Neymar – ông vua kiếm tiền từ quảng cáo
Dù chưa chuyển sang thi đấu ở châu Âu, danh tiếng của tiền đạo thần đồng Neymar của Santos đã nổi như cồn. Và theo tạp chí France Football, không phải Messi hay Cris Ronaldo, mà “truyền nhân” của Pele mới là cầu thủ kiếm nhiều tiền nhất trên thế giới từ các HĐ quảng cáo.
Tại Brazil, cái tên Neymar xuất hiện ở khắp nơi, từ những đồ dùng cá nhân như điện thoại, quần, áo, thậm chí cả… đồ lót cho đến xe hơi. Cũng chẳng lạ, bởi “viên ngọc quý” của Santos được xem là sáng nhất trong số những tài năng trẻ mà bóng đá xứ sở Samba vừa sản sinh.
Sở hữu kỹ thuật cá nhân điêu luyện cùng bản năng sát thủ trước khung thành, Neymar chính là nguồn cảm hứng giúp Santos giành chức VĐQG Brazil (2010) và Cúp Libertadores hồi năm ngoái. Còn trong màu áo Selecao, Neymar cũng đã ghi 8 bàn sau 16 trận. Vì vậy, không phải vô cớ mà cả Real Madrid, Barcelona và Chelsea đều đang “sốt xình xịch” chờ chữ ký của Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất Nam Mỹ 2011.
Neymar đang kiếm 14 triệu euro/năm từ quảng cáo
Video đang HOT
Chưa thể khẳng định, thần đồng người Brazil sẽ vượt qua Messi về thành tích trên sân cỏ trong tương lai như nhận định của “Vua Pele”. Chỉ biết rằng, Neymar đang bỏ túi đều đặn khoảng 14 triệu euro/năm từ các hợp đồng quảng cáo. Đó là khoản thu nhập khổng lồ đối với một cầu thủ mới bước sang tuổi 19 như Neymar và chưa từng chơi bóng tại châu Âu.
Nhưng theo đánh giá của Fabio Pinto Ferreira, một thành viên trong Ban giám đốc công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường thể thao Pluri, Neymar đang là một hiện tượng mà rất có thể sau một vài năm tới, tiền đạo này sẽ trở thành nhân vật nổi tiếng nhất trong giới quần đùi áo số tại Brazil, chẳng kém gì “Vua bóng đá” Pele.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Lê Tostao và những ông vua 'nổ' ở V-League
Tận dụng tối đa cách trở về địa lý, dàn ngoại binh ở Việt Nam thường "chém" để lăng xê bản thân.
Lê Tostao không còn khả năng chơi bóng ở V-League. Ảnh: ĐH.
Họ "nổ" ở nhiều mức độ khác nhau, nhẹ thì thêm thắt chút ít cho bản lý lịch của mình, còn nặng thì dựng lên những câu chuyện chỉ có trong cổ tích.
Cách đây nửa tháng, cầu thủ nhập tịch Lê Tostao với cái tên gốc là Fungai Kwashi đã trả lời tờ The Herald ở quê nhà Zimbabwe về những ngày tháng huy hoàng của anh ở Việt Nam. Theo lời Tostao thì anh đang là "cầu thủ hữu dụng" của Sài Gòn FC trên chặng đường tìm kiếm chức vô địch V-League. Tiền đạo 32 tuổi khoe rằng mình đã ghi được 4 bàn, có 6 pha kiến tạo kể từ đầu mùa giải.
Với thành tích hoành tráng kể trên, Tostao mạnh dạn nghĩ đến việc khoác áo đội tuyển Zimbabwe: "Dù tôi đã 32 tuổi nhưng điều đó không phải vấn đề quan trọng. Hãy nhìn Ryan Giggs và Scholes ở Manchester United. Họ đã 39 và 38 tuổi nhưng vẫn thi đấu tốt. Tôi nghĩ mình đủ sức cống hiến cho đội tuyển Zimbabwe".
Dựa vào những thông tin mà Tostao cung cấp, phóng viên của The Herald đã viết bài ca ngợi anh hết lời do có phần chủ quan khi không kiểm chứng thông tin kỹ lưỡng. Kết quả là trong mắt người hâm mộ Zimbabwe, hình ảnh Tostao đang thi đấu ở Việt Nam đích thị là một ngôi sao lừng lẫy.
Nhưng sự thật thì hoàn toàn trái ngược với những gì Tostao đã nói. Đầu mùa giải 2012, anh chỉ có vỏn vẹn 158 phút thi đấu, chưa hề lập công cũng như không có bất cứ đường kiến tạo nào cho đồng đội. Trong mắt giới chuyên môn và khán giả V-League, Tostao gần như đã là một món hàng "hết đát", ít giá trị sử dụng và đang chờ ngày bị Sài Gòn FC thanh lý.
Giữa câu chuyện Tostao "nổ" với báo chí Zimbabwe và thực tế là khoảng cách một trời một vực. Có thể, cầu thủ này bịa ra hình ảnh hoành tráng của mình ở V-League với mục đích quảng cáo, đánh bóng tên tuổi ở quê nhà, qua đó chuẩn bị sẵn một "bãi đáp" khi bị V-League thải loại.
Thủ thuật "nói quá" là chiêu ưa thích của phần lớn các ngoại binh trong quá trình tìm việc ở những nền bóng đá chưa phát triển - nơi mà các đội bóng luôn bị "hớp hồn" trước những bản lý lịch hoành tráng. Chẳng đâu xa, trường hợp "thần đồng" Emil Lê Giang là một ví dụ.
Trước khi về nước thử việc ở Navibank Sài Gòn, Emil được người hâm mộ Việt Nam biết đến với vụ chuyển nhượng trị giá một triệu euro sang CLB Nuernberg (Đức) từ khi còn rất trẻ. Tuy nhiên, khi tìm hiểu các nguồn tài liệu về chuyển nhượng uy tín trên thế giới thì tất cả lần chuyển CLB của cầu thủ này đều theo dạng tự do. Đội bóng ở Đức mà Emil từng đầu quân thực chất chỉ là Nuernberg II, thi đấu tại giải hạng Tư chứ không phải Nuernberg đang chơi tại Bundesliga. Thời buổi Internet đã trở nên thông dụng, việc "điều tra" ra sự thật đôi khi chỉ tốn vài phút, qua đó người ta có thể biết rằng lý lịch của Emil không hoành tráng như được lăng xê.
Trở lại với câu chuyện của Lê Tostao. Có lẽ cầu thủ này cũng đang dùng chiêu "nổ" để đánh bóng hình ảnh của mình, sao cho thật hoành tráng trong mắt người hâm mộ và các CLB Zimbabwe. Tại Việt Nam, Lê Tostao với thân hình ục ịch thậm chí còn khó trụ lại ở giải hạng Nhất nên đang chuẩn bị sẵn "bãi đáp" tại quê nhà khi ngày bị Sài Gòn FC thanh lý cũng chẳng còn xa nữa.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Nghề kiếm cơm 'không đụng hàng' của những ông vua sân cỏ Việt Trọng tài Nguyễn Ngọc Châu (Bình Dương) ngoài cầm còi ở các trận bóng đá, còn kiêm luôn trọng tài võ thuật. Ông còn thầu luôn việc giặt đồ cho 2 đội bóng là B-Bình Dương và TDC-Bình Dương. Trọng tài cũng có nghề độc Giống đại đa số các trọng tài quốc tế, nghề trọng tài ở Việt Nam chỉ được mọi...