Nếu đổ bộ đất liền, bão Tembin còn mạnh hơn thảm họa Linda 1997
Cường độ bão số 16 – Tembin được dự báo sẽ mạnh hơn cả cơn bão được coi là “thảm họa lịch sử” Linda năm 1997.
Vị trí và hướng di chuyển của bão số 16 – Tembin lúc 7h sáng nay (25/12). Ảnh Trung tâm Dự báo KTTVTƯ.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, hồi 7 giờ sáng nay (25/12), tâm bão số 16 – Tembin đang ở cách Côn Đảo khoảng 320km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 13.
Trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển 20-25km/h.
Như vậy, khoảng tối và đêm nay (25/12) bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau với sức gió mạnh nhất cấp 9-10, giật cấp 12-13.
Nếu so sánh, nhiều người sẽ nhận thấy, đường đi và khu vực đổ bộ của bão số 16 rất giống với cơn bão Linda đổ bộ vào đất liền các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu tối 2/11/1997.
Bão Linda khi đổ bộ, sức gió mạnh nhất chỉ đạt cấp 8, cấp 9 nhưng đã gây ra “thảm họa lịch sử” vì đã làm 778 người chết, 2.123 người mất tích, 1.232 người bị thương; số nhà bị sập là 107.892;… thiệt hại về vật chất ước tính 7.200 tỉ đồng. Trong đó, riêng tỉnh Cà Mau đã có 128 người chết, 1.164 người mất tích và 601 người bị thương.
Video đang HOT
Đường đi của cơn bão lịch sử Linda năm 1997.
Ông Lê Đình Quyết – Phó Phòng Dự báo (Đài Khí tượng thủy văn Nam Bộ) cho hay, bão số 16 – Tembin và bão Linda năm 1997 có nhiều điểm khá tương đồng nhau. Từ đường đi, khu vực hình thành bão cho tới diễn biến bão.
Cụ thể, Tembin và Linda đều hình thành từ khu vực Thái Bình Dương, sau đó vượt qua đảo Pa-la-oan ( Philippines) và đi vào Biển Đông. Cả 2 cơn bão đều di chuyển chủ yếu theo hướng Tây và đều tăng cấp độ khi đi vào khu vực giữa Biển Đông.
Tuy nhiên, cường độ khi đổ bộ đất liền của bão “thảm họa lịch sử” Linda vẫn nhỏ hơn so với dự báo của bão số 16 -Tembin.
“Bão Linda khi vào gần bờ hoàn lưu bão nhỏ, phạm vi ảnh hưởng trên đất liền đối với các tỉnh Tây Nam Bộ không lớn, chủ yếu tỉnh Cà Mau.
Đối với bão số 16, dự báo hoàn lưu rất rộng, phạm vi có gió cấp 6 trở lên từ Bà Rịa-Vũng Tàu xuống đến Cà Mau. Cơn bão này sẽ gây thiệt hại rất nặng nề cho Côn Đảo, sau đó mới đi vào phía trong gây tác hại những vùng biển và đất liền Nam Bộ”, ông Quyết cho biết.
Trước tình hình nguy cấp của bão Tembin, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các địa phương dừng tất cả các cuộc họp cuối năm để dồn sức, tập trung chỉ đạo chống bão.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các địa phương dừng tất cả các cuộc họp cuối năm để dồn sức, tập trung chỉ đạo chống bão.
“Đây là cơn bão rất đặc biệt, trái mùa lại vào vùng có nhiều bất lợi về kinh tế, xã hội, dân sinh như địa hình bằng phẳng, nhiều đảo, nhiều nhà cửa không kiên cố nên nếu không quyết liệt, chủ động sẽ gây tổn thương vô cùng lớn nhất là khi vào biển Đông, bão ngày càng nhanh và mạnh”, Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.
Nhắc lại bài học từ cơn bão lịch sử Linda 1997 và cơn bão số 12 (tháng 11 vừa qua), Bộ trưởng Cường yêu cầu các địa phương hết sức lưu ý, không được chủ quan, sẵn sàng các kịch bản ứng phó.
Theo Triệu Quang (Dân Việt)
Quân khu 9 lập Sở Chỉ huy chống bão số 16, Bộ trưởng Nông nghiệp kêu gọi gặt lúa giúp dân
Liên quan đến bão số 16, Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã đến làm việc tại Kiên Giang. Quân khu 9 cũng thành lập Sở Chỉ huy phía trước triển khai các phương án ứng phó.
Sáng nay (25.12), ông Nguyễn Xuân Cường Bộ - Bộ trưởng Bộ NNPTNT, Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai cùng đoàn công tác đã đến làm việc với UBND tỉnh Kiên Giang về việc ứng phó với bão số 16.
Tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu địa phương tuyệt đối không được chủ quan vì diễn biến của bão rất phức tạp. Đồng thời, chú trọng công tác di dân, thực hiện nghiêm lệnh cấm các phương tiên giao thông trên biển, nhất là khu vực đảo Phú Quốc; tập trung lực lượng cơ giới, lực lượng vũ trang địa phương giúp nhân dân đẩy nhanh thu hoạch lúa mùa.
Sáng 25. 12, nhiều địa phương ĐBSCl xảy ra mưa do ảnh hưởng của bão số 16
Ngay sau buổi làm việc với UBND tỉnh Kiên Giang, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cùng với đoàn công tác tiếp tục đi kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại cảng cá Tắc Cậu, cảng Cái Lân, Cái Bà và công tác sơ tán dân tại huyện Châu Thành, huyện An Minh.
Cũng trong sáng nay, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 đã thành lập Sở Chỉ huy phía trước đóng tại Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Trà Vinh. Sở Chỉ huy này do Thiếu tướng Nguyễn Hồng Hải - Phó Tư lệnh Quân khu 9 làm Chỉ huy trưởng, sẵn sàng ứng phó bão số 16.
Sở Chỉ huy phía trước cũng đã triển khai các phương tiện thông tin liên lạc kết nối thông suốt, đồng thời đã tổ chức họp khẩn cùng với Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ CHQS tỉnh Trà Vinh nắm tình hình diễn biến của bão.
Quân khu 9 thành lập Sở Chỉ huy phía trước triển khai các phương án ứng phó bão số 16
Sở Chỉ huy phía trước đã thành lập 4 đoàn công tác, kết hợp cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương trực tiếp chỉ huy trên những vùng trọng điểm bão có thể xảy ra để ứng phó kịp thời...
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Hải yêu cầu Bộ CHQS tỉnh Trà Vinh tiếp tục theo dõi, triển khai và trực tiếp kiểm tra ngay các phương án, biện pháp phòng ngừa mưa lớn, lốc xoáy gây tốc mái, sập nhà cửa, kiểm tra bảo đảm an toàn các kho tàng, nhất là các kho vũ khí, đạn, tiếp tục thông báo cho lực lượng vũ trang và nhân dân bằng các biện pháp, phương tiện truyền thông hiện có, phối hợp tốt với bộ đội biên phòng trên địa bàn nắm chắc các phương tiện còn ngoài khơi và tiếp tục theo dõi việc kêu gọi tàu thuyền của ngư dân vào nơi trú ẩn.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Hải nhấn mạnh, trong quá trình tham gia ứng cứu nhân dân khi có tình huống phải bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản cứu hộ, chiến sĩ của đơn vị. Theo sự chỉ đạo của Thiếu tướng Nguyễn Hồng Hải, đến thời điểm này, Bộ CHQS tỉnh Trà Vinh đã điều động 100% quân số trực sẵn sàng ứng cứu khi có lệnh, duy trì chặt chẽ trực chỉ huy, trực ban, trực phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn các cấp.
Theo Danviet
CẬP NHẬT bão số 16: Đón bão Tembin, người Cà Mau sợ thảm họa bão Linda Tại TP Cà Mau trời đã bắt đầu có mưa kèm theo gió mạnh, sợ thảm họa bão Linda năm 1997 lặp lại, người dân Cà Mau đang gia cố nhà cửa chống bão. Tiếp tục cập nhật... 12h30 Ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, ông đang đứng ngay mũi Cà Mau để chỉ đạo công...