“Nếu lũ về ban đêm, còn mất nhiều người nữa”
Đây là trận lũ quét kinh hoàng nhất từ trước tới nay tại hai xã Sơn Kim 1 và 2 ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Nếu chẳng may lũ xảy ra vào ban đêm thì thiệt hại về người sẽ rất lớn.
Chỉ sau hơn hai giờ đồng hồ, cơn lũ quét kinh hoàng nhất từ trước tới nay xảy ra trên địa bàn 2 xã Sơn Kim 1 và Sơn Kim 2 của huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã cướp đi sinh mạng 2 người (1 người mất tích chưa tìm thấy xác), 500 hộ dân bị trôi hết tài sản, làng mạc xác xơ.
Sáng 17/10, sau nhiều lần liên lạc, dò đường, phóng viên Dân Việt mới vượt qua được vùng ngập lũ hạ du huyện Hương Sơn để lên vùng thượng nguồn sông Ngàn Phố (Hương Sơn). Tại nơi đây, hai ngày, qua hàng ngàn hộ dân đã phải hứng chịu trận lũ quét kinh hoàng. Tiếp xúc với phóng viên, nhiều người dân xã Sơn Kim 1 và Sơn Kim 2 ứa nước mắt không nói nên lời.
Bà Nguyễn Thị Hoài ở xóm 3 làng Chè, xã Sơm Kim 2 thút thít: “Mất hết rồi chú ơi, ba bốn năm trời chật vật mua được con bò và đàn lợn 5 con làm vốn làm ăn nay đã trôi theo nước, hơn 5 tạ lúa phơi khô khén cất cẩn thận trong sập cũng bị cuốn trôi và nhấn chìm, trong nhà bây giờ chỉ còn 1 chiếc xe máy hư hỏng do nước ngập với mớ đồ áo quần lem luốc bùn đất”.
Lúa bị ướt, con bò và 5 con lợn – tài sản lớn nhất của bà Hoài đã trôi theo con nước
“Lúc đó, vào khoảng 7 giờ 30 phút sáng 16/10, bất ngờ nước cuồn cuộn đổ về chỉ trong tích tắc đã ngập nửa nhà, mọi người trong nhà không kịp trở tay, chỉ kịp chạy lên đồi trồng chè tránh lũ. Chiếc xe máy để giữa sân bị lũ cuốn giắt trong bụi tre cuối vườn, còn đồ đạc trong nhà trôi sạch. Nếu trận lũ quét hôm qua xảy ra vào ban đêm thì 3 người trong nhà cũng bị cuốn trôi” – bà Hoài bàng hoàng kể lại.
Đi dọc con đường làng Chè của xã Sơn Kim 2, bàn ghế, đồ đạc của người dân còn ngổn ngang, những vườn cây ăn quả và hoa màu bị nhuốm đất vàng khè. Nhà cửa, đất đá từ khe và sông suối trôi về bồi lấp. Căn nhà của ông Võ Xuân Liệu ở thôn làng Chè tan tác như trận bom oanh tạc, mọi vật dụng trong gia đình hư hỏng và trôi hết.
Ông Võ Xuân Liệu tìm lại một ít áo quần ngoài vườn
Video đang HOT
Hai vợ chồng ông Liệu vừa vay vốn đầu tư mua 70 bộ bàn ghế phông bạt phục vụ người dân khi có việc hiếu hỷ thì đã bị lũ quét cuốn trôi, chỉ còn chiếc tủ lạnh sót lại dưới đống cát cuối vườn vừa được vợ chồng ông Liệu tìm thấy. Càng đi sâu về cuối xã, không khí càng tang thương và não nề hơn. Ngay tại cánh đồng thôn Hạ Vàng, người dân nơi đây vừa tìm thấy thi thể anh Nguyễn Văn Oanh (SN 1995) sau gần một ngày bị lũ cuốn trôi.
Thuộc diện hộ nghèo ở xã Sơm Kim 2, gia đình ông Linh bà Thủy ngoài 3 sào ruộng thì chỉ có con trâu giá trị nhất trong nhà. “Hôm qua lũ bất ngờ ập đến, thằng Oanh vùng dậy chạy ra đồng trước nhà để lùa trâu về. Trong chốc lát, cả cánh đồng nước trắng xóa cuốn cả thằng Oanh” – ông Nguyễn Văn Linh kể trong nước mắt bên quan tài con trai.
Hàng trăm người dân thôn Hạ Vàng, xã Sơn Kim 2 rơi nước mắt trước cái chết thương tâm của anh Oanh
Mưa lũ đã làm ngập 29/32 xã, thị trấn của huyện Hương Sơn, hàng ngàn gia đình bị thiệt hại nặng. Có 3 người chết do lũ cuốn trôi, 1 người mất tích và 10 người ở xã Sơn Kim 2 đi rừng mất liên lạc, hơn 12.365 căn nhà bị ngập, thiệt hại về giao thông, hoa màu tài sản rất lớn, chưa có con số thông kê cụ thể. Huyện Hương Sơn và tỉnh Hà Tĩnh đã hỗ trợ gia đình 3 nạn nhân tìm thấy thi thể sau lũ cuốn 10 triệu đồng/người.
Thượng úy Nguyễn Khắc Hào đang cùng với 30 chiến sỹ thuộc đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo giúp dân dọn dẹp sau lũ nói: “Đây là trận lũ quét kinh hoàng nhất từ trước tới nay, trận lũ năm 2002 tại hai xã Sơn Kim 1 và 2 không lớn bằng. Ngay khi lũ dâng, đồn Cầu Treo đã huy động lực lượng đến hiện trường nhưng nước lũ dâng quá nhanh. Để tiếp cận, chúng tôi phải kết bằng bè nứa để vào đưa dân ra khỏi vùng lũ quét. Chỉ trong hai giờ đồng hồ, cùng với chính quyền địa phương, chúng tôi cứu được 60 người trẻ em và người già ra khỏi vùng lũ quét. Nếu lũ xảy ra vào ban đêm thì thiệt hại về người sẽ rất lớn”.
Thượng úy Hào cho biết thêm, ngay sau khi nước rút, Đồn biên phòng Cầu Treo cùng với lực lượng Biên phòng Hà Tĩnh đã huy động trên 200 cán bộ chiến sỹ giúp dân khắc phục lại nhà cửa vườn tược, đồng thời hỗ trợ 200 thùng mỳ tôm và 200 thùng nước uống cho dân sau lũ dữ.
Theo Hữu Anh – Phúc Quang
"Chưa thấy trận lũ nào về nhanh như lần này"
Chưa khắc phục xong hậu quả của bão, người dân Quảng Bình lại gánh chịu thêm một trận lũ mới. Lũ về quá đột ngột khiến người dân không kịp trở tay, nhà cửa tan hoang, tài sản bị hư hại, và con người cũng vội vã tìm lên nóc nhà tránh lũ.
Ngày 17/10, có mặt tại "túi lũ" Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình, chúng tôi chứng kiến vẫn còn hàng trăm ngôi nhà bị ngập sâu trong biển nước, một số tuyến đường giao thông vẫn bị cô lập khiến việc đi lại của người dân gặp không ít khó khăn.
Thôn Xuân Tiến, xã Sơn Trạch, là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Mới cách đây 1 ngày, phần lớn xã Sơn Trạch bị chìm trong biển nước. Trong đó, các thôn như: Xuân Tiến, thôn Cổ Lạc 1, Cổ Lạc 2, Cổ Giang, Hà Lời, Trằm Mé, Phong Nha,...bị ngập sâu từ 3 - 4m, nơi thấp nhất cũng tầm 2m. Trong sáng nay, dù mực nước đã giảm từ 2 - 3m so với trước nhưng nhiều nơi vẫn còn bị ngập sâu.
Đang cố nhặt nhạnh lại những gì còn sót sau lũ, anh Phan Anh Tuấn bàng hoàng nói: Tui chưa thấy trận lũ nào về nhanh như lần này. Gần đây nhất là năm 2010, lũ cũng lớn nhưng nhà tui chỉ bị ngập chừng 1,5m. Còn lần này lũ về quá đột ngột, chỉ trong 20 phút mà nước đã dâng cao hơn 1m khiến nhà tui không kịp trở tay. Lúc đó mọi người chỉ biết tìm nơi mà trú để bảo toàn tính mạng, còn tài sản thì đành để chìm trong nước. Đến đêm qua, gia đình tui phải thức cả đêm để chờ nước rút, sáng nay mới bắt tay vào dọn dẹp. Kinh hoàng quá!"
Gia đình anh Phan Anh Tuấn cố nhặt nhạnh lại những gì còn sót lại sau lũ
Nhà anh Trần Đức Minh, ở thôn 1 Phong Nha cũng bị ngập sâu hơn 2m. Anh Minh cho biết, toàn bộ đồ đạc trong nhà đã bị ngập hết. Đến sáng nay mới dọn xong nhưng phần nhiều đã bị hư hỏng. Tranh thủ dọn dẹp xong nhà cửa, anh Minh ra cửa hàng ở chợ Xuân Sơn để thu dọn một số thứ. Tuy nhiên, ra đến nơi thấy cảnh tượng tan hoang khiến anh càng thấy thất vọng.
Không riêng gì anh Minh mà hàng trăm tiểu thương ở chợ này cũng khốn vì lũ. Chị Hoàng Thị Mai bán tạp hóa ở chợ Xuân Sơn bất lực nói: "Cuộc sống của gia đình tôi chỉ trông cậy vào ki - ốt tạp hóa này. Thế nhưng, giờ bị ngập trong nước, hư hỏng hết rồi. Nhà cửa chưa dọn xong nhưng phải ra đây kê lại đồ đạc, gom những gì còn sót để sống tiếp chứ không thì chết đói cả nhà, chú à".
Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng Ban quản lý chợ Xuân Sơn cho biết, toàn bộ khu chợ này hiện vẫn còn bị ngập sâu từ 1 - 1,5m, hàng trăm quầy hàng đã bị chìm trong nước lũ. Hôm qua, khu vực này bị ngập lên tới nóc nhưng đến tối nước đã bắt đầu rút. "Hiện mọi người trong chợ đều tất tưởi lo thu dọn cửa hàng chứ để lâu thì hư hại hết".
Anh Phạm Văn Diệu, thôn 1 Cổ Lạc cùng bố mình là ông Phạm Văn Khiên cũng tranh thủ lúc nước rút để quét dọn nhà cửa. Cơn bão vừa qua đã khiến nhà anh bị hư hỏng toàn bộ mái. Vừa mới khắc phục xong thì trận lũ mới lại tràn về. Hiện nhà anh vẫn hết sức ngổn ngang, toàn bộ vật dụng như bàn ghế, tủ, giường buộc phải kê cao.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Trạch cho biết, trận lũ được xem là lớn nhất trong những năm gần đây đã nhấn chìm hơn 2.000 hộ dân xã này. Hiện nhiều nơi đang bị ngập sâu gần 2m như: Trằm Mé, Xuân Tiến, còn những vùng như: Cổ Giang, Cổ Lạc, Hà Lời cũng đang bị cô lập trong lũ. Đêm qua và sáng hôm nay, khi nước lũ bắt đầu rút thì bà con mới bắt tay vào dọn dẹp nhà cửa. Tuy nhiên, do lượng bùn đất bị nước lũ cuốn về quá nhiều khiến cho công tác khắc phục gặp rất nhiều khó khăn.
Hình ảnh ghi lại từ "túi lũ" Sơn Trạch (Quảng Bình):
Theo Khampha
Lốc xoáy đi qua, tang thương ở lại Đến thôn nghèo Linh Cận Sơn khi cơn lốc xoáy kinh hoàng vừa đi qua, chúng tôi chỉ nghe thấy tiếng khóc nghẹn ngào của cả người lớn lẫn trẻ nhỏ. Nỗi đau mất người thân, mất nhà cửa bao giờ mới nguôi ngoai! Cha mất, mẹ nằm viện, 3 con nhỏ bơ vơ! Sáng 17/10, chúng tôi quay lại tâm lũ Quảng...