Nếu cưới bỡn thì thôi nhé!
Thời nay, chuyện cưới xin cứ như ra chợ mua một cái áo, ngỡ lấp la lấp lánh song khi tròng vào mới thấy ngưa ngứa, khó chịu, cứ thế tuồn tuột nó ra. Vậy thì việc nó không lấy chồng, làm tình với người nó thích (có thể chỉ trong một thời gian ngắn) thì nào phải chuyện kinh thiên động địa gì!
Kết hôn không phải là thứ cứ phải làm cho bằng chị bằng em.
Cứ mỗi lần gặp hắn, ả ấy đều đon đả nhiệt thành: “Mình cưới nhau nhé. Sau khi cưới, má em sẽ để cho hai đứa 2 thớt thịt heo ở chợ (ý nói 2 sạp bán thịt heo)”. Hắn chỉ đáp gọn lỏn: “Chưa muốn cưới em ạ!”. Thế nhưng, những lời từ chối của hắn tựa hồ chưa bao giờ lọt vào tai ả. Ả eo ẻo tự nhiên như không: “ Sao chưa bao giờ thấy anh mời em đi uống nước hết trơn?” “Ừ thì mình đi uống nước vậy!”. “Nhưng giờ em muốn đi ăn”, “Anh mới vừa ăn rồi, mình đi uống nước thôi”… Và hắn tưởng chừng câu chuyện không có điểm dừng với những màn “chảy nước” của ả.
Không phải ả không tốt tính, không phải ả không xinh, gia đình nghèo khó gì, chỉ đơn giản vì hắn mệt với những màn quen biết dạo đầu như thế này. Hết một ngày đằng đẵng, bợt bạt vì công việc, hắn chỉ mong chút thời gian ọp ẹp còn lại dành riêng cho mình. Mỗi ngày, sau giờ làm, hắn đều nhong nhong xe đạp quanh các ngõ ngách, rồi bơi lội tắm táp, chụp choẹt linh tinh, rồi chốt hạ trên chiếc giường quen thuộc. Và ngày mới lại theo guồng cũ mà xoay vần. Hắn cứ nghĩ mãi liệu lời người ta nói có đúng không rằng hắn lỡ “yêu” công việc. Tự thân mình, hắn không cho như thế. Hắn sẽ lấy vợ khi đúng điểm rơi và không phải a, b, c làm quen với đủ màn hẹn hò, vờn nhau như các em tuổi teen.
Video đang HOT
Đầu dây bên kia lên tiếng với chất giọng lè nhè: “Thế em đợi anh học xong thì cưới nhé! Ôi mà đùa đấy. Anh sắp lấy vợ rồi, chưa chắc nhưng sắp rồi. Em cũng lấy chồng đi, lớn lắm rồi còn gì” (…) Anh chàng lấp liếm: “Lần trước em ra, chẳng thấy em nói gì cả?” “Nói gì là nói gì, sao con gái có thể dồn hỏi con trai chuyện cưới xin được chứ. Ừ mà thôi chúc mừng anh nhé!” – cô chẳng hiểu vì sao chẳng thấy mảy may buồn. Vậy mà ngày trước cô từng nghĩ ắt mình sẽ sầu muộn ghê lắm khi nghe anh chàng mình thích từ chối sau chuỗi ngày dở dở ương ương. Có nhiều điều dẫu có cố lý giải vẫn sẽ chẳng tìm ra lời đáp, chỉ cần nghĩ đơn giản rằng họ không cảm thấy mình hợp cạ. Trai mà, thể nào chẳng cân đo đong đếm các cô để chọn người hợp nhất và người đó không hẳn là người giỏi nhất. Bạn bè biết chuyện lại trách cứ cô vì quá dại dột, tin yêu vào mối tình đẫm mùi sách vở.
Bạn nó lấy chồng, có con nên hết sức lo lắng cho bạn khi mãi chẳng thấy nó có động tĩnh gì, đến cả một mảnh tình cũng không. Cả nhà bạn nó mai mối đủ đường, bày đủ cách từ chuyện khuyên nó đi học các lớp kỹ năng để có cơ hội gặp người trong mộng. Thế nhưng nó chỉ cười trừ. Sức chịu đựng của con người có hạn, một hôm xấu trời nọ, nó dội thẳng nước lạnh vào mặt bạn: “Tao sẽ không lấy chồng. Sau này gặp người nào cảm thấy ưng thì ngủ với nhau là được. Quan trọng gì chuyện cưới xin”. Thế là con bạn im bặt, cạch mặt luôn.
Nó nghĩ có gì đâu mà mọi người cứ làm quá. Lấy chồng sinh con, thực tế vẫn là do con người tự định ra, không lý nào con người không thể đi chệch đường ray. Có thể mọi người sẽ nói ra nói vào vì quan niệm hôn nhân của nó nhưng đời người ngắn ngủi, cứ sống theo ý mình. Đâu phải kết hôn là đáp án vững bền, “màu hồng” cho những ai đến tuổi trưởng thành. Nó sẽ cưới khi gặp người thích hợp, nhược bằng không có thì sao phải cực thân nê vào người thêm nỗi khổ ải. Kết hôn không phải là thứ cứ phải làm cho bằng chị bằng em.
Nó thật không hiểu nổi suy nghĩ của những đứa nhỏ hơn chừng hơn 5 tuổi thôi, chúng nó lấy nhau rần rần và cũng ly dị ầm ầm. Có đứa còn trẻ lắm, chừng 22-23 tuổi thôi, kể về chuyện ra tòa ly dị: “Mới đầu ngồi nhà nghĩ thấy cũng sợ nhưng tới đó thấy người ta ngồi ê hề, em thấy bình thường. Chị cứ nói chuyện em đã ly dị đi, em không ngại gì đâu”. Thời nay, chuyện cưới xin cứ như ra chợ mua một cái áo, ngỡ lấp la lấp lánh song khi tròng vào mới thấy ngưa ngứa, khó chịu, cứ thế tuồn tuột nó ra. Vậy thì việc nó không lấy chồng, làm tình với người nó thích (có thể chỉ trong một thời gian ngắn) thì nào phải chuyện kinh thiên động địa gì!
Theo NLĐ
Quán đợi
Chồng mất, nhà còn hai mẹ con côi cút. Vốn liếng anh để lại chẳng nhiều, vườn tược lại chẳng có, mẹ con chị không biết bám vào đâu mà sống. Chị suy nghĩ lung lắm mới quyết định mở quán tạp hóa nhỏ, bày thêm vài bàn giải khát.
Thấy chị lục đục xây quán ngay trước nhà, thiên hạ xì xào "Chồng nằm xuống, mồ còn chưa xanh cỏ mà đã xây cất quán sá đòi chường mặt ra đường làm con buôn". Chị nghe mãi chỉ biết chậc lưỡi "thôi kệ!". Miệng lưỡi thiên hạ không quan trọng bằng miếng cơm manh áo của con chị.
Quán nằm ngay ngã ba, người xe qua lại đông đúc, kẻ vào mua hàng tạp hoá, người ghé làm ly nước giải khát,chị chắt bóp tằn tiện cũng đủ đồng ra, đồng vào. Ngày tháng cứ thế trôi êm đềm cho đến một ngày lòng chị nổi bão giông khi người cũ trở về.
Anh đi lao động nước ngoài hơn chục năm giờ mới hồi hương an cư lập nghiệp. Ngày trước anh với chị từng thề non hẹn biển nhưng đợi hoài đợi mãi anh vẫn biệt vô tăm tích, chị cất bước đi lấy chồng. Từ lúc về, hôm nào anh cũng ra quán nước của chị ngồi từ sáng đến trưa. Anh râm ran kể về cuộc sống kham khổ ở xứ người, về những vận may đã giúp anh kiếm chác được ít nhiều. Anh tỉ tê rằng từ đấy đến giờ vẫn luôn nhớ tình cũ, anh ao ước một ngày hai người về chung một mái nhà.
Chị chưa kịp mở lòng đón lại tình xưa thì đã bị dội gáo nước lạnh tê tái. Dân làng đồn ầm chuyện anh trồng cây si ở nhà chị. Người nguýt lườm trách chị chịu tang chồng chưa đầy 2 năm đã tơ tưởng bồ bịch, kẻ ganh ghét ra mặt "Trai tân lại thích gái nạ dòng!". Thói đời ăn ở bạc, lúc mẹ con chị chật vật mưu sinh chẳng ai hỏi han đoái hoài, khi anh xuất hiện, thiên hạ lại trở chứng "quan tâm" quá đà.
Con trai đi học về ùa vào lòng chị khóc nức nở. Đứa trẻ lên 7 mếu máo hỏi "Mẹ sắp bỏ con đi lấy chồng à, các bạn bảo con là đứa lạc loài...". Chị không nói nên lời, chỉ biết uất hận số phận mình đa đoan. Từ đấy, chị tránh mặt anh hẳn. Anh đến chị đuổi như đuổi tà, anh lững thững quay về, chị nhốt mình một góc, khóc như ri. Rồi chị cũng cất được mối tình đầu, anh lại bỏ xứ đi xa, chị không một lần dám ngoái nhìn lại những chuyện xưa cũ. Quán nhỏ từ đó trống huơ trống hoắc.
Con trai chị giờ đã nên người, nó xin được học bổng sang trời Tây du học. Nó đi miết, hai năm mới về thăm nhà một lần. Thấy mẹ lầm lũi một mình nơi quán nhỏ giữa đường đông, nó bảo mẹ tìm cho nó một ông bố dượng. Mẹ nó cười lẩn thẩn "ngần này tuổi rồi biết tìm ai, đợi ai?"
Cữ đấy có mấy người làm dự án cầu đường thường ghé quán chị uống nước. Hay đến nhất là người chủ thầu tóc đã phong sương hai màu, người ốm nhom ốm nhách. Lâu dần thành quen, họ nói chuyện hợp rơ. Gặp bữa cơm, chị mời anh ở lại ăn chung. Thằng con chị thấy mẹ có bạn hàn huyên sớm tối thì khấp khởi mừng thầm. Trước khi bay nó còn nửa thật nửa đùa hai người làm đám cưới thì nhất quyết nó sẽ về.
Xây xong cầu, anh cũng đi, anh hứa hẹn lên thị trấn thu xếp công chuyện xong sẽ trở lại tìm chị, hai người tổ chức vài mâm rồi về ở với nhau. Lâu rồi chị mới có lại cảm giác xốn xang, hạnh phúc, chị không ngờ đời mình cuối cùng cũng có một chỗ dựa lúc tuổi già sắp ập đến. Rồi chị ngồi đợi, ngày cứ qua.
Cả năm liền không thấy anh quay lại, chị cố liên lạc nhưng vô ích. Tin tức cuối cùng về anh chị nghe được là từ miệng bà vợ. Vợ anh đến trút lên chị những lời đay nghiến cay độc. Chị bật khóc tủi nhục, thương phận mình ngốc dại, dám thương một kẻ qua đường, dám tin những lời đường mật rằng anh đã li dị, rằng anh cô đơn, khổ cực. Cuối cùng cũng chỉ có quán tạp hóa nhỏ là chung thủy với chị. Bao năm rồi chỉ mình nó hiểu những đợi chờ.
Theo VNE
Học cách hòa thuận với mẹ chồng Không ít chị em trong các cuộc chuyện trò bà "tám" thường ca thán mình chẳng hợp mẹ chồng, thậm chí còn có mối quan hệ căng thẳng. Cuộc sống của họ hiển nhiên đang có vấn đề, song không phải ai cũng nhìn ra rằng, vấn đề, rất có thể, xuất phát từ phía họ. Điều đầu tiên bạn nên nhớ, bạn...