New York náo loạn vì người phụ nữ leo tượng Nữ thần Tự do
Khoảng 4.000 người được đề nghị sơ tán sau khi cảnh sát New York, Mỹ phát hiện một người phụ nữ leo lên tượng Nữ thần Tự do để phản đối chính sách nhập cư của chính quyền Tổng thống Trump.
Người phụ nữ leo lên tượng Nữ thần Tự do. (Ảnh: ABC News)
Theo Sputnik, sự việc xảy ra ngày 4/7 vào dịp Quốc khánh Mỹ. Một người phụ nữ có tên Therese Patricia Okoumou bị phát hiện leo lên tượng Nữ thần Tự do cao 93m ở New York. Cảnh sát đã cố thuyết phục người phụ nữ này đi xuống, song cô từ chối.
Người phụ nữ này tuyên bố không rời đi cho tới khi “tất cả bọn trẻ được thả”. Hành động của Therese Patricia Okoumou được cho là nhằm phản đối chính sách của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump gây chia rẽ gia đình nhập cư ở biên giới thời gian qua.
Cuộc thương lượng kéo dài nhiều giờ đồng hồ buộc cảnh sát phải sơ tán khoảng 3.000 – 4000 du khách. Sau cùng, cảnh sát đã leo lên và cưỡng chế đưa người phụ nữ này xuống.
Cảnh sát đưa người phụ nữ xuống. (Ảnh: Pinterest)
Hiện cảnh sát đã tạm giữ Therese để thẩm vấn. Người đứng đầu phong trào Rise and Resist phản đối chính sách nhập cư mới của Tổng thống Trump, ông Martin Joseph Quinn cho biết, Therese có tham gia vào hoạt động biểu tình của nhóm nhưng việc leo lên tượng Nữ thần Tự do không nằm trong kế hoạch của họ.
Chính sách siết nhập cư “không khoan nhượng” của Tổng thống Trump thời gian qua đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt của dư luận. Chính sách này khiến hàng nghìn trẻ em nhập cư bị tách khỏi bố mẹ ngay tại biên giới.
Video đang HOT
Trước chỉ trích của dư luận, ông Trump đã ký sắc lệnh không chia rẽ gia đình nhập cư, song hôm 30/6 ông kêu gọi trục xuất người nhập cư trái phép không qua xét xử.
Minh Phương
Theo Dantri
Cố vấn trẻ tuổi đứng sau chính sách nhập cư "gây bão" của ông Trump
Những chính sách nhập cư gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump đều có liên quan tới một cố vấn trẻ tuổi - người đã có nhiều năm định hình lập trường trong vấn đề nhập cư.
Stephen Miller phát biểu tại một buổi gặp mặt cử tri ủng hộ của ông Donald Trump trong giai đoạn tranh cử tổng thống (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Donald Trump ngày 21/6 đã ký sắc lệnh hành pháp cho phép các gia đình nhập cư được ở lại cùng nhau tại khu vực biên giới. Trước đó vài ngày, dư luận đã "dậy sóng" với chính sách nhập cư "không khoan nhượng" của chính quyền Trump, trong đó hàng nghìn trẻ em trong các gia đình nhập cư bất hợp pháp bị tách khỏi bố mẹ hoặc người bảo hộ ngay tại biên giới.
Chính sách nhập cư "không khoan nhượng" cùng một số chính sách gây tranh cãi, thậm chí gây hỗn loạn, của chính quyền Trump đều có liên quan tới Stephen Miller. Cố vấn 32 tuổi của Tổng thống Trump cũng chính là người đứng sau lệnh cấm nhập cư hồi năm 2017 và quyết định sa thải cựu Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) James Comey từng khiến dư luận xôn xao.
Sinh ra tại California, Stephen Miller từng là một thành viên trong đội ngũ tranh cử của Tổng thống Trump từ tháng 1/2016 với nhiệm vụ hâm nóng bầu không khí trong các sự kiện tranh cử của ứng viên đảng Cộng hòa. Stephen Miller thường xuyên diễn thuyết để khuấy động đám đông tại các cuộc mít-tinh trước khi ông Trump bước lên sân khấu phát biểu.
"Tất cả những ai phản đối ông Donald Trump là những người đang đưa đất nước này đi xuống. Tất cả những sai lầm xảy ra với đất nước này ngày hôm nay, những người phản đối ông Donald Trump phải chịu trách nhiệm", Miller nói trong cuộc tiếp xúc cử tri của ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump tại Texas.
Trong năm đầu nhiệm kỳ đầy biến động của chính quyền Trump khi hàng loạt nhân sự cấp cao phải rời đi với số lượng kỷ lục, Stephen Miller vẫn "bình an vô sự", thậm chí còn trụ lại lâu hơn so với cựu Chiến lược gia trưởng Nhà Trắng Steve Bannon - người được xem là "kiến trúc sư" cho lệnh cấm nhập cư của Tổng thống Trump và là lãnh đạo của đế chế truyền thông quyền lực Breitbart.
Những năm tháng tuổi trẻ
Tổng thống Trump nói chuyện với cố vấn Stephen Miller tại lễ nhậm chức ở Nhà Trắng ngày 22/1/2017 (Ảnh: New York Times)
Từ khi còn là thiếu niên trung học tại California, Stephen Miller đã nổi lên như một nhân vật khuấy động phong trào. Tại trường cấp 3, Miller từng tham gia chiến dịch tranh cử vào ban quản lý học sinh và có có bài phát biểu gây tranh cãi về vai trò của những người bảo vệ tại trường học.
"Toàn bộ tư tưởng về nhập cư của Stephen xuất phát từ thời trung học. Quan điểm tiêu cực của cậu ấy về nhập cư bắt nguồn từ giai đoạn này và cứ thế lớn dần lên theo thời gian", Adrian Karima, luật sư từng làm việc cùng Miller tại AP Government, nói với CNN.
Vào năm 2002 khi mới 16 tuổi, Miller đã viết một bài xã luận để bày tỏ quan điểm trên báo Santa Monica Lookout, cho rằng nếu có đi chăng nữa thì cũng "rất ít" học sinh Tây Ban Nha có thể làm rạng danh lớp học của họ, bởi lẽ chính nhà trường đã tìm cách "nâng đỡ" cho những ai không nói được tiếng Anh bằng cách đưa ra "những thông báo được viết bằng cả tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha".
Khi tham dự chương trình trại hè kéo dài 1 tuần dành cho những học sinh cuối cấp - nơi những người tham gia phải tự xây dựng chính phủ riêng của mình, Miller được cho là đã "chạy đua" để giành một ghế trong Ủy ban Giám sát. Trong bài phát biểu gây ấn tượng của mình, Miller đã đề xuất sử dụng "lực lượng ngầm" để xâm nhập vào các tổ chức của đối thủ. Sau khi tốt nghiệp trung học, Miller theo học Đại học Duke. Tại đây, nam thanh niên đã viết về các chủ đề liên quan tới nhập cư, đa văn hóa cho tạp chí Duke Chronicle được phát hành nội bộ trong trường.
Sự nghiệp chính trị
Stephen Miller dự một cuộc họp của Tổng thống Trump tại Nhà Trắng (Ảnh: Getty)
Quan điểm chính trị bảo thủ đã đưa Stephen Miller tới làm việc cùng nghị sĩ Michele Bachmann - người khi đó đang là đại diện của bang Minnesota.
"Tôi quyết định cho cậu ấy cơ hội vì cậu ấy tạo ấn tượng với tôi là một người rất nghiêm túc", nghị sĩ Bachmann cho biết, đồng thời mô tả Miller là người "thông minh, chăm chỉ và năng lực tốt".
Stephen Miller sau đó làm việc cho thượng nghị sĩ Jeff Sessions thuộc bang Alabama. Trong khoảng thời gian này, Miller đóng vai trò trung tâm trong chính sách nhập cư của ông Sessions và góp phần xây dựng bài phê bình của thượng nghị sĩ này đối với dự luật cải cách nhập cư lưỡng đảng năm 2013. Dự luật này rốt cuộc đã không được thông qua tại Hạ viện.
Jeff Sessions hiện là Bộ trưởng Tư pháp Mỹ trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump. Trước đó, ông Sessions cũng là thượng nghị sĩ đầu tiên ủng hộ ông Trump vào năm 2015 và từng nhiều lần bảo vệ lập trường nhập cư cứng rắn của chính quyền Trump.
Vai trò của Miller, một người theo đường lối cứng rắn, trong việc định hình chính sách nhập cư ngày càng tăng lên khi đảm nhận nhiệm vụ tại Nhà Trắng và thu hút sự chú ý của giới lập pháp.
"Bất kỳ nỗ lực nào nhằm giết chết cải cách nhập cư đều có dấu tay của Miller", Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ bang Illinois Dick Durbin nói với các phóng viên.
"Chừng nào Stephen Miller còn chịu trách nhiệm thảo luận về chính sách nhập cư, chừng đó chúng ta sẽ không đi đến đâu cả", Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bang South Carolina Lindsey Graham nhận định.
Là người gần như chưa từng xuất hiện bên cạnh Tổng thống Trump, nhưng có lẽ không ai chịu trách nhiệm về chương trình nghị sự của ông chủ Nhà Trắng nhiều hơn Stephen Miller.
Thành Đạt
Theo Dantri
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ: "Tôi ấn tượng với sự ham học hỏi của sinh viên Việt Nam" Bà Marie Royce, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề giáo dục và văn hóa, trong chuyến thăm Việt Nam tuần này đã dành riêng cho Lao Động cuộc trò chuyện xoay quanh hợp tác giáo dục - văn hóa Việt - Mỹ cùng những câu chuyện về sinh viên Việt Nam ở Mỹ. Bà Marie Royce, Trợ lý Ngoại...