Nếu phải sống đời khổ như Cám: Đời khỏi xô, tôi cũng tự ngã!
Nếu đời bắt tôi sống khổ như Cám, không “hắc hóa” mới là lạ!
* Bài viết có tiết lộ một phần nội dung phim
Trước khi vào bài xin tâm sự một tí. Hôm vừa rồi đi chơi, gặp lại đứa bạn hồi cấp 3, nhìn nó dạo này sao mà sang – xịn – mịn quá. Đẹp gái, chồng yêu, nhà chồng giàu, mẹ chồng cũng yêu nốt. Cuộc đời nó nở hoa. Tấm tắc khen trong lòng rằng phụ nữ được sống trong môi trường tích cực ấy là đẹp lên trông thấy.
Nhìn lại đời mình thì chỉ thấy toàn bế và tắc. Tự dưng tôi lại nghĩ có khi giờ mình xuyên không lại hay. Tiêu chuẩn cái đẹp cũ không có make-up hay thời trang lộng lẫy, có khi bản thân cũng tìm được một nửa ra gì.
Nhưng mà sau khi ra rạp xem “Cám” xong, tôi lại nghĩ khác. Dẹp cái chuyện không có Facebook, Tiktok, Wifi và điện xoay chiều qua một bên, giờ xuyên không về thời cổ đại mà ngoan xinh yêu như Tấm còn đỡ. Chứ như Cám thì… Ấy không, tôi không chê bôi rằng Cám xấu, nhưng đời Cám trong phim khổ quá, đủ cha đủ mẹ nhưng sống kiểu tứ cố vô thân.
Và bởi bao đọa đày kinh khiếp, Cám trong phim của Trương Hữu Tấn dù có lương thiện, dù trong sáng thuần khiết, vẫn phải “hắc hóa”.
Phim đã đảo lộn cốt truyện cũ của Cổ tích đã thành giai thoại kinh điển, nhưng ở bất cứ phiên bản nào, cuối cùng cái tên “Cám” vẫn chẳng mang được một kết thúc có hậu.
Ai biến Cám trở thành quỷ dữ?
Nếu như trong truyện gốc, con Cám sống lỗi như thế, nghiệp chướng ả phải chịu là chẳng có gì đáng để xót thương. Thế nhưng đạo diễn Trương Hữu Tấn không mong làm một bộ phim chuyển thể kiểu cũ, các kênh YouTube đã làm hộ phần này, cũng như người ta không muốn ra rạp để xem lại những gì ông bà, bố mẹ đã ra rả cả mấy thập kỷ. Lần này Cám trở thành nhân vật chính, tính cách trong trẻo ngây thơ rất mực yêu quý chị Tấm. Một cô bé tròn 10 điểm về nhân cách, cái không hoàn hảo duy nhất là dì kế đẻ Cám ra mang hình hài dị tướng.
“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, tưởng đâu người xưa trong phim phải thấm thía tinh thần này nhất. Vẻ ngoài của Cám đổ nát hoang tàn, nhưng bên trong là cả một cảnh đẹp nên thơ hữu tình. Nhưng ngặt một nỗi, bề ngoài của Cám hoang sơ quá, nên nào có ai thèm tìm hiểu xem bên trong thế nào đâu. Điều này thể hiện ngay từ cái tên của em – Cám.
Xã hội phong kiến khép vào người phụ nữ rất nhiều tiêu chuẩn nặng nề. Phụ nữ thứ nhất phải đẹp, thứ hai phải biết đẻ, thứ ba biết chăm chồng đợ con, thế mới có giá trị. Nhưng dù thế nào đi nữa, nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô, đàn bà dù tốt đẹp đến mấy cũng chẳng được xem trọng như nam nhi, thậm chí đôi lúc còn trở thành món hàng có thể đổi chác.
Video đang HOT
Ai đã đẩy Cám đến con đường “hắc hóa”?
Đáp án đầu tiên là ông Hai Hoàng. Cùng là đứa con mình đẻ ra, thế nhưng Tấm xinh đẹp được cưng chiều hết mực, còn Cám thì bị ghét ra mặt vì xấu xí dị hình.
Từ nhỏ, Cám đã phải sống ở nhà dưới. Căn nhà tồi tàn, chật hẹp và chẳng bao giờ có hơi ấm tình thương của cha mẹ. Nhưng sự phân biệt đối xử không chỉ thể hiện ở điều này. Lúc hai chị em đi bắt tép, Cám lấy tép mình bắt được đổ hết vào sọt của Tấm. Ông Hai Hoàng biết thừa nhưng vẫn khen ngợi Tấm và chẳng thèm động viên Cám lấy một câu, dù chỉ là khen nó ngoan ngoãn, biết nghĩ. Lúc ba mẹ con bị thương, nhà có lọ thuốc tốt ông cũng chỉ cho một mình Tấm dùng, mặc kệ Cám bị đau, đến bà dì ghẻ xinh như Thúy Diễm cũng nhịn, cũng chỉ vì bà mang trọng tội là đẻ ra cái thứ xấu xí.
Quan trọng hơn cả, miếng đồng thiêng hình đầu gà dùng để bảo vệ bản thân trước Bạch Lão, một món đồ quý giá giữ mạng như thế ông cũng chỉ giao cho Tấm. Còn Cám được gì? Cô được giao trọng trách làm người nối gót hai cô con gái nhà cô Ba – làm vật hiến tế đổi lấy sự giàu sang viên mãn cho gia đình.
Thứ 2, nhân vật dì kế – mẹ đẻ Cám cũng góp một bàn tay không nhỏ cho việc đẩy con gái yêu đến bước đường cùng. Thực ra người mẹ này cũng thương Cám. Nhưng vì sợ chồng, sợ điều tiếng, bà chỉ dám thể hiện tình yêu kín đáo sau lưng con, còn khi nhìn thấy Cám, bà ta nhìn thấy cái nguyên do của việc bà ta bị ghẻ lạnh, thế là bao máu bao cơn bà lại xả lên đầu con gái ruột. Tình yêu của bà gói ghém kỹ càng đến mức không thể moi ra, bọc trong miệng lưỡi rắn rết chỉ biết chì chiết nhiếc móc con mình.
Rồi đến cái cách dân làng đối xử với Cám cũng khiến người xem cảm thấy khó thở. Mở mồm ra là một câu chê, đóng mồm vào một câu ghê tởm. Thái độ xa lánh, khinh thường của chính những người trong nơi mình sống khiến Cám chịu vô số tổn thương và dĩ nhiên cũng góp phần đẩy cô vào con đường không lối về.
Nhân tố cuối cùng, quan trọng nhất, phải nói đến là Bờm. Ngay từ lần đầu gặp gỡ, Bờm đã mang một cảm xúc khác lạ với Cám. Theo năm tháng dần trôi, tình cảm ấy ngày một lớn hơn và đối với Cám cũng như vậy. Bờm từng nói với Cám rằng anh thích nhất món xôi sen, vì đó là món mà hồi mẹ gã còn sống hay nấu cho gã ăn. Còn Cám, cô dự định sẽ nấu xôi sen thay lời tỏ tình. Cám trong trắng, thơm ngát như nắm xôi, còn Bờm là lá sen. Xôi ở trong lá sen để được bảo vệ, che chở.
Nhưng hỡi ôi, nếu là phim ngôn tình thì có lẽ Cám chính là Vết chu sa của chàng. Quay lại hiện thực, đây là phim kinh dị và không nhân vật nào ở đây được lên xe hoa sống hạnh phúc hết đời.
Yêu không bằng ăn, Bờm phản bội Cám vì một lời hứa bánh vẽ của Hai Hoàng, rằng nếu hắn lừa được Cám thành vật tế, lão sẽ tuyển thẳng hắn về làm con. Chết vì một gã tra nam vốn chẳng có sắc cũng chẳng được tâm, Cám thành quỷ ắt cũng là tất nhiên.
Ai mới là con quỷ thực sự trong phim “Cám”?
Gần như tất cả các nhân vật từ chính tới phụ trong phim “Cám” đều có lỗi với Cám, thế nhưng con quỷ thực sự chắc chắn phải là Hai Hoàng. Nhân vật này là đại diện cho sự nam tính độc hại thời phong kiến, nguyên nhân sâu xa dẫn tới phận đời bi kịch của Cám cũng như những nhân vật nữ khác trong phim như dì ghẻ, Tấm hay Xuân và Xoan, hai người con gái tội nghiệp của cô Ba.
Một kẻ như ông Hai Hoàng không có chút coi trọng nào đối với phụ nữ, kể cả đó là con mình. Đúng là ông ta thương yêu Tấm thật đấy, nhưng đó là vì Tấm xinh đẹp, ngoan ngoãn, luôn nghe lời cha. Giả sử như Tấm cũng xấu xí như Cám, liệu cái cách ông Hai Hoàng đối xử với Tấm có giống như đối với Cám không? 96,69% là có!
Hoặc giả, hết lượt Cám rồi, đến ngày Bạch Lão đòi trinh nữ, vậy có đến lượt Tấm không? Chắc hẳn là có.
Trong phim, Thái tử yêu Tấm ngay từ ánh nhìn đầu tiên và Tấm cũng có tình cảm với chàng. Nhưng giả sử Tấm yêu một chàng trai bình thường trong làng, muốn từ chối hôn sự với Thái tử, liệu ông Hai Hoàng sẽ có chút cảm thông nào? 96,69% là không!
Suy cho cùng, đối với những kẻ như ông Hai Hoàng, tình yêu thương luôn là có điều kiện. Sâu trong thâm tâm, phụ nữ đối với ông ta chỉ là công cụ để đối lấy quyền lực và sự giàu sang phú quý.
Nếu phải sống đời khổ như Cám: Đời khỏi xô, tôi tự ngã!
Nếu phải sống một cuộc đời như Cám, có lẽ là đời không cần xô tôi cũng sẽ tự ngã. Một cô gái đáng thương, lớn lên với sự cay nghiệt tột độ của cuộc đời, có lẽ chẳng cần sự xuất hiện của Bạch Lão, nàng Cám lương thiện rồi cũng sẽ ác hóa và tìm cách để báo thù.
Trong bộ phim, Dì ghẻ thực ra cũng là một Cám khác, chỉ là còn may mắn vì không mang một gương mặt xấu xí đến nỗi bị coi là nỗi ô nhục của dòng họ, thế nên chưa đến mức bị hiến tế mà thôi. Dì ghẻ mang thân phận cao quý trong làng, nhưng bà cũng phải sống với sự khổ tâm khi bị dân làng chê là đẻ con xấu, bị chồng khinh thường lạnh nhạt. Đau khổ hơn, bà phải chứng kiến con đẻ của mình bị đày đọa, bị phân biệt đối xử trong nhiều năm trời. Suy cho cùng thì giống như Cám, dì ghẻ cũng là một minh chứng khác cho thân phận của người phụ nữ thời phong kiến.
Sau tất cả, những người từng làm điều ác đều phải trả giá. Nhưng dù họ có trả giá như thế nào đi nữa thì cũng không thay đổi được sự thật rằng một mảnh đời đáng thương, một cô gái lương thiện đã bị họ chung tay hủy hoại. “Cám” là một bộ phim đầy bi kịch, tuy nhiên có lẽ, thông điệp mà nó gửi gắm lại rất nhân văn: Hãy luôn sống với lòng yêu thương, bao dung, tôn trọng sự khác biệt để cuộc đời đẹp hơn và bớt đi những số phận bất hạnh. Nếu không làm được thì bơ cho người ta sống, bằng không, nghiệp chướng là con quỷ mà đến Bạch Lão cũng phải đi hầu.
Lâm Thanh Mỹ hóa trang biến dạng: Tốn 1 tỷ đồng, chịu nhiều bất tiện
Diễn viên Lâm Thanh Mỹ chia sẻ những khó khăn trong quá trình vào vai Cám - nhân vật mắc chứng bệnh khiến khuôn mặt biến dạng trong phim kinh dị "Cám".
Chiều 17/9, ê-kíp phim Cám tổ chức buổi giao lưu và công chiếu sớm, thu hút sự quan tâm của khán giả. Sự kiện có sự tham gia của dàn diễn viên chính như Lâm Thanh Mỹ, Rima Thanh Vy, Thúy Diễm, Quốc Cường cùng đạo diễn Trần Hữu Tấn và nhà sản xuất Hoàng Quân.
Rima Thanh Vy, Lâm Thanh Mỹ, Thúy Diễm giao lưu cùng truyền thông (Ảnh: Bích Phương).
Phim Cám xoay quanh Cám (Lâm Thanh Mỹ đóng) - em gái cùng cha khác mẹ của Tấm (Rima Thanh Vy đóng). Khác với truyện cổ tích, chị em Tấm Cám luôn đùm bọc nhau. Biến cố xảy ra khi Cám bị một nhóm người lạ bắt đi. Từ đó, nhiều hiện tượng kỳ bí cũng xảy ra trong làng.
Trong phần giao lưu với truyền thông, đạo diễn Trấn Hữu Tấn cho biết cả Lâm Thanh Mỹ và Rima Thanh Vy đều trải qua nhiều vòng thử vai mới được chọn tham gia tác phẩm. Ban đầu, nhiều người nghĩ rằng Rima Thanh Vy sẽ đóng Cám còn Lâm Thanh Mỹ đóng Tấm. Tuy nhiên, đạo diễn tạo bất ngờ khi đổi ngược lại suy nghĩ thông thường của mọi người.
"Cho đến khi đọc kịch bản, mọi người mới hiểu vì sao tôi chuyển đổi như vậy. Tôi muốn tạo ra nhân vật Tấm và Cám mới mẻ so với truyện cổ tích. Nhân vật Tấm hiện đại, đa chiều hơn. Đặc biệt, vai Cám của Lâm Thanh Mỹ rất nặng ký. Ở tuổi 19, em ấy đã trưởng thành và muốn có một cột mốc trong sự nghiệp điện ảnh", đạo diễn nói.
Tạo hình khuôn mặt biến dạng của nhân vật Cám (Ảnh: Đoàn phim cung cấp).
Đảm nhận nhân vật trung tâm trong phim, Lâm Thanh Mỹ nhận được sự chú ý khi có tạo hình khuôn mặt biến dạng, làn da phồng rộp, một bên mắt bị lồi. Nữ diễn viên cho biết việc hóa trang khiến cô gặp một số bất tiện, khó chịu, nhưng cô chịu đựng để hoàn thành tốt vai diễn.
"Nhân viên hóa trang đã tạo cho tôi tạo hình mặt sẹo che một bên mắt. Thời tiết ghi hình ở Quảng Trị nắng nóng, việc tiếp xúc ánh đèn máy quay và những cảnh phải khóc nhiều khiến mắt tôi bị cộm.
Tạo hình này là điểm mạnh của tôi trong vai Cám, làm nổi bật thêm diễn xuất nên tôi cố gắng bỏ qua những khó chịu để nỗ lực hết sức mình", diễn viên gen Z chia sẻ.
Đạo diễn Trần Hữu Tấn hé lộ thêm, vì chất liệu mặt nạ không tồn tại được quá 24h, nên ê-kíp phải chuẩn bị 19 chiếc mặt nạ để Lâm Thanh Mỹ thay mới mỗi lần vào buổi ghi hình. "Mỗi chiếc mặt nạ tiêu tốn gần 2.000 USD. 19 chiếc là khoảng hơn 38.000 USD (khoảng 935 triệu đồng)", đạo diễn hé lộ.
Khi được hỏi về kinh phí sản xuất phim và kỳ vọng doanh thu, nhà sản xuất Hoàng Quân cho biết: "Đoàn làm phim không quan trọng cột mốc trăm tỷ đồng, mà chúng tôi muốn khán giả xem phim nhận xét rằng phim có chất lượng xứng đáng với số tiền họ bỏ ra. Tuy không thể tiết lộ chi tiết, nhưng kinh phí không dưới 1 triệu USD (khoảng 24,6 tỷ đồng - PV)".
Thúy Diễm và Quốc Cường tái hợp trên màn ảnh sau 14 năm kể từ "Vàng trong cát" (Ảnh: Bích Phương).
Tại buổi giao lưu, diễn viên Thúy Diễm cũng phản hồi những ý kiến cho rằng vai mẹ kế của cô trong phim sẽ gợi nhớ đến vai diễn Ngô Thanh Vân từng đóng trong Tấm Cám (2016).
"Trước đây, Ngô Thanh Vân từng thể hiện thành công vai dì ghẻ. Do đó, khi nhận kịch bản phim, ê-kíp và tôi đều muốn tạo nên một nhân vật mẹ kế mới mẻ, có màu sắc khác biệt. Đối với tôi đây là nhân vật đặc biệt, được khai thác theo chiều hướng khác.
Phim dài 122 phút và phải chia đều cho tất cả nhân vật nên có thể thời lượng vai diễn của tôi phải giảm một chút. Đạo diễn khó thể kể quá kỹ, quá chi tiết về vai diễn vì nếu làm vậy sẽ không đảm bảo về thời lượng. Nhưng theo tôi, với ý đồ của đạo diễn như vậy, tôi thấy nhân vật của mình được xây dựng khá trọn vẹn", Thúy Diễm cho hay.
Cám thuộc thể loại kinh dị, là dị bản của truyện cổ tích Tấm Cám. Bộ phim lấy bối cảnh đầu thế kỷ 19, vào cuối thời nhà Lê - đầu nhà Nguyễn, ghi hình ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
Bộ phim dán nhãn T18 (dành cho khán giả 18 tuổi trở lên), ra rạp toàn quốc từ 20/9.
Làng cổ hơn 500 năm vào phim 'Cám' có gì độc đáo? Đoàn phim 'Cám' ghi hình trong tháng 3, 4.2024 ở tỉnh Thừa Thiên-Huế và Quảng Trị. Nhà sản xuất Hoàng Quân chia sẻ muốn tìm những bối cảnh mới, độc đáo để hiện thực hóa trí tưởng tượng về một dị bản kinh dị của truyện cổ tích Tấm Cám. Quá trình chọn bối cảnh phim Cám kéo dài khoảng 3 tháng. Phim...