New Zealand điều thêm quân đội đến các cơ sở cách ly
Ngày 19/8, chính phủ New Zealand quyết định điều thêm 500 binh sỹ tới các cơ sở cách ly để đảm bảo các quy định cách ly được tuân thủ nghiêm ngặt.
Trong tuyên bố đưa ra ngày hôm nay (19/8), Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết, chính phủ đang điều 500 binh sỹ tới các cơ sở cách ly và các cửa khẩu để góp phần ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 ra cộng đồng.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern. Nguồn: Getty
“Việc tăng cường binh sỹ tới các cơ sở cách ly sẽ giúp chúng ta giảm sự phụ thuộc vào công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ, đặc biệt là ở những nơi có nguy cơ cao. Chúng tôi đang có kế hoạch ngừng sử dụng dịch vụ bảo vệ của các công ty tư nhân, nhất là ở những địa điểm có rủi ro cao như nơi ra vào tại các khu vực công cộng, chúng tôi sẽ thay thế bằng các binh sỹ. Hiện nay chúng tôi đang sử dụng các nhân viên an ninh và cũng tính tới việc sẽ trực tiếp thuê những nhân viên này để đào tạo và trả lương nhằm đảm bảo công việc được thực hiện tốt trong khi các cơ quan chức năng cũng kiểm soát tốt hơn việc thực thi quy định tại nơi cách ly”, Thủ tướng New Zealand cho hay.
Tính cả lần bổ sung này, cho đến nay, New Zealand sử dụng 1.200 lính để hỗ trợ nỗ lực đối phó với dịch Covid-19. Với lực lượng hùng hậu này, mỗi cơ sở cách ly tại New Zealand sẽ có 19 binh lính làm nhiệm vụ trong khi 80 binh lính khác sẽ được điều đến các cửa khẩu để hỗ trợ lực lượng hải quan.
Bên cạnh việc bổ sung binh sỹ tới toàn bộ 32 cơ sở cách ly, Bộ trưởng Megan Wood, người phụ trách việc kiểm soát biên giới và các cơ sở cách ly của New Zealand cho biết, nước này cũng đang thử nghiệm sử dụng công nghệ như camera quan sát để giúp quản lý hiệu quả các cơ sở này.
Bộ trưởng Megan Wood khẳng định, “mặc dù làn sóng thứ hai của dịch Covid-19 đang diễn ra tại New Zealand hiện nay không xuất phát từ các cơ sở cách ly song việc thắt chặt kiểm soát vào thời điểm này là phù hợp”. Mặc dù không nhắc đến nhưng việc không tuân thủ nghiêm các quy định tại nơi cách ly khiến dịch Covid-19 bùng phát lần 2 tại nước láng giềng Australia cũng được cho là một lý do khiến New Zealand thặt chặt việc kiểm soát.
Từ sau khi dịch Covid-19 bùng phát lần hai tại New Zealand vào tuần trước, nước này có thêm 75 ca bệnh mới lây nhiễm trong cộng đồng.
New Zealand loay hoay tìm lỗ hổng Covid-19
New Zealand tin rằng Covid-19 đã xâm nhập qua biên giới và gây nên làn sóng thứ hai, nhưng vẫn chưa xác định được "hàng rào" bị hổng ở đâu.
16h ngày 11/8, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đang di chuyển trên xe bên ngoài thủ đô Wellington, sau khi thăm một nhà máy sản xuất khẩu trang thì nghe tin 4 ca nhiễm nCoV đầu tiên trong cộng đồng xuất hiện ở nước này sau 102 ngày vắng bóng.
Video đang HOT
Tối hôm đó, bà và Tổng giám đốc Y tế Ashley Bloomfield tổ chức họp báo, thông tin về các ca nhiễm mới. Cả 4 người thuộc cùng một gia đình ở Auckland và không ai gần đây trở về từ nước ngoài.
New Zealand phải nói lời tạm biệt với cuộc sống đã trở lại gần như bình thường, khi người dân vừa thoải mái đến các quán rượu, sân vận động và chào hỏi bạn bè bằng những cái ôm. Thủ tướng Jacinda Ardern ngay lập tức ra lệnh phong tỏa Auckland, thành phố 1,7 triệu dân, triển khai xét nghiệm, truy vết tiếp xúc và cách ly quy mô lớn nhằm dập tắt Covid-19 lần hai.
Ngày 13/8, giới chức thông báo cụm dịch này đã tăng lên 17 ca nhiễm, khi họ chật vật tìm hiểu lý do virus quay trở lại quốc đảo đã được ca ngợi là hình mẫu chống dịch. Chính quyền New Zealand hôm nay sẽ thông báo liệu có gia hạn phong tỏa Auckland hay không.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tại Auckland ngày 12/8. Ảnh: AFP.
Michael Baker, nhà dịch tễ học hàng đầu trong công tác chống dịch của New Zealand, cho biết ông nhận tin về các ca nhiễm mới vài giờ trước khi chúng được thông báo. Ông ngay lập tức cố gắng tìm hiểu vấn đề nằm ở đâu.
"Cách duy nhất virus có thể xuất hiện trong cộng đồng ở New Zealand là đi qua biên giới", ông nói. "Nó đã bị loại bỏ ở New Zealand. Thực sự không có khả năng nó tồn tại trong ba tháng qua mà không bị phát hiện".
Nhưng biên giới nào, như thế nào và khi nào? Vẫn chưa ai biết.
Bloomfield cho biết hôm 13/8 rằng 4 người thuộc cụm dịch mới ở Auckland bắt đầu có triệu chứng vào cuối tháng 7, tức là virus đã tồn tại trong cộng đồng ít nhất một tuần trước đó. Trình tự gene của virus có điểm tương đồng với biến thể ở Anh và Australia.
Một giả thuyết cho rằng virus có thể đến từ hàng đông lạnh. Một số người nhiễm mới làm việc tại kho lạnh chứa thực phẩm nhập khẩu.
Để điều tra giả thuyết virus lây lan qua hàng hóa, giới chức xét nghiệm tất cả nhân viên công ty bảo quản lạnh Americold, nơi một số người nhiễm làm việc. Kết quả xét nghiệm nhanh cho thấy tổng cộng 7 nhân viên ở đây nhiễm nCoV. Các nhà khoa học cũng đang xét nghiệm các mẫu bề mặt tại hai cơ sở của công ty.
Nếu New Zealand kết luận virus được "nhập khẩu" qua hàng hóa, điều này có thể gây tác động lớn đối với thương mại toàn cầu. Giới chức có thể yêu cầu tăng cường khử khuẩn kho hàng và kéo dài thời gian chờ giữa chuyển và giao hàng, đồng thời giám sát chặt chẽ hơn các tàu và bến cảng.
Nhưng các nhà dịch tễ học cho rằng kiểu lây truyền qua hàng hóa đông lạnh như vậy rất ít khả năng xảy ra. Tiếp xúc giữa người với người vẫn là cách lây nhiều khả năng nhất. "90% ca nhiễm xảy ra ở nhà và nơi làm việc", Bloomfield nói.
Một con đường xâm nhập khác của nCoV vào cộng đồng ở New Zealand có thể là qua các cơ sở cách ly dành cho người hồi hương, giống như những gì đã xảy ra tại nước láng giềng Australia. Tại Melbourne, những người hồi hương đã lây nCoV cho nhân viên khách sạn được dùng làm cơ sở cách ly và những người này sau đó mang virus về nhà rồi lây ra cộng đồng, làm bùng phát làn sóng Covid-19 thứ hai ở Australia.
Bloomfield cho biết hôm 13/8 rằng nhân viên tại tất cả 32 cơ sở cách ly công dân hồi hương sẽ được xét nghiệm virus trong tuần này và sau đó mỗi tuần một lần. Người thân của các nhân viên cũng có thể bị xét nghiệm, cùng với cả tất cả nhân viên nhập cảnh tại các sân bay và cảng của New Zealand, tức 6.000-7.000 nhân viên liên bang.
"Biện pháp đó sẽ chúng tôi ngăn virus xâm nhập vào cộng đồng", Bloomfield nói.
Ngoài việc tìm ra "lỗ hổng" đã khiến Covid-19 tái xâm nhập, New Zealand cũng đang nỗ lực khống chế cụm dịch mới xuất hiện, bằng cả lệnh phong tỏa quyết liệt lẫn biện pháp cách ly mới.
Tất cả trường hợp nhiễm mới được đưa vào các cơ sở cách ly của chính phủ. Đây là điều khác biệt so với biện pháp New Zealand thực hiện khi lần đầu tiên phong tỏa hồi tháng 3 và tháng 4.
New Zealand rõ ràng đã học được những điều không nên làm từ nước láng giềng Australia. Tại Australia, 800 người dương tính với nCoV ở Melbourne được cho về tự cách ly đã không có mặt ở nhà khi giới chức đi kiểm tra ngẫu nhiên.
Biện pháp phong tỏa cũng hướng đến mục tiêu tương tự và nó đang được thực thi mạnh mẽ. Trong 1,5 ngày đầu tiên sau khi lệnh được hành, giới chức đã chặn 17.000 phương tiện tại 10 trạm kiểm soát. Hầu hết đều đi lại với lý do chính đáng như công việc, mua thực phẩm hoặc hoặc y tế. Chỉ 312 người bị yêu cầu quay về vì cố gắng rời khỏi Auckland hoặc vi phạm các quy tắc khác.
Trên đường Ponsonby, khu mua sắm cao cấp thường sầm uất, thành phố dường như đang nhanh chóng trở lại trạng thái ngủ đông một phần.
Roscoe Thorby, 58 tuổi, uống cà phê mang đi trên chiếc ghế ông đặt tại vỉa hè bên ngoài quán cà phê mình thường lui tới, giống như cách ông đã làm trong lần phong tỏa đầu tiên.
Nhưng đối với một số cơ sở kinh doanh, việc chuyển đổi đột ngột từ trạng thái bình thường sang phong tỏa rất khó khăn. "Thật tồi tệ, virus trở lại khi chúng tôi vừa nếm lại cảm giác trở lại cuộc sống bình thường", Hugo Baird, 29 tuổi, chủ quán cà phê Honey Bones, thuộc nhà hàng Lilian, nói.
Quán cà phê vẫn có thể bán đồ uống mang đi, nhưng nhà hàng đã đóng cửa trong đợt phong tỏa này. Dù phong tỏa kéo dài bao lâu, thiệt hại trước mắt là tất cả thực phẩm mà nhân viên của Baird đã chuẩn bị cho tuần này, cũng như các chai rượu và thùng bia đã mở.
"Sự không chắc chắn là yếu tố giết chết việc kinh doanh", Baird nói. Quán của anh vừa mới quay trở lại hoạt động hết công suất. "Giờ đây lại tiếp tục một đợt phong tỏa khác, mặc dù một số người nói đây là điều không thể tránh khỏi, nó vẫn ảnh hưởng đến lòng tin".
Nhiều nơi khác trên thế giới cũng đối mặt thách thức tương tự, từ đặc khu Hong Kong của Trung Quốc, Australia hay Việt Nam, những nơi từng được coi là hình mẫu chống Covid-19, đều phải đương đầu với những đợt tái bùng phát sau khi thành công trong giai đoạn đầu.
"Chúng tôi đã quay trở lại với những cái ôm, bắt tay, đi nhà hàng, rạp chiếu phim - tất cả mọi thứ giống cuộc sống bình thường, ngoài việc không được ra nước ngoài", Siouxsie Wiles, nhà vi sinh vật học tại Đại học Auckland, cho biết.
"Điều chúng tôi có thời gian để thực hiện trong thời gian này là đẩy mạnh xét nghiệm và truy vết tiếp xúc, vì vậy, đây sẽ là một bài kiểm tra thực sự về tốc độ chúng tôi có thể dập tắt nó thêm lần nữa".
Nhân viên y tế lấy mẫu bệnh phẩm tại Auckland ngày 12/8. Ảnh: AFP.
Dù xuất hiện những ca nhiễm mới, nhiều người New Zealand nhận thức được vị thế đáng ghen tị của họ vì tình hình dịch ở New Zealand không quá nghiêm trọng. Kiến trúc sư John Coop, 48 tuổi, cho biết gần đây ông nói chuyện với một người bạn ở London, và "có sự khác biệt rõ rệt giữa tình hình ở chỗ cậu ấy và tại đây".
Nhà dịch tễ học Baker nói rằng thành công trước đó của New Zealand cho thấy người dân có thể lạc quan. Ông đánh giá đợt bùng phát mới nhất có thể có quy mô nhỏ và sẽ nhanh chóng được kiểm soát. "Chính phủ đã hành động nhanh chóng và dứt khoát với biện pháp phong tỏa", ông nói. "Các chuỗi lây nhiễm sẽ dần bị cắt đứt".
Quân đội New Zealand tiến hành giám sát biên giới sau khi có sự gia tăng các trường hợp Covid-19 mới New Zealand ghi nhận thêm 2 trường hợp nhiễm Covid-19 mới sau hơn 3 tuần không có ca nhiễm mới nào khi 2 phụ nữ trở về từ Anh được xét nghiệm dương tính với Covid-19. Thủ tướng Jacinda Ardern bổ nhiệm Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Digby Webb giám sát tất cả các khu vực cách ly và quản lý các...