New York tối om sau siêu bão Sandy
Bỗng nhiên bị tách biệt với thế giới bên ngoài, thành phố đông dân nhất nước Mỹ trải qua một cuộc sống khác sau siêu bão Sandy: không tàu điện ngầm, không đường chân trời sáng rực ánh đèn và không các cửa hàng bán đồ ăn cả ngày.
Đường phố New York trong cảnh tối tăm, chỉ còn ánh đèn từ những chiếc xe đi lại trên phố. Ảnh:AFP
Thị trưởng Michael Bloomberg và công ty điện lực cho biết điện sẽ chỉ được cung cấp trở lại vào cuối tuần này, đồng nghĩa với việc hàng trăm nghìn người sẽ tiếp tục phải sống trong bóng tối. Ông Bloomberg cũng cho biết hệ thống tàu điện ngầm cũng cần 4 hoặc 5 ngày để khắc phục những thiệt hại tồi tệ nhất trong lịch sử 108 năm tồn tại. Tất cả 10 đường tàu điện ngầm dưới Sông Đông ở New York đều bị ngập nước.
Một tin vui hiếm hoi đó là sân bay quốc tế John F. Kennedy tại New York và phi trường quốc tế Newark ở bang New Jersey sẽ mở cửa trở lại vào 7 giờ sáng nay theo giờ địa phương, dù các dịch vụ sẽ hạn chế hơn bình thường. Tuy nhiên, sân bay LaGuardia của New York vẫn chưa thể hoạt động.
Siêu bão Sandy cướp đi 18 sinh mạng tại thành phố New York, trong đó có hai người chết đuối trong nhà và một người thiệt mạng ngay trên giường ngủ khi cây đổ vào nhà. Một phụ nữ 23 tuổi bị chết sau khi dẫm phải vũng nước nhỏ gần sợi dây điện bị hở. “Đây là một cơn bão thảm họa, có lẽ là tồi tệ nhất mà chúng ta từng được biết”, Thị trưởng Bloomberg nói.
Với 8 triệu người dân sống tại New York, thành phố bỗng trở nên khác lạ chỉ một ngày sau cơn bão.
Thông thường, những thói quen đặc trưng mang lại một trật tự cho cuộc sống có phần hỗn tạp ở thành phố lớn nhất nước Mỹ. Một người New York điển hình sẽ dừng chân ở cửa hiệu Starbucks trong cuộc đi dạo cùng chó cưng vào buổi sáng, đưa lũ trẻ tới trường tiểu học số 39, rồi mua một cái bánh sừng bò.
Hôm qua, những thói quen này buộc phải tạm dừng lại, và ít người New York có thể chắc chắn khi nào chúng sẽ trở lại. Các trường học bị đóng cửa trong ngày thứ hai liên tiếp, và sẽ còn có thể ngừng hoạt động trong vài ngày nữa. Các cửa hàng cà phê, thường được mở gần một căn hộ chung cư, đều đã bị đóng cửa. Người New York uống ít caffein hơn và chính họ lại cảm thấy tò mò với việc bỗng nhiên trở nên tách biệt với thế giới.
Dù sao thì cuộc đấu tranh để trở lại với nhịp sống thường nhật tại New York cũng đã bắt đầu từ chiều qua. Một vài cây cầu trong thành phố đã được mở lại vào buổi trưa. Tuy nhiên, đường hầm Brooklyn-Battery nối hai khu Brooklyn và Manhattan, hay đường hầm Holland nối New York với New Jersey, vẫn bị đóng. Hoạt động của các tuyến tàu hỏa khắp New York sẽ vẫn bị tạm ngừng.
Thống đốc bang New York, ông Andrew Cuomo cho biết dịch vụ xe buýt đã được khôi phục nhưng với lịch chạy hạn chế và miễn phí. Cuomo cho biết ông hy vọng các tuyến xe buýt sẽ được phục hồi toàn bộ trong ngày hôm nay và vẫn miễn phí.
Sàn Giao dịch Chứng khoán New York đã bị đóng cửa trong ngày thứ hai liên tiếp. Đây là lần đầu tiên điều này xảy ra với nguyên nhân do thời tiết kể từ thế kỷ 19. Tuy nhiên, sàn này sẽ mở lại trong hôm nay.
Consolidated Edison, công ty cung cấp điện cho thành phố New York, cho hay cần 4 ngày trước khi những người cuối cùng trong số 337.000 người ở Manhattan và Brooklyn có điện trở lại. Tuy nhiên, tại các vùng khác như Bronx, Queens, Staten Island và Westchester County, với số dân lên tới 442.000 người, thời gian để có điện trở lại có thể lên tới một tuần. Nước lụt dẫn tới các vụ nổ đã làm hỏng một trạm biến áp phụ vào đêm 29/10, khiến tình trạng thiếu điện càng thêm trầm trọng.
Hai người phụ nữ dùng đèn pin để lựa đồ trong một cửa hàng ở New York hôm qua. Ảnh: AP
Video đang HOT
Người dân New York không có điện để sạc những chiếc máy nghe nhạc iPod, máy đọc sách Kindle hay Nook. Những đám đông lớn vây quanh các ổ cắm điện ở tại một cửa hàng thuốc có tên Duane Reade để sạc điện thoại. Trong một siêu thị nhỏ có tên Hudson Gourmet tại khu Manhattan, các nhân viên thu ngân thắp nến để đổi tiền cho khách còn những người mua dùng đèn pin để dò tìm đồ cần mua trên các giá hàng.
Lee Leshen dùng đèn từ chiếc điện thoại để lựa đồ, trong đó có ba hộp mỳ và một thùng cà chua. Leshen không có điện, nhưng gas trong bếp của anh vẫn hoạt động bình thường, vì thế việc nấu ăn vẫn có thể thực hiện được. Leshen nói anh hầu như chưa từng nấu nhưng đang học.
John Tricoli, cô vợ Christine và cặp sinh đôi 6 tuổi của họ đã trải qua đêm 29/10 trong cảnh mắc kẹt tại căn hộ ở tầng thứ 11, tại một trong những tòa nhà văn phòng ở khu Hạ Manhattan. Tòa nhà này được chuyển thành khu chung cư trong những năm 2000 và thu hút nhiều gia đình trẻ tới đây sinh sống. Khi điện bị mất vào 19 giờ ngày 29/10, có một thử thách lớn xuất hiện: không tivi.
Họ đành tìm thú tiêu khiển khác. “Với nến, chúng tôi có thể nhận ra màu sắc, có thể đọc, có thể chơi những trò của thời còn đi học”, Christine nói khi cùng gia đình ra ngoài để đi dạo hôm qua. Chuyến đi dạo này bắt đầu với việc đi cầu thang bộ suốt 11 tầng nhà.
Thành phố nổi tiếng của nước Mỹ đã thay đổi luật lệ dành cho xe taxi và khuyến khích các tài xế đón nhiều hơn một khách trong cùng một thời điểm. Điều này khiến nhiều người dân New York phải ở trong một tình thế có lẽ chưa từng nghĩ tới: chia sẻ một chiếc xe taxi màu vàng đặc trưng của thành phố với một người lạ. Những chiếc xe taxi khác của New York, vốn chỉ được phép đón khách theo lịch, nay được phép dừng để đón những người đang đi trên phố.
Quang cảnh của thành phố New York cũng thay đổi nhiều sau bão. Một vụ hỏa hoạn đã xảy ra và khiến khoảng 100 ngôi nhà bị cháy tại vùng Queens. Các lính cứu hỏa cho biết mực nước ngập ngang ngực trên phố khiến họ buộc phải dùng thuyền để thực hiện việc giải cứu.
Tại khu Brooklyn, Faye Schwartz đứng nhìn những chiếc nằm ngổn ngang như lá rụng trên phố, trong khi những chậu hoa bị trôi ra giữa các giao lộ. “Ôi, lạy Chúa, Ôi, không”, Schwartz thốt lên. Có một đường cắt ngang chạy dọc phần Chelsea của khu Manhattan. Phía trên Phố 25, các cửa hàng ăn và đèn giao thông vẫn hoạt động bình thường. Ở chiều ngược lại, không có dấu hiệu nào tương tự.
Với một vài người New York, hậu quả của siêu bão Sandy khiến họ nhớ lại vụ mất điện vào tháng 8/2003, khi một sự cố điện tại vùng đông bắc khiến thành phố không có điện trong hai ngày. Lúc đó, không có vụ cướp bóc lớn hay phạm tội nghiêm trọng nào khác xảy ra, ngoài 9 người bị bắt vì ăn trộm tại một trạm xăng, một cửa hàng đồ điện và một cửa hàng quần áo ở Queens.
Tuy nhiên, vụ mất điện năm 2003 là một trải nghiệm có tính cộng đồng, khi những người không quen biết cùng ngồi bên các hiên nhà và quán bar để dùng kèn thổi các bản nhạc trong các khu dân cư tối tăm. Còn bây giờ, sau bão Sandy, người dân chỉ ở trong nhà và chờ đợi.
Trong một khu nhà cao tầng sang trọng nhưng tối om ở khu hạ Manhattan, người quản lý có tên John Sarich đang cử các nhân viên mang đèn pin đi khắp 47 tầng cầu thang để kiểm tra xem có những ai còn ở nhà. Ông Sarich cho biết hầu hết mọi người đều ở lại nhà bất chấp lời kêu gọi đi di tản. Một phụ nữ có thai có dấu hiệu chuyển dạ trước khi điện bị mất. Sarich đã phải lên mạng và tìm hiểu cách đỡ đẻ trong lo âu. Nhưng, cuối cùng thì người phụ nữ cũng tìm được một chiếc taxi để tới bệnh viện.
Thị trưởng Bloomberg nói với báo giới rằng những ca tử vong do bão là rất đáng buồn, nhưng khẳng định New York sẽ vượt qua. “Chúng ta sẽ cùng trải qua những ngày phía trước bằng cách làm những điều mà chúng ta luôn làm trong lúc khó khăn. Đó là cùng đứng bên nhau, vai kề vai, sẵn sàng giúp đỡ hàng xóm, chìa tay ra với người lạ và khôi phục thành phố thân yêu của chúng ta”.
Theo VNE
Bờ Đông nước Mỹ tan hoang sau siêu bão
Siêu bão Sandy đi qua để lại khung cảnh hoang tàn cho các thành phố Bờ Đông nước Mỹ, với những đường phố lênh láng nước, nhà cửa bị phá hủy, cây cối đổ rạp và hàng chục người thiệt mạng.
Thị trưởng New York Michael Bloomberg (giữa) thị sát một khu vực ở New York sau cơn bão, nơi 80 ngôi nhà bị hỏa hoạn thiêu rụi trong suốt cơn bão hôm qua. Giới chức cho hay ít nhất 48 người đã thiệt mạng ở Mỹ do bão Sandy.
Người đàn ông đau đớn nhìn ngôi nhà nơi sinh sống của mình hóa thành đống đổ nát sau một đêm ở Breezy Point, Queens, New York. New York là một trong những nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất do ảnh hưởng của bão Sandy.
Những vụ chập điện gây ra hỏa hoạn, thiêu rụi nhiều nhà cửa, bất chấp trời mưa và đường phố lênh láng nước.
Đội cứu trợ giúp một cụ ông cùng chó cưng sơ tán.
Xe ô tô nổi lềnh bềnh tại một hầm đỗ xe ngầm ở quận tài chính New York.
Khoảng sân của trung tâm thương mại ở New York hóa thành ao sau khi bão đi qua. Theo báo cáo của IHS Global Insight, một công ty chuyên về dự báo, bão Sandy gây thiệt hại về tài sản khoảng 20 tỷ USD, và từ 10 đến 30 tỷ USD thiệt hại cho doanh nghiệp ở Mỹ.
Cận cảnh cần trục ở một tòa nhà 90 tầng tại Manhattan treo lơ lửng sau khi bị bão đánh gãy.
Cảnh cây cối bật gốc, đè bẹp ô tô rất dễ bắt gặp trên các đường phố ở Bờ Đông Mỹ những ngày này.
Người dân thành phố đã bắt đầu dọn dẹp hậu quả của siêu bão. Với sức gió mạnh khoảng 130 km/giờ kéo theo mưa to cùng những đợt sóng lớn, khiến nhiều nơi bị ngập lụt, Sandy được đánh giá là cơn bão lớn nhất trong nhiều thập kỷ tại Mỹ.
Đường phố Long Beach, New York, như vừa trải qua một cuộc chiến tranh.
Xe taxi xếp hàng ngâm nước ở Hoboken, New Jersey.
Lá cờ Mỹ tung bay trước sân một ngôi nhà ở New York, giữa khung cảnh điêu tàn sau bão.
Đường phố Hoboken, New Jersey, vắng lặng, chỉ có một xe cứu hỏa đang ì ạch "bơi" qua "sông".
Tất cả các sân bay lớn ở New York đều đóng cửa vì đường băng bị ngập. Tuy nhiên sân bya John F Kennedy và Newark ở New Jersey dự kiện mở cửa lại vào 7h hôm nay, giờ địa phương, nhưng giảm số lượng chuyến bay.
Các con tàu bị sóng biển đánh vào bờ nằm ngổn ngang trên đường phố New Jersey như những tàu đồ chơi mô hình.
Khung cảnh hoang tàn của bang New Jersey được tuần duyên Mỹ chụp lại từ trên cao.
Theo VNE
Thuyền cướp biển' gặp nạn trong siêu bão Mỹ Chiếc thuyền buồm từng xuất hiện trong bộ phim "Cướp biển Caribbean" hôm qua gặp nạn trong siêu bão Sandy, khiến hai người mất tích ngoài khơi bang Bắc Carolina của Mỹ. Thuyền HMS Bounty. Ảnh minh họa: AFP Các trực thăng của tuần duyên Mỹ đã đưa được 14 người trên thuyền HMS Bounty tới nơi an toàn, AFP đưa tin. Tuy...