Nêu gương từ Trung ương
Không còn bàn cãi gì thêm nữa, việc học Bác muốn hiệu quả phải xuất phát từ chính sự nêu gương của cán bộ. Người giữ vị trí công tác càng cao, càng phải thực sự nêu gương, bởi lẽ “một tấm gương sống có giá trị hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền” như Bác Hồ từng răn dạy.
Hội nghị toàn quốc sơ kết ba năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị được tổ chức ngày 20/8 tại Hà Nội. (Ảnh: nhandan.com.vn)
Kết quả thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, khóa XII về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong 3 năm qua một lần nữa minh chứng cho chân lý đó. Hội nghị sơ kết thực hiện chỉ thị này diễn ra hôm qua (20/8) đã dẫn ra hàng loạt “con số biết nói” và tôn vinh, ghi nhận không ít cán bộ chủ chốt, chủ trì. Đây là những cán bộ thật sự nêu gương trong cuộc sống, công tác, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, hết lòng, hết sức tận tụy với công việc, được quần chúng tin yêu, mến phục.
Ba năm qua, nhờ có chủ trương, quy định đúng đắn, kịp thời về trách nhiệm nêu gương của Trung ương và từng cấp nên ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên được nâng lên rõ rệt. Cũng nhờ đó, nhiều cán bộ hư hỏng bị thanh lọc; không ít cán bộ yếu kém bị phê bình, kỷ luật; các biểu hiện nhũng nhiễu, trịch thượng với dân giảm dần…
Tuy nhiên, công bằng mà nói, kết quả thu được trong thực hành nêu gương của cán bộ còn không ít hạn chế; chưa thật sự đáp ứng mong mỏi của quần chúng nhân dân. Vẫn còn đó những “con sâu làm rầu nồi canh”, thiếu gương mẫu trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống… gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Nêu gương tất yếu phải có kế hoạch của từng người, từng tổ chức; phải chịu sự theo dõi, giám sát của cơ quan chức năng và quần chúng nhân dân; kết quả nêu gương về đạo đức phải là tiêu chí quan trọng hàng đầu trong bộ tiêu chí đánh giá cán bộ… đó là những giải pháp được các đại biểu thẳng thắn hiến kế tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 05. Cùng với đó, nhiều ý kiến nhắc lại khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương 8, khóa XII, khi kết luận việc ban hành quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên… rằng: “Nếu gần 200 Ủy viên Trung ương khóa XII, từng đồng chí thật sự soi vào bản thân, đề cao trách nhiệm nêu gương và gương mẫu đi đầu thực hiện thì sẽ có sức lan tỏa rất lớn, sẽ tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội”.
Để tiếp tục học tập và làm theo gương Bác đạt hiệu quả, các giải pháp lãnh đạo để cán bộ thực hành nêu gương cần được triển khai quyết liệt, toàn diện hơn nữa. Nêu gương phải được vận hành từ Trung ương về cơ sở, từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương cần nhất quán: Nêu gương của cán bộ là cách quan trọng nhất nhằm tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong rèn luyện đạo đức cách mạng, xây dựng, giữ vững, phát huy hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam mới trong điều kiện xã hội hiện nay. Đó cũng là phương thức vận động, thuyết phục quần chúng hiệu quả nhất, được các nhà kinh điển của Chủ nghĩa Mác-Lênin chỉ ra cách đây hàng trăm năm trước.
Video đang HOT
Quả đúng vậy, gần 200 con người ấy là những cán bộ thuộc hàng cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước, là người đứng đầu, lãnh đạo của các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương, đơn vị. Nếu từng người thật sự trong sáng, mẫn cán, nhiệt huyết vì nước, vì dân, thì chắc chắn ngành đó, lĩnh vực đó, địa phương, đơn vị mà cán bộ đó phụ trách sẽ có “ánh sáng soi đường”, tạo ra môi trường lành mạnh, điều kiện thuận lợi nhất để mọi tập thể, cá nhân thuộc quyền hòa vào dòng chảy sôi động, thi đua học tập, làm theo gương sáng Bác Hồ. Hơn thế, một khi người đứng đầu nêu gương, chấp hành nghiêm kỷ luật, duy trì chặt chẽ kỷ cương phép nước thì cũng chính là cách họ viết nên “chiếu chỉ” để “ba quân tướng sĩ” đồng lòng tuân mệnh Đảng, phụng sự nhân dân.
Nêu gương không chỉ là tự gột rửa, tự làm mới bản thân, mà với trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ cấp cao phải tương hỗ, giúp đỡ đồng chí, đồng đội cùng thực hành đạo đức cách mạng, phải gương mẫu nêu cao tự phê bình và phê bình. Hơn thế, người chủ trì, cán bộ đứng đầu phải thật sự trăn trở, sáng tạo tìm ra giải pháp cụ thể hóa chủ trương của trên bằng kế hoạch tổng thể; kịp thời định hướng, quyết liệt triển khai các phong trào, hoạt động, xây dựng mô hình, điển hình để nhân rộng ra toàn xã hội./.
Nguyễn Tấn Tuân (qdnd.vn)
Theo Tuyengiao
Học Bác, chọn cán bộ tránh cục bộ, dễ dãi
Phải tránh xa, loại trừ những biểu hiện "tư duy nhiệm kỳ", "cục bộ", "thân quen", "nể nang, dễ dãi" khi lựa chọn nhân sự cấp ủy cho nhiệm kỳ mới.
Sáng 20-8, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức hội nghị toàn quốc sơ kết ba năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc tồn đọng kéo dài
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cho biết: Sau ba năm thực hiện Chỉ thị 05, các cấp ủy, tổ chức Đảng đã nghiêm túc chủ động, sáng tạo với nhiều cách làm phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị. Nhiều cấp ủy đã lựa chọn nhiều vấn đề bức xúc, nổi cộm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, từng bước cải cách hành chính, giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc tồn đọng kéo dài, tạo sự tin tưởng, phấn khởi trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt làm được, ông Trần Quốc Vượng cũng điểm lại những mặt tồn tại, hạn chế như một số cấp ủy, đơn vị chỉ đạo thiếu sâu sát, chưa thực sự chủ động trong việc lựa chọn nội dung trọng tâm để quyết liệt thực hiện. "Những vấn đề nổi cộm chưa được quan tâm đúng mức, còn lúng túng, thiếu quyết liệt trong tổ chức thực hiện. Triển khai việc thực hiện chuyên đề hằng năm ở một số địa phương, đơn vị còn hình thức, đơn điệu, chưa phù hợp, chưa hấp dẫn với các đối tượng, chưa tạo được phong trào hành động sâu rộng, thiết thực..." - ông Vượng nói.
Đặc biệt, ông Vượng cho rằng vẫn còn một bộ phận đảng viên có biểu hiện thiếu quyết tâm, chưa thực sự gương mẫu, tích cực trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ. "Việc cảnh báo phòng ngừa sai phạm thiếu kịp thời, chưa phát hiện sớm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống để kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh, dẫn đến vi phạm kỷ luật đảng, phải chịu hình thức xử lý của Đảng và pháp luật của Nhà nước" - ông Vượng nói.
Ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: TTXVN
Loại trừ biểu hiện "thân quen", "cục bộ"
Trong thời gian tới, Thường trực Ban Bí thư đề nghị mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp cần xác định rõ trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chỉ thị 05, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, các quy định của trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Để chuẩn bị tốt cho Đại hội lần thứ XIII của Đảng, ông Trần Quốc Vượng đề nghị cần chuẩn bị tốt công tác nhân sự. Các cấp ủy, tổ chức đảng đều phải thấm nhuần lời Bác đã căn dặn: "Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém mà nên", ""Cán bộ là cái gốc của mọi công việc"; phải tránh xa để loại trừ những biểu hiện "tư duy nhiệm kỳ", "cục bộ", "thân quen", "nể nang, dễ dãi" khi lựa chọn nhân sự cấp ủy cho nhiệm kỳ mới.
Ông Vượng đề nghị cần thực hiện thật tốt Kết luận số 55 của Ban Bí thư siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thực hiện nghiêm các quy chế, quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ. "Kiên quyết không đề xuất, quyết định những nhân sự vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; phẩm chất, năng lực hạn chế, sợ trách nhiệm, "dĩ hòa vi quý", thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, "cục bộ", "lợi ích nhóm", tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; có biểu hiện "chạy chọt", vận động, tranh thủ lẫn nhau" - ông Vượng nói.
Song song đó, cần tập trung khắc phục, giải quyết dứt điểm, triệt để những vấn đề bức xúc, nổi cộm mà cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm. Từng địa phương, cơ quan, đơn vị và mỗi cá nhân phải có chương trình, kế hoạch thật cụ thể, triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phải tạo được phong trào chuyển biến thực sự theo gương Bác. Cần phải tiết kiệm từ việc nhỏ nhất như văn phòng phẩm, điện nước, xăng xe, đi máy bay, tiết kiệm các việc tiêu dùng cá nhân... theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước. "Những năm gần đây, theo chỉ thị của Tổng bí thư, khi tổ chức các chuyến đi của Tổng bí thư, Văn phòng Trung ương tổ chức đi xe chung cho các phó ban, chứ không có việc mỗi đồng chí một xe. Việc này hiện nay thực hiện tương đối tốt. Chúng ta tới một cơ sở mà đoàn xe dài dằng dặc rất là phản cảm. Chúng ta cần chú ý việc này" - ông Vượng nói.
TP.HCM luôn cùng cả nước, vì cả nước
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay trong thực hiện Chỉ thị 05. Ông Trần Lưu Quang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, cho biết nhìn lại kết quả 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và chính quyền TP luôn cầu thị, phấn đấu vươn lên, khắc phục những sai sót, khuyết điểm.
Theo ông Quang, TP luôn quan tâm nâng cao chất lượng sống của người dân, càng khó khăn, vướng mắc càng phải lắng nghe dân, dựa vào dân, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bên cạnh đó là phát huy truyền thống năng động, sáng tạo của người dân TP, không ngừng phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức để trưởng thành. "TP.HCM tiếp tục cùng cả nước, vì cả nước. Đó chính là tình cảm, trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP trong việc thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh" - ông Quang nói.
Bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực TP Hà Nội, cho biết cùng với việc chú trọng biểu dương các tấm gương điển hình tiên tiến từ địa phương, cơ sở, những việc làm nhỏ bình dị mà cao quý, có sức lan tỏa lớn, các đơn vị của TP đã kịp thời phê bình, uốn nắn những nhận thức sai trái, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức lối sống.
Theo bà Hằng, từ năm 2018, việc thực hiện Chỉ thị 05 của Đảng bộ TP Hà Nội đã gắn với nâng cao tinh thần trách nhiệm cán bộ, công chức, triển khai đồng bộ việc đánh giá cán bộ, công chức hằng tháng; lấy việc thực hiện Chỉ thị 05 là một trong những tiêu chí để đánh giá cán bộ.
Học Bác trở thành công việc thường xuyên, ý thức tự giác
Báo cáo sơ kết ba năm thực hiện Chỉ thị 05, ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, cho biết thời gian qua toàn Đảng, toàn dân đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, từng bước đưa việc học tập, làm theo Bác thành công việc thường xuyên, ý thức tự giác, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng ngành, từng địa phương, đơn vị.
Qua đó đã góp phần tích cực thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đấu tranh đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và những biểu hiện của "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
TÁ LÂM
Theo PLO
Nhân rộng cách làm thiết thực, hiệu quả Theo ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã dần trở thành việc làm thường xuyên, thành ý thức tự giác của cán bộ, đảng viên và nhiều người dân trong cả nước, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ...