Nếu TPP hoàn tất, Việt Nam là nước hưởng lợi lớn nhất
12 nước tham gia đàm phán đang đếm ngược cho thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới: Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Khi TPP hoàn tất, Việt Nam sẽ là nước hưởng lợi lớn nhất.
Việt Nam là nước hưởng lợi lớn nhất khi TPP hoàn tất – Ảnh: Reuters
Việt Nam – quốc gia hưởng lợi lớn nhất từ TPP
Theo CNBC, có 12 quốc gia đang trên bàn đàm phán cuối cùng kéo dài từ ngày 28 đến 31.7 ở Hawaii (Mỹ), giải quyết tất cả vấn đề tồn đọng, dọn đường cho hiệp định thương mại lớn nhất thế giới TPP. Sau 5 năm với nhiều mâu thuẫn quanh bàn đàm phán, triển vọng về thỏa thuận được ký kết lần này đang ở mức cao.
“Người chiến thắng lớn nhất sẽ là Việt Nam khi rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu kéo đến nước này. Nước hưởng lợi thứ hai có thể là Malaysia và tiếp theo, chiến thắng thuộc về Nhật Bản”, Giám đốc điều hành Deborah Elms của Trung tâm thương mại châu Á cho biết.
Viện kinh tế quốc tế Peterson (PIIE) cũng chứng minh đánh giá của Elms trong một báo cáo gần đây. Theo đó, với việc được miễn thuế vào thị trường giày dép và may mặc Mỹ, hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ thuận lợi hơn so với hiện nay, khi mức thuế nằm trong khoảng 17% đến 32%.
Điều này dự kiến sẽ đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ – thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta. Thêm vào đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp chảy vào Việt Nam, quốc gia đang có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất trong các nước tham gia đàm phán TPP, sẽ tăng lên đáng kể.
PIIE nhấn mạnh rằng Việt Nam sẽ là nước nhìn thấy mức tăng trưởng thu nhập lớn nhất và mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong số 12 nước thành viên TPP, với tỷ lệ tăng lần lượt là 13,6% và 31,7%.
Video đang HOT
Tại Malaysia, nước này hiện chưa có hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) nào với Mỹ, Canada hay Mexico. Vì vậy, Malaysia cũng là một trong những nước hưởng lợi chính từ thỏa thuận TPP.
Đối với Nhật Bản, việc được mở cửa thị trường dịch vụ là một ưu thế lớn. TPP mở cửa thị trường dịch vụ giữa các quốc gia thành viên trong bối cảnh ngành dịch vụ của Nhật Bản hiện tương đối kém cạnh tranh. Điều này giúp ích rất nhiều cho quốc gia Đông Á. Tác động kết hợp của TTP và thỏa thuận FTA tiềm năng với Liên minh châu Âu còn có thể nâng cao đáng kể tốc độ tăng trưởng dài hạn của Nhật Bản.
Tuy nhiên, CNBC cũng cho biết khi Việt Nam là nước hưởng lợi lớn nhất từ TPP, các quốc gia châu Á khác xuất khẩu hàng may mặc có thể sẽ chịu thiệt hại.
Bangladesh, Campuchia, Pakistan và Sri Lanka được cho sẽ là những nước chịu tác động tiêu cực từ việc thương mại và đầu tư chuyển hướng vào ngành công nghiệp dệt may các nước thành viên TPP, đặc biệt là Việt Nam. Ấn Độ cũng sẽ là nước chịu ảnh hưởng tương tự.
Thỏa thuận TPP – Tại sao phải là lúc này?
Đại diện các nước bên bàn đàm phán TPP – Ảnh: AFP
Các vòng đàm phán trước đây của TPP đã bị trì hoãn nhiều lần bởi các vấn đề mâu thuẫn như trợ cấp nông nghiệp, xuất khẩu sữa… Song giới chuyên gia nhận định, các nhà đàm phán TPP phải đạt được hiệp định này ngay bây giờ, hoặc không bao giờ.
“So với các vòng đàm phán trước, thời hạn này là thời hạn thực sự vì nếu không đạt được, cánh cửa về cơ bản sẽ đóng lại. Nếu không có thỏa thuận nào được ký kết trong cuối tuần này, các quốc gia phải chờ cho đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tiếp theo vào năm 2017. Đến lúc đó, không ai chắc chắn được điều gì sẽ xảy ra”, Deborah Elms nói.
Dù vậy, sẽ luôn có hai chữ “khả thi” dành cho các nhà đàm phán TPP khi hướng đến các thỏa thuận cơ bản ngay bây giờ và tiếp tục giải quyết các vấn đề chi tiết sau đó.
Diễn tiến gần đây trên thế giới chỉ ra rằng các cuộc đàm phán quốc tế giải quyết vấn đề không bao giờ là đơn giản.
Hy Lạp và các chủ nợ châu Âu phải mất đến 6 tháng trước khi đồng thuận về gói cứu trợ tài chính cho Athens, giữa lúc nước này tuyệt vọng về tài chính. Trong khi đó, Iran và nhóm các nước P5 1 – gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức – chật vật với 18 tháng đàm phán trước khi họ đồng ý trên cơ bản hồi đầu tháng này.
Các nước tham gia TPP bao gồm Việt Nam, Nhật Bản, Brunei, Malaysia, Singapore, Úc, New Zealand, Canada, Mexico, Chile, Peru và Mỹ, chiếm tổng cộng khoảng 40% nền kinh tế toàn cầu.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Thủ tướng đề nghị Mỹ dành sự linh hoạt cần thiết trong đàm phán TPP
Chiều 30/6, tại buổi tiếp Bộ trưởng Bộ Nội vụ Hoa Kỳ, bà Sally Jewell, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên tiếp tục thiện chí và nỗ lực đàm phán về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) trên tinh thần dành sự linh hoạt cần thiết cho Việt Nam...
Thủ tướng trong cuộc tiếp Bộ trưởng Nội vụ Mỹ, bà Sally Jewell tại trụ sở Chính phủ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Tấn Dũng hoan nghênh chuyến thăm và đánh giá cao kết quả làm việc giữa bà Sally Jewell với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của Việt Nam; cho rằng kết quả chuyến thăm sẽ là một đóng góp thiết thực vào thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa 2 nước trên các lĩnh vực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam nhất quán và mong muốn cùng Hoa Kỳ nỗ lực đưa quan hệ đối tác hợp tác toàn diện song phương ngày càng phát triển sâu rộng, hiệu quả, vì lợi ích của cả 2 nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế gới. Theo đó, Việt Nam mong muốn tiếp tục tăng cường quan hệ chính trị, ngoại giao tốt đẹp với Hoa Kỳ; thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch giữa 2 nước.
Về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục thiện chí và nỗ lực đàm phán trên tinh thần dành sự linh hoạt cần thiết cho Việt Nam như tuyên bố của Tổng thống Barack Obama trong các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Việt Nam nhằm kết thúc đàm phán. Thủ tướng cho rằng TPP được ký kết không chỉ mang ý nghĩa kinh tế, thương mại, đầu tư mà còn mang tầm chiến lược, góp phần tạo nền tảng đưa quan hệ hai nước phát triển bền vững, lâu dài.
Bên cạnh hợp tác kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ; quốc phòng - an ninh; văn hóa và giao lưu nhân dân. Thủ tướng đề nghị Hoa Kỳ hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam trong khắc phục hậu quả dioxin; khắc phục bom mìn còn lại sau chiến tranh; bảo vệ động vật hoang dã; ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; hợp tác bảo vệ nguồn nước, trong đó có việc triển khai Sáng kiến Hạ nguồn Mekong; hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực khảo sát khoáng sản, địa chất, khí tượng thủy văn.
Đề cập chuyến thăm Việt Nam diễn ra vào đúng thời điểm 2 nước chuẩn bị kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Bộ trưởng Sally Jewell khẳng định Việt Nam và Hoa Kỳ có rất nhiều lĩnh vực hợp tác tiềm năng và với vai trò của mình, bà sẽ làm hết sức đóng góp cho sự phát triển của quan hệ hai nước.
"Ở mọi cấp độ trong Chính phủ Hoa Kỳ, chúng tôi đều cam kết ủng hộ Việt Nam trở thành một quốc gia độc lập, vững mạnh và bền vững" - Bộ trưởng Sally Jewell phát biểu.
Về lĩnh vực bảo vệ động vật hoang dã - nội dung chính trong chuyến làm việc tại Việt Nam lần này, Bộ trưởng Sally Jewell đánh giá cao cam kết của Việt Nam trong việc chống lại nạn buôn bán động vật hoang dã và cho biết Hoa Kỳ sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác, chia sẻ thông tin với Việt Nam trong lĩnh vực này. Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong các sáng kiến bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước; ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; khảo sát địa chất, khoáng sản. Bà cũng cho biết sẽ chuyển những đề nghị của Việt Nam tới các thành viên Chính phủ Hoa Kỳ về hợp tác giữa hai bên trong khắc phục hậu quả dioxin và hậu quả bom mìn sau chiến tranh.
Về Hiệp định TPP, Bộ trưởng Sally Jewell cho biết với vai trò của mình, nhất là tiếng nói trong các vấn đề về lao động và môi trưởng, bà sẽ cùng các thành viên Chính phủ Hoa Kỳ nỗ lực thúc đẩy để sớm kết thúc đàm phán và phê chuẩn Hiệp định.
P.Thảo
Theo Dantri
Tạp chí Barron's: Kinh tế Việt Nam, Malaysia được lợi khi gia nhập TPP Nếu được ký kết, TPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng trưởng 13% vào năm 2025, Malaysia và Nhật Bản cũng là những nước sẽ hưởng lợi, tạp chí Mỹ Barron's nhận xét. Nếu TPP được ký kết, các nền kinh tế nhỏ như Việt Nam hay Malaysia sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường lớn như Nhật Bản và...