“Nếu đóng cửa như thời bao cấp thì nền kinh tế rất trì trệ!”
“Việt Nam cam kết cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài làm ăn dài hạn tại Việt Nam”.
Đây là phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Diễn đàn đầu tư toàn cầu diễn ra ngày 30.9. Thủ tướng cho biết nền kinh tế Việt Nam đang bước vào quỹ đạo tăng trưởng mới với tỉ lệ lạm phát thấp, tăng trưởng nhanh, nhằm hướng đến phát triển bền vững với mức tăng trưởng GDP từ 6,5% đến 7% mỗi năm trong giai đoạn 2016-2020.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư toàn cầu Việt Nam. Ảnh VGP
Theo Thủ tướng, tính đến nay, tổng vốn đăng ký đầu tư nước ngoài ở Việt Nam đạt 270 tỉ USD với hơn 19.000 dự án đang hoạt động của các nhà đầu tư đến từ 105 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó số vốn đã giải ngân đạt 135 tỉ USD. Trong 9 tháng đầu năm 2015, đầu tư trực tiếp nước ngoài với vốn đăng ký mới hơn 17 tỉ USD, tăng 53% so với cùng kỳ, trong đó số vốn giải ngân đạt gần 10 tỉ USD, tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm 2014. Thủ tướng cho biết nhiều tập đoàn đa quốc gia, trong đó các các tập đoàn đến từ châu Âu đang đầu tư kinh doanh có hiệu quả tại Việt Nam.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, những kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn cần phải cải thiện nhiều về thể chế cơ chế thị trường, cải thiện thủ tục hành chính, cải thiện kết cấu hạ tầng, nhiều luật đã được sửa đổi, và tiếp tục được ban hành để thúc đẩy môi trường kinh doanh.
Với mục tiêu đẩy mạnh và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang thực hiện cải cách đầu tư công, tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Điều này sẽ tạo tiền đề mở ra sự tham gia của khu vực tư nhân, đặc biệt là nguồn vốn FDI. Việt Nam đang cập nhật và sớm công bố các dự án đầu tư tư theo mô hình công tư (PPP) như hạ tầng giao thông, phát triển đô thị…
Theo Thủ tướng, trong thời gian tới ngày càng có nhiều doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa sẽ được niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán với quy định bắt buộc. Đây là cơ hội tốt cho nhà đầu tư nước ngoài tìm hiểu và mua bán sáp nhập. Về thị trường tài chính, Thủ tướng nhận định, quy mô ở Việt Nam còn khiêm tốn, và sẽ còn phải tiếp tục thay đổi, bổ sung các chính sách sản phẩm với thị trường này. “Việt Nam nới room cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán. Không hạn chế nhà đầu tư nước ngoài mua trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp. Nâng room với nhiều doanh nghiệp lên 100%”, Thủ tướng lưu ý.
Trước đó, phản ánh của các doanh nghiệp Việt Nam tại diễn đàn này cho rằng, môi trường đầu tư của Việt Nam hiện nay đã thành nơi để các doanh nghiệp nước ngoài khai thác tối đa lợi thế. Ông Lê Phước Vũ – đại diện doanh nghiệp thép nêu thực tế: Doanh nghiệp ngành thép đã không còn dư địa phát triển, các ngành khác cũng vậy. “Doanh nghiệp chúng tôi cũng minh bạch, thuế đóng đủ nhưng với các doanh nghiệp FDI, chuyện chuyển giá khá phổ biến. Doanh nghiệp Việt Nam tuổi đời ngắn, tiềm lực yếu, sức lực cũng đã yếu qua thời gian khó khăn vừa qua, khó cạnh tranh được với doanh nghiệp FDI chuyển giá. Chính sách vĩ mô phải tạo sự công bằng để cạnh tranh. Nếu không chống được chuyển giá ở các doanh nghiệp FDI sẽ không bảo vệ được doanh nghiệp trong nước” – ông Vũ bày tỏ.
Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư Bùi Quang Vinh đã phải giải thích rằng: Doanh nghiệp phản ánh như vậy có phần đúng và có phần không đúng. Bộ trưởng Vinh cho rằng, “lỗi” là do các doanh nghiệp Việt Nam chưa mạnh nên cần hỗ trợ nhiều. Thực tế, các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng cần có các doanh nghiệp trong nước làm công nghiệp hỗ trợ, cung cấp linh kiện cho họ, qua đó chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, tiềm lực của doanh nghiệp trong nước còn yếu, sức cạnh tranh thay đổi công nghệ kém nên thua kém các doanh nghiệp FDI, nếu ta đóng cửa như thời bao cấp, không mở cửa cho nước ngoài vào thì nền kinh tế sẽ rất trì trệ. Về việc Coca Cola Việt Nam có chuyển giá hay không, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói: “Tổng cục Thuế đã đi kiểm tra nhưng không kết luận Coca Cola chuyển giá ở Việt Nam. Khi chưa có bằng chứng thì không có kết luận họ chuyển giá được”.
Theo Danviet