Nếu ông Park thích bất ngờ
Trước đối thủ không quá chênh lệch như Trung Quốc, Việt Nam có thể mạnh dạn tấn công bằng cách sử dụng những tiền vệ trung tâm như Tuấn Anh.
Tuấn Anh có thể là lời giải cho bài toán tấn công của đội tuyển Việt Nam. Ảnh: VFF.
Một trong những điều người hâm mộ bóng đá nước nhà mong mỏi khi đấu Trung Quốc, chính là lối chơi của thầy trò Park Hang-seo. Trước đối thủ được xem là “vừa miếng”, cùng thua hai trận đầu, cách đá phòng ngự co cụm số đông sẽ khó làm hài lòng cổ động viên.
Muốn tấn công có nét, bất cứ đội bóng nào cũng cần hàng tiền vệ biết cầm bóng và triển khai lối chơi. Với đội tuyển Việt Nam, “chìa khóa” ấy vốn được ông Park giao cho Hùng Dũng và Tuấn Anh. Tuy nhiên, tiền vệ Hà Nội bị gãy chân, không có mặt trong đợt tập trung lần này. Trong khi đó, Tuấn Anh chưa lấy lại cảm giác bóng tốt nhất.
Nhằm giải bài toán mang tên Hùng Dũng, ông Park đã đổi sơ đồ thành 3-5-2, gia tăng quân số và khả năng tranh chấp ở tuyến giữa. Khi đó, đội tuyển Việt Nam buộc phải chơi với một tiền vệ trụ và phía trên là hai tiền vệ tấn công. Cách đá này được áp dụng trong 3 trận đấu ở vòng loại thứ hai tại UAE hồi tháng 6. Tuy nhiên, hạn chế của nó đã bộc lộ trong thất bại 2-3 trước chủ nhà UAE, khi 2 tiền vệ công không thể hỗ trợ được cho tiền vệ trụ trong việc tranh chấp.
Trước Australia và Ảrập Xêút, mô hình 3 tiền vệ giữa sân được sử dụng. Quang Hải và Hùng Dũng là hai cái tên có đầy đủ tố chất. Tuy nhiên, trước hai đội hàng đầu châu lục, cả hai chỉ tạo ra một vài pha bóng đáng xem, thay vì một mối nguy hiểm thường trực sang bên kia cầu môn.
Trong bối cảnh cần một trận đấu “chơi được” với Trung Quốc, Tuấn Anh có thể là lời giải cho đội tuyển Việt Nam. Anh vừa có thể sắm vai đá tiền vệ trụ, chịu trách nhiệm thu hồi bóng bên cạnh Hoàng Đức, vừa có khả năng thoát pressing và chuyển đổi trạng thái nhanh lên phía trên.
Khi Tuấn Anh ở đỉnh cao phong độ tại những trận đầu vòng loại thứ hai World CUp 2022, Việt Nam tỏ ra dễ đá dù đối phương (Indonesia, Malaysia) đá rát, thậm chí thô bạo. Điểm đặc biệt của tiền vệ quê Thái Bình là anh chơi tròn vai cả trong sơ đồ 3-4-3 hoặc 3-5-2. Lúc phòng ngự, anh sẽ là người chơi thấp nhất trong số 3 tiền vệ giữa sân. Lúc lên bóng, anh nhô cao, trám vào vị trí của Quang Hải để lại, trước khi phát triển bóng lên trên.
So với Xuân Trường (không mạnh về phòng ngự), Đức Huy (tranh chấp được nhưng cảm giác bóng chưa tốt), Tuấn Anh là giải pháp khả dĩ nhất lúc này. Nếu ông Park muốn đánh phủ đầu, tạo ra bất ngờ trước Trung Quốc, tiền vệ HAGL đủ sức giúp đội tuyển Việt Nam luân chuyển bóng mượt mà cho hàng công có nhiều cầu thủ tốc độ như Công Phượng, Phan Văn Đức.
Để Tuấn Anh đá trọn vẹn 90 phút ở trận gặp Trung Quốc là bài toán đau đầu của ban huấn luyện. Nhưng nếu ông Park chỉ cần trò cưng bung sức trong một hiệp, mọi chuyện sẽ đơn giản hơn. Đó sẽ là lúc Duy Mạnh hoặc Đình Trọng được đôn lên đá tiền vệ trụ trong một hiệp, nhằm tránh việc bị va đập quá nhiều cho tiền vệ tài hoa đang khoác áo HAGL.
HLV Hoàng Văn Phúc: 'Tuyển Việt Nam đủ khả năng thắng Trung Quốc'
Huấn luyện viên Hoàng Văn Phúc nhắc lại kỷ niệm về trận U16 Việt Nam giành chiến thắng Trung Quốc ở giải trẻ năm 2010 để cổ vũ thầy trò Park Hang-seo tại vòng loại World Cup 2022.
"U16 Việt Nam thắng Trung Quốc không chỉ một mà tới 2 lần tại giải U16 Đông Nam Á 2010. Đó là kỷ niệm đáng nhớ trong sự nghiệp cầm quân của tôi", huấn luyện viên (HLV) Hoàng Văn Phúc chia sẻ với Zing.
Gần 11 năm trước, sau khi vượt qua vòng loại U16 châu Á 2010, U16 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV trưởng Hoàng Văn Phúc tham dự giải U16 Đông Nam Á mở rộng. Giải đấu có 4 đội, gồm U16 Việt Nam, Indonesia, Timor Leste và U16 Trung Quốc, đá theo thể thức vòng tròn một lượt tính điểm trước khi phân hạng đá chung kết và tranh hạng 3.
Đặng Anh Tuấn ghi bàn vào lưới U16 Trung Quốc năm 2010. Anh từng được HLV Park Hang-seo triệu tập lên tuyển Việt Nam năm 2019 chuẩn bị cho vòng loại thứ hai World Cup 2022. Ảnh: Minh Chiến.
"Các cầu thủ háo hức trước trận mở màn gặp U16 Trung Quốc. Ngày đó, thông tin không dễ tìm như bây giờ, nên tôi dặn các em phải tôn trọng đối thủ".
"Chúng tôi nhập cuộc từ tốn, đá phòng ngự phản công trong hiệp một. Khi sang hiệp 2, phát hiện đối thủ có dấu hiệu xuống sức, ban huấn luyện chỉ đạo các em đẩy cao tốc độ và có bàn thắng của Đặng Anh Tuấn", HLV Hoàng Văn Phúc kể lại.
Sau chiến thắng 1-0 trước U16 Trung Quốc, U16 Việt Nam tiếp tục thắng Indonesia với tỷ số tương tự ở lượt 2. Tuy thua Timor Leste ở lượt cuối với tỷ số 1-2, thầy trò HLV Hoàng Văn Phúc vẫn đứng đầu bảng và gặp lại U16 Trung Quốc (nhì bảng) ở trận chung kết.
"Khi gặp lại U16 Trung Quốc, chúng tôi đã có hiểu biết nhất định về đối thủ này. Trước trận, tôi chỉ nhắc lại các bài tập chống bóng bổng của Trung Quốc và dặn các em chơi tấn công mạnh dạn và tự tin. Cuối cùng, đội vô địch nhờ bàn thắng duy nhất của Nguyễn Xuân Nam", ông Phúc nói.
Trước thời HLV Hoàng Văn Phúc, U16 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Nguyễn Văn Thịnh đã thắng Trung Quốc 3-2 ở VCK U16 châu Á năm 2000. Ở cấp độ cao hơn, U23 Việt Nam của HLV Park Hang-seo đánh bại U23 Trung Quốc được dẫn dắt bởi Guus Hiddink trong dịp giao hữu năm 2019.
Những kết quả khả quan với các đội trẻ có thể coi như sự khích lệ với bóng đá Việt Nam khi ở cấp độ đội tuyển quốc gia, tuyển Việt Nam chưa thắng được Trung Quốc trong 6 lần gặp nhau trước đây. HLV Hoàng Văn Phúc nhận định: "Tuyển Việt Nam hiện nay hoàn toàn có đủ thực lực để giành chiến thắng khi gặp Trung Quốc". Trận đấu tại vòng loại thứ ba World Cup 2022 diễn ra ngày 8/10.
Theo HLV Hoàng Văn Phúc, tuyển Trung Quốc không mạnh toàn diện mà có điểm yếu rõ ràng. Ảnh: AFC.
"Tôi tin tưởng vào năng lực của lứa cầu thủ hiện tại của đội tuyển Việt Nam, cũng như sự chuẩn bị của HLV Park và các cộng sự trong nhiều năm qua. Đương nhiên tuyển Trung Quốc sẽ dựa vào những ngôi sao khi có cầu thủ thi đấu ở Tây Ban Nha và một số cầu thủ nhập tịch".
Theo ông Phúc, đội Trung Quốc nhiều khả năng sử dụng bóng bổng hoặc các tình huống cố định trước tuyển Việt Nam nhờ việc sở hữu các tiền đạo to cao và cầu thủ chạy cánh giàu tốc độ.
"Khi phòng ngự, tuyển Việt Nam hãy cố gắng bảo vệ 2 biên tốt để chống các quả tạt. Khi tấn công, chúng ta cần tiếp tục phát huy khả năng luân chuyển bóng nhanh. Tôi tin chúng ta làm được vì cả 3 tuyến ở đội tuyển đều kiểm soát bóng rất tốt".
"Tuyển Trung Quốc không mạnh tuyệt đối, ngược lại họ cũng có điểm yếu. Chúng ta có chút lợi thế khi phần lớn đội hình đối thủ đã ngoài 30 tuổi, có thể họ sẽ xuống sức ở hiệp 2. Tôi tin tưởng vào chiến thắng cho tuyển Việt Nam, nếu chúng ta thi đấu hợp lý, quyết tâm cộng thêm một chút may mắn", HLV Hoàng Văn Phúc nói với Zing .
Ông Hoàng Văn Phúc sinh năm 1964, là một trong 11 HLV người Việt Nam có bằng Pro của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC). Ông từng dẫn dắt các CLB Hà Nội ACB, Quảng Nam, Sài Gòn thi đấu V.League, các đội U16, U23 và tuyển quốc gia Việt Nam. Hiện ông Phúc là giám đốc kỹ thuật CLB Hà Nội.
Duy Mạnh chống đẩy khi đồng đội đã nghỉ tập Trung vệ Đỗ Duy Mạnh thực hiện các động tác để tăng cường thể lực khi các đồng đội đã chuẩn bị ra về ở buổi tập tối 4/10 tại UAE.
Vị trí của Phan Văn Đức lung lay ở tuyển Việt Nam Sở hữu phong độ cao ở V.League 2021, nhưng Phan Văn Đức lại không thể hiện được điều tương tự tại vòng loại thứ 2 World Cup 2022. "Tôi thi đấu không tốt ở vòng loại thứ 2 World Cup 2022", Văn Đức thừa nhận trong buổi phỏng vấn của VFF. Anh cho biết mình đã rút ra nhiều kinh nghiệm hơn để...