Nếu chưa làm được những điều này, vậy đừng vội vàng kết hôn
Hôn nhân vốn là một lựa chọn mà bạn không thể lấy đạo lý ra để áp đặt. Một khi bạn đã lựa chọn kết hôn, vậy bạn bắt buộc phải từ bỏ một phần tự do lúc còn độc thân để gánh vác trách nhiệm cùng gia đình.
Tôi có một cô bạn thân. Nó mới cưới anh bạn trai 5 năm của nó cách đây không lâu. Đợt đó tôi cũng bận nên bẵng đi nửa năm sau mới hẹn được nó đi ăn. Gặp nó, câu đầu tiên tôi hỏi là cuộc sống sau khi lấy chồng của nó thế nào.
Câu hỏi của tôi hoàn toàn theo lẽ thường tình thôi. Vì tôi cũng như những người chưa kết hôn khác, mấy chuyện độc thân yêu đương còn có thể hiểu chứ hôn nhân là thế nào, cuộc sống hôn nhân rốt cuộc ra sao thì chúng tôi chịu, không hiểu cũng không tưởng tượng nổi.
Cô bạn trả lời tôi: “Chẳng có gì đặc biệt đâu mày, bọn tao yêu nhau 5 năm rồi, có khác gì vợ chồng đâu.”
Tôi lại hỏi: “Thế lấy nhau về mà lại chẳng có chút thay đổi gì so với lúc yêu đương à?”
Nó ngẫm nghĩ một hồi rồi đáp: “Có chứ, dù lúc yêu hai người như thế nào thì sau khi kết hôn rồi cũng sẽ có thay đổi, vì hôn nhân khiến mày mất đi một phần tự do mà, haha.”
Tôi gật gù, à thì ra là vậy.
01
Hiện tại, rất nhiều người bằng lòng dùng tờ giấy “đăng kí kết hôn” để trói 2 con người lại với nhau, với hàm ý hy vọng đổi sự tự do của mình lấy một cuộc sống hôn nhân ổn định và an toàn. Nếu bạn chưa chuẩn bị tốt, chưa tình nguyện từ bỏ cuộc sống độc thân đầy tự do của mình, vậy đừng vội vàng kết hôn. Vì một khi bạn lựa chọn hôn nhân đồng nghĩa với việc bạn nhất định phải từ bỏ một vài thứ.
Dạo trước tôi có đọc được một confession trên mạng kể về chuyện một cặp vợ chồng trẻ lấy nhau không lâu đã có em bé. Cô vợ trong thời gian mang thai vẫn đi làm bình thường, về đến nhà còn phải nấu ăn, dọn dẹp… Trong khi đó, lịch sinh hoạt, nghỉ ngơi của người chồng thì không có gì thay đổi. Sau khi tan làm, anh chồng vẫn đi liên hoan với đồng nghiệp, cuối tuần thì đi bia bọt với hội bạn thân, được ngày ở nhà cũng sẽ ngủ nướng đến trưa, tỉnh giấc lại ngồi lì trước máy tính chơi game.
Việc nhà chẳng liên quan gì đến anh ta, cảm xúc của vợ chẳng liên quan gì đến anh ta, nỗ lực vun vén gia đình, giải quyết các vấn đề thường nhật cũng chẳng liên quan gì đến anh ta hết. Anh ta cứ an tâm làm vị trí như ông chủ trong nhà, chờ mấy tháng nữa thì tận hưởng niềm hạnh phúc được làm bố.
Video đang HOT
Cô vợ đăng confession trách móc chồng vô tâm, về phần anh chồng lại cảm thấy mình bị mắng oan. Anh ta cho biết mình không hiểu vì sao tiền kiếm được đều đưa cho vợ, không trăng hoa, không gái gú mà vợ mình vẫn cứ không hài lòng.
Tôi nhớ bên dưới có một bình luận rất hay thế này: “Anh có thể là một người đàn ông tốt, nhưng không phải một người đàn ông phù hợp với chuyện kết hôn.”
Hôn nhân vốn mang ý nghĩa cả hai cùng chịu trách nhiệm, cùng gánh vác, hơn nữa nó đòi hỏi bạn phải phân chia một nửa thời gian của cuộc đời mình cho gia đình, biến cuộc sống của một người trở thành tổ ấm của cả nhà.
Hôn nhân giống như bánh răng đang vận hành với các mối khớp, cần hai người cùng tham gia, cùng trưởng thành. Nếu một trong hai người chưa chuẩn bị tốt hoặc mất tập trung, cuộc hôn nhân sẽ không thể trở thành một thể kết hợp khăng khít được.
02
Tôi cũng có một cậu bạn thân khác. Chúng tôi quen nhau từ hồi cấp 2, tính đến giờ cũng phải hơn chục năm rồi. Từ lúc 12-13 tuổi, hai đứa đã rủ nhau cùng đi học, đi chơi game, lên đại học thì cứ dăm bữa nửa tháng lại đi chơi, đi karaoke, sinh nhật cậu ấy tôi lúc nào cũng thức đến 0h để gửi lời chúc, lúc tôi gặp khó khăn, cậu ấy cũng luôn là người đầu tiên nghĩ cách giúp đỡ.
Tôi tin rằng hai đứa sẽ mãi thân nhau như thế, dù bao năm trôi qua đi chăng nữa. Đầu năm nay cậu ấy lấy vợ, tôi đi phong bì dày cộp, còn xin nghỉ làm hẳn mấy ngày để về giúp cậu ấy trang trí phòng cưới.
Nhưng kể từ đó, hai đứa bỗng ít liên lạc với nhau hẳn đi. Lúc gặp vấn đề, tôi không còn gọi cho cậu ấy đầu tiên, thậm chí còn giả vờ quên sinh nhật của cậu ấy. Bởi vì tôi cho rằng bản thân nên giữ khoảng cách với một người đàn ông đã lập gia đình. Nếu đổi lại vị trí là tôi, tôi cũng không muốn chồng mình thân thiết quá mức với một người bạn khác giới, dù tình bạn ấy trong sáng đến cỡ nào. Tình bạn của chúng tôi không kết thúc, chỉ là chúng tôi đã thay đổi hình thức để chơi với nhau.
Nếu một người kết hôn rồi những vẫn không chịu thay đổi các cách thức xã giao, cách đối đãi với mối quan hệ, vẫn coi anh em mình là người quan trọng nhất, vẫn thân thiết quá mức với bạn bè khác giới, vẫn tót đi ngay mỗi khi bạn vừa gọi điện rủ rê, vậy người đó thực sự chưa nên kết hôn.
Rõ ràng là sau khi bạn kết hôn, các mối quan hệ xã giao của bạn đáng lý đều phải nằm sau sự ưu tiên mang tên hôn nhân và gia đình. Sự nhượng bộ này không có nghĩa là bạn phải cắt đứt hoàn toàn mối quan hệ, chỉ là bạn cần hiểu rằng, lúc bạn còn độc thân, bạn có thể sống chết cùng anh em bạn bè nhưng khi bạn kết hôn rồi, nửa kia của bạn mới là vị trí thứ nhất.
Bạn được tận hưởng sự ấm áp và yêu thương do gia đình, tổ ấm của bạn mang đến, bạn đương nhiên cũng cần báo đáp cho họ bằng sự yêu thương và nỗ lực tương đương chứ.
03
Hôn nhân vốn là một lựa chọn mà bạn không thể lấy đạo lý ra để áp đặt. Một khi bạn đã lựa chọn kết hôn, vậy bạn bắt buộc phải từ bỏ một phần tự do lúc còn độc thân để gánh vác trách nhiệm cùng gia đình.
Tôi từng đọc được câu hỏi: “Kết hôn có gì tốt?”
Có người đáp: “Trong xã hội và thời đại hiện tại, mọi người ai cũng là cá thể độc lập không cần dựa dẫm vào ai, ai cũng có thể tự nuôi sống mình và không cần đến cái gọi là hôn nhân để thay đổi số phận.
Thế nhưng tôi vẫn muốn kết hôn, tôi hy vọng trong đường đời dài rộng có người nắm lấy tay tôi, cùng tôi vượt qua nắng mưa gió bão. Tôi muốn được cảm nhận cảm giác có người ngày ngày ngồi bên mâm cơm nóng cùng mình. Tôi muốn có một bé con ra đời, vừa giống tôi lại vừa giống người ấy. Tôi mơ cảnh đến lúc cả hai chúng tôi già đi, không thể làm được việc gì, bạn bè cũng chẳng có mấy người thì bên cạnh tôi vẫn có người ấy, lúc ngủ thiêm thiếp còn nghe được tiếng lẩm bẩm quen thuộc của người ấy bên tai, lâu lâu vẫn là những trận cãi vã vụn vặt.”
Ý nghĩa của hôn nhân chính là ở bên và chia sẻ một cách dài lâu, là ủng hộ và giúp đỡ. Người đó sẽ bên bạn cả cuộc đời, người đó không phải bố mẹ bạn, không phải con cái bạn, cũng không phải bạn bè bạn, người đó chỉ là nửa kia của bạn mà thôi.
Giục về thăm bố ốm liền bị chồng quát: "Ông ốm tí chứ đã 'đi' ngay đâu", cô vợ quyết liệt vùng lên và hiệu quả không ngờ
Ngân kể, những lời nói vô tình đó của Trung đã đẩy mọi nhẫn nhịn trong cô lên tới đỉnh điểm. Không thể làm chấp nhận được sự vô tâm của anh, Ngân đỏ mặt nhìn thẳng mặt chồng, lớn tiếng...
Ngẫm câu "Ghét của nào trời trao của ấy" thật đúng với hoàn của của Ngân. Thời con gái chưa lấy chồng, mỗi lần nghe bạn bè đồng nghiệp than thở khổ vì lấy phải chồng gia trưởng, vô tâm, Ngân lại ngán ngẩm lắc đầu bảo sau này lấy ai cô cũng phải tìm hiểu cho thật kỹ để tránh. Vậy nhưng nói trước bước chẳng qua, lựa lên lựa xuống cuối cùng cô lại lấy ngay được anh chồng gia trưởng không ai bằng.
Ngân kể, ngày yêu, Trung luôn tỏ ra tâm lý, quan tâm bạn gái hết mực. Mỗi lần tới chỗ bạn gái chơi là xắn tay vào dọn dẹp, nấu nướng cho Ngân. Rồi ngày lễ, kỷ niệm chưa bao giờ Trung quên tặng hoa, quà cho cô. 3 năm hẹn hò, Trung thể hiện cho Ngân thấy anh thật sự đúng là chuẩn mẫu đàn ông cô đang tìm. Vậy mà sau khi kết hôn, Trung như biến thành con người khác khiến Ngân sốc hết lần này tới lần khác.
Chẳng là lúc yêu, Ngân đã mặc cả với Trung là sau cưới, hai người sẽ mua nhà ở riêng. Trung đã đồng ý, vậy mà kết hôn rồi, anh quay ngoắt 180 độ. Ngân nhắc chuyện ở riêng, Trung quát: "Em buồn cười, sao cứ động mở miệng là lại đòi ra ở riêng. Nhà bố mẹ rộng rãi như thế này, việc gì phải đi đâu sống cho khổ. Chẳng chỗ nào tốt bằng sống cùng với bố mẹ".
Ngân tâm sự, nghe chồng nói mà cô "ngã ngửa" cảm giác như bị anh lừa. Càng về sau, cô càng thêm thất vọng về thái độ và cách sống của chồng. Chuyện nhà cửa bếp núc, một mình Ngân lo liệu. Trung hết giờ làm là vác vợt ra sân chơi đánh tenis tới nửa đêm mới về. Lúc chưa có con cũng như lúc làm bố rồi anh vẫn không thay đổi. Con ốm con đau, nhiều khi Trung còn không biết.
Vợ mà than thở thì anh cau mày: "Chuyện con cái nhà cửa là của đàn bà. Đẻ ra được, chăm được. Việc của anh là lo kinh tế. Hàng tháng đưa đủ tiền cho em ăn tiêu không phải suy nghĩ, em còn đòi hỏi gì nữa".
Nghe chồng nói, Ngân hẫng hụt thất vọng vô cùng nhưng nói nhiều vợ chồng lại cãi vã to tiếng mà Trung thì vẫn đâu đóng đấy chẳng chịu thay đổi. Nhiều khi cô thở dài nghĩ, thôi thì đã đâm lao phải theo lao, trời không chịu đất, đất đành chịu trời. Vì con, cô đành gắng nhẫn nhịn.
Song cuối tuần vừa rồi, bố Ngân bị cảm giữa đêm phải vào viện cấp cứu. Cũng may không sao, sáng ra mẹ Ngân mới gọi điện thông báo cho con gái con rể. Nghe tin, Ngân cuống cuồng cho con ăn rồi giục chồng thu xếp chở về thăm bố xem tình hình cụ thể thế nào. Ai ngờ trái ngược lại vẻ sốt sắng, cuống quýt của vợ, Trung thờ ơ như không lại còn bảo: "Sáng anh hẹn bạn đánh mấy ván tennis, đặt sân rồi. Không bỏ được. Để chiều anh về rồi sang thăm bố".
Nhìn chồng, Ngân tức lộn ruột. Bực mình, cô nói lại: "Anh buồn cười, bố vợ ốm mà anh cứ coi như không là sao. Chẳng lẽ mấy ván tennis của anh nó quan trọng tới thế".
Ai ngờ, cô vừa dứt câu, Trung đã trợn mắt quát vợ: "Cô làm cái gì mà cứ cuống lên. Ông ốm tí chứ đã 'đi' ngay đâu. Tôi đã nói chiều về thăm là chiều về".
Ngân kể, những lời nói vô tình đó của Trung đã đẩy mọi nhẫn nhịn trong cô lên tới đỉnh điểm. Không thể làm chấp nhận được sự vô tâm của anh, Ngân đỏ mặt nhìn thẳng mặt chồng, lớn tiếng: "Được, anh thích cứ đi mà đánh tenis với bạn, khỏi phải qua thăm bố tôi làm gì nữa. Nhà tôi không cần thứ con rể bạc tình bạc nghĩa như anh.
Tôi lấy chồng là mong có người cùng tôi san sẻ những đắng cay ngọt bùi trong cuộc sống, cùng tôi chăm lo cho bố mẹ hai bên chứ không phải cưới 1 'ông giời'. Anh sống sao sẽ hưởng vậy, sau này đừng có trách tôi sống lỗi đó".
Sau màn vùng lên, Ngân bế con ra ngõ bắt taxi đi thẳng về thăm bố, mặc Trung đứng ú ớ không cất lên lời vì sốc trước thái độ của vợ. Song Ngân về ngoại được 1 lúc thì anh cũng lò dò xách giỏ hoa quả tới thăm bố vợ. Ngân nhìn vậy cũng không nói gì.
Hôm ấy cô ở lại chăm bố, Trung về nhà đưa con lớn đi học. Tới đêm anh mới nhắn tin xin lỗi với vợ. Ngân kể, đấy là lần đầu tiên Trung biết nhận mình sai. Sau chuyện lần đó, anh cũng bắt đầu thay đổi, không gia trưởng, vô tâm như trước nữa.
Theo Nhịp Sống Việt
Chồng thất nghiệp, vợ đi làm: Nhà hết gạo, vợ nhịn đói đến công ty, rồi bật khóc trước lá thư chồng để lại Xưa nay trong hôn nhân, chồng thường là người ra ngoài kiếm tiền, vợ ở nhà đảm đương việc nhà cửa. Tuy nhiên, cặp vợ chồng sau lại khác. Chồng thất nghiệp, vợ đi làm. Một ngày nhà hết gạo, vợ nhịn đói đến công ty, để rồi bật khóc trước lá thư chồng để lại. Chồng thất nghiệp, vợ đi nhịn đói...