New Zealand thí điểm chương trình tự cách ly
Ngày 27/9, Bộ trưởng phụ trách Ứng phó với dịch COVID-19 của New Zealand Chris Hipkins cho biết mục tiêu mở cửa trở lại biên giới của New Zealand một cách an toàn và xây dựng các phương thức mới để tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân sẽ được bắt đầu với chương trình thí điểm tự cách ly.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân ở Auckland, New Zealand. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu họp báo sau cuộc họp nội các, Bộ trưởng Hipkins cho biết là một phần của kế hoạch tái kết nối New Zealand với thế giới được công bố vào tháng 8, chương trình thí điểm sẽ xem xét việc tự cách ly ở những người đã được tiêm chủng và chưa từng đến các quốc gia có nguy cơ rất cao. Mục đích của chương trình này là nhằm nghiên cứu một cách thức mới để nhập cảnh New Zealand, cho phép chính phủ xác định các lĩnh vực cần chú trọng hơn để mở rộng phương pháp tiếp cận và cung cấp những thông tin giá trị cho việc đưa ra các lựa chọn trong tương lai.
Theo Bộ trưởng Hipkins, kế hoạch này nhắm đến đối tượng là doanh nhân, người đi công tác nước ngoài ngắn ngày và tự cách ly tại địa điểm đã được chấp thuận trong 14 ngày kể từ khi về New Zealand. Những người này phải tự cách ly trong một không gian riêng biệt, không dùng chung hệ thống thông gió, cũng như phải chịu sự giám sát và kiểm tra trong thời gian này.
Hiện giới chức New Zealand đang kêu gọi tối đa 150 người tham gia dự án thí điểm, là công dân New Zealand hoặc người có thị thực cư trú có quyền nhập cảnh trở lại vào nước này, được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer tại New Zealand và chưa từng du lịch đến hoặc đi qua các quốc gia có nguy cơ rất cao. Những người tham gia sẽ được lựa chọn thông qua Hệ thống bày tỏ nguyện vọng (EOI). Người sử dụng lao động sẽ cần phải thay mặt nhân viên của mình để nộp EOI trong khoảng thời gian từ ngày 30/9 đến ngày 9/10. Các doanh nghiệp được khuyến khích đánh giá các tiêu chí một cách cẩn thận do nhu cầu tham gia dự kiến sẽ cao hơn con số được đề xuất trong chương trình thí điểm. Hiện tại, công dân New Zealand hoặc thường trú nhân khi nhập cảnh phải cách ly trong 14 ngày tại các địa điểm do chính phủ quản lý.
* Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) của Thái Lan ngày 27/9 thông báo vào cuối tuần này sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế được áp đặt chống dịch. Theo đó, từ ngày 1/10, Thái Lan sẽ cho phép thêm một số cơ sở kinh doanh, trong đó có cửa hiệu spa và rạp chiếu phim, mở cửa trở lại tại 29 tỉnh được khoanh vùng đỏ sẫm có mức độ kiểm soát tối đa, trong đó có thủ đô Bangkok.
Cùng ngày, CCSA đã thông qua kế hoạch mua tổng cộng 3,35 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó gồm 165.000 liều vaccine của AstraZeneca và 2,79 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech đều được sản xuất tại Tây Ban Nha; 400.000 liều vaccine của AstraZeneca được sản xuất tại Hungary. Người phát ngôn CCSA cho biết nội các Thái Lan sẽ cần phải phê duyệt lần cuối kế hoạch này.
Thái Lan đang tiến hành chiến dịch tiêm chủng quốc gia mới, với mục tiêu mỗi ngày tiêm 1 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, bao gồm mũi tiêm thứ nhất, thứ hai hoặc mũi nhắc lại.
New Zealand hướng tới cách tiếp cận mới khi biến thể Delta bùng phát
Từng phòng chống dịch COVID-19 thành công trong một thời gian dài nhưng giờ đây New Zealand đang thừa nhận chiến lược tham vọng loại bỏ hoàn toàn virus "COVID zero" có thể không còn khả thi nữa khi mà một làn sóng dịch mới do biến thể Delta dễ lây lan đang bùng phát ở quốc gia châu Đại Dương này.
Một biển báo về quy định giãn cách xã hội nhằm chống dịch COVID-19 trên một tuyến phố ở Wellington, New Zealand ngày 17/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 21/8, Bộ trưởng phụ trách ứng phó dịch COVID-19 của New Zealand, Chris Hipkins cho biết có thêm 21 ca lây nhiễm mới liên quan ổ dịch được phát hiện ở Auckland hồi tuần trước, vốn đặt dấu chấm hết cho 6 tháng không có ca cộng đồng nào tại nước này đồng thời dẫn đến việc áp đặt phong tỏa trên toàn quốc. Theo Bộ trưởng Hipkins, bản chất dễ lây nhiễm của biến thể Delta khiến đợt bùng phát này khó kiểm soát hơn những đợt trước và đặt ra những câu hỏi lớn cho chiến lược loại bỏ hoàn toàn COVID-19. Phát biểu trên truyền hình TVNZ, quan chức này nhận xét: "Bất chấp những sự chuẩn bị, đề phòng ở mức độ tốt nhất thế giới, quy mô và tốc độ lây nhiễm của virus đang đặt hệ thống của chúng ta dưới áp lực lớn".
New Zealand được đánh giá là kiểm soát tốt đại dịch COVID-19 khi chỉ có 24 ca tử vong trên tổng dân số 5 triệu dân, với sách lược tập trung vào loại bỏ virus khỏi cộng đồng dựa trên kiểm soát biên giới chặt chẽ cũng như phong tỏa mạnh tay khi phát hiện ca nhiễm. Tuy nhiên, Bộ trưởng Hipkins cho rằng có thể phải xem xét lại bởi biến thể Delta: "Delta không giống bất cứ thứ gì chúng ta từng ứng phó trước đây trong đại dịch. Nó làm thay đổi tất cả, đồng nghĩa rằng mọi sự chuẩn bị của chúng ta hiện nay bắt đầu có vẻ không đầy đủ và đặt ra những câu hỏi thực sự lớn về tương lai của những kế hoạch dài hạn". Australia, quốc gia láng giềng với New Zealand, cũng theo đuổi chiến lược "COVID zero" và đang phải chứng kiến tình trạng số ca mới liên tục tăng cao bởi biến thể Delta.
Làn sóng dịch mới ở New Zealand đang làm nổi bật vấn đề chậm chạp tiêm chủng tại quốc gia này và đã có không ít chỉ trích chính phủ phần nào lơi lỏng sau thành công phòng chống dịch ban đầu. Mới chỉ khoảng 20% dân số New Zealand được tiêm chủng đủ liều, một trong những tỷ lệ thấp nhất ở các nước phát triển.
New Zealand ngừng hoạt động đi lại miễn cách ly với bang New South Wales của Australia Giới chức New Zealand ngày 6/5 thông báo nước này đã tạm ngừng hoạt động đi lại miễn cách ly với bang New South Wales của Australia trong khi cơ quan chức năng bang này đang điều tra nguồn lây nhiễm của 2 ca dương tính với SARS-CoV-2 vừa được phát hiện tại Sydney. Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19...