New Zealand kêu gọi người dân nhanh chóng tiêm vaccine
Ngày 14/9, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã kêu gọi người dân nước này tiêm vaccine phòng COVID-19 càng sớm càng tốt, khẳng định đây là cách duy nhất để ngăn chặn sự lây lan của virus gây bệnh và là cơ sở để nới lỏng các lệnh hạn chế tại Auckland – thành phố lớn nhất nước này.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Auckland, New Zealand. Ảnh: AFP/ TTXVN
Phát biểu với báo giới, Thủ tưởng Ardern nhấn mạnh vaccine là công cụ tốt nhất hiện có để ngăn chặn đại dịch và là tấm vé để người dân trở lại cuộc sống tự do. Theo người đứng đầu Chính phủ New Zealand, càng nhiều người tiêm vaccine thì các nhà chức trách sẽ thực hiện ít biện pháp hạn chế hơn.
Cho tới nay, mới chỉ 34% trong số 5,1 triệu người dân New Zealand đã hoàn thành tiêm vaccine ngừa COVID-19. Nhằm đẩy mạnh chương trình tiêm chủng, chính phủ nước này đã mua thêm vaccine từ Tây Ban Nha và Đan Mạch. Bà Ardern khẳng định nước này có năng lực tiêm 220.000 liều vaccine tại Auckland trong tuần này với việc triển khai các điểm tiêm vaccine lưu động bằng xe buýt, nhờ đó nhiều người dân có thể được tiêm hơn.
Video đang HOT
New Zealand ngày 14/9 ghi nhận 15 ca mắc mới COVID-19, giảm hơn một nửa so với 33 ca ghi nhận ngày 13/9. Tuy nhiên, khoảng 1,7 triệu dân tại Auckland sẽ tiếp tục thực hiện lệnh phong tỏa cho đến tuần tới, trong bối cảnh chính phủ nỗ lực kiểm soát ổ lây nhiễm biến thể Delta.
New Zealand đã gần như không ghi nhận ca nhiễm mới nào trong nhiều tháng cho đến khi bùng phát đợt dịch do biến thể Delta khiến nước này phải thực hiện phong tỏa từ ngày 17/8 vừa qua. Đợt bùng phát dịch này đã ghi nhận 970 ca mắc mới COVID-19, hầu hết ở Auckland. Tuần trước, các nhà chức trách New Zealand đã nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch tại tất cả các địa phương ở nước này, trừ Auckland.
Cùng ngày, một quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Mỹ đang liên lạc thường xuyên với Ấn Độ qua các kênh song phương và đa phương nhằm thảo luận việc cung ứng vaccine phòng COVID-19, đồng thời đề ra lộ trình tái khởi động xuất khẩu chế phẩm này.
Theo quan chức trên, Mỹ đã chuyển nguyên liệu sản xuất vaccine ngừa COVID-19 của nước này sang Ấn Độ vào tháng 4 vừa qua, trong bối cảnh nhu cầu khẩn cấp về vaccine trên toàn thế giới. Quan chức này nhấn mạnh Ấn Độ là một trong những nước sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, cung ứng vaccine phòng COVID-19 hiệu quả và an toàn, theo đó cơ chế COVAX và thế giới phụ thuộc nhiều vào nguồn cung vaccine từ nước này.
Quan chức trên cũng cho biết Washington giữ liên lạc chặt chẽ với Ấn Độ và các đối tác khác trong nhóm Bộ Tứ (gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ) liên quan đến hợp tác vaccine, cũng như bất cứ nhân tố nào có thể tác động đến kế hoạch hợp tác này cũng như việc cung ứng vaccine trên toàn cầu.
Trong cuộc họp trực tuyến diễn ra hồi tháng 3 vừa qua, lãnh đạo các nước nhóm Bộ Tứ đã nhất trí hợp tác chặt chẽ trong vấn đề vaccine ngừa COVID-19, song sáng kiến trên chưa được triển khai khi Ấn Độ hứng chịu làn sóng dịch nghiêm trọng khiến quốc gia Nam Á này phải dừng xuất khẩu vaccine
Hàn Quốc tin tưởng sớm đạt mục tiêu 70% dân số được tiêm đầy đủ
Theo Phóng viên TTXVN tại Seoul, Tổng thống Moon Jae-in ngày 14/9 đánh giá, với tốc độ tiêm chủng như hiện tại thì Hàn Quốc hoàn toàn có thể đạt mục tiêu 70% dân số được tiêm chủng đầy đủ vào cuối tháng 10 tới.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AFP/ TTXVN
Phát biểu tại phiên họp Nội các ở Nhà Xanh, Tổng thống Moon Jae-in nhấn mạnh: "Đó là nhờ người dân đã tích cực tham gia tiêm chủng và là kết quả của những nỗ lực toàn diện của chính phủ để cung cấp và nhận vaccine cũng như sự chăm chỉ của các nhân viên y tế". Tổng thống Moon Jae-in cũng lưu ý Hàn Quốc có thể đạt được mục tiêu hoàn tất mũi tiêm chủng đầu tiên cho 36 triệu người trước lễ Chuseok (Tết Trung thu) như cam kết đưa ra. Theo đó, Hàn Quốc hoàn toàn có khả năng sẽ đạt tỷ lệ tiêm chủng 90% mũi thứ nhất cho người trên 18 tuổi.
Tổng thống Moon Jae-in khẳng định Hàn Quốc sẽ chuẩn bị tỉ mỉ cho kế hoạch phục hồi từng bước bằng cách tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia "đã nới lỏng kiểm dịch để hồi sinh của nền kinh tế". Về tình hình giãn cách xã hội trong kỳ nghỉ lễ Chuseok, ông Moon kêu gọi người dân không lơ là mất cảnh giác biến kỳ nghỉ lễ thành cơ hội cho sự lây lan trên toàn quốc. Chính phủ Hàn Quốc sẽ triển khai biện pháp kiểm dịch đặc biệt dịp lễ Chuseok để ngăn chặn dịch bệnh lây lan rộng hơn.
Số ca nhiễm COVID-19 mới hàng ngày ở Hàn Quốc đã ở mức dưới 1.500 ca trong ngày thứ 2 liên tiếp song các cơ quan y tế vẫn lo ngại về khả năng bùng phát đợt lây nhiễm mới trong kỳ nghỉ lễ lớn bắt đầu từ ngày 18/9 tới. Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), ngày 14/9 Hàn Quốc đã có thêm 1.497 ca nhiễm mới, bao gồm 1.463 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm lên 275.910 ca. Trong đó, 80% số ca nhiễm mới là ở khu vực Seoul và vùng phụ cận (nơi sinh sống của một nửa dân số Hàn Quốc).
Các cơ quan y tế Hàn Quốc kêu gọi người dân tích cực tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 và tuân thủ các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm nghiêm ngặt hơn trong kỳ nghỉ lễ Chuseok khi hàng chục triệu người dự kiến sẽ đi du lịch khắp đất nước. Theo ước tính, lưu lượng người di chuyển hàng ngày trong kỳ nghỉ lễ Chuseok năm nay sẽ tăng 3,5% so với năm 2020. Các cơ quan chức năng Hàn Quốc sẽ thực thi các biện pháp kiểm dịch đặc biệt, bao gồm vận hành các phòng khám xét nghiệm COVID-19 tại các trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc trong 2 tuần cho đến hết ngày 26/9 tới. Trước đó, chính phủ Hàn Quốc đã quyết định gia hạn các biện pháp giãn cách xã hội hiện tại (Cấp độ 4 ở khu vực Seoul và vùng phụ cận) và Cấp độ 3 ở các khu vực còn lại thêm 4 tuần cho đến hết ngày 3/10 tới. KDCA cho biết tổng cộng đã có 33,15 triệu người, tương đương 66,2% dân số cả nước, đã được tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên và 20,48 triệu người, tương đương 39,9%, đã được tiêm chủng đầy đủ. Hàn Quốc hiện đang sử dụng các loại vaccine của Moderna, Pfizer, AstraZeneca và Janssen.
*Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 13/9, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ đã đưa một số quốc gia và vùng lãnh thổ, phần lớn tại khu vực biển Caribe và Ấn Độ Dương, vào danh sách các địa điểm có nguy cơ "rất cao" do COVID-19 đối với hoạt động đi lại. Theo CDC, một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Grenada, Saint Kitts và Nevis, Belize, Mauritius, Lithuania, Albania, Slovenia và Serbia đã chuyển sang danh mục Cấp độ 4 đối với các địa điểm đến có nguy cơ rất cao. Trong khi đó, Afghanistan, vốn đang rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi Taliban tiếp quản và Mỹ rút quân vào tháng trước, cũng đã chuyển sang Cấp độ 4 trong danh sách này. CDC khuyến cáo công dân Mỹ phải đi đến các nơi này nên được tiêm phòng đầy đủ trước khi đi.
Khuyến cáo về các hoạt động đi lại của CDC trải dài từ Cấp độ 1 ("thấp") đến Cấp độ 4 ("rất cao"). Các điểm đến thuộc danh mục Cấp độ 4 của CDC là nơi có tỷ lệ ca nhiễm COVID-19 hơn 500 ca/100.000 cư dân trong 28 ngày gần nhất. CDC cũng bổ sung thêm 4 điểm đến vào danh sách Cấp độ 3, bao gồm Australia, Brazil, Ethiopia và Romania. Trong hướng dẫn đi lại trên, CDC cũng đã khuyến nghị công dân Mỹ tránh tất cả các chuyến đi lại quốc tế cho đến khi được tiêm chủng đầy đủ.
Bỉ mở trung tâm tiêm chủng tại các nhà ga tàu hỏa ở Brussels Kể từ ngày 13/9, Công ty Đường sắt quốc gia Bỉ (SNCB) mở các trung tâm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại nhà ga tàu hỏa Brussels-Midi và Brussels-Central. Đây là hai nhà ga tập trung các tuyến tàu quốc tế nối Bỉ với châu Âu và tại Train World, Bảo tàng của ngành đường sắt. Công ty Đường sắt quốc gia Bỉ...