Nếu tàu đường sắt Cát Linh- Hà Đông gặp sự cố, hành khách sẽ được giải tỏa ra sao?
Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo UBND TP Hà Nội phương án kết nối, trung chuyển hành khách giữa hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt với tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh-Hà Đông.
Lên kịch bản giải tỏa hành khách cho phương án xấu nhất
Phương án lần này được Sở GTVT xây dựng 3 kịch bản điều chỉnh mạng lưới xe buýt kết nối với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông.
Cụ thể, kịch bản thứ nhất (15 ngày đầu chạy miễn phí): sẽ tổ chức khai thác các tuyến buýt theo như phương án hiện đang vận hành, các chỉ tiêu khai thác giữ nguyên như hiện tại để đảm bảo việc đi lại của hành khách không bị xáo trộn trong thời gian trải nghiệm miễn phí hệ thống đường sắt đô thị trong thời gian đầu vận hành thương mại.
Kịch bản thứ 2: sau thời gian đường sắt đô thị chạy miễn phí sẽ điều chỉnh có lộ trình đối với 4 tuyến buýt (tuyến số 02, 21, 27, 33) trùng lộ trình với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông); điều chỉnh các tuyến buýt tăng cường kết nối tại các ga đầu cuối; duy trì hoạt động của 20 tuyến buýt kết nối ngang, lộ trình trùng với tuyến đường sắt đô thị 2A.
Hà Nội xây dựng phương án xử lý tình huống xấu nhất, nếu tàu đường sắt Cát Linh- Hà Đông gặp sự cố dừng tàu
Đáng lưu ý, ở phương án thứ 3, Sở GTVT Hà Nội đưa ra tình huống, tàu đường sắt Cát Linh- Hà Đông gặp sự cố, đoàn tàu dừng hoạt động trên 2 tiếng trong 3 tháng đầu khi đưa vào vận hành khai thác thương mại.
Theo kịch bản này Hà Nội sẽ tổ chức vận hành các tuyến buýt theo như phương án đã điều chỉnh trong 3 tháng đầu từ khi đoàn tàu đi vào khai thác thương mại tại kịch bản 2; đồng thời tổ chức thêm các lượt xe tăng cường để giải tỏa hành khách tại các ga.
Video đang HOT
Trường hợp đoàn tàu gặp sự cố dừng hoạt động trên 2 tiếng trong thời gian sau 3 tháng trở đi khi đưa vào vận hành khai thác thương mại, Hà Nội sẽ điều chỉnh một phần tuyến buýt số 02, 21, 27 đang chạy theo tuyến ngang trở lại lộ trình ban đầu (chạy dọc trục Nguyễn Trãi từ Ngã Tư Sở về đến Yên Nghĩa) trên nguyên tắc 3 lượt xe chạy lại lộ trình cũ (tuyến dọc) và 1 lượt xe chạy theo lộ trình điều chỉnh (tuyến ngang) để tăng cường giải tỏa hành khách cho đến khi đoàn tàu hoạt động trở lại bình thường.
Mặt khác, Sở GVT Hà Nội cũng thực hiện bổ sung 17 điểm, di chuyển 9 điểm dừng xe buýt trên dọc lộ trình tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông. Sau khi tổ chức lại toàn tuyến có tổng số 65 điểm dừng (2 chiều) với cự ly bình quân giữa các điểm dừng khoảng 400m, số lượng tuyến buýt kết nối với tuyến đường sắt 2A tăng lên 50 tuyến (tăng 7 tuyến).
15-20% người dân sẽ chuyển từ phương tiện cá nhân đi đường sắt đô thị
Với việc điều chỉnh mạng lưới kết nối, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội đánh giá, năng lực vận chuyển của hệ thống vận tải khách công cộng tăng lên, trong đó trục hoạt động chính của tuyến (từ Bến xe Yên Nghĩa-Ngã Tư Sở) tăng từ 3-4 lần so với hiện nay đủ khả năng đáp ứng khoảng 50% tổng nhu cầu đi lại của người dân trên tuyến.
Đặc biệt, năng lực trung chuyển của hệ thống xe buýt với tuyến đường sắt đô thị 2A đảm bảo cung ứng, giải tỏa khách tối ưu nhất cho tuyến đường sắt đô thị 2A với năng lực trung chuyển từ 313.000-344.000 khách/ngày (kết nối tại các ga đầu cuối khoảng 140.000 khách/ngày; kết nối ngang khoảng 203.000 khách/ngày).
Trong thời gian đầu, Sở GTVT Hà Nội dự báo khoảng 15-20% người dân sẽ chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng đường sắt đô thị 2A, trong đó chủ yếu là người dân sinh sống dọc hành lang tuyến.
Cá biệt, lưu lượng xe Taxi, Grab,… hoạt động dọc lộ trình tuyến đường sắt đô thị 2A cũng sẽ giảm do khi đó người dân sẽ có xu hướng sử dụng xe buýt đến các nhà ga đường sắt đô thị 2A để trung chuyển sang sử dụng đường sắt đô thị do có chi phí đi lại thấp, giảm thời gian đi lại và không bị ảnh hưởng bởi việc ùn tắc giao thông,…
Dù các phương án kết nối, vận hành tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của cả nước này đã được lên chi tiết, nhưng đến thời điểm nào tuyến đường sắt này đi vào vận hành chính thức vẫn khó có thể đưa ra.
Theo thông tin, phần việc hiện nay chỉ còn khoảng 1% nhưng lại phụ thuộc hoàn toàn vào Tổng thầu EPC Trung Quốc nên cũng gặp vướng mắc trong việc đốc thúc, chốt thời hạn.
Theo ANTD
Xôn xao đề xuất cấm xe máy ở Hà Nội, các nhà quản lý nói gì?
"Chúng tôi cam kết việc thực hiện cấm xe máy, ô tô sẽ đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật; hài hòa, đảm bảo lợi ích chung của nhân dân chứ không có động cơ, mục đích nào", Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hà Nội khẳng định như vậy tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 19/3.
Ông Nguyễn Hoàng Hải - GĐ Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị TP Hà Nội thông tin tại Hội nghị.
Mới chỉ là đề xuất
Một trong những nội dung đang được dư luận hết sức quan tâm là Đề án "Phân vùng hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030" (Đề án) của TP Hà Nội. Tại Hội nghị, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho hay, vấn đề hạn chế phương tiện cá nhân, bao gồm cả xe máy và ô tô đã được TP Hà Nội đề cập từ khá lâu.
Cũng theo ông Viện, để dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030, Hà Nội sẽ có giải pháp cụ thể, thực hiện từng bước, có lộ trình: "Đến nay, chúng tôi vẫn đang nghiên cứu kỹ Đề án này. Hà Nội cũng xác định đây là một việc khó, liên quan đến nhiều người dân nên việc thực hiện sẽ có lộ trình, có nghiên cứu, thực hiện từng bước.
Chúng tôi cam kết việc thực hiện cấm xe máy, ô tô sẽ đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật; hài hòa, đảm bảo lợi ích chung của nhân dân chứ không có động cơ, mục đích nào", ông Viện nhấn mạnh. Ông Viện cũng cho biết, việc cấm xe máy ở các tuyến đường Nguyễn Trãi hay Lê Văn Lương hay thông tin dừng đăng ký xe máy vào năm 2020 tại các quận nội thành mới chỉ là đề xuất để nghiên cứu chứ chưa quyết định.
Thông tin về Đề án tại Hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị TP Hà Nội cho biết, việc xây dựng Đề án là hết sức cần thiết nhằm thực hiện một số nội dung đã được HĐND TP thông qua năm 2017. Đề án được xác định trên nguyên tắc tuyến và khu vực hạn chế hoạt động xe máy phải có hệ thống vận tải hành khách công cộng và các phương tiện giao thông thay thế đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Đề án cũng tính đến yếu tố tổ chức giao thông hợp lý, đáp ứng việc đi lại của người dân trong và ngoài khu vực hạn chế; đồng thời đảm bảo việc kết nối giữa các loại hình phương tiện giao thông... "Hình thức phân vùng và tổ chức hạn chế hoạt động xe máy gồm có phân vùng hạn chế hoạt động theo tuyến đường và phân vùng hạn chế hoạt động theo khu vực. Việc tổ chức hạn chế hoạt động có thể theo thời gian trong ngày và theo ngày trong tuần", ông Hải thông tin.
Theo lộ trình thực hiện, giai đoạn 2019-2020 sẽ nghiên cứu xây dựng Đề án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt sẽ tổ chức công khai lộ trình thực hiện và triển khai các bước thực hiện theo lộ trình được duyệt. "Đề án chỉ được triển khai thực hiện khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt", ông Hải nhấn mạnh.
Đáp ứng tối đa 60% nhu cầu đi lại?
Thông tin tại Hội nghị, ông Vũ Hồng Trường - Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (2A) có chiều dài 13,05 km với 12 nhà ga trên cao; tổng số đoàn tàu của tuyến là 13 đoàn tàu, mỗi đoàn tàu gồm 4 toa, mỗi toa chở được 240 hành khách, mỗi chuyến chở được 960 hành khách. Thời gian mở tuyến là 5h00 và đóng tuyến lúc 23h00. Tần suất giờ cao điểm là 5-6 phút/chuyến. Vận tốc khai thác bình quân là 35km/h, thời gian chuyến đi bình quân là 23 phút.
"Một ngày, chúng tôi sẽ vận chuyển 144 chuyến, tương đương 288 lượt, có thể vận chuyển tối đa 260.000 -270.000 hành khách mỗi ngày. Giờ cao điểm có thể vận chuyển được khoảng 19.000 đến 20.000 hành khách, so với lưu lượng giao thông trên trục hành lang tuyến thì có thể đáp ứng tối đa 55-60% nhu cầu đi lại của hành khách trên tuyến.
Theo dự án, 3 năm đầu, 1 năm có thể vận chuyển được 30-40 triệu hành khách, từ 3-5 năm tiếp theo vận chuyển được 50-60 triệu hành khách, sau năm thứ 7 có thể vận chuyển 90-100 triệu hành khách", ông Trường cho hay.
Vẫn theo ông Trường, công ty đang thực hiện 6 nhóm công việc chuẩn bị cho việc chuẩn bị vận hành tuyến đường. Trong đó, về chính sách giá vé, ngày 5/3 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã họp thông qua phương án giá vé tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Phương án này, theo ông Trường, có 3 điểm mới lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam đó là áp dụng tính giá vé theo cự ly; áp dụng vé tháng và đề xuất phương án vé ngày là 30.000 đồng/ngày, không hạn chế số lượt đi, được tính từ thời điểm mua đến thời điểm đóng tuyến.
Minh Ngọc
Theo PLO
Chủ tịch Hà Nội: "Đủ điều kiện sẽ đẩy nhanh việc cấm xe máy" Trao đổi với công nhân lao động thành phố Hà Nội sáng 11/5, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, nếu hội tụ đủ điều kiện, thành phố sẽ đẩy nhanh việc cấm sử dụng xe máy. Cụ thể, tại buổi đối thoại của Chủ tịch UBND thành phố với đại diện công nhân lao động Thủ đô...