đua
Được cải tiến dựa trên những nền tảng sẵn có, F1 2011 là một game không thể bỏ qua với những người đam mê tốc độ.
Khác với dạng arcade mà đại diện tiêu biểu là Need for Speed với các phiên bản Underground, Most Wanted,Carbon... người chơi chỉ cần vài phút để làm quen với con "chiến mã" của mình là đã có thể bắt đầu tham gia vào đường đua nóng bỏng thì ngược lại, với F1 2011 (dạng simulation), bạn cần học lại tất cả nếu không muốn cả xe và người quay vòng vòng trên đường hay tệ hơn là bay thẳng vào tường. Điều này có thể khiến những "tay mơ" mới tập tành chơi nản lòng, thậm chí bực bội nhưng lại là thử thách bắt buộc phải vượt qua với những tay đua kì cựu, với các fan "cuồng" của chiếc xe công thức 1.
Game có độ khó khá cao và hoàn toàn không dành cho những người chơi thiếu kiên nhẫn. Mặc dù nhà sản xuất có đưa vào một vài tùy chọn giúp đỡ nhưng nhìn chung, cảnh lao đầu vào tường và nhìn đối thủ phía sau vượt qua là chuyện thường thấy đối với những người mới tập chơi. Hãy tập cách phối hợp nhuần nhuyễn giữa việc thả ga, trả số về và đạp phanh để vượt được qua những khúc cua tử thần. Đặc biệt, thử thách sẽ tăng lên gấp bội mỗi khi trời đổ mưa. Cảm giác lái xe với vận tốc gần 300km/h trong điều kiện ẩm ướt thật không dễ chịu một tý nào. Đường rất trơn ngay cả khi bạn đã sử dụng bộ lốp chuyên dụng để đi trong mưa. Hiệu ứng làm mờ khi nước mưa tạt vào mặt cũng khiến người chơi gặp không ít khó khăn trong việc giữ vững thứ hạng của mình.
Thật khủng khiếp khi lái xe trong thời tiết ẩm ướt.
Trong F1 2011, ngoài việc cầm lái, vẫn còn hàng tá chuyện khiến bạn phải "suy nghĩ" trên đường đua. Đầu tiên là việc chọn lốp xe cho phù hợp với từng vòng. Những chiếc lốp làm bằng cao su mềm thì bám đường rất tốt nhưng lại dễ hư hỏng, ngược lại cao su cứng thì bền hơn rất nhiều, nhưng bám đường thì lại chẳng bao nhiêu... Tiếp theo, bạn cần tránh mọi va chạm, nên nhớ rằng, chiếc xe mà bạn đang điều khiển vô cùng "mỏng manh", chỉ cần vài va chạm nhỏ, nhẹ thì bay đi vài thứ linh tinh, nặng hơn thì mất vài cánh gió khiến việc điều khiển trở nên vất vả hơn rất nhiều, đặc biệt nghiêm trọng là việc một bánh xe văng thẳng ra ngoài sau nỗ lực vượt xe không thành công.
Safety car.
Một tính năng thú vị khác xuất hiện trong phiên bản này chính là chiếc xe an toàn (safety car). Mỗi khi có tai nạn nghiêm trọng xảy ra và làm ảnh hưởng đến đường đua (do các mảnh vỡ hay thậm chí là nguyên xác xe nằm giữa đường) thì safety car sẽ xuất hiện, dẫn đường cho cả đoàn đua trong khi các nhân viên khác làm nhiệm vụ "dọn dẹp hiện trường" (bạn sẽ bị giới hạn tốc độ khi đi sau safety car). Khi đường đã thông thoáng thì safety car sẽ trở vào trong và cuộc đua lại bắt đầu. Bạn có thể tắt tính năng này nếu cảm thấy nó phiền phức và làm mất thời gian, nhưng dù sao, đây cũng là một phần không thể thiếu của những cuộc đua F1.
KERS (kinetic energy recovery system) và DRS (drag reduction system) là 2 công nghệ trên đường đua F1 cũng được nhà sản xuất đưa vào. KERS có thể hiểu nôm na là hệ thống phục hồi động năng. Trên đường đua, mỗi khi bạn nhấn phanh lúc vào cua thì nó sẽ tạo ra năng lượng, một phần năng lượng đó được lưu vào hệ thống pin. Khi hết đường cua, bạn có thể sử dụng lại phần năng lượng này nhằm tăng tốc cho động cơ. Còn DRS là hệ thống giúp giảm sức cản của gió bằng cách điều chỉnh cánh gió sau khi chạy trên đường thẳng. Mỗi chiếc xe F1 đều có một cánh gió ở phía sau, nó có nhiệm vụ "ghìm" chiếc xe xuống mặt đường, giúp bám đường tốt hơn nhưng đồng thời, nó cùng làm giảm vận tốc của xe. Sử dụng DRS giúp hạn chế được tối đa sức cản của gió, điều đó giúp chiếc xe của bạn tăng tốc dễ dàng hơn, nhưng nhớ rằng chỉ được phép sử dụng khi đang chạy trên đường thẳng (khi đang vào cua mà bật DRS lên là bảo đảm "bay" liền).
AI đã được Codemasters cải tiến đáng kể trong phiên bản này. Giờ đây, các đối thủ "máy móc" của bạn đã thông minh hơn rất nhiều, chúng vào cua rất "ngọt" và biết chặn đường để bạn không thể vượt qua. Nếu chỉ trung thành với một chiến thuật duy nhất thì chắc chắn bạn sẽ thất bại. Ở chế độ Multiplayer, game cho phép tối đa 16 tay đua tham gia tranh tài với nhau cùng một lúc.
Đồ họa ấn tượng.
Đồ họa trong F1 2011 đã làm tốt vai trò của mình, khán đài với hàng nghìn khán giả cổ vũ, những bảng hiệu trải dài suốt đường đua được tái hiện vô cùng sinh động. Hiệu ứng phản chiếu ánh sáng được làm tốt hơn nhiều so với bản 2010. Mỗi khi va chạm xảy ra, bạn có thể dễ dàng cảm nhận được những hạt bụi, những mảnh vỡ... đang văng tung tóe trước mặt mình. Phần âm thanh trong game cũng không có vấn đề gì để phàn nàn, tiếng động cơ gầm rú, tiếng la hét cổ vũ, tiếng phanh "cháy" đường... góp phần không nhỏ làm tăng độ hưng phấn của nguời chơi qua mỗi vòng đua.
Theo Game Thủ