New Zealand sẽ rút đặc nhiệm khỏi Afghanistan
Ngày 22/12, Thủ tướng New Zealand John Key xác nhận lực lượng đặc nhiệm của nước này sẽ rời Afghanistan vào tháng 3/2012.
Đơn vị Ứng phó khủng hoảng (CRU) tại Afghanistan. (Nguồn: Getty Images)
Trong một tuyên bố, ông John Key khẳng định: “Nhóm đặc nhiệm của không quân New Zealand (SAS) đã hoàn thành nhiệm vụ trong khuôn khổ hoạt động của Đơn vị Ứng phó khủng hoảng Kabul (CRU)… Nhờ những nỗ lực của SAS, CRU đã được thừa nhận là một trong những đơn vị được huấn luyện tốt nhất và chuyên nghiệp nhất đang hoạt động tại Afghanistan.”
Thủ tướng John Key cũng cho biết New Zealand vẫn cam kết tiếp tục triển khai Đơn vị Tái thiết cấp tỉnh, lực lượng làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại tỉnh Bamyan của Afghanistan kể từ năm 2003.
Ông nhấn mạnh đơn vị này, dự kiến rút khỏi Afghanistan vào năm 2014, sẽ hoàn tất công việc quan trọng là thiết lập an ninh, xây dựng năng lực quản lý và phát triển tại tỉnh này.
Nhiệm vụ của SAS là làm cố vấn cho CRU, một đơn vị tinh nhuệ thuộc cảnh sát quốc gia Afghanistan. Theo kế hoạch, SAS sẽ rút khỏi quốc gia Nam Á này vào tháng 3/2012, song có những đồn đoán rằng thời hạn triển khai của SAS có thể bị kéo dài.
Tháng Tám vừa qua, báo chí New Zealand đưa tin các nhà ngoại giao Mỹ và Anh đang vận động Wellington kéo dài thời hạn triển khai SAS tại Afghanistan, song Thủ tướng Key đã phủ nhận thông tin này./.
Theo TTXVN
Mỹ rút quân, Iraq rơi vào tranh chấp quyền lực
Sau khi Mỹ rút quân, Iraq có nguy cơ lại rơi vào một cuộc chiến quyền lực giữa các chính trị gia dòng Sunni, Shiite và Kurdish.
Đảng phái và tôn giáo
"Tranh chấp chính trị giữa các khối, đặc biệt là liên minh Iraqiya (của cựu Thủ tướng Ilyad Allawi) và Maliki (của Thủ tướng đương nhiệm Nouri al-Maliki), cần được giải quyết để lấp lỗ hổng an ninh mà người Mỹ đã để lại", nhà phân tích chính trị Kadhim al-Meqdadi nói. "Nếu nó biến thành một cuộc tranh đoạt quyền lực thì rất dễ dẫn tới can thiệp quân sự của nước ngoài. Mỗi đảng phái sẽ theo một nước. Điều này thực sự nguy hiểm cho Iraq".
Một đoàn xe của quân đội Mỹ đang rút khỏi Iraq (18/12/2011).
Maliki cần phải cẩn trọng với từng bước đi của mình và chứng minh rằng Iraq có thể tồn tại độc lập, giữ được vị thế trong khối Ả rập."Iraq phải đối mặt với hàng loạt thử thách. Không có nhiều dấu hiệu cho thấy Chính phủ sẽ tìm cách hay sẵn sàng để thoát khỏi những bế tắc hiện tại", Gala Riani, nhà phân tích thuộc IHS Global Insight cho biết.
Iraqiya tuyên bố liên minh này rút khỏi Quốc hội do Thủ tướng Maliki không giữ chữ tín.
Chỉ trong vòng vài giờ quân đội Mỹ rút khỏi Iraq ngày 18/12, Thủ tướng Nouri al-Maliki (thuộc dòng Hồi giáo Shiite) đã kêu gọi Quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Phó Thủ tướng Saleh al-Mutlaq, một thủ lĩnh của Iraqiya và cho rằng ông này thiếu tin tưởng vào tiến trình chính trị. Các nguồn tin an ninh cho biết lệnh bắt giữ Phó thủ tướng đã được phát ra.
Dân tộc thiểu số Sunni của Iraq tỏ ra bức xúc khi thấy sự kiểm soát độc đoán của liên minh Chính phủ. Một số thủ lĩnh địa phương đã kêu gọi những tỉnh có đa phần người Sunni sinh sống như Salahuddin và Diyala yêu cầu quyền tự trị.
Tranh chấp giữa vùng bán tự trị Kurdish và Chính phủ của Maliki xung quanh lãnh thổ và dầu khí cũng là một vấn đề nóng. Chính phủ Khu vực Kurdistan hồi tháng trước đã gia tăng áp lực lên phía Chính phủ Maliki khi ký kết một thỏa thuận thăm dò với tập đoàn dầu khí đa quốc gia của Mỹ Exxon Mobil, động thái mà phía Baghdad cho là vi phạm pháp luật. Đây là một thử thách cho ông Maliki về việc tập trung kiểm soát tài nguyên dầu khí.
"Ông Maliki đang cố gắng củng cố nền tảng quyền lực của người Shiite. Điều này có nguy cơ làm gia tăng xung đột giữa các dân tộc", Wayne White, học giả tại Viện Trung Đông ở Washington nói.
Hàng loạt thử thách
Mối quan hệ quyền lực không mấy hòa hợp giữa các khối không phải thử thách duy nhất cho Maliki. Ông còn phải đối mặt với các vấn đề an ninh, tranh chấp lãnh thổ và khả năng bùng nổ tình trạng bất ổn, bạo loạn.
Iraq phải nỗ lực giải quyết các cuộc nổi dậy. Những vụ đánh bom thường nhật, cơ sở hạ tầng đổ nát, luật lệ cũ kỹ cả thập kỷ nay và tình trạng quan liêu ảnh hưởng nghiêm trọng tới tiến trình phát triển của nước này. Nếu muốn vực dậy nền kinh tế, Iraq phải thu hút được hàng tỷ USD từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Một thử thách nữa là sự bất mãn ngày càng gia tăng của dân chúng về tình trạng dịch vụ tồi tệ như dự trữ thực phẩm, thiếu điện và khan hiếm việc làm. Tình trạng này càng kéo dài, dư luận sẽ càng nghi ngờ về khả năng dân chủ của Iraq, dẫn tới bạo loạn công cộng.
"Có thể kết cục Chính phủ Iraq sẽ ở vào tình trạng lộn xộn trong khi bạo lực tiếp diễn còn kinh tế chính trị thì chậm phát triển mặc dù Mỹ đã rút quân", Stephen Biddle thuộc Hội đồng các vấn đề Ngoại quốc (đặt trụ sở tại Washington, Mỹ) cho biết.
Theo Bee.net.vn
Những tòa nhà "ma" ở Iraq sau khi Mỹ rút quân Các tòa nhà trống rỗng bị bỏ lại trên một dải đất rộng lớn tạo nên khung cảnh của một thị trấn ma ám bị lãng quên từ lâu ở Iraq. Căn cứ Mỹ giờ đây không một bóng người. Tuy nhiên, những bức tranh khó tin đó từng là nơi ở và căn cứ của quân đội Mỹ - ít nhất là...