Nếu Trung Quốc cắt xăng dầu một tuần, cả nước Triều Tiên tê liệt
Triều Tiên lệ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung xăng dầu từ nước Trung Quốc láng giềng, chỉ cần Trung Quốc ngưng cung cấp một tuần, cả nước Triều Tiên sẽ tê liệt.
Binh lính Triều Tiên canh gác ở vùng biên giới sát Trung Quốc – Ảnh: AFP
Trên đây là phân tích được công bố hôm 11.1 của Viện Kinh tế năng lượng Triều Tiên (KEEI), một tổ chức tư vấn chính sách tại Hàn Quốc.
Thông tấn xã Yonhap của Hàn Quốc dẫn phân tích của Kim Kyung-sul, nhà nghiên cứu cao cấp của KEEI, cho biết số phận nền kinh tế Triều Tiên phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc, nước cung cấp 100% nguồn dầu thô nhập khẩu của Triều Tiên. Tất nhiên, Triều Tiên cũng lệ thuộc nốt vào Trung Quốc với các thành phẩm như xăng hay dầu diesel.
Các đường ống nối liền Trung Quốc với Triều Tiên – chạy ngang qua thành phố Đan Đông (Trung Quốc) tiếp giáp Triều Tiên – do Trung Quốc nắm quyền vận hành; và chỉ cần Trung Quốc khóa van, Triều Tiên sẽ bị cắt đứt hoàn toàn nguồn cung cấp xăng dầu – thứ đóng vai trò xương sống đối với mọi nền kinh tế trên cả hành tinh này, ít nhất là cho đến giờ phút này.
Video đang HOT
Nhà nghiên cứu Kim cho rằng một khi Trung Quốc cắt nguồn cung, toàn bộ hệ thống giao thông vận tải và quân sự của Triên sẽ bị tê liệt, lạm phát tăng vọt và sau đó là bạo động vượt ngoài tầm kiểm soát. Sự sụp đổ của chính quyền trong bối cảnh đó là điều dễ xảy ra, theo ông Kim.
Chuyên gia này cho rằng cho dù Triều Tiên cũng dự trữ một lượng dầu thô cho quân đội nhưng số lượng đó không đủ cho các hoạt động ngăn chặn rối loạn xã hội trên quy mô lớn một khi việc cắt nguồn cung năng lượng xảy ra.
Phía bên trái của các du khách Trung Quốc này là Nga, bên phải là Triều Tiên – Ảnh: AFP
Hãng tin UPI đưa tin trong năm 2013, Triều Tiên nhập khẩu từ Trung Quốc 4,24 triệu thùng dầu. Đến 2014, con số này là 3,89 triệu thùng.
Sau khi Triều Tiên tuyên bố thử bom nhiệt hạch hồi tuần trước, Trung Quốc đang chịu nhiều áp lực hơn từ Mỹ nhằm gây sức ép lên Triều Tiên. Nhưng trong bối cảnh Triều Tiên là vùng đệm an toàn ngăn Trung Quốc với Hàn Quốc, nơi lính Mỹ đặt căn cứ quân sự, Trung Quốc có lý do để cung cấp không những là nhiên liệu mà cả thực phẩm cho Triều Tiên suốt bao năm nay.
Chắc chắn Trung Quốc chẳng muốn viễn cảnh lính Mỹ sẽ lượn qua lượn lại sát biên giới Trung Quốc, sát vùng công nghiệp trọng điểm đông bắc không mấy cách xa thủ đô Bắc Kinh.
Kiều Oanh
Theo Thanhnien
Trung Quốc điều trên 500 người đo phóng xạ sau vụ Triều Tiên thử bom nhiệt hạch
Chính quyền Trung Quốc đã điều động trên 500 người dùng máy đo phóng xạ dọc theo biên giới nước này với Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng hồi tuần rồi tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch.
Người dân Hàn Quốc theo dõi tin tức truyền hình về vụ Triều Tiên thử bom nhiệt hạch hôm 6.1 gây động đất 5,1 độ Richter - Ảnh: AFP
Vụ thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên hồi 6.1 đã chọc giận Mỹ và Trung Quốc vì Bình Nhưỡng không hề thông báo trước, theo Reuters. Tuy nhiên, các chuyên gia vũ khí vẫn hoài nghi liệu Triều Tiên có thật sự thử bom nhiệt hạch hay không.
Trong thông cáo ngày 11.1, Bộ Môi trường Trung Quốc cho hay trên 500 người tham gia công tác đo phóng xạ dọc theo biên giới với Triều Tiên. Website của Bộ Môi trường còn công bố hình ảnh những chiếc xe chuyên dụng đo phóng xạ chạy dọc theo con đường đầy tuyết dọc biên giới.
Dù vậy, cơ quan này hiện vẫn chưa phát hiện điều gì bất thường và đã loại trừ khả năng vụ thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên làm rò rỉ phóng xạ, ảnh hưởng đến Trung Quốc.
Bộ Môi trường Trung Quốc đang kiểm tra mẫu không khí, đất và tuyết tại khu vực biên giới với Triều Tiên.
Người dân Trung Quốc sống gần biên giới với Triều Tiên cho Reuters biết họ lo ngại vụ thử nghiệm bom nhiệt hạch ảnh hưởng đến môi trường.
Trung Quốc là đồng minh lâu năm của Triều Tiên, nhưng Bắc Kinh đã nhiều lần bày tỏ bức xúc trước việc Bình Nhưỡng tiến hành những cuộc thử nghiệm hạt nhân. Các chuyên gia và nhà ngoại giao cho hay Bắc Kinh đã chấp thuận các biện pháp trừng phạt tăng cường của Liên Hiệp Quốc đối với Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân nói trên.
Bắc Kinh lo ngại chương trình hạt nhân của Triều Tiên gây bất ổn và giúp Mỹ có cớ tăng cường đưa vũ khí và binh sĩ đến khu vực. Trong khi đó, nhiều chuyên gia Trung Quốc lo ngại nếu Trung Quốc quay lưng với Triều Tiên, thì có thể gây bất ổn ở Triều Tiên, dẫn đến làn sóng người tị nạn tràn sang Trung Quốc.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Triều Tiên thử bom nhiệt hạch, Trung Quốc sơ tán dân ở biên giới Người dân Trung Quốc ở khu vực biên giới với Triều Tiên được sơ tán khỏi nhà sau những đợt dư chấn do Triều Tiên thử nghiệm bom nhiệt hạch vào sáng ngày 6.1. Bắc Kinh kịch liệt phản đối vụ thử nghiệm này. Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh lên tiếng phản đối Triều Tiên thử...